Theo Bộ Công an, quy định khai báo chỉ áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu dao sát thương cao, không áp dụng với lao động sản xuất.
Bộ Công an vừa dự kiến hướng tiếp thu dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi. Theo dự thảo, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải khai báo về số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn sở tại. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
“Dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ, gồm dao sắc hoặc nhọn có chiều dài lưỡi từ 20 cm hoặc được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ kinh doanh dao có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự không. Việc khai báo phải thực hiện trước hay sau khi sản xuất, kinh doanh? Và việc sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt có phải khai báo không?
Bộ Công an cho biết dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành phải khai báo để công an xã, phường, thị trấn nắm bắt.
Việc khai báo này không phải vì đây là ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và không phát sinh thủ tục hành chính. “Người dân khi sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo”, Bộ Công an cho hay.
Nghi Vân (Theo VnExpress)
Xem thêm:
Chưa từng hưởng trợ cấp thất nghiệp, về hưu có được chi trả?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*