spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Hồng Kông phát lệnh bắt giữ 8 nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài

Tân Thế Kỷ – The Epoch Times đưa tin, cảnh sát Hồng Kông đã treo thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 127.650 USD) cho người cung cấp thông tin về 8 nhà bất đồng chính kiến ​​hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, Anh và Úc.

 Hồng Kông phát lệnh bắt giữ 8 nhà bấ đồng chính kiến ở nước ngoài
Hình ảnh của 8 nhà hoạt động bị phát lệnh bắt giữ được trưng bày trong cuộc họp báo ở Hồng Kông vào ngày 3 tháng 7 năm 2023. Ảnh: Joyce Zhou/Reuters

Vào ngày 3/7, Cục An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã ban hành lệnh bắt giữ 8 cá nhân với cáo buộc họ đã vi phạm Luật an ninh quốc gia nghiêm trọng, bao gồm “kích động ly khai, lật đổ, xúi giục lật đổ và thông đồng với nước ngoài”.

Đồng thời, các thông báo cũng cáo buộc các nhà hoạt động đã yêu cầu các cường quốc nước ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hồng Kông và Trung Quốc.

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được cơ quan lập pháp Bắc Kinh đóng dấu thông qua vào năm 2020. Luật này đã nhận được nhiều lời chỉ trích vì làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai chế độ” lâu đời nhằm đảm bảo luật pháp kiểu Anh đối với Hồng Kông.

Người phát ngôn của cảnh sát Hồng Kông tuyên bố Luật An ninh Quốc gia đã trao cho chính quyền Hồng Kông quyền truy bắt các cá nhân ở bên ngoài thành phố.

Trong khi đó, Steve Li (Li Kwai-wah), tổng giám đốc của Cảnh sát Hồng Kông, cho biết chính quyền sẽ “không ngừng truy đuổi” những người bất đồng chính kiến.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết, các bị cáo trong lần truy bắt này bao gồm nhà hoạt động Nathan Law, Anna Kwok và Finn Lau, cựu nhà lập pháp Dennis Kwok và Ted Hui, luật sư và học giả pháp lý Kevin Yam, thành viên công đoàn Mung Siu-tat, và nhà bình luận trực tuyến Yuan Gong-yi.

Ngoài ra, phía cảnh sát thông báo rằng – tài sản của những bị cáo sẽ bị đóng băng nếu có thể và cảnh báo công chúng không được hỗ trợ tài chính cho họ.

Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã lên án động thái này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố : “Việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia ngoài lãnh thổ (Hồng Kông)  do Bắc Kinh áp đặt là một tiền lệ nguy hiểm đe dọa nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân trên toàn thế giới”.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hong Kong ngay lập tức rút khoản tiền thưởng này, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và ngừng khẳng định ảnh hưởng quốc tế của Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt” – ông nói thêm.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia của (Trung Quốc) vốn đang làm suy yếu nhân quyền.”

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng chỉ trích quyết định ban hành lệnh bắt giữ và cho biết chính phủ của ông “sẽ không tha thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa và bịt miệng các cá nhân ở Anh và nước ngoài”.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết chính phủ của bà đã “thất vọng sâu sắc”. Bà tuyên bố Úc đã liên tục bày tỏ lo ngại về việc áp dụng rộng rãi Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cho rằng luật này đang được sử dụng để đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông và làm suy yếu các quyền và tự do được đảm bảo theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ” – vốn đã được thống nhất khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

BN 3 jpeg 7

Phản ứng của các nhà bất đồng chính kiến 

Một trong những người có tên trong danh sách bị truy bắt – Nathan Law đã cáo buộc chính quyền Hồng Kông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bẻ cong pháp quyền để phù hợp với mục đích riêng của họ.

Anh viết trên Twitter : “Những cáo buộc này là những ví dụ kinh điển về việc lạm dụng khái niệm ‘an ninh quốc gia’, đồng thời đẩy định nghĩa của nó đến mức cực đoan để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến”.

“Ở các nước văn minh, quyền vận động chính trị ôn hòa cần được bảo vệ. Đó là điều mà tất cả những người ‘bị truy nã’ đều làm. Tôi kêu gọi Cục An ninh Quốc gia phải đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về việc tôi bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài”.

“Tôi chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ nước ngoài, tôi cũng không làm việc cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Tôi không chấp nhận bất kỳ mệnh lệnh hay lệnh truy tố nào. Nếu gặp gỡ các chính trị gia nước ngoài, hay tham dự hội thảo và điều trần là ‘thông đồng với lực lượng nước ngoài’, thì rất nhiều quan chức Hồng Kông sẽ gặp rắc rối pháp lý”.

Ngoài ra, Anna Kwok – giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, nói với Reuters từ Washington rằng cô sẽ không lùi bước.

“Một điều quan trọng mà tôi đang thúc giục Tổng thống Biden làm ngay lập tức – là nói “KHÔNG” một cách mạnh mẽ và kiên quyết với việc (giám đốc điều hành Hồng Kông) John Lee có thể đến Hoa Kỳ để tham dự cuộc họp APEC vào tháng 11 này tại San Francisco” – cô Kwok viết.

Cô nói thêm: “Ông ta chính là người đã dàn dựng cuộc đàn áp xuyên quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng”.

Một người khác là Ted Hui – cựu chính trị gia Hồng Kông sống tại Úc, cho biết lệnh truy bắt mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến trạng thái hay vấn đề an toàn cá nhân của anh, vì anh cũng đang phải chịu nhiều lệnh bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia.

“Tôi nghĩ khoản tiền thưởng thật lố bịch và buồn cười” – anh ấy nói với The Epoch Times qua email. “Các quốc gia tự do sẽ không dẫn độ chúng tôi vì lý do đó. Nó chỉ cho thấy ĐCSTQ đã bất lực như thế nào trước cộng đồng người Hồng Kông hải ngoại – những người ủng hộ tự do và dân chủ.”

Anh cho biết động thái mới nhất cho thấy cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với cộng đồng người Hồng Kông ở nước ngoài đang đạt đến một tầm cao mới.

“Điều đó làm cho các nền dân chủ phương Tây thấy rõ hơn việc Trung Quốc đang hướng tới chủ nghĩa độc tài cực đoan hơn và sẽ gây ra nhiều mối đe dọa hơn cho thế giới”.

Hoàng Dung (t/h)

Theo Reuters, The Epoch Times

Xem Thêm:

Luật chống gián điệp mới của Trung Quốc gây lo ngại cho các công ty nước ngoài

Quần áo ‘Made in China’ đầu độc thế giới theo nhiều cách khác nhau

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều