spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Lý do đằng sau việc CEO TikTok không cho con cái sử dụng TikTok

Vào thứ Năm tuần trước, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chỉ trích Giám đốc điều hành của TikTok về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với nền tảng này, đồng thời nói rằng các video ngắn của họ đang gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em, phản ánh mối lo ngại của lưỡng đảng về sức ảnh hưởng của TikTok đối với người Mỹ.

Lý do đằng sau việc CEO TikTok không cho con cái sử dụng TikTok
Ông Shou Chew có mặt tại Quốc hội Mỹ trước phiên điều trần liên quan đến TikTok ngày 23/3 (Ảnh: Reuters)

Trong phiên điều trần, Shou Zi Chew – giám đốc điều hành (CEO) của TikTok đã thừa nhận ông không cho con mình dùng ứng dụng này.

Khi được Nữ nghị sĩ Nanette Barragán chất vấn về lý do tại sao ông “không cho đứa con 8 tuổi của mình xem TikTok”, Chew trả lời: “Hãy để tôi giải thích vấn đề đó. Các con tôi sống ở Singapore, và ở Singapore chúng tôi không có phiên bản trải nghiệm dành cho lứa tuổi dưới 13. Nếu chúng tôi sống ở đây, ở Hoa Kỳ, tôi sẽ để nó sử dụng phiên bản dành cho lứa tuổi dưới 13.”

Tuy nhiên, câu trả lời của Chew không thuyết phục được các nhà lập pháp về tính an toàn của TikTok đối với trẻ em. Những người khác đã cáo buộc TikTok quảng bá nội dung khuyến khích chứng rối loạn ăn uống ở trẻ, buôn bán ma túy bất hợp pháp và bóc lột tình dục.

Đại diện Kathy Castor, một đảng viên Đảng Dân chủ phát biểu:  “TikTok có thể được thiết kế để giảm thiểu tác hại đối với trẻ em, nhưng vì lợi nhuận một quyết định đã được đưa nhằm gây nghiện cho giới trẻ”.

Tuy nhiên, Chew đã không trả lời trực tiếp câu hỏi mà chuyển hướng bằng cách nói rằng các vấn đề này rất “phức tạp” và không chỉ xảy ra với Tik Tok.

TikTok có thực sự gây hại cho giới trẻ?

Theo Ngô Di Lân – Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế – Các ứng dụng mạng xã hội từ các công ty công nghệ đều mang đến trải nghiệm khác biệt cho người dùng, song chúng đều chia sẻ một đặc điểm chung quan trọng: tất cả đều được thiết kế để giữ chân người dùng ở mức tối đa.

Để đạt mục tiêu đó, những nền tảng này đã phát triển các thuật toán cá nhân hóa để tạo ra vòng lặp “gây nghiện”. Ví dụ, bằng cách phân tích các dữ liệu như người dùng bỏ qua nội dung gì hoặc có xu hướng thả tim video nào, thuật toán của TikTok sẽ hiển thị nhiều video với nội dung đánh trúng sở thích từng người.

Thuật toán này là một “siêu vũ khí” thực thụ khi kết hợp với tính năng cuộn vô hạn (infinite scrolling). Trong khi chế độ mặc định của YouTube là để người dùng chủ động tìm kiếm nội dung, TikTok tự động hiển thị một video ngẫu nhiên mà nó cho rằng phù hợp với mối quan tâm của người dùng ngay khi ứng dụng được mở ra. Chỉ với động tác lướt xem, người dùng sẽ liên tục tải được video mới. Chu trình “quẹt, xem, quẹt, xem” tạo nên trải nghiệm liền mạch, khó dứt. Bên cạnh đó, tính gây nghiện của TikTok cũng đến từ việc tạo ra “nỗi sợ bỏ lỡ” (FOMO – Fear of Missing out). Nói cách khác, người dùng luôn cảm thấy bị thôi thúc phải xem các nội dung tiếp theo vì sợ mình bỏ lỡ điều gì thú vị hoặc quan trọng.

Những mạng xã hội như Facebook hay Instagram cũng tận dụng các cơ chế tương tự để giữ chân người dùng. Tuy nhiên, định dạng video ngắn mà TikTok tiên phong có khả năng lan tỏa (viral) rộng rãi và nhanh hơn cả bởi chúng khai thác điểm yếu lớn nhất của con người hiện đại: khả năng tập trung suy giảm trầm trọng. Người dùng ngày càng thích những thứ ngắn gọn và “dễ tiêu hoá” nên video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ rộng rãi.

Lý do đằng sau việc CEO TikTok không cho con cái sử dụng TikTok
Các ứng dụng mạng xã hội, bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và WhatsApp, trên điện thoại. Ảnh: Peter Byrne/PA

Năm 2020, TikTok trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Kể từ đó, đại diện của Paracelsus Recovery, phòng khám chữa bệnh tâm thần và cai nghiện ở London, nói với tờ BBC rằng họ đã chứng kiến ​​một “sự bùng nổ” của các khách hàng trẻ tuổi có dấu hiệu nghiện TikTok. 

Người sáng lập của phòng khám, Jan Gerber, cho rằng TikTok có thể được so sánh với các loại ma túy đá. Ông nói: “Nó có tác động đến quá trình sinh hóa của não bộ rất giống với các loại ma túy đá. TikTok có tác động nghiêm trọng đến hạnh phúc cá nhân, cuộc sống hàng ngày và hiệu suất lao động của người dùng”.

Nhưng tác hại của Tik Tok chưa dừng lại ở đó, gần đây đã có nhiều chuyên gia cảnh báo hệ lụy mắc chứng rối loạn Tourette của những người thường xuyên chơi ứng dụng này.

Vào ngày 1/8/2022 – Trang web tin tức hàng đầu của Úc đã đưa tin về các trường hợp thanh thiếu niên ở nước này đã bị mắc các triệu chứng giống với “Rối loạn tic và hội chứng Tourette”.

Trong một số trường hợp, tình trạng giống như hội chứng Tourette trở nên tồi tệ đến mức nhiều thanh thiếu niên tự quay phim cảnh mình đập đầu vào đồ đạc hoặc thậm chí tát người khác.

Sự bộc phát hành vi này cũng bao gồm việc lặp đi lặp lại những lời nói vô nghĩa hoặc không có ngữ cảnh, thực hiện những cử chỉ thô lỗ hoặc tạo ra những tiếng động lớn.

Giáo sư Russell Dale – Bác sĩ thần kinh nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Sydney ở Westmead, cho biết ông bắt đầu thấy tình trạng này lần đầu tiên vào đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bây giờ có hàng chục ngàn thanh niên có triệu chứng này trên toàn thế giới.

Giáo sư Dale cho biết có hàng tỷ video trên TikTok hiển thị những người mắc chứng Tourette hoặc tic. Ông chia sẻ trong những bệnh nhân ông từng khám thì chỉ có 20% phục hồi hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là 80% người bệnh vẫn tiếp tục có những triệu chứng này và đây là một con số khá nghiêm trọng.

TTK 3.3 01 2

TikTok ra mắt vào năm 2016 bởi ByteDance, một gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên nó lại bị cấm ở Trung Quốc, thay vào đó, người dùng Trung Quốc có thể truy cập Douyin, một phiên bản gốc và rút ​​gọn của TikTok.

Ở Trung Quốc, trẻ em không được phép sử dụng Douyin quá  40 phút mỗi ngày; và việc sử dụng qua đêm bị nghiêm cấm. Vì vậy, ngay cả khi một đứa trẻ đăng nhập ứng dụng 40 phút mỗi ngày, thì con số đó vẫn chưa đến năm giờ mỗi tuần, thật quá nhỏ bé khi so sánh con số đó với thời lượng sử dụng trung bình là 12 giờ 12 phút  tại Hoa Kỳ. 

Không giống như những video vốn có tính chất nhẹ nhàng xuất hiện trên Douyin, Video trên TikTok chứa đầy nội dung gây tranh cãi, với các “trend” được tạo ra khuyến khích người dùng nín thở cho đến khi ngất đi, phô diễn bản thân thái quá hay lái xe một cách liều lĩnh…

TikTok rất nguy hiểm, nó gây nghiện và làm ảnh hưởng đến thần kinh người dùng. Giống như tất cả các loại thuốc độc hại khác, nó đang hủy hoại cuộc sống con người. 

Và có lẽ đó là lý do vì sao CEO của TikTok đã không cho con cái mình sử dụng thứ ứng dụng do chính công ty ông tạo ra.

Hoàng Dung (t/h)

Xem thêm:

> CEO TikTok nói con ông không được dùng ứng dụng này

TikTok thuê công ty tư vấn có liên hệ mật thiết với Biden để tiếp tục “tồn tại”

Báo động: hàng chục trẻ em thiệt mạng vì các “thử thách chết chóc” trên Tiktok

Tiktok có khả năng bị cấm trên toàn nước Mỹ?

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều