Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã xúc tiến mạnh mẽ kế hoạch hòa bình 10 điểm của mình khi tiến hành đưa ra thảo luận nó với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và những người khác. Đồng thời ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu dựa trên kế hoạch này.
Zelenskiy lần đầu tiên công bố kế hoạch của mình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm nay. Trong nội dung được công bố có 10 điểm chính.
Nội dung chính trong Kế hoạch 10 điểm của Zelenskiy
-
An toàn bức xạ và hạt nhân: tập trung khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia ở Ukraine, nhà máy này hiện do Nga chiếm đóng.
-
An ninh lương thực: bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.
-
An ninh năng lượng: tập trung vào hạn chế giá đối với các nguồn năng lượng của Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện, một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga.
-
Trả tự do cho tất cả tù nhân và những người bị cưỡng ép đưa đi, kể cả tù nhân chiến tranh và những trẻ em đã bị quân Nga tách rời cha mẹ và bắt đem về Nga.
-
Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga, khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nga phải tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong khuôn khổ các nghị quyết xác đáng của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các tài liệu quốc tế ràng buộc hiện hành. Tất cả những điều này là không phụ thuộc vào đàm phán.
-
Rút quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và chấm dứt chiến sự, khôi phục biên giới quốc gia Ukraine với Nga.
-
Công lý: bao gồm cả việc thành lập tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Nga.
-
Bảo vệ Môi trường tức thì: cần bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng rà phá bom mìn và khôi phục các công trình xử lý nước.
-
Ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian Châu Âu – Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.
-
Xác nhận kết thúc chiến tranh, gồm văn bản có chữ ký của các bên.
Phản ứng của các quốc gia về Kế hoạch hòa bình 10 điểm
Zelenskiy đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 ủng hộ ý tưởng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu vào mùa đông của ông, ý tưởng sẽ tập trung vào kế hoạch hòa bình “nói chung hoặc một số điểm cụ thể nói riêng”.
Nga đã từ chối đề xuất hòa bình của Zelenskiy trong tháng 12/2022 và Moscow đã nhắc lại vào thứ Ba rằng họ sẽ không từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào mà họ đã chiếm giữ bằng vũ lực, bao gồm 1/5 diện tích Ukraine mà họ đã sáp nhập trước đó.
Zelenskiy đã có một loạt các hoạt động ngoại giao khi trình bày kế hoạch của mình với các nhà lãnh đạo bao gồm Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia đang đảm nhận chức chủ tịch G20.
Sự hỗ trợ của các nước phương Tây dành cho quân đội Ukraine đã lên tới hàng tỷ đô la, dẫn đầu là Washington, và các quốc gia khác đã gấp rút giúp Kyiv rà phá bom mìn và sửa chữa cơ sở hạ tầng điện.
Nhưng phản ứng của các quốc gia khác đối với kế hoạch hòa bình của Zelenskiy và hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà ông đề xuất đã thận trọng hơn.
Trong chuyến thăm của Zelenskiy tới Washington vào ngày 22 tháng 12, Biden nói trong một bài phát biểu trước công chúng rằng ông và Zelenskiy “có chung tầm nhìn” về hòa bình và rằng Hoa Kỳ cam kết đảm bảo rằng Ukraine có thể tự bảo vệ mình.
Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết, sau khi Zelenskiy trình bày về kế hoạch, ông “nhắc lại mạnh mẽ” lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và truyền đạt sự ủng hộ của Ấn Độ đối với bất kỳ nỗ lực hòa bình nào.
Các nhà lãnh đạo G7 cho biết họ cam kết mang lại hòa bình cho Ukraine “phù hợp với quyền của nước này được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng cơ hội cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào sắp tới là rất nhỏ. Ông nói: “Tôi tin rằng cuộc đối đầu quân sự sẽ tiếp tục và tôi nghĩ chúng ta vẫn phải chờ đợi một thời điểm để các cuộc đàm phán nghiêm túc về hòa bình có thể diễn ra”.
Theo Reuters