Xếp hàng để ly hôn
Theo What’s on Weibo, ngay vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng dài người xếp hàng tại Cục Dân chính ở một số nơi trên khắp Trung Quốc. Điển hình, tại tỉnh Giang Tây, nhiều cặp đôi xếp hàng tràn cả ra ngoài cửa, thậm chí đợi ở bên ngoài. Các văn phòng địa phương ở tỉnh An Huy, tỉnh Hà Nam… cũng trong tình trạng tương tự.
Từ chia sẻ của người quay video, nguyên nhân của những hàng dài này không phải tới để đăng ký kết hôn, mà đang chờ làm thủ tục ly hôn.
Đồng thời, các tài khoản truyền thông khác như Toutiao News, Vista và Phoenix News đều đăng tải hình ảnh người xếp hàng dài đợi nộp đơn ly hôn vào ngày 29/1. Hầu hết đều thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng.
Một số người đặt ra câu hỏi, liệu việc nhiều người đi làm thủ tục ly hôn như vậy có liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, cùng với sự bùng phát của COVID-19 trong những tuần qua hay không, khi một số cặp vợ chồng phát hiện bạn đời không mấy cảm thông lúc họ bị ốm.
Đáng chú ý, xu hướng ly hôn sau Tết Nguyên đán không còn là chuyện lạ tại Trung Quốc trong nhiều năm vừa qua. “Đến dịp lại lên”, vấn đề này từng được thảo luận rất gay gắt trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội quốc gia này.
Ở các nước phương Tây, có một thực tế là tỷ lệ ly hôn tăng sau lễ Giáng sinh và thứ Hai sau kỳ nghỉ Giáng sinh còn được coi là “ngày ly hôn”. Một số nguồn tin cho rằng, nguyên nhân thường là do nảy sinh các cuộc cãi vã trong dịp Giáng sinh và áp lực tài chính trong mùa lễ hội.
Vì sao giới trẻ ngày nay dễ ly hôn?
Ở phương Đông, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng không quá khác biệt. Đặc biệt, những cuộc họp mặt gia đình, họ hàng, bạn bè, người quen diễn ra liên tục. Vợ chồng đối mặt với nhau 24/24, hầu như không có không gian và thời gian riêng tư. Khi những chuyện vụn vặt xảy ra, họ không ngừng tranh chấp, rồi chỉ một lỗi lầm nhỏ cũng có thể trở thành “giọt nước tràn ly”, khiến vợ chồng đi đến quyết định “đường ai nấy đi”.
“Kỳ nghỉ lễ mùa xuân giống như một ‘bãi mìn’ hôn nhân lớn. Bạn về nhà không chỉ đơn thuần là đoàn tụ với những người thân thiết mà còn có nhiều thử nghiệm khác nhau về quan hệ con người và phép xã giao. Một phút bất cẩn có thể khiến vợ chồng xung đột, dẫn đến cãi vã, thậm chí ly hôn. Hôn nhân có tốt hay không, bạn sẽ biết sau kỳ nghỉ lễ. Không phải tự nhiên mà sau Tết lại có những làn sóng ly hôn như vậy”, một người bày tỏ ý kiến.
Một số người khác cũng tỏ ra đồng cảm với những người đứng xếp hàng: “Mừng năm mới có thể gây ra căng thẳng và xung đột trong nhiều gia đình. Mùa ly hôn đã bắt đầu”.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tăng cao trông thấy, nhất là trong những giai đoạn bị phong tỏa. Lấy ví dụ, 4,7 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn trong năm 2019, trong khi con số này vào năm 2003 chỉ là 1,3 triệu cặp.
Nguyên nhân được cho là các căng thẳng tinh thần và khó khăn tài chính đã góp phần tạo nên làn sóng ly hôn gần đây.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn không ngừng tăng lên, trong khi tỷ lệ kết hôn đang có xu hướng đi xuống trong giai đoạn 2006 – 2016 (Ảnh: South China Morning Post)
Hồi tháng 12/2022, bài viết trên một blog tiếng Trung dự đoán rằng sẽ có nhiều người đệ đơn ly hôn sau tết Nguyên đán vì kỳ nghỉ lễ kết thúc đúng vào thời điểm chấm dứt đợt cao điểm COVID-19. Trong thời gian dịch bệnh, cách ly xã hội, các cặp đôi dễ bực bội với nhau và tình yêu của họ bị thử thách.
Tới đầu tháng 1/2023, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin, 3 năm sau khi đại dịch bùng phát, các thành phố đã chứng kiến “làn sóng ly hôn”.
Ông Zhou Qiang – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho rằng, khoảng thời gian bảy năm mặn nồng cho một cuộc hôn nhân nay đã rút ngắn còn ba năm. Trong một bài phát biểu của mình, ông cũng tiết lộ có đến 74% số vụ ly hôn ở nước này được trình lên bởi nữ giới.
Có thể thấy, kinh tế phát triển và những cuộc sống, tư tưởng hiện đại đã khiến nữ giới mỗi ngày có yêu cầu cao hơn về bình đẳng giới tính và cả trong hôn nhân. Khi độc lập về tài chính, họ muốn tự quyết định cuộc đời mình, và dễ dàng có quyết định chấm dứt mối hôn nhân nếu không đồng ý với một người chồng không như ý.
Chia sẻ với SCMP, Ran Keping – giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán – chia sẻ lo ngại về tình trạng này: “Mặc dù ly hôn là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng tỷ lệ ly hôn cao sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước”.
Tỷ lệ ly hôn gia tăng hẳn đã khiến các nhà chức trách đất nước tỷ dân phải trăn trở.
Năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã chỉ thị các thẩm phán phải cân bằng giữa việc “thực thi ý muốn của người dân” và “giữ gìn gia đình ổn định”.
Năm 2018, các tòa án địa phương đã đưa ra một số biện pháp nhằm thay đổi quyết định ly hôn của các cặp đôi như cho thời gian cân nhắc, cung cấp liệu trình tư vấn miễn phí, thậm chí là bộ câu hỏi nhằm làm họ nản lòng. Nhiều đơn đề nghị ly hôn bị phủ quyết.
Năm 2020, tiếp tục có các quy định mới được đưa ra, yêu cầu các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua 30 ngày “hạ nhiệt”, để xem xét lại mối quan hệ và phải nộp đơn ly hôn lần thứ hai.
Dù vậy, chứng kiến tình trạng hiện nay, cộng đồng cho rằng khoảng thời gian “suy nghĩ lại” được luật pháp đưa ra nhằm cho phép các cặp vợ chồng có thời gian 1 tháng để suy nghĩ và rút lại quyết định ly hôn dường như không có nhiều tác dụng.
Zhong Wen – một luật sư ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên cho biết, ông đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khách hàng – đa phần bày tỏ sự lo ngại luật mới làm phức tạp thêm các thủ tục ly hôn của họ và ảnh hưởng đến quyền tự do chia tay của vợ chồng. Điều luật mới này quy định, nếu một bên rút khỏi thỏa thuận ly hôn trước 30 ngày, đơn đó sẽ bị hủy bỏ, bên kia phải nộp đơn lại và bắt đầu chờ đợi tiếp 30 ngày, hoặc khởi kiện ly hôn – một quá trình rất tốn kém và kéo dài.
Zhong gợi ý, các cặp vợ chồng có thể tránh được sự chậm trễ trong việc giải quyết ly hôn bằng cách nộp đơn xin hòa giải thay vì đệ đơn ly hôn. Trong hòa giải, nếu hai bên đạt được thỏa thuận ly hôn, tòa án sẽ ban hành một văn bản có giá trị tương tự như quyết định ly hôn.
Nguồn: Weibo, Toutiao News