spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine

Tân Thế Kỷ – Hôm thứ Hai, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Động thái này khiến các nước nghèo lo ngại sẽ không mua được lương thực do mức giá tăng vọt.

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine và hệ quả của nó
Tàu chở hàng rời ARGO I vận chuyển lúa mì của Ukraine cập cảng bến ngũ cốc của cảng Odessa, Ukraine vào ngày 10/4/2023. Ảnh: Bo Amstrup/AFP/Ritzau Scanpix/Getty Images

Thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, đã chính thức hết hạn vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Hai (theo giờ địa phương ở Istanbul, Kiev và Moscow).

Vài giờ trước khi thoả thuận chấm dứt, một vụ nổ đã xảy ra trên cây cầu Crimea nối Nga với bán đảo Crimea và khiến hai người thiệt mạng. Moscow tuyên bố đây là vụ tấn công khủng bố nhằm vào cây cầu huyết mạch chính của quân đội Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Điện Kremlin cho biết không có mối liên hệ nào giữa vụ tấn công và quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, vì họ cho rằng các thoả thuận đã không đáp ứng song song các yêu cầu khác – như nới lỏng các quy tắc đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.

“Tổng thống Vladimir Putin đã đặt hạn chót là ngày 17/7. Thật đáng tiếc là những điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được thực thi. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ chấm dứt hiệu lực từ hôm nay” – Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Sau khi nhận được thông báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi tín hiệu rằng – việc Nga chấm dứt thoả thuận đồng nghĩa với việc hiệp định liên quan hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga cũng bị chấm dứt.

“Quyết định hôm nay của Liên bang Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu trên khắp thế giới” – ông Guterres nói với các phóng viên.

Moscow cho biết họ sẽ xem xét tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc nếu thấy được “kết quả cụ thể” đối với các yêu cầu của mình, nhưng các đảm bảo về an toàn hàng hải sẽ bị thu hồi trong thời gian đó.

Tại Washington, Nhà Trắng cho biết việc Nga đình chỉ hiệp ước “sẽ làm xấu đi tình hình an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người”. Đồng thời, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi đó là hành động vô lương tâm và cáo buộc Nga sử dụng thỏa thuận ngũ cốc “làm vũ khí”.

Về phía Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba nói với kênh CBS hôm thứ Hai rằng – “Nga đã dần dần giết chết sáng kiến ​​​​ngũ cốc, từ phần mở rộng này sang phần mở rộng khác.”

Ông nói : “Giá ngũ cốc trên toàn thế giới sẽ tăng lên và người dân ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất tại châu Á, châu Phi sẽ cảm nhận được điều đó”.

Hiện Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác lớn nhất thế giới, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc xuất khẩu cũng có thể đẩy giá lương thực trên toàn cầu lên cao.

Shaswat Saraf, giám đốc khẩn cấp ở Đông Phi của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), cho biết tác động của nó sẽ rất sâu sắc ở các nước như Somalia, Ethiopia và Kenya – những nơi đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Sừng châu Phi trong nhiều thập kỷ .

Theo Ủy ban châu Âu, Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch. Nước này cũng là nguồn cung cấp quan trọng trong thị trường dầu hướng dương.

Vì vậy, tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đối với thị trường lương thực toàn cầu là vô cùng đau đớn, đặc biệt khi Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, đã cảnh báo vào thời điểm đó rằng sẽ có tới 47 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng “mất an ninh lương thực trầm trọng” vì chiến tranh.

Vào thứ Hai, sau khi Nga chấm dứt thoả thuận, giá thực phẩm hàng hóa toàn cầu bắt đầu tăng, mặc dù mức tăng bị hạn chế, nhưng điều này cho thấy các thương nhân vẫn chưa lường trước được một cuộc khủng hoảng trầm trọng về nguồn cung lương thực.

BN 1 jpeg 1

Ukraine tìm đường ra sau khi Nga chấm dứt thoả thuận

Đối với việc Nga chấm dứt thoả thuận ngũ cốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng: “Đây là một nỗ lực khác của Nga nhằm vũ khí hóa nạn đói và gây bất ổn thị trường lương thực toàn cầu”.

Tháng trước, Tổng thống Putin nói rằng hầu hết ngũ cốc Ukraine được chuyển đến các quốc gia thịnh vượng của EU, và điều này trái với thỏa thuận mà họ từng ký. Ông cho biết các nước châu Phi hầu như không được nhận nguồn ngũ cốc này, đồng thời chỉ trích phương Tây đã không thực hiện đúng cam kết theo sự điều hành của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Nikolay Gorbachov – người đứng đầu Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine đã bác bỏ tuyên bố trên của Putin.

Ông Gorbachov nói với CNN rằng – mặc dù 60% ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine di chuyển qua các cảng của châu Âu, nhưng điều đó “không có nghĩa là châu Âu sẽ tiêu thụ những loại ngũ cốc này với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng”.

Ông cho biết cộng đồng quốc tế cần “tìm đòn bẩy” để chuyển ngũ cốc từ Ukraine ra thị trường toàn cầu, đồng thời nói thêm rằng ông “chắc chắn Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc mà không cần Nga”, nếu Ukraine nhận được “sự hỗ trợ quốc tế”.

Theo Gorbachov, sự hỗ trợ này có thể đến từ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bảo hiểm bảo hiểm từ các công ty như Lloyds.

Tổng thống Zelenskiy cũng nêu ra triển vọng nối lại xuất khẩu ngũ cốc mà không có sự tham gia của Nga, cho thấy Kiev sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để vô hiệu hóa lệnh phong tỏa được áp đặt vào năm ngoái của Nga.

“Ukraine, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác cùng nhau thì sẽ có thể đảm bảo hoạt động của hành lang thực phẩm và kiểm tra tàu thuyền” –  ông Zelenskiy nói trong tin nhắn video của mình.

“Cộng đồng quốc tế, các nước phát triển phải tìm ra đòn bẩy để chuyển ngũ cốc từ Ukraine ra thị trường thế giới” – Tổng thống Zelenskiy nói.

Hoàng Dung (t/h)

Theo Reuters, CNN

Xem Thêm:

Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea làm hai người thiệt mạng

Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ đến Ukraine gặp tổng thống Zelenskiy

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều