spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Lễ Vu Lan báo hiếu và ý nghĩa bông hồng cài ngực áo

Tân Thế Kỷ Lễ Vu Lan là một dịp quan trọng trong năm. Đây là lúc các gia đình thể hiện lòng thành kính Đức Phật và báo hiếu gia tiên. 

Sự tích Lễ Vu Lan

Dân gian vẫn thường nói “Tháng Bảy đêm Rằm xá tội vong nhân”, sự tích này bắt nguồn từ câu chuyện trong kinh Phật Tôn giả Mục Liên cứu mẹ.

Trước khi xuất gia, tôn giả Mục Liên là một người con hiếu thảo, phụng dưỡng song thân mười phần cung kính, hiếu thuận. Mẹ của tôn giả Mục Liên mỗi ngày nếu không có đủ ba bữa ăn có thịt là không vui. Mặc dù Mục Liên thường khuyên bà nên tránh nghiệp sát sinh, nhưng mẹ Ngài vẫn luôn nhân lúc Ngài không ở nhà giết mổ gia súc gia cầm để thưởng thức. Vì vậy, mẹ của Tôn giả Mục Liên khi còn sống đã phạm phải ác nghiệp rất nặng, sau khi chết, bà bị tống vào Địa ngục a tỳ.

Vốn là một tu sĩ khác đạo, Mục Liên đã quy y và trở thành đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Ngài cũng được mệnh danh là đệ nhất thần thông trong các đệ tử của Đức Phật.

Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Kiều Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi âm ti và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì.

Nhìn mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Liên trở về bạch chuyện Ðức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.

tranh ve muc kien lien cuu me 1115
Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa.

Phật cho Mục Kiều Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông phải sinh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Phật dạy, một mình Mục Kiều Liên thì vô phương cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới được.

Mục Kiều Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức cầu nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Kiều Liên mới thoát khỏi khổ đạo.

Phật lại dạy Mục Kiều Liên sắm đủ các món thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát…

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.

Tôn giả Mục Liên vô cùng hiếu thảo, lại nhận được sự từ bi của chúng sinh, nhận được trí huệ và phúc nghiệp thanh tịnh của chúng tăng nên đã cứu được mẹ mình, hết sức cảm động. Từ đó về sau, dân gian dần dần thịnh hành ăn chay cúng dường ngày lễ Vu Lan. Sau này, lễ Vu Lan của Phật giáo ngày càng trở thành một ngày lễ hội dân gian lớn. Để tưởng nhớ lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Liên, hàng năm các Phật tử đều tổ chức lễ hội lớn, ‘Lễ Vu Lan’, mà ngày nay được gọi là ‘Lễ xá tội vong nhân’ hay là ‘Lễ Trung Nguyên’.

Ý nghĩa bông hồng cài trên ngực áo

Trong xã hội hiện nay, không ít người nghĩ rằng chỉ cần chu cấp cho cha mẹ đầy đủ về tiền tài vật chất là đã làm tròn đạo hiếu của người con. Nhưng, họ không biết rằng với cha mẹ già thì tiền tài, vật chất đôi khi không quan trọng bằng những chính lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên đến từ những đứa con của mình.

Ngày Vu lan báo hiếu 2023 là ngày nào Dương lịch?

Một chuyên gia tâm lý đã nói rằng, với người già, đời sống tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn cả đời sống vật chất. Thế nên, đừng để lối sống thực dụng xen vào tình cảm gia đình, đặc biệt là với chính cha mẹ mình. Đừng để những việc làm mang ý nghĩa thiêng liêng như tình cảm cha mẹ và con cái trở thành những việc làm mang tình hình thức, làm lấy lệ cho xong.

Những ngày này, bạn sẽ không lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động: dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ – Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.

Những điều cần tránh trong ngày lễ Vu Lan

Không nên sát sinh

Theo quan niệm dân gian, sát sinh trong ngày Rằm tháng 7 Âm lịch sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và khiến các thành viên gặp những điều xui rủi như làm ăn thất bại, đau ốm… Thay vì sát sinh trong ngày Lễ Vu Lan, bạn nên ăn chay, phóng sinh và làm việc thiện để tích đức cho bản thân và gia đình.

Không nên khai trương cửa hàng, tổ chức cưới hỏi

Tháng 7 là tháng cô hồn, là tháng mà các vong linh dưới địa ngục lang thang ở cõi trần. Chính vì vậy, đây được coi là tháng không may mắn. Do đó, trong tháng 7 Âm lịch nên tránh khai trương cửa hàng và tổ chức cưới hỏi.

Tránh làm những việc xấu

Theo đạo Phật, những người làm việc xấu sẽ thường gặp quả báo. Vào ngày Vu Lan, bạn không nên gây gổ, cãi nhau hay đánh nhau với người khác. Đặc biệt nên làm những điều thiện, giúp đỡ mọi người, thành tâm cầu nguyện những điều may mắn, an lành sẽ đến với mọi người và gia đình.

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày Lễ Vu Lan 2023 rơi vào Thứ Sáu, ngày 30 tháng 8 Dương lịch.

Nghi Vân (t.h)

Hanhtrinh140x72 4

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều