Tình hình việc làm ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ. Gần đây, giới trẻ nước này đang nổi lên một loại nghề nghiệp mới – “làm con toàn thời gian (full-time)”. Đây rốt cuộc là công việc gì mà theo một khảo sát mới đây có tới 13,3% số người được hỏi thừa nhận mình “làm con toàn thời gian” cho cha mẹ?
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 16/3 cho biết, trong 3 năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc không ngừng tăng cao. Nền kinh tế đi xuống đã gây ảnh hưởng đến tình hình việc làm, ngày càng khó có thể tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn và có mức lương hợp lý.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022 nước này có tới 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và khoảng 70% trong số họ chưa tìm được việc làm. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt mức cao mới vào năm 2023 với quy mô dự kiến là 11,58 triệu người, tăng 820.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ vài năm trước, sinh viên đại học Trung Quốc đã phải đối mặt với tình cảnh thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Trong tình huống này, một loại nghề nghiệp mới đang trở nên thịnh hành, đó là “làm con toàn thời gian”, tức là ở nhà chăm sóc cha mẹ toàn thời gian và được cha mẹ trả lương cho.
Vào ngày 17/3, nhà cung cấp dịch vụ nhân sự Trung Quốc – 51job – công bố “Báo cáo quan sát thi công chức năm 2023” cho biết, 13,3% trong số những người được phỏng vấn thừa nhận rằng bản thân là “con cái toàn thời gian” của cha mẹ.
Cổng thông tin NetEase ngày 15/3 đăng bài chỉ ra rằng, có một nhóm thanh niên vừa tốt nghiệp đã về nhà để chuẩn bị cho kỳ thi công chức, hoặc vì không tìm được việc làm, họ đã trở thành “những đứa con toàn thời gian”. Trên Douban, một trang mạng xã hội của Trung Quốc, nhóm “Trung tâm Giao lưu Công việc của Con cái toàn thời gian” có 2.948 người, hầu hết họ đều có học thức cao, do khó tìm việc nên đã làm “nghề” này.
Nguyên nhân đằng sau vấn đề ‘làm con toàn thời gian’
Ngày 18/3, ông Hoàng (Huang), một người làm truyền thông ở Trung Quốc đại lục, nói với phóng viên The Epoch Times: “Gia đình chúng tôi có hai người con toàn thời gian, là chị hai và anh trai tôi. Tại sao lại thế? Hồi đó khi chị hai tôi chăm sóc bố, cũng là dùng tiền lương hưu của bố để trả lương cho chị ấy. Bây giờ anh trai tôi chăm sóc bố, chị cả của tôi lại dùng lương của bố để trả cho anh”.
Theo phân tích của ông Hoàng, có nhiều nguyên nhân khiến “công việc” này trở nên phổ biến như vậy: “Đầu tiên là môi trường kinh tế của Trung Quốc không tốt, rất nhiều người thất nghiệp. Ví dụ, anh trai tôi từng bán ô tô, sau 3 năm phòng chống dịch bệnh, nhiều người không có tiền mua ô tô nên anh ấy thất nghiệp ở nhà, đúng lúc bố tôi nằm viện cần người giúp đỡ nên anh trở thành một đứa con trai toàn thời gian”.
Chị gái của ông Hoàng ở nông thôn nhưng không có làm việc, ông nói hầu hết lao động nhập cư ở Trung Quốc đều thất nghiệp, nhưng chính phủ sẽ không coi họ là người thất nghiệp.
“Lý do thứ hai là Trung Quốc đã bước vào một xã hội già hóa, nhiều người già đã đến thời kỳ có tỷ lệ mắc bệnh cao và mắc các bệnh nền. Họ cần người chăm sóc, so với việc thuê người ngoài, chi bằng trả tiền cho con cái thất nghiệp trong nhà làm cho”.
“Nguyên nhân thứ ba là có một số là con một, họ được nuông chiều từ nhỏ nên không thích nghi được với sự cạnh tranh trong xã hội, họ cũng không muốn ra ngoài tìm việc, mà gia cảnh cũng tốt, nên họ chỉ ở nhà làm việc nhà, làm cha mẹ vui lòng, sau đó cha mẹ sẽ phát cho một chút lương”.
Du học sinh trở thành ‘con cái toàn thời gian’ – một hiện tượng phổ biến
Ngày 12/3, tài khoản WeChat công chúng “PeerBang Study Abroad” đã kể lại tình cảnh của bản thân trong bài viết “Chi hàng triệu đô-la để đi du học nhưng không thể tìm được việc làm, tôi trở thành con gái toàn thời gian…”. Đối mặt với thực tế khó tìm việc làm, chọn làm “con toàn thời gian” là một chiến thuật vu hồi (đánh vòng).
Bài viết cũng kể câu chuyện một người cha đã chi số tiền rất lớn cho con trai mình đi du học với hy vọng khi trở về con có tương lai phát triển hơn. Tuy nhiên, sau khi cậu con trai đi du học trở về lại trở thành “con trai toàn thời gian”. Cuộc sống thoải mái dễ chịu như vậy đã khiến anh manh nha ý tưởng “ăn bám đến cùng”. Mười năm tiếp theo, anh không ra ngoài tìm việc, ở nhà làm “đứa con toàn thời gian”.
Vào ngày 6/3, Toutiao News của trung Quốc cũng đăng bài tự thuật của một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành marketing. Gia đình cậu sống ở thành phố hạng hai, bố và mẹ đều làm việc trong nhà nước, gia đình có 3 căn nhà và một chiếc ô tô trị giá 500.000 tệ (1,7 tỷ VND). Nhưng ngay cả một công việc với mức lương 5.000 nhân dân tệ (17 triệu VND) cậu cũng không tìm được, vì vậy cậu đã bàn với bố mẹ về nhà làm “con trai toàn thời gian”.
‘Làm con toàn thời gian’ không dễ
Ông Hoàng nói: “Nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trọng điểm và những du học sinh trở về từ nước ngoài không thể tìm được công việc phù hợp, họ cũng không muốn làm những công việc ở tầng lớp thấp, nên chỉ có thể ở nhà nhàn rỗi. Nếu tiền lương hưu của cha mẹ cao thì làm con toàn thời gian cũng là một lựa chọn, chỉ là sẽ không thể tự do như trước”.
Nhiều “đứa con toàn thời gian” cho biết trên Internet rằng, hàng ngày họ đều phải nhìn sắc mặt cha mẹ, đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà, rồi lại phải ngửa tay xin tiền.
Tài khoản WeChat “PeerBang Study Abroad” đăng bài cho biết: “Những đứa con toàn thời gian dường như đang tận hưởng cuộc sống ổn định do cha mẹ chu cấp, nhưng cũng có nhiều vấn đề và mâu thuẫn. Suy cho cùng, con cái và cha mẹ có khoảng cách thế hệ, lối sống khác nhau, giá trị sống khác nhau, nhưng khi gặp mâu thuẫn thì chỉ có thể là ‘thân cây tầm gửi, đành chịu cúi đầu’”.
Ông Hoàng cho biết: “Khi nhiều người già ở vùng nông thôn Trung Quốc mắc bệnh, họ không có tiền nằm viện, chỉ có thể ở nhà chịu đựng. Con cái họ không có việc làm nhưng cũng không thể trở thành ‘con cái toàn thời gian’ “.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một học giả người Hoa sống ở Úc, cho biết: “Trên thực tế, việc sinh ra thuật ngữ ‘con cái toàn thời gian’ cho thấy một số lượng lớn thanh niên [Trung Quốc] đang thất nghiệp, không tìm được việc làm tốt và chọn ở nhà. Vấn đề bây giờ là những ‘đứa con toàn thời gian’ ấy có kết hôn sinh con không? Đời họ ăn bám, đời con cũng lại ăn bám?”.
Ông Lý chỉ ra: “Toàn bộ xã hội Trung Quốc đã bị bóp méo, bao gồm cả các giá trị. Nếu là ở nước ngoài, gia đình anh càng giàu có thì anh lại càng được trui rèn để ra ngoài làm việc từ sớm, bản thân tự kiếm được bao nhiêu tiền thì có bấy nhiêu. Không thể có chuyện gia đình nuôi anh lớn rồi, anh lại quay về ăn bám cha mẹ”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Minh Lý (NTDVN) biên dịch