Chúng ta thường nghe đến khái niệm mệnh, hay vận mệnh. Trong văn hóa truyền thống “mệnh” là một khái niệm vô cùng quan trọng. Đổng Trọng Thư, nhà Nho từng nói rằng: “Trời lệnh thực thi thì gọi là mệnh”. Người xưa tin rằng: “Hành sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Bởi vậy, người xưa luôn sống theo tự nhiên, kính Thần, tín mệnh. Cũng là nói người hành xử trái với mệnh ắt sẽ gặp tai ương.
Mệnh và cách thay đổi vận mệnh
Mệnh được Trời định dựa theo đức và nghiệp của mỗi người. Mỗi người trong luân hồi mà mang theo nghiệp và đức khác nhau. Do vậy chúng ta thường thấy, có người dù sinh cùng ngày cùng tháng thậm chí cùng giờ với nhau nhưng vận mệnh là khác nhau. “Mệnh người Trời định”, “Thiện ác cuối cùng sẽ báo ứng”, đây là những lời người già thường nói, hiện nay có rất ít người tin.
Trong “Trung Dung” viết: “Quân tử thuộc dị dĩ sĩ mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ nghiêu hãnh”. Người quân tử có thể làm nên đại sự là vì biết thuận theo mệnh, sẽ vì đại cục mà an phận chờ đợi thiên lệnh. Trái lại, kẻ tiểu nhân, vì theo đuổi những thứ không thuộc về mình mà mạo hiểm, kết cục chỉ có thể là trắng tay.
Vậy làm thế nào để cải biến vận mệnh? Vận mệnh con người tuy được định trước nhưng con người có thể cải biến vận mệnh. Có câu: “Đức năng thắng số”, điều này có nghĩa là một người nếu hành thiện tích được nhiều đức, có thể khiến vận mệnh tốt đẹp hơn. Tất nhiên, ngược lại, nếu một người làm điều xấu thì sẽ tổn hao phúc báo, công danh, sự nghiệp.
Đặc biệt, nếu một người bước trên con đường tu luyện, thì sẽ giải thoát khỏi vòng xoáy luân hồi đến với thế giới thánh khiết. Năm xưa Đức Phật chẳng phải từ bỏ cung vàng điện ngọc thông qua tu luyện mà giải thoát khỏi kiếp làm người, trở thành Đức Phật mà người đời tôn kính. Ngày nay, cũng có rất nhiều Pháp môn tu luyện cả chùa chiền và giữa đời thường. Nếu không thoát được luân hồi, cũng có thể theo đó mà làm người tốt, chí ít cũng tốt cho sinh mệnh.
Cứu người nguy nan, tránh được cái chết, hoạn lộ hanh thông
Ở vùng Dương Diên (huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô) có một vị thư sinh cùng với những bạn học chung tham gia khoa cử tuyển mộ nhân tài ưu tú cho triều đình. Trong một năm đầu học thi, vị thư sinh này liên tiếp đứng đầu về các môn học thuộc thể loại kinh điển, cổ điển v.v. Nên trong lòng nghĩ rằng mình đã nắm chắc thành công trong tay. Mỗi ngày vị ấy đều vui vẻ làm thơ đàm luận với các bạn học khác ở lữ quán. Khi đó ở nơi lữ quán có một vị thầy tướng số, mọi người tiếp xúc cảm thấy rất tốt.
Một hôm, thư sinh hỏi thầy tướng số về bản thân mình có thể trúng tuyển kỳ thi hay không. Thầy tướng số lưỡng lự một lúc rồi nói: “Từ sớm tôi đã muốn nói chuyện thẳng thắn với cậu nhưng lại không dám nói!”.
Thư sinh nói: “Không sao, ông cứ nói đi!”.
Ông ấy mới nói rằng: “Căn bản là cậu không có hy vọng nào để được tuyển chọn. Trên mặt cậu đã hiện rõ màu sắc u ám, ba ngày sau vào canh ba sẽ có nỗi lo về tính mệnh. Tốt nhất cậu nên nhanh chóng về nhà đi”.
Thư sinh nói: “Tôi không thể tránh được sao?”.
Thầy tướng số nói: “Thời gian quá cấp bách, tôi không nói được gì!”.
Thư sinh cảm thấy rất thất vọng, lập tức muốn thu xếp hành trang quay về nhà, nhưng các bạn học xung quanh cậu ta lại chỉ trích thầy tướng số nói ba hoa và cản không cho cậu ta về nhà. Chàng thư sinh đã quyết định ở lại, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an.
Kỳ thi sắp đến, vào buổi tối ngày hôm đó, những người bạn cùng tham dự kỳ thi đều đã ngủ, chỉ còn một mình chàng đi ra ngoài tản bộ. Bỗng cậu ấy nghe thấy có tiếng khóc từ xa vọng lại, lần theo âm thanh đó cậu đi đến trước cửa một ngôi nhà cũ nát, nhìn thấy một phụ nữ tay ôm hai đứa con nhỏ đang khóc nức nở. Sau khi hỏi chuyện mới biết chồng cô ấy thiếu một người có quyền thế 52 lượng bạc chưa hoàn trả nên bị đòi nợ, người chồng tính mang vợ con đem bán lấy tiền trả nợ. Người phụ nữ không nỡ rời xa con cái nên khóc thương vô cùng đau khổ. Thư sinh nghe chuyện lập tức quay lại lữ quán lấy 72 lượng bạc đưa cho người phụ nữ và nói: “Ta có ngần này ngân lượng giúp nhà cô trả nợ. Số ngân lượng dư ra cô có thể dùng để mưu sinh qua cơn hoạn nạn và nhớ từ đây về sau đừng vay tiền thiếu nợ người ta nữa!”.
Người phụ nữ cảm động không thôi rồi hỏi chi tiết về danh tính và nơi ở của thư sinh. Sau khi thư sinh quay về lữ quán, nghĩ đến lời nói của thầy tướng số nên không thể chợp mắt, nghe tiếng kẻng gõ báo canh ba thì trong lòng cảm thấy đã tới lúc rồi. Đúng lúc thư sinh đang lo lắng thì nghe thấy có tiếng người gọi cửa. Thư sinh đi ra mở cửa thì mới biết là người phụ nữ kia và chồng cô, hai người tìm đến để nói lời cảm ơn. Thư sinh an ủi họ một lúc rồi tiễn họ ra về. Ngay lúc đó nghe thấy một tiếng nổ lớn ở phía sau, nhìn lại thì thấy căn phòng trọ đã đổ sập, một bên tường đè lên chiếc giường nơi thư sinh nằm, giường và ghế đều nát vụn.
Ngày hôm sau gặp mặt thầy tướng số, người ta đều nói rằng ông ta đoán không trúng. Thầy tướng số không biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm trước nên mới hỏi vị thư sinh: “Đêm hôm qua nhất định là cậu đã làm việc gì đó, sắc mặt của cậu đầy âm đức, hơn nữa là đức rất lớn. Bây giờ cậu sẽ không chết nữa, hơn nữa còn được trúng tuyển kỳ thi, tiếp theo sẽ đỗ tiến sĩ. Nếu như lấy lời của tôi để nói rõ thì hôm qua cậu sớm đã bị tường sập đè chết rồi!”.
Thư sinh nghe vậy vô cùng thán phục. Về sau, quả nhiên anh đã trúng tuyển kỳ thi, về sau vào làm ở Viện hàn lâm.
Bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích, báo ứng lộc tổn mệnh suy
Rất nhiều người vì để cải biến vận mệnh mà đã không từ thủ đoạn, kết quả bị báo ứng tổn hao phúc lộc, tuổi thọ, nặng có thể là vong mạng. Ngưu Nho Tăng đời Đường có ghi chép câu chuyện của Lý Nhạc Châu trong “Huyền quái lục” là một ví dụ như vậy.
Chuyện kể rằng, Thứ sử Nhạc Châu đời Đường là Lý Công Tuấn, bắt đầu đi thi tiến sỹ vào những năm Hưng Nguyên, nhưng liên tiếp thi trượt. Năm Trinh Nguyên thứ 2, có người bạn quen làm quan Tế tửu ở Quốc tử giám, Lý Công Tuấn bèn thông qua Tế tửu, móc nối với quan giám khảo khoa cử và có được công danh.
Theo thông lệ, một ngày trước khi treo bảng công bố kết quả thi cử, viên quan phụ trách kỳ thi đem danh sách những người thi đỗ tấu lên hoàng đế. Hôm đó, qua canh 5, Lý Công Tuấn đi đến chỗ viên quan Tế tửu Quốc tử giám hỏi thăm, nhưng cửa trong chưa mở, nên chỉ dừng ngựa cung kính chờ bên ngoài cổng.
Ở bên có một người dậy sớm bán bánh, hơi nóng phả ra. Bên cạnh hàng bánh có một người đội mũ dạ, lưng khoác bọc nhỏ, trông có vẻ giống viên bưu sai (người đưa tin) quận ngoài, thần sắc lộ vẻ muốn ăn bánh. Lý Công Tuấn trông thấy bèn nói: “Bánh rất rẻ, sao không mua ăn thử?”
Người kia nói: “Đáng tiếc trong túi tôi không còn tiền.”
Lý Công Tuấn nói: “Tôi có tiền, xin sẵn lòng bỏ tiền để ông ăn no nê.”
Người khách rất vui mừng, ăn liền mấy chiếc bánh.
Một lát sau cửa trong mở, mọi người chen chúc đi ra. Người giống như viên bưu sai quận ngoài hạ giọng nói thầm vào tai Lý Công Tuấn rằng: “Tiên sinh xin hãy đợi một lát, tôi là viên thư lại âm gian chuyển danh sách tiến sỹ, lẽ nào tiên sinh không phải là người muốn thi đỗ tiến sỹ sao?”
Lý Công Tuấn nói: “Đúng rồi.”
Người kia nói: “Danh sách tiến sỹ khoa cử ở trong đây, tiên sinh có thể tự lấy ra xem.”
Lý Công Tuấn tra xem, thấy trên bảng không có tên mình. Nỗi buồn rầu bỗng trào dâng trong tim, ông cúi đầu nhỏ lệ nói trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Tôi khổ tâm với bút nghiên thư tịch đã 20 năm, thi cử cũng đã 10 năm, năm nào cũng rớt bảng, thực sự tan nát cõi lòng, tiêu tan hồn phách. Vốn kỳ vọng năm nay thi cử thành công. Hôm nay không có tên bảng vàng, lẽ nào tôi cả đời không thể thành danh với khoa cử sao?”
Viên thư lại âm gian dáng vẻ giống viên bưu sai nói: “Tiên sinh muốn thành danh thì vẫn còn cần một năm nữa. Sau khi khoa cử thành danh, lộc dày địa vị sang trọng. Hôm nay muốn khoa cử thành danh thì cũng không khó. Chỉ có điều là phúc lộc sẽ bị cắt giảm một nửa, được làm thứ sử một quận, hơn nữa vận mệnh không hợp ý, trắc trở bất định. Nếu muốn hôm nay khoa cử thành danh, thì phải hối lộ thư lại âm gian, xóa bỏ người cùng họ với ông, rồi tự điền tên mình vào, có được không?”
Lý Công Tuấn nói: “Thứ mà tôi truy cầu chính là danh, được cái danh thành công thi đỗ tiến sỹ là được rồi. Có gì là không được đâu.”
Viên thư lại âm gian nói: “Tôi vì cảm ân mà bảo ông những điều này, nhưng vẫn còn cần có 3 vạn quan tiền m phủ, dùng để hối lộ viên quan phụ trách văn bản âm gian. Giờ Ngọ ngày mai đưa là được rồi”. Nói rồi ông ta đưa cho Lý Công Tuấn danh sách để ông sửa.
Danh sách có tên của Lý Di Giản người mà sau này làm quan Thái tử Thiếu sư, Công Tuấn muốn xóa tên ông ta để điền tên mình. Viên thư lại âm gian vội vàng nói: “Không được. Người này lộc lớn chức cao, không được khinh suất thay đổi.”
Ở dưới lại có người tên là Lý Ôn. Viên thư lại âm gian nói: “Được.”
Công Tuấn xóa chữ Ôn, rồi viết chữ Tuấn vào. Sau khi sửa xong, viên thư lại âm gian nhận danh sách rồi đi, đồng thời dặn dò Lý Công Tuấn không được trái ước hẹn.
Sau đó Lý Công Tuấn đi gặp quan Tế tửu Quốc tử. Tế tửu còn chưa rửa mặt chải đầu xong, nghe nói Lý Công Tuấn đến thăm, tức giận ngồi xuống. Một lát sau Tế tửu mới ra và nói: “Tôi và quan chủ khảo có quan hệ thâm giao, chỉ cần nói họ tên là có thể làm được. Tiên sinh nét mặt nghi hoặc, sốt ruột, không ngừng đến nhà tôi, chẳng lẽ ông hoài nghi tôi là người nói lời mà không giữ lời chăng?”
Công Tuấn bái tạ mấy lượt, nét mặt bi thiết, sau đó nói: “Công Tuấn muốn có được công danh, tâm này quá mãnh liệt, do đó muốn lần thi cử này thành công. Hôm nay là ngày khoa thi niêm yết bảng, do đó mạo muội đến thăm đại nhân.”.
Khi Công Tuấn theo quan Tế tửu đến góc Bắc thành Đông của Hoàng thành, vừa may gặp Xuân quan (tên chức quan xưa) đưa danh sách người thi đỗ đi đến Trung thư tỉnh trong Hoàng thành. Tế tửu chắp tay thi lễ và nói: “Việc nhờ trước đây làm xong rồi chứ?”
Xuân quan trả lời: “Thực sự có tội rồi. Do sức ép quyền lực của quan trên nên việc ngài ủy thác thực sự khó làm được.”
Tế tửu và Công Tuấn có mối thâm giao, nhận lời là nhất định làm ổn thỏa, do đó thái độ đối với Công Tuấn rất nghiêm khắc. Trong lòng thầm nghĩ, nếu việc hôm nay không làm được thì sau này còn mặt mũi nào gặp Công Tuấn nữa. Thế là Tế tửu rất tức giận nói với Xuân quan rằng: “Sở dĩ Quý Bố nổi danh thiên hạ là vì một lời hứa đáng giá nghìn vàng. Hôm nay ông không thể nói lời mà không giữ chữ tín, lừa dối tôi, coi tôi là viên quan quèn. Vậy thì tình bằng hữu hai chúng ta cũng sẽ cắt đứt từ đây.” Nói rồi, Tế tửu chẳng bái biệt bỏ đi.
Xuân quan vội vàng đuổi theo nói: “Bị sức ép của của quyền lớn, không dám làm. Hôm nay tiên sinh trách tội như thế này, đành phải đắc tội quyền quý thôi.”
Nói xong, Xuân quan đưa danh sách cho Tế Tửu sửa. Tế tử mở danh sách bảng tiến sỹ, thấy có tên Lý Di Giản (người sau này làm Thái tử Thiếu sư), liền muốn sửa. Xuân quan vội vàng ngăn lại nói: “Người này do tể tướng xử lý, không được xóa đi.”
Sau đó Xuân quan chỉ tên Lý Ôn ở bên dưới và nói: “Người này có thể xóa được”.
Thế là Tế tửu sửa chữ Ôn thành chữ Tuấn. Khi niêm yết bảng, quả nhiên Lý Công Tuấn có tên.
Trưa hôm đó, Công Tuấn cùng những người có tên trên bảng thi đỗ tiến sỹ lục tục bái tạ Hoàng thượng, không thực hiện ước hẹn trả 3 vạn quan tiền Âm phủ. Lúc hoàng hôn, trên đường trở về, Lý Công Tuấn gặp viên thư lại âm phủ ăn bánh kia, ông ta buồn bã khóc rằng: “Do ông không thực hiện ước hẹn, tôi trách tội bị đánh gậy, và nói phải tra xét truy cứu trách nhiệm. Mọi người cầu xin mới được miễn. Xin ông cùng giờ đó ngày mai đưa 5 vạn quan tiền, tôi có thể được miễn truy cứu trách nhiệm.”
Hôm sau, Lý Công Tuấn làm đúng theo hẹn ước. Sau khi Lý Công Tuấn đỗ tiến sỹ rồi làm quan, liên tiếp bị tra xét, giáng chức. Sau này chỉ làm chức quan Thứ sử Nhạc Châu, không lâu sau thì qua đời.
Lý Công Tuấn vì cầu công danh đã không nhẫn nại chờ đợi 1 năm, dưới âm thì hối lộ quan lại âm gian, trên dương thì chạy quan hệ thân bằng cố hữu, sẵn sàng tổn người lợi mình. Mục đích tuy đạt được, nhưng chỉ có kết cục ác báo theo thân, lộc tổn thọ cắt giảm. Buồn thay! Viên thư lại âm gian vì báo ân, quan Tế tửu vì sự tôn nghiêm, quan Xuân quan vì tình bằng hữu, đã giúp Lý Công Tuấn thành tựu việc phi nghĩa phi lý. Thoạt trông có vẻ là làm việc tốt, thực tế là trợ giúp làm ác, đã làm hại đến Lý Ôn không dây mơ rễ má gì với họ, cũng hủy hoại chính Lý Công Tuấn, tội cũng rất sâu. Người ngày nay cũng nên suy nghĩ cẩn trọng.
Có thể thấy, vận mệnh là do Trời định, tuy nhiên không phải không thay đổi được nhưng quyết định tốt hay xấu đi còn ở mỗi người. Hy vọng rằng, giữa vòng xoáy vật chất đầy cám dỗ, hy vọng rằng mỗi chúng ta đều có thể giữ được trái tim lương thiện. Mỗi người hãy hành thiện tích đức, tin vào Thần Phật, tu thân dưỡng tính để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Chân Tâm (t/h)
Tham khảo: NTDVN, Minhui
Xem thêm:
- Văn hoá truyền thống: Tích đức hành thiện là phong thủy tốt nhất
- Văn hoá truyền thống: Tích đức hành thiện là phong thủy tốt nhất
- Tại sao nói “Thuận đạo Trời thì thịnh, nghịch đạo Trời thì vong?”
- Lòng tốt chân chính là không cần được báo đáp