Một bức tượng nghìn năm tuổi của một nhà sư ở đông nam Trung Quốc, bị đánh cắp vào năm 1995, đã được tìm thấy ở Hà Lan 20 năm sau đó. Quá trình trao trả bức tượng cho Trung Quốc bị kéo dài vì liên quan đến các vấn đề quốc tế.
Những người hành hương cầu nguyện trước một bức tượng Phật trong một buổi lễ đánh dấu ngày sinh của Đức Phật tại chùa Huayan vào ngày 05/05/2006 ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh Trung Quốc / Getty Images
Ngày 22/6, theo trang web chính thức của chính quyền huyện Đại Điền, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, cơ quan quản lý du lịch địa phương cho biết họ sẽ nỗ lực gấp đôi để lấy lại bức tượng từ một nhà sưu tập người phương Tây bằng mọi cách.
Bức tượng vô giá là của một nhà sư tên là Chương Công, tên thường gọi Chương Thất Tam, Pháp danh là Phổ Chiếu, sinh vào thời Bắc Tống (năm 960-1279), cách đây khoảng 1.000 năm. Ông là một thầy thuốc và được mọi người biết đến là một người từ bi.
Sau khi Chương Công quy y cửa Phật, ông tu hành với tín tâm mạnh mẽ và trở thành một nhà sư. Ông viên tịch ở tuổi 37, theo ước tính ông qua đời trong khoảng từ năm 1022 đến 1155.
Hình ảnh chụp CT cho thấy, cơ thể ướp xác của Chương Công ngồi bên trong bức tượng sơn mài bằng vàng, nhưng không có cơ quan nội tạng.
Người dân địa phương đã đúc Chương Công vào một bức tượng và tôn thờ ông như một đại sư, đặt trong Phổ Chiếu Đường (Puzhao Hall) ở làng Dương Xuân, tỉnh Phúc Kiến.
Nhưng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền, nhiều báu vật Phật giáo như vậy đã gần như bị phá hủy, hoặc bị đánh cắp và vận chuyển ra khỏi đất nước.
Cướp tài sản trong cuộc Cách mạng Văn hóa
Bà Lin Mingzhao, sống ở làng Dương Xuân, nói với tờ báo Trung Quốc The Paper vào ngày 13/12/2018, rằng ngôi làng đã thờ cúng và canh giữ bức tượng Phật thể của Chương Công trong hơn 1.000 năm.
Bà Lin nói: “Mọi thế hệ người dân làng Dương Xuân lớn lên cùng câu chuyện về Đại sư Chương Công”.
Dân làng đã theo đạo Phật từ xa xưa.
Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), một phong trào chính trị mà Mao Trạch Đông phát động để củng cố quyền cai trị của mình, tư tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán truyền thống của Trung Quốc bị xác định là “Tứ cựu” (4 cái cũ) và phải bị tiêu diệt tận gốc.
Các ngôi chùa, kinh sách và kho tàng Phật giáo cũng không là ngoại lệ trước cuộc tàn phá văn hóa này.
Một số người dân địa phương bắt đầu bảo vệ các kho báu của Phật giáo khỏi bị phá hủy và vì vậy bức tượng của Chương Công đã được cất giấu đi.
Vào một ngày mùa đông năm 1966, đội công tác “Tiêu diệt Tứ cựu” đóng tại làng Dương Xuân và yêu cầu dân làng bàn giao tượng Chương Công.
Để cất giấu bức tượng, dân làng đã di chuyển nó qua đêm và cất giấu hiện vật cao 1,2 mét (3,9 feet) và nặng 50 kg (110 pound) trong núi sâu.
Đội công tác tra tấn dân làng ép họ tiết lộ tung tích của bức tượng bằng cách bắt họ quỳ trên những viên gạch sứ vỡ.
Trong lúc tuyệt vọng, một số dân làng đã nghĩ ra một giải pháp: một vật thay thế. Có một bức tượng của một nhà sư khác là Trần Công, bên trong không có thi thể bất hoại, nhưng có một báu vật Phật giáo khác là xá lợi (sarira), một chất sáng bóng được tìm thấy trong tro của một nhà sư được hỏa táng.
Theo lời kể của một người dân địa phương, vào một đêm nọ, một người dân trong làng dẫn nhóm công tác đi tìm tượng của Chương Công, nhưng thực tế là đã “phát hiện” ra tượng của Trần Công. Để ngăn nhóm người nhận ra danh tính của bức tượng, người dân đã dùng một con dao để phá hủy khuôn mặt của bức tượng. Sau đó, dân làng cạy mở phần đáy, lấy xá lợi ra và ném nó vào bãi cỏ trong khi không ai nhìn tới.
Đội phá Tứ cựu đã đốt tượng Trần Công và phá hủy Phổ Chiếu Đường.
Sau đó, người dân làng lén quay lại và nhặt lại viên xá lợi.
Như vậy, tượng Chương Công đã sống sót sau một thảm họa phá hoại nghiêm trọng văn hóa truyền thống và đức tin của người Trung Quốc.
Sự biến mất bí ẩn
Năm 1993, người dân địa phương đã xây dựng lại Phổ Chiếu Đường để đặt lại bức tượng vàng của Chương Công.
Nhưng sau Cách mạng Văn hóa, ngày càng có nhiều người tìm cách kiếm tiền và không quan tâm nhiều đến những thứ truyền thống.
Vào ngày 15/12/1995, dân làng ngạc nhiên khi thấy bức tượng Chương Công đã biến mất, chỉ còn lại chiếc áo choàng và chiếc mũ mà Chương Công đã mặc. Những tên trộm đột nhập vào Phổ Chiếu Đường bằng cách đào hầm qua một bức tường bên cạnh.
Mặc dù dân làng đã gọi cảnh sát và tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm thấy bức tượng.
Kho báu Phật giáo ngàn năm tuổi đã biến mất một cách bí ẩn không dấu vết.
Trộm cắp các hiện vật văn hóa vào những năm 1990 xuất hiện tràn lan. Một bài báo năm 2013 trên tạp chí Khảo Cổ Học (Archaeology) của Mỹ ước tính rằng, khoảng 100.000 người ở Trung Quốc đang tham gia vào nghề này và họ đã khai quật được ít nhất 400.000 ngôi mộ cổ trong 20 năm qua.
Hầu hết các hiện vật văn hóa bị đánh cắp đều được vận chuyển ra nước ngoài với mục đích kiếm lợi.
Người dân trong làng nhận ra bức tượng
Vào ngày 23/2/2015, Daily Mail đưa tin rằng một chuyên gia đã nghiên cứu một bức tượng và rất ngạc nhiên khi phát hiện ra, thông qua chụp CT và nội soi, bức tượng có hài cốt của một nhà sư, và có thể được bắt nguồn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12.
Bài báo nói rằng xác ướp là của pháp sư Phật giáo Liuquan (dịch âm là Lục Toàn), người thuộc trường phái Thiền Trung Quốc. Lục Toàn là danh hiệu của Chương Công.
Sau khi quét CT, xác ướp được đưa đến Budapest, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hungary cho đến tháng 5/2015.
Người phương Tây lầm tưởng xác thịt của Chương Công là xác ướp, nhưng trên thực tế thì không phải. Tiến sĩ Y khoa Lei Shuhong tại Đại học Tokyo cho biết, xác ướp là một xác chết được xử lý theo cách đặc biệt, vì vậy nó sẽ khô cứng. Ngược lại, một cơ thể không bị phân hủy như của Chương Công thì không cần xử lý đặc biệt và cơ thể của ông vẫn “đàn hồi” ngay cả trong một thời gian dài.
Tin tức về bức tượng đã được lan truyền rộng rãi và cũng thu hút sự chú ý ở Trung Quốc.
Một người dân ở tỉnh Phúc Kiến đã nhìn vào bức ảnh và nói: “Đây không phải là Chương Công sao?”. Cục Di sản Văn hóa tỉnh Phúc Kiến xác nhận rằng bức tượng ngồi được trưng bày ở Hungary là Chương Công.
Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cho rằng bức tượng của nhà sư đã bị “đánh cắp từ Trung Quốc” và yêu cầu nhà sưu tập trả lại bức tượng cho Trung Quốc.
Oscar van Overeem, một kiến trúc sư người Hà Lan, thừa nhận là chủ nhân của bức tượng vàng Chương Công, và cho biết ông đã mua nó ở Hong Kong vào năm 1996 từ một nhà sưu tập khác. Nhà sưu tập trước đó được cho là đã mua lại nó từ một người bạn nghệ sĩ ở Trung Quốc, theo Dutch News đưa tin vào ngày 17/7/2017.
Về việc làm thế nào mà bức tượng được chuyển từ vùng quê Phúc Kiến đến Hong Kong thì không ai hay biết.
Vụ kiện quốc tế
Sau khi phía Trung Quốc liên lạc với Oscar Van Overeem ở Hà Lan, ông đã đồng ý trả lại tượng nhưng có điều kiện, nhưng hai bên đã không thành công trong việc đàm phán các điều khoản và điều kiện có thể chấp nhận được.
Vào cuối năm 2015, ủy ban từ các làng Dương Xuân và Đông Phổ, tỉnh Phúc Kiến, đã đệ đơn kiện ở Amsterdam, Hà Lan, yêu cầu trả lại bức tượng Chương Công.
Vào ngày 12/12/2018, Tòa án quận Amsterdam đã ra phán quyết rằng, các nhóm dân cư không thể được coi là pháp nhân và do đó không đủ điều kiện để yêu cầu bồi thường.
Hai ủy ban làng cũng đã đệ đơn kiện tương tự lên tòa án tỉnh Phúc Kiến và thắng kiện. Nhưng không có thỏa thuận song phương giữa Hà Lan và Trung Quốc công nhận các phán quyết dân sự, vì vậy kết quả phán quyết của tòa án Trung Quốc là vô nghĩa ở Hà Lan.
Việc kiện tụng để giành lại các di tích văn hóa xuyên biên giới là khá phức tạp, liên quan đến cả các vấn đề về quyền tài phán và luật hiện hành, và đôi khi là các tranh chấp lịch sử.
China News đưa tin vào ngày 29/1/2017, dữ liệu từ Học viện Di tích Văn hóa cho thấy hơn 10 triệu mảnh di tích văn hóa đã tràn từ Trung Quốc sang Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á và các quốc gia và khu vực khác kể từ sau Chiến tranh Nha phiến năm 1840.
Theo Bảo tàng Anh, nơi đây đã thu thập được khoảng 23.000 đồ vật từ Trung Quốc.
Từ lâu đã có một cuộc tranh luận về sự cần thiết phải thu hồi những cổ vật bị thất lạc khỏi Trung Quốc. Một số người cho rằng Trung Quốc nên tìm cách lấy lại các di tích văn hóa của mình; trong khi những người khác tin rằng nếu các hiện vật không được đưa ra khỏi Trung Quốc, chúng sẽ bị ĐCSTQ tiêu hủy, do đó chúng tốt hơn nên được bảo quản trong các bảo tàng nước ngoài để quảng bá văn hóa Trung Hoa.
Thân thể của một nhà sư không phân hủy sau khi chết
Hiện tượng thân thể của một tín đồ Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn sau khi chết là chuyện thường xảy ra ở Trung Quốc cổ đại.
Người nổi tiếng nhất là Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông, người có thân thể không bị phân hủy và được đặt ở chùa Nam Hoa ở tỉnh Quảng Đông hơn 1.300 năm.
Thân thể của Lục tổ Huệ Năng đã bị phá hoại ba lần và gần như bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Vào năm 1996, Li Jinsuo, một trưởng thôn ở thị trấn Miên Sơn, tỉnh Sơn Tây, đang lau bức tượng Phật tại chùa Trấn Quốc ở địa phương thì phát hiện thấy một miếng bùn khô long ra khỏi phần đầu của bức tượng. Dưới lớp vỏ bên ngoài, ông nhìn thấy một hộp sọ trắng lộ ra ngoài. Ông Li lập tức báo cáo cấp trên. Sau đó, người ta xác nhận rằng có thi thể của một nhà sư bên trong. Và nó không phải là duy nhất. Tất cả 15 bức tượng trong chùa đều là cơ thể của các nhà sư đã khuất được đắp bùn lên. Cho đến nay, đây có thể là nhóm tượng bằng nhục thân không phân hủy lớn nhất được tìm thấy trên thế giới.
ĐCSTQ, vốn chỉ công nhận chủ nghĩa vô thần, đã không nói một lời nào về tin tức quan trọng này, mãi cho đến 20 năm sau khi nó được đưa tin trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước.
Về lý do thi thể của một nhà sư không bị phân hủy sau khi chết, Tiến sĩ Y khoa Lei Shuhong nói với The Epoch Times rằng, khoa học hiện đại không thể giải thích được điều này. Nhưng dựa trên việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần, Tiến sĩ Lei biết rằng các nhà sư có thể đột phá thế giới vật chất hiện tại và tiến vào một không gian khác, một không gian vi quan hơn, nơi vượt ra ngoài giới hạn của thời gian và không gian này; vì vậy thân xác thịt của họ sẽ không bị phân hủy sau khi qua đời hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm.
Nguồn The Epoch Times
Đăng theo NTDVN