spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Iraq trục xuất đại sứ Thụy Điển vì sự kiện đốt kinh Koran

Tân Thế Kỷ – Hôm thứ Năm (20/7), Iraq đã trục xuất đại sứ Thụy Điển để phản đối kế hoạch đốt kinh Koran của những người chống Hồi giáo ở thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển.

Iraq trục xuất đại sứ Thụy Điển vì sự kiện đốt kinh Koran

Cảnh sát ở Thụy Điển đã chấp thuận yêu cầu của những người biểu tình đốt kinh Koran bên ngoài đại sự quán Iraq hôm thứ Năm. Ảnh: AFP

Một tuyên bố của chính phủ Iraq cho biết Baghdad cũng đã triệu hồi các đại biện lâm thời của mình tại Thụy Điển, và hãng thông tấn nhà nước của Iraq đưa tin rằng Iraq đã đình chỉ giấy phép làm việc của công ty Ericsson của Thụy Điển trên đất Iraq.

Những người biểu tình chống Hồi giáo, một trong số họ là người Iraq nhập cư đến Thụy Điển – đã nộp đơn và được cảnh sát Thụy Điển cho phép đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Iraq hôm thứ Năm. Trước đó vào tháng 6, những người này cũng đã đốt kinh Koran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm.

Sự kiện này khiến hàng trăm người biểu tình theo đạo Hồi ở Iraq xông vào cổng chính của đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad của Iraq và đốt phá để phản đối.

Sau đó Lực lượng an ninh Iraq đã được huy động để giải tán những người biểu tình. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết các nhân viên tại đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad vẫn an toàn, nhưng ông cáo buộc chính quyền Iraq đã thất bại trong trách nhiệm bảo vệ đại sứ quán.

Cuối ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ Thụy Điển tại Tehran để “phản đối mạnh mẽ việc xúc phạm thánh kinh Koran” – truyền thông nhà nước Iran đưa tin. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi các sự kiện ở Stockholm là “cuộc tấn công đê hèn”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển xác nhận việc đại sứ của họ đã được triệu tập do các sự kiện ở Stockholm, nhưng ông từ chối bình luận về những gì đã được thảo luận trong cuộc họp.

Người đứng đầu nhóm vũ trang hùng mạnh Hezbollah của Lebanon, Sayyed Hassan Nasrallah, đã kêu gọi các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo học theo Iraq trong việc trục xuất đại sứ Thụy Điển và rút đại sứ của họ khỏi Thụy Điển.

BN 1 jpeg 1

Chính phủ Iraq đã lên án vụ tấn công vào đại sứ quán Thuỵ Điển – theo một tuyên bố từ văn phòng của Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani, đồng thời tuyên bố đây là một hành vi vi phạm an ninh và cam kết bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao.

Tuy nhiên, Chính quyền Thụy Điển và Iraq đã trao đổi những lời lẽ gay gắt về các cuộc biểu tình.

Văn phòng thủ tướng Iraq cho biết: “Việc cấp phép (đốt kinh Koran) với lý do tự do ngôn luận được coi là hành động khiêu khích và trái với các công ước và chuẩn mực quốc tế vốn nhấn mạnh sự tôn trọng đối với các tôn giáo và tín ngưỡng”.

Quyết định triệu hồi các đại biện lâm thời của Iraq được đưa ra trong khi cuộc biểu tình ở Stockholm bắt đầu, nhưng trước khi những người biểu tình chống Hồi giáo rời đi mà không đốt kinh Koran.

Ngoại trưởng Billstrom cho biết vụ xông vào đại sứ quán Thuỵ Điển là “hoàn toàn không thể chấp nhận được và chính phủ Thuỵ Điển lên án mạnh mẽ những vụ tấn công này”. Ông nói: “Chính phủ đang liên lạc với các đại diện cấp cao của Iraq để bày tỏ sự thất vọng của chúng tôi”.

Liên minh châu Âu lặp lại lời lên án của Thụy Điển về vụ tấn công ở Iraq và nói rằng họ hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ “nhanh chóng bình thường trở lại”.

Về phía Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án vụ tấn công vào đại sứ quán và chỉ trích lực lượng an ninh Iraq vì đã không ngăn cản những người biểu tình xâm phạm cơ quan ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết : Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng quyền tự do hội họp ôn hòa là thiết yếu đối với nền dân chủ, nhưng hành động bạo lực này là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được.

“Các cơ quan đại diện nước ngoài không nên là mục tiêu của bạo lực. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Iraq tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình và bảo vệ tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở Iraq chống lại bất kỳ sự xâm nhập hoặc thiệt hại nào, theo yêu cầu của luật pháp quốc tế” – ông Miller nói.

Miguel Moratinos, đại diện cấp cao của Liên minh các nền văn minh của Liên hợp quốc (UNAOC), cho biết trong một tuyên bố – việc mạo phạm các sách tôn giáo thiêng liêng không phải là quyền tự do ngôn luận mà là biểu hiện của sự khinh thường và thù hận tôn giáo.

Đại diện cấp cao cũng lên án các hành động bạo lực và việc xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad ngày hôm nay – theo bản tuyên bố.

Ông nhắc lại, việc mạo phạm các sách tôn giáo và địa điểm tôn giáo thiêng liêng là một hành động khiêu khích và thiếu tôn trọng. Những hành vi như vậy thường dẫn đến tranh cãi và kích động bạo lực. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng bạo lực không bao giờ là một phản ứng thích hợp đối với các hành động khiêu khích – bản tuyên bố cho biết thêm.

Hoàng Dung (t/h)

Theo CNN, Reuters

Xem thêm:

Người biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm

Biden ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

 

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều