spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Mẹ sẽ không hỏi con làm bài được không, vì con đã cố gắng hết sức và cuộc đời còn nhiều ngã rẽ…

Tân Thế Kỷ (TTK) – Nhiều người ví kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng hơn cả tuyển sinh vào đại học quả không sai. Bởi chưa thi mà đã biết trước sẽ có gần 20.000 học sinh bị đánh rớt. Vì thế, bao ông bố, bà mẹ ngoài kia đầy lo âu và hồi hộp.

Trước giờ thi lớp 10 ở TP. HCM: Học sinh còn ôn bài, có em bật khóc vì áp lực

Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), vào lúc 6 giờ 35, sau khi phần lớn thí sinh đã vào điểm thi, Nguyễn Đặng Quỳnh Anh (học sinh Trường THCS Võ Trường Toản) vẫn còn ngồi ở một góc đường lật giở từng quyển tập, đề cương trên tay để ôn kỹ lại kiến thức trước khi thi môn ngữ văn. Chưa kể, trong chiếc balo đặt trước mặt nữ sinh, người viết quan sát thấy nhiều tài liệu phục vụ thi cử.

nusinhkhoc 1 1686015788356979431658
Nữ sinh bật khóc vì áp lực thi cử. – Ảnh: thanhnien.vn

Đúng 7 giờ, Quỳnh Anh kết thúc quá trình ôn tập, cất tài liệu hết vào balo và chăm chú lắng nghe những lời dặn dò từ ba mình. Ngay lúc đó, nữ sinh không kiềm được những cơn khóc nấc vì áp lực thi cử. Vội lấy giấy thấm khô nước mắt, Quỳnh Anh sau đó cùng ba bước vào trường thi, bắt đầu hành trình chinh phục nguyện vọng 1 là Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1)

Là người luôn đồng hành bên Quỳnh Anh trên chặng đường học tập, anh Nguyễn Nam Trực (36 tuổi, ngụ Q,7), ba của nữ sinh, cho hay anh cũng hồi hộp và lo lắng không kém gì con trong ngày thi hôm nay. “Học lực của con tương đối tốt, luôn nằm trong tốp 3 của lớp và lúc nào cũng tự giác học nên tôi không bao giờ áp lực con, chỉ luôn hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho con học thêm nếu con cần”, anh Trực chia sẻ.

img0996 2 1686015679114607935622
Khả Doanh, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, tranh thủ học thuộc thêm dẫn chứng trước khi vào phòng thi. – Ảnh: thanhnien.vn

Để chuẩn bị cho ngày thi hôm nay, anh Trực kể Quỳnh Anh đã phải dậy ôn bài ngữ văn từ 4 giờ, đến cả ăn sáng cũng học, “khiến tôi phải rầy con một trận, nhưng sau đó cũng động viên lại vì thấy có lỗi khi la con vào giai đoạn nhạy cảm này”.

Anh Trực chở con gái đến điểm thi lúc 6 giờ 20 và Quỳnh Anh tiếp tục ôn bài cho đến 7 giờ. “Con tuy lo lắng, nhưng cũng hiếm khi nói ra những cái khó khăn con đang đối diện. Vì thế, tôi chỉ có thể hết lòng ủng hộ con, mong con có thể hoàn thành được tâm nguyện bằng bản lĩnh của mình”, anh Trực chia sẻ.

Tâm sự gây xúc động của người mẹ

“Con thân yêu, mẹ biết rằng con và các bạn của con đang rất áp lực. Từ khi con học lớp 1 đến khi con tốt nghiệp THCS chỉ có các đợt kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ được tổ chức nhẹ nhàng và thoải mái ngay trong khuôn viên trường.

Có lẽ đây được xem là kỳ thi đầu đời – kỳ thi khắc nghiệt nhất từ trước tới nay của những chàng trai, cô gái 15 tuổi.

Có lẽ vì vậy mà con học theo kiểu tăng tốc. Mẹ còn nhớ có ngày khi thức dậy lúc nửa đêm, ngó qua phòng con mẹ thấy vẫn sáng đèn. Mẹ hỏi thì con bảo bài quá nhiều. Mẹ sốt ruột nói bài nhiều thì cũng nên đi ngủ sớm, đã hơn 2h sáng.

Con trả lời phải học xong mới đi ngủ. Mẹ lo con sẽ đổ bệnh. Con hỏi vậy mẹ có muốn con thi đậu vào lớp 10  công lập không? Mẹ muốn chứ. Nhưng để thi đậu thì phải biết giữ gìn sức khỏe, có sức khỏe tốt mới thi tốt được.

Tranh luận qua lại, cuối cùng con đã giận mẹ và… mẹ cũng giận con. Chúng ta không nói chuyện trực tiếp với nhau mà mẹ gửi tin nhắn cho con qua Zalo, rằng con phải đi ngủ trước 23h. Nếu còn bài thì sáng mai dậy sớm chứ không được thức khuya…

Rất may con có một thầy chủ nhiệm tuyệt vời ở năm cuối cấp. Khi thấy nhiều phụ huynh than phiền về việc con mình thức quá khuya, thầy đã cho các con thảo luận về phương pháp học tập trong giờ chủ nhiệm.

Kết thúc phần thảo luận, cả lớp thống nhất sẽ đi ngủ trễ nhất vào lúc 23h và có thể dậy sớm vào sáng hôm sau để học tiếp. Hơn thế nữa, thầy đã hướng dẫn các con về phương pháp học tập hiệu quả:

‘Học mà cắm đầu cắm cổ học thì chưa phải là hay. Quan trọng là phải biết nên đầu tư vào môn nào, phần nào nhiều hơn’. Tiếp theo đó, từng học sinh trong lớp đã được thầy tư vấn về phương pháp học tập cụ thể cùng hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.

Con cứ nỗ lực hết mình nhưng phải giữ sức khỏe. Nếu kết quả không như ý thì con vẫn là con của mẹ và lúc đó chúng ta sẽ tính đến phương án 2, phương án 3, thậm chí mẹ còn dự tính đến cả phương án 4.

Cuộc đời có nhiều con đường mà. Khi nghe mẹ nói như vậy, khuôn mặt con giãn ra, con đã cười rất tươi… Cũng vì quan điểm như trên nên hôm nay và ngày mai, khi đón con ra khỏi phòng thi, mẹ sẽ không hỏi ‘làm bài được không con?’ như bao bà mẹ khác.

Thay vào đó, mẹ sẽ làm sẵn cho con một chai nước ép dưa hấu mát lạnh, để con uống giải nhiệt sau những giờ làm bài căng thẳng. Bởi vì giờ làm bài thi đã kết thúc, con cũng đã cố gắng hết sức – thế thì hỏi ‘làm bài được không?’ đâu có nghĩa lý gì nữa! Nếu lỡ con làm bài không tốt thì vô tình câu hỏi đó sẽ gây thêm áp lực cho con.

thi lop 10 thpt 1 1686015823018748010872
Dù thành công hay thất bại trong cuộc đua đầu tiên của tuổi 15 này, con vẫn là con của mẹ. – Ảnh minh họa. – Nguồn: thanhnien.vn

Nếu có một điều ước trong những ngày này mẹ sẽ ước thời tiết bớt nắng nóng; mẹ sẽ ước trời đừng đổ mưa lúc các con ra về hoặc đang trên đường đi đến điểm thi… để giảm bớt những vất vả của thí sinh, để các sĩ tử cảm thấy dễ chịu hơn khi làm bài thi.

Dù thành công hay thất bại trong cuộc đua đầu tiên của tuổi 15 này, con vẫn là con của mẹ. Dù con có làm bài tốt hay không, mẹ vẫn đón con bằng một nụ cười thật tươi. Chắc chắn vậy!”

Phụ huynh hãy là chỗ dựa cho con sau kỳ thi vào lớp 10

Sau kỳ thi vào lớp 10, Sở GD-ĐT TP sẽ công bố điểm thi. Mong quý phụ huynh hãy ở bên con mình thời điểm này. Hãy là chỗ dựa cho con, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn nếu kết quả thi vào lớp 10 của con không như ý. Cha mẹ hãy là người dẫn đường, hỗ trợ con chọn lựa một con đường học tập phù hợp nhất cho hành trình tiếp theo.

Bởi vì chúng ta đã nỗ lực, đã làm hết sức trong kỳ thi vào lớp 10. Bởi vì lớp 10 công lập không phải là con đường học tập duy nhất. Các em có nhiều ngã rẽ khác và sẽ thành công nếu các em biết rút kinh nghiệm và luôn nỗ lực hết mình trong mọi việc.

Những ngã rẽ khác nếu con không thi đậu

Không đậu bởi vì chỉ tiêu các trường công lập chỉ lấy đến ngưỡng đó là đã đủ chỉ tiêu, không đậu vì lực học của các em chưa bằng các bạn của mình, cũng có thể chuyện không đậu vì một nguyên nhân khách quan nào đó.

Rơi vào những hoàn cảnh như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều em buồn rầu, mặc cảm trước bạn bè và bản thân mình. Chính những lúc khó khăn này, phụ huynh cần thiết ở bên cạnh con mình để động viên các em. Trách cứ con, la mắng con cũng chẳng thay đổi được điều gì.

Hãy nhìn vào thực tế mà định hướng con mình bước tiếp những chặng đường phía trước dù lúc này có thể sẽ đối mặt với những thử thách không hề nhỏ.

Phía trước các em không đậu tuyển sinh 10 công lập vẫn có rất nhiều hướng mở ra. Nếu phụ huynh muốn cho con học tiếp văn hóa thì có thể cho các em vào học các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn.

Trường dân lập có thể chưa phổ biến ở nông thôn nhưng trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề thì huyện nào cũng có.

Vào đây, các em cũng vẫn được học các môn văn hóa bình thường như các trường công lập. Cơ hội vào đại học cũng không hề thua kém các trường trung học phổ thông công lập nếu các em xác định rõ mục tiêu ngay từ khi vào học.

anh 1 6 16859569725391222117034
Phía trước các em không đậu tuyển sinh 10 công lập vẫn có rất nhiều hướng mở ra. – Ảnh minh họa. – Nguồn: thanhnien.vn

Thực tế, với việc học hiện nay thì học ở nhà trường cũng chỉ là một phần, phần còn lại là sự chủ động học tập, nghiên cứu bài vở ở nhà và học thêm ở nhà thầy, nhà cô. Nên khoảng cách giữa 2 hệ đào tạo này không phải là quá lớn.

Một hướng đi khác nữa là các em vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trường cao đẳng nghề. Nếu không muốn học văn hóa thì có thể các em sẽ chọn một nghề để học và xác định cuộc đời mình sẽ gắn bó với nghề mình học.

Trong khoảng thời gian 3 năm các bạn của mình học văn hóa cấp trung học phổ thông thì những em rớt tuyển sinh hôm nay sẽ học được một nghề vững vàng. Các em sẽ vào đời sớm hơn để kiếm sống và tự lo cho bản thân mình.

Thực tế những năm qua có một điều tréo ngoe là nhiều cử nhân đại học, thậm chí là tốt nghiệp cao học vẫn phải cất bằng chuyên môn của mình để đi học nghề vì không xin được việc làm mà mình đã học. Lúc ấy, những cử nhân, những thạc sỹ lại phải làm lại từ đầu mà đáng lẽ ra đã làm từ 4-6 năm trước.

Xét đến cùng, tương lai của mỗi con người là kiếm được một nghề nghiệp ổn định để đem lại thu nhập nhằm nuôi sống bản thân và gia đình mình.

Việc phân luồng thí sinh là cần thiết để đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội. Chính vì thế, việc thí sinh không đậu tuyển sinh 10 không phải là kết thúc quá trình học của mình. Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn.

Với rất nhiều chính sách ưu đãi cho học nghề hiện nay, có rất nhiều ngành nghề đang cần những người thợ giỏi thì việc học nghề là một xu thế tất yếu. Bởi, ai cũng muốn làm thầy thì ai sẽ làm thợ? Làm thợ mà có công việc, thu nhập ổn định sớm sẽ tốt hơn rất nhiều cử nhân ra trường lay lắt đi tìm công việc từ năm này qua năm khác.

Quan trọng là “ở đâu có ý chí ở đó có con đường”, đừng vì một lần vấp ngã mà trượt dài, hãy mạnh mẽ đứng lên và đi tiếp.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Tuổi trẻ

BN 1 jpeg

Toàn cảnh tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM: 17.477 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập

“Con trai, cha chúc con bất hạnh và đau đớn” lời chúc lạ lùng nhưng khiến mọi người thán phục

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều