spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Lưu ý quan trọng với hơn 1 triệu thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, có thể bị xử lý hình sự

Tân Thế Kỷ (TTK) – Một tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những điểm mới trong quy định tổ chức năm nay, thí sinh cần đặc biệt lưu ý để tránh các sai sót đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngày 20.6, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 6, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin về kết quả công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 27 – 29.6, riêng ngày 30.6 để dự phòng; từ 1.7 sẽ tổ chức chấm thi; đến 18.7 thì công bố kết quả thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, tính đến nay, tổng số đăng ký dự thi là hơn 1 triệu thí sinh với 2.273 điểm thi và 44.661 phòng thi. Để bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ, khoảng 250.000 cán bộ được huy động, bao gồm giáo viên, nhân viên và các lực lượng

Đánh giá về mặt thuận lợi, ông Thưởng nhận định kỳ thi năm nay cơ bản ổn định như các năm trước. Đây là năm thứ ba chuyển trạng thái từ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó phân cấp mạnh cho các tỉnh/thành phố, các tỉnh/thành phố đã có kinh nghiệm trong khâu tổ chức.

thi tot nghiep thptp 16872630379771466859839
Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT – Ảnh: Đ.N.T

Cùng với đó, năm nay, thí sinh được học trọn vẹn 1 năm học trực tiếp thay vì online như 2 năm trước, khi mà đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt cuộc sống.

Về mặt khó khăn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, kỳ thi diễn ra cùng thời điểm trên toàn quốc với hơn 1 triệu thí sinh, những rủi ro về con người, nghiệp vụ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí có những việc chưa có tiền lệ, nên phải làm tốt công tác dự báo.

Ngoài ra, một số nguy cơ về thiên tai như nắng nóng, lũ lụt… cũng có thể xảy ra. Chưa kể, cảnh báo từ Bộ Công an cho thấy nguy cơ từ việc phụ huynh hoặc thí sinh có thể mua các thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận, do đó công tác tập huấn phải thực hiện rất kỹ.

Nếu chưa hết 2/3 thời gian thi, đề thi tốt nghiệp THPT vẫn thuộc tài liệu tối mật

Vẫn theo vị lãnh đạo, Bộ GD-ĐT đã lập 4 đoàn kiểm tra do lãnh đạo bộ phụ trách, đã đi kiểm tra trực tiếp 20 địa phương, đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến tới ban chỉ đạo 63 địa phương. Đến thời điểm này, kỳ thi đã được chuẩn bị hết sức khẩn trương, chu đáo, kỹ lưỡng và toàn diện.

Trong các cuộc họp giao ban, Bộ GD-ĐT cũng quán triệt đến các địa phương về phương châm “4 đúng 3 không”: đúng quy chế, đúng quy trình, đúng vị trí – chức năng – nhiệm vụ, đúng thời điểm; không lơ là – chủ quan, không tự ý xử lý tình huống bất thường mà phải báo cáo cấp trên, không căng thẳng – áp lực thái quá.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra một số lưu ý về công tác tuyên truyền đối với kỳ thi. Trong đó, ông Thưởng nhấn mạnh vấn đề tuân thủ quy chế. “Nếu chưa hết 2/3 thời gian thi, đề thi vẫn thuộc tài liệu tối mật, nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Nhiều khi các em không biết, thậm chí cả giáo viên cũng chưa ý thức được điều này, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”, ông Thưởng lưu ý.

Cho nên, đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi. Đồng thời phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Theo đó, thí sinh không rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận, phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.

Còn đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.

Không được viết bằng bút chì trong quá trình làm bài

Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, điều đầu tiên thí sinh (TS) cần lưu ý là lịch thi. “TS phải luôn có mặt sớm trước buổi thi. Nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có tín hiệu tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi thi đó”, ông Tân nói.

Ông Lê Duy Tân cũng đặc biệt lưu ý về những vật dụng được mang vào phòng thi năm nay. “TS mang theo bút viết và chỉ nên chọn một màu mực. Trong các bút viết mang vào thì không nên mang theo bút đỏ. Bên cạnh đó, TS cần mang theo bút chì đen và gôm vì trong phần thi trắc nghiệm, TS ghi chú bằng bút viết một màu thống nhất từ đầu đến cuối và tô các ô tròn của bài thi trắc nghiệm bằng bút chì. Trường hợp tô sai có thể dùng gôm để tẩy sạch ô sai để tô lại cho đúng”, ông Tân nói.

Bên cạnh đó, ông Tân cũng lưu ý: “Trong quá trình làm bài, TS không được đánh dấu và làm ký hiệu riêng. Đặc biệt, TS không được viết bằng bút chì trong quá trình làm bài, chỉ sử dụng bút chì để tô ô trả lời trắc nghiệm”. Ngoài ra, trong khi làm bài, TS cũng cần chú ý tô số báo danh. Khi chấm thi, số báo danh được tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ là thông tin duy nhất để công tác chấm thi và trả kết quả đúng, cũng như phản ánh đúng đề thi mà TS được nhận trong khi làm bài.

Không nên mang điện thoại đi thi

Trong chương trình tư vấn, ông Lê Duy Tân cho rằng nếu không quá cần thiết, TS nên để điện thoại ở nhà. Bởi thực tế có những trường hợp bị oan, do quá tập trung chuẩn bị cho kỳ thi nên để điện thoại trong túi áo, túi quần, quên kiểm tra và dẫn đến việc vi phạm quy chế thi không cố ý. Nếu buộc phải mang điện thoại để liên lạc sau buổi thi, cần kiểm tra thật kỹ và để đúng nơi quy định.

Với trường hợp TS có ý sử dụng các biện pháp gian lận, ông Tân khuyên nên suy nghĩ lại. Theo phân tích của chuyên gia, kỳ thi này đánh dấu một quá trình học, hãy tận dụng cơ hội này để đánh giá năng lực của mình. Khi được đánh giá đúng, người học sẽ có lựa chọn đúng đắn con đường của mình. Nếu đạt kết quả thi tốt nhất, con đường học lên được rộng mở nhưng nếu ở mức đậu tốt nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội khác.

z3552165312796 c7743c4a124065b17ddd28bc6b2492b8 5572
Cán bộ coi thi kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi. – Ảnh: Đậu Tiến Đạt

“Không việc gì ở một nơi được tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt để xử lý vi phạm mà người trẻ, ở lứa tuổi 18 lại cố ý sai phạm. Hành vi này không nên có ở lứa tuổi 18 khi chuẩn bị bước vào giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai”, ông Tân chia sẻ. Bởi theo ông, điều này sẽ để lại dấu ấn, vết đen trong quá trình sống, học tập của TS sau này.

“Bước vào phòng thi với tâm lý vững vàng, kiến thức có chắc chắn sẽ thành công. Có kiến thức tốt mà tâm lý bất ổn cũng chưa chắc thành công. Phụ huynh cần đồng hành cùng các TS, đừng bao giờ áp đặt với TS”, thạc sĩ Trương Quang Trị khuyên.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 4

Thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào ngày nào và có gì mới cần lưu ý?

“Bố mẹ không bao giờ hỏi điểm em” – Nữ sinh trúng học bổng 10 trường ở Mỹ tâm sự

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều