Khoảng 15h, ngày 14-6, khu vực trung tâm TP.HCM bất ngờ xuất hiện mưa đá, kèm sấm chớp và gió giật mạnh.
Khoảng 15h, mây đen kéo mù mịt, sau đó mưa lớn trút xuống khu vực trung tâm TP HCM. Trong cơn mưa nhiều hạt đá nhỏ, bằng đầu ngón tay út người lớn rơi xuống mặt đường, mái nhà tạo thành tiếng động lớn liên tục.
Anh Hải nhà ở quận 1 cho biết chiều nay khi trời đang mưa lớn anh nghe tiếng “bộp bộp” trên mái nhà kéo dài gần 5 phút. Thấy lạ, anh ra sân quan sát phát hiện nhiều viên đá nhỏ rơi xối xả theo mưa xuống đất. “Hạt mưa nhỏ khoảng bằng ngón tay út, tan nhanh ngay sau đó”, anh nói.
Tương tự, cách đó khoảng hai km, chị Lê Thị Hoa cùng nhiều người chạy xe máy trên đường ở quận 7 phải dừng lại vì mưa đá xối xả vào người, gây đau. Các viên đá có đường kính khoảng 0,5 cm. Nhiều khu vực khác ở quận 3, 4, Bình Thạnh cũng ghi nhận xảy ra mưa đá.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết mưa đá xuất hiện do đối lưu không khí mạnh. Trước khi xảy ra mưa đá, nhiệt độ ngoài trời và độ ẩm rất cao khi có mưa đột ngột sẽ hình thành đối lưu không khí tạo mưa đá.
Theo một chuyên gia khí tượng, mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột đột.
Tại TP HCM, nhiều ngày trước nắng nóng oi bức làm cho độ bất ổn định của không khí lớn, hình thành mây giông. Khi mây giông lên tới 7-8 km độ cao, nước mưa bên trong đám mây ngưng tụ thành nước đá.
Lần gần đây nhất mưa đá ở TP HCM được ghi nhận là vào tháng 6/2022. Thời điểm đó, hiện tượng này xảy ra tại các quận ngoại thành như Tân Phú, Tân Bình.
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*