Anh Kiều Văn Thanh, 46 tuổi, là thế hệ thứ ba của dòng họ Kiều ở làng Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai theo nghề ca khóc trong các đám tang.
Hai con trai của anh, 18 và 22 tuổi cũng nối nghiệp bố và trở thành đời thứ tư làm công việc này.
Duyên nghề của họ nhà Kiều tại làng Đông Hạ bắt đầu từ những năm 1950, khi cụ cố anh Thanh qua đời, phải thuê đội kèn trống (phường bát âm) của huyện Chương Mỹ, cách nhà gần 20 km.
Tang gia không may làm họ phật ý, gia đình bị điều tiếng suốt mấy năm sau. Thấy nhiều người trong họ có khiếu văn nghệ, ông nội anh nảy ra ý tưởng thành lập phường bát âm, phục vụ bà con trong họ và quanh làng.
Ông Kiều Văn Bảy, chú ruột anh Thanh, người đã theo nghề gần 20 năm, kể thời kỳ hưng thịnh, phường bát âm họ Kiều nổi tiếng khắp vùng. Ngoài phục vụ trong làng, họ đi khắp các huyện, xã của tỉnh Hà Tây cũ rồi đến tận Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình. “Nhiều người trước khi mất còn trăn trối với con cháu phải chờ đúng đoàn họ Kiều đến mới được phát tang”, ông Bảy nói.
Ngày ấy, công việc của phường bát âm xoay quanh thổi kèn, đánh trống và thay mặt thân nhân người đã khuất cất “lời than tiếng khóc” bày tỏ niềm thương tiếc. Đêm đến họ thay trang phục biểu diễn các tích cổ như Mục Kiền Liên tầm mẫu (điển tích nhà Phật ca ngợi lòng hiếu thảo của con cái).
Ngày nay việc diễn điển tích này trong đám tang vẫn lưu giữ nhưng chủ yếu ở vùng nông thôn. Tại thành phố nếu phường bát âm nhà họ Kiều được mời, tiết mục giản lược xuống còn 45 phút hoặc bỏ hẳn. Riêng việc khóc hộ vẫn nhận được rất nhiều yêu cầu bởi hầu như gia đình nào cũng có con cháu làm ăn xa, không kịp về chịu tang.
Theo anh Thanh, việc khóc hộ (khóc thuê) thực chất là dùng tiếng hát để nói lên nỗi lòng người ở lại chứ không mặc quần áo tang giống người nhà rồi vật vã trước quan tài như một số đoàn khác.
Giúp tưởng nhớ về người đã khuất
Những bài khóc của đoàn bát âm nhà họ Kiều phải đủ hai yếu tố. Một là nhắc về công lao người đã khuất, hai là nói lên sự luyến thương, tiếc nuối của người ở lại. Thông thường mỗi “vai” sẽ có bài khóc riêng như con khóc cha mẹ, vợ khóc chồng, chồng khóc vợ, cháu khóc ông bà hay anh chị em khóc nhau…
Nhiều đám tang hiện nay dù con cháu đông đủ nhưng vẫn thuê người khóc nhằm thay mặt họ chia sẻ, bày tỏ nỗi niềm qua lời ca.
Với những gia đình neo người, gia chủ lại nhờ đoàn bát âm cất lời ca với mong muốn người đã khuất đỡ cô quạnh. Cũng không ít trường hợp người mất trong hoàn cảnh đáng thương, khiến người ca khóc hộ như anh Thanh không phải dùng bài sẵn mà tự bộc phát thành lời.
Người làm nghề khóc hộ trước đây thường sử dụng các điệu chèo cổ như hát sử sầu, hát làn thảm hay khúc lâm khốc… vừa bi ai, vừa lưu luyến. Ngày nay để phù hợp với nhu cầu, họ còn chơi các bản nhạc hiện đại như Lòng mẹ, Tình cha, Một cõi đi về hay Hồn tử sĩ. Nhạc cụ của đoàn gồm trống, kèn, sáo, nhị, thanh lam, đàn tam, đàn nguyệt và ghi ta điện.
Theo anh Thanh, làm nghề này ngoài việc thành thạo các kỹ năng sử dụng nhạc cụ còn phải có tiếng hát tốt. Ngày trẻ anh từng lên Hà Nội theo lớp sơ cấp thanh nhạc để hiểu lý thuyết cơ bản, sau tự mày mò và học hỏi từ cha chú.
Để giữ giọng hát, người đàn ông 46 tuổi tuyệt đối kiêng bia rượu, nước đá, luôn hát đúng tông giọng tránh phá nốt, ảnh hưởng đến thanh quản. Thời trẻ, anh Thanh đi làm gần như mọi ngày trong năm, nhưng nay làm một ngày nghỉ một ngày để giữ sức khỏe.
Hiện nay, chi phí cho việc đàn và khóc trong mỗi đám tang kéo dài hai ngày có giá 5 triệu đồng. Gia chủ khá giả hoặc hài lòng với tiếng hát có thể cho thêm tùy tâm. Nhưng không ít lần thấy gia cảnh người mất khó khăn, anh Thanh không lấy tiền hoặc lấy rất ít chỉ đủ chi phí đi lại.
“Vài năm trước có đám tang một cụ già neo đơn nghèo, chúng tôi tặng lại toàn bộ tiền công”, anh Thanh nói. “Làm việc gì cũng nên đặt chữ tâm lên hàng đầu, thêm bớt vài đồng cũng chẳng giàu lên được”.
Dẫu vậy, không ít lần anh Thanh thấy tủi thân vì bị người khác coi thường, kỳ thị bởi mọi người có quan niệm những gì gắn với tang lễ thường đem tới sự đen đủi. Hơn nữa đi sớm về khuya, biểu diễn lại mất sức khiến phường bát âm nhà họ Kiều từng có hàng chục thành viên nay chỉ còn vài người theo nghề. Hôm nào nhiều đám, anh Thanh lại huy động thêm anh em trong làng cùng hỗ trợ.
Ông Kiều Văn Thịnh, trưởng thôn Đông Hạ, cho biết họ Kiều tại làng đã có bốn thế hệ theo nghề. So với các đoàn tổ chức tang lễ khác chỉ thổi kèn, đánh trống, phường bát âm của anh Thanh còn tự sáng tác lời hát cho con cháu người quá cố, khiến người nghe xúc động. Đặc biệt, các vở diễn điển tích vào tối trước khi đưa người đã khuất về nơi yên nghỉ cũng được truyền qua nhiều đời, là nét văn hóa độc đáo của xã.
“Không chỉ khóc thương hay đến chia buồn, bà con trong làng cũng thường tụ tập tại đám để nghe đoàn tang lễ diễn lại các tích nhắc nhở về sự hiếu thảo, lòng biết ơn tổ tiên, cha mẹ”, ông Thịnh nói.
Bà Ngọc Hoa ở thôn Đông Hạ kể từ bé đã đi xem những buổi diễn trong đám tang của gia đình họ Kiều. Theo người phụ nữ 62 tuổi, lời hát không chỉ thể hiện sự thê lương, não nề mà còn gợi nhớ cho những người còn sống về công lao dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, luôn chạm tới cảm xúc người nghe.
Là thế hệ thứ ba giữ nghề, anh Thanh nói may mắn khi hai trong số bốn con trai hiện vẫn kế nghiệp nghề ông cha. Thay vì tự học, các con anh giờ được đào tạo thanh nhạc chính quy, biết sử dụng nhạc cụ bài bản, chuyên tâm theo nghề.
“Còn tôi, còn con tôi thì đội nhạc hiếu nhà họ Kiều vẫn sẽ duy trì. Điều đó cũng có nghĩa những nét văn hóa truyền thống trong đám tang mà đời trước để lại tiếp tục được lưu giữ”, anh Thanh nói.
Theo VnExpress.
Xem thêm:
Xem thêm:
Biết con mắc bệnh tim, hai bà mẹ từ chối phá thai, và giờ con trai họ đã là bạn cùng phòng đại học