Tân Thế Kỷ – Vì phụ huynh không đồng thuận đóng 400 nghìn quỹ lớp, trẻ bị nhiều phụ huynh khác đề nghị chuyển trường, cô lập. Phụ huynh M., trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đã chia sẻ sự bức xúc lên facebook về việc bị ép đóng tiền quỹ lớp thiếu hợp lý.
Phụ huynh này viết: “Con em đi học lớp mầm non 2 tuổi. Em được thêm vào nhóm lớp và thấy trong nhóm lớp đang thu quỹ 400.000 đồng. Đây là khoản thu ngoài do phụ huynh tự đề xuất. Tất cả các khoản thu, tiền quỹ trường quy định em đã đóng đủ trước đó”.
Không đóng quỹ lớp nên con bị dọa cho ra rìa
Phụ huynh này chia sẻ thêm: “Em không đồng ý đóng quỹ. Trong nhóm mọi người nói nếu em không đồng ý đóng quỹ, con em có thể chuyển trường. Nếu em không đóng quỹ lớp, con em có thể chuyển lớp. Nếu con không thể chuyển lớp đồng nghĩa là con sẽ bị ra rìa… Một năm, em đã phải đóng 2,7 triệu đồng tiền đầu kỳ, nên các khoản thu bất hợp lý khác ngoài nhà trường thu, em xin phép không đóng”.
Bài đăng của chị M. kèm theo ảnh chụp màn hình tin nhắn cuộc tranh luận gay gắt giữa chị và các phụ huynh khác.
Nội dung tin nhắn liên quan đến khoản 400.000 đồng tiền quỹ lớp được gọi là “kế hoạch thu chi quỹ phụ huynh”, gồm: Quỹ thăm hỏi hiếu hỉ tang với giáo viên trường; quỹ cho hoạt động ngoại khóa; quỹ dự phòng tăng học sinh (3 em); sinh nhật cho các bạn học sinh trong lớp…
Chị M. từ chối đóng 400.000 đồng tiền quỹ lớp vì cho rằng “chưa hợp lý”. Tuy nhiên, các phụ huynh khác phản ứng gay gắt với quyết định của chị. Thậm chí, có người nói rằng nếu chị M. không đồng ý đóng quỹ có thể cho con chuyển trường, chuyển lớp. Không chuyển lớp, nếu lớp tổ chức sinh nhật cho bé nào, bé không đóng quỹ “ra ngồi một góc”.
Qua tìm hiểu, những tranh luận là từ các phụ huynh có con đang học tại lớp Cherry, Học viện AnhXtanh (H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Lãnh đạo nhà trường nói gì?
Ngày 12/10, chị M. đã lên gặp hiệu trưởng để nói về vấn đề này. Lãnh đạo nhà trường cho hay đó là những khoản thu ngoài quy định và không hợp lý.
Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), cho biết ông đã nắm được thông tin sự việc. Ông Cường nói: “Tôi đã chỉ đạo chủ trường phải gặp gỡ nhóm phụ huynh đó, phân tích cho họ hiểu về vấn đề nộp quỹ lớp, đồng thời không nên dùng lời lẽ phản cảm như vậy khi giao tiếp”.
Theo ông Cường, sự việc xảy ra từ một nhóm nhỏ trong một lớp, phía nhà trường đã gọi điện cho từng phụ huynh, chiều 14.10 họ sẽ tổ chức họp phụ huynh để làm rõ vấn đề này đồng thời thống nhất tư tưởng cho phụ huynh.
Ông Cường nhấn mạnh, trong buổi họp phụ huynh này, chủ trường sẽ nhấn mạnh không đồng ý với những khoản quỹ lớp thu ngoài nhà trường. Phía nhà trường cũng sẽ giải thích rõ để các phụ huynh hiểu vấn đề này, giải quyết những vướng mắc.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hưng đồng thời phân tích, trong Thông tư số 55 năm 2011, Bộ GD-ĐT quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép lập quỹ riêng.
Khi phóng viên đặt vấn đề ban đại diện cha mẹ học sinh được ví như cánh tay nối dài của nhà trường để thực hiện thu những khoản không đúng quy định, ông Trần Đức Cường nêu quan điểm, điều này có thể từng xảy ra tại một số trường công lập. Tuy nhiên, đây là trường tư thục, nhà trường không cần phụ huynh phải đầu tư, huy động bất kỳ thứ gì khác.
Cộng đồng mạng “chia phe tranh cãi”
Câu chuyện của chị M. cũng những tranh cãi “không ai chịu ai” từ phía các phụ huynh lập tức khiến cộng đồng mạng chia hai phe với những quan điểm trái ngược. Phía bênh bà mẹ thì cho rằng, hội phụ huynh đúng là hội… phụ thu, suốt ngày “vẽ” ra đủ thứ tiền phải đóng. Những khoản cần chi cho lớp đã đóng từ đầu năm là 2,7 triệu đồng, như vậy 400 ngàn đồng phát sinh là không cần thiết. Số tiền không lớn nhưng đóng một cách vô lý thì không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh quá trịch thượng, lạm quyền và hơn thua với một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi khi dọa tẩy chay hoặc yêu cầu chuyển trường, chuyển lớp.
“Chị làm đúng. Con em cũng học tư, liên hoan gì nhà trường cũng tự chi. Việc cả tập thể đều cô lập 1 đứa trẻ là điều rất sai. Hội phụ huynh lại có quyền lực trong việc điều phối, bố trí nhân sự của 1 trường sao. Rất lạ”, một người nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, phía ngược lại nhận định, quỹ phụ huynh để đi quà 20/10, 20/11 cho các cô hay cho các vấn đề, sự kiện phát sinh. Dù nói dịp lễ Tết phụ huynh của ai nấy đi nhưng đã là tập thể thì phải khác.
“Quà chỉ là 1 bó hoa hay 1 lẵng quả nhưng cũng là thể hiện sự quan tâm với các cô và nhà trường. Còn đâu quỹ chỉ phục vụ các hoạt động trong lớp, mua cái ổ điện, sửa cái viên gạch vỡ, mua quà cho các cháu… thừa thì cuối năm làm liên hoan. Bản thân em thấy quỹ chi vậy là hợp lý. Thật lòng làm hội trưởng chẳng được gì, hoạt động nào của lớp cũng tham gia nhiệt tình, quay lại còn bị mắng sau lưng”, phụ huynh M.T nói.
Có người lại cho rằng, nếu kinh tế quá khó khăn thì nên lựa chọn trường phù hợp với hoàn cảnh. Chuyện quỹ lớp của các con tính ra cũng chỉ bằng các mẹ mua 1 cái áo thôi mà các con chi cho cả năm. Chuyện gì có thể nhẹ nhàng giải quyết được thì nên nhẹ nhàng.
Trước phản ứng của chị M., một phụ huynh trong nhóm lớp đã lên tiếng giải thích. Người này cho rằng, trước đó đã thống nhất sẽ đóng quỹ phụ huynh (không nhiều thì ít) để dành cho các hoạt động tập thể. Tất cả chỉ là bản dự thảo, phụ huynh có thể đóng góp ý kiến thoải mái để sửa đổi cho phù hợp.
“Ý kiến của mẹ bạn B. là không đóng, chắc chắn không đóng, như vậy là ngược lại với ý kiến đã thống nhất. Em có nói là mẹ có thể có “lựa chọn khác” chứ em không có ác ý con phải chuyển trường hay gì. Nó chỉ là một trong những lựa chọn thôi. Bản thân em cũng không có quyền yêu cầu ai chuyển trường chuyển lớp cả.
Gia đình xem xét lại: Ngôn từ mẹ bạn B. nói và sử dụng trong lớp, văng tục và chửi bậy rất nhiều, dù trong nhóm có nhiều phụ huynh lớn tuổi. Mẹ bạn B. đăng thông tin công khai, sự việc không rõ ràng lên mạng, như vậy đã hợp lý chưa?”, phụ huynh này nói.
“Phụ huynh lớp B. có ý kiến em đưa câu chuyện lên mạng làm nhiều người bị tổn thương. Nhưng việc các bạn đang cô lập 1 đứa trẻ chỉ 20 tháng như con mình, cười đùa hả hê vì điều đó thì các bạn nghĩ mình không tổn thương ạ?”, người mẹ nói.
Chị cũng cho biết, vấn đề này chỉ xuất phát từ Hội phụ huynh của lớp chứ không liên quan đến nhà trường. Mong mọi người cũng đừng hiểu lầm.
Hiện câu chuyện vẫn thu hút ý kiến tranh cãi lớn trên mạng xã hội.
Tịnh Yên (t/h)
Mẹ lên tiếng không nên bắt ép đi học thêm, con liền được “chăm sóc đặc biệt”
Học sinh gãy ngón tay, hiệu trưởng nói “cô vô tình gõ thước”, muốn xử lý nội bộ!
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực