Tân Thế Kỷ – Ở Việt Nam, sinh viên mới ra trường đi xin việc thường bị chê thiếu kinh nghiệm, trong khi người trên 40 tuổi không nơi nào muốn nhận vì già, lỗi thời. Vậy người lao động phải làm gì để không bị “bỏ lại”?
Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc, phổ biến nhất là phân biệt tuổi tác. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 41%, nhóm 26-35 tuổi với 35%, còn nhóm từ 35 tuổi trở lên là 24%. Rất nhiều lao động phàn nàn chuyện khó xin việc vì tuổi tác.
Trẻ mới ra trường thì thiếu kinh nghiệm?
Nói về thực trạng xin việc ở Việt Nam, độc giả Duy Tran chia sẻ: “Có quá nhiều sự bất cập trong câu chuyện tìm việc làm và tuyển dụng tại nước ta. Khi phỏng vấn, người trẻ thường bị đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng thử hỏi sinh viên ra trường thì lấy đâu ra kỹ năng với kinh nghiệm? Trong khi đó, người từng kinh qua các vị trí công việc khác nhau, có bề dày kinh nghiệm thì lại bị hạn chế bởi tuổi tác do nhiều sếp trẻ có tư duy sợ bị soán ngôi.
Thử hỏi, một thị trường lao động không có chuẩn đánh giá như vậy thì lấy đâu ra mọi thứ vào guồng chất lượng? Vấn đề ngay từ đầu chính là tư duy của người tuyển dụng. Chẳng lẽ cứ trẻ là trưng dụng dù không kinh nghiệm và để công ty đi vá lỗi cho họ và mất thời gian quản lý, còn người kinh nghiệm thì lại ngại tuổi nên không nhận?
Tuổi tác không phải vấn đề quan trọng nếu người lao động có sức khỏe đủ điều kiện và có khả năng tiếp nhận công việc. Đừng giữ tư duy lối mòn này mà làm mòn cả hệ sinh thái lao động, hệ lụy là chúng ta chỉ có mới mà không có chất lượng”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Tran Gia chỉ ra những hạn chế trong thị trường tuyển dụng ở Việt Nam khiến người lao động thiệt thòi: “Tuyển thế hệ Gen Z thì nhiều nhà tuyển dụng than trời vì họ thiếu kinh nghiệm, không gắn bó, không có trách nhiệm công việc. Nhưng những người trên 35 tuổi thì lại bị chê già, không năng động, sáng tạo… Cuối cùng, tôi không hiểu các sếp doanh nghiệp vậy giờ cần gì?
Doanh nghiệp Việt mãi ì ạch cũng chính vì những người lãnh đạo quá cố chấp, không lắng nghe góp ý của nhân sự, cứ cho là mình đúng nhưng quên mất sức mạnh của tập thể. Tôi chưa bao giờ ngại khi nghe ý kiến phản biện nhân viên lâu năm, điều quan trọng là sếp phải đủ trình độ để chắt lọc những cái nào có ích cho công ty để thay đổi mình.
Hiện nay, tôi thấy cách nhìn nhận của xã hội đang hơi lệch lạc khi một số công ty hạn chế tuyển dụng nhân viên ngoài 40 tuổi. Ở Việt Nam, để học xong Đại học phải trên 23 tuổi. Như vậy, với tư duy tuyển dụng như hiện nay, bạn chỉ có 17 năm để đi làm? Chưa kể sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, vốn sống và tính cách còn xốc nổi nên cũng bị chê nhiều. Vậy thì tuổi nào mới chững chạc để có đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng?”.
Kỳ thị lao động trung niên?
Buổi phỏng vấn tuyển dụng của Thanh Tùng khá tốt đẹp khiến anh nghĩ thầm sẽ chấm dứt chuỗi ngày thất nghiệp nhưng cuối buổi vẫn bị từ chối với lý do “đã quá già”.
Anh Tùng, 37 tuổi, một game artist ở quận Gò Vấp, TP HCM đã thất nghiệp từ đầu năm nay. Cuối năm ngoái anh từng đậu phỏng vấn một công ty game nhưng chỉ vài tháng sau nhận được thông báo cắt giảm nhân sự, giải thể nhiều phòng ban. Hụt hẫng nhưng Tùng chưa quá căng thẳng vì có tiền tích lũy và việc freelance nên giai đoạn đầu chỉ rải hồ sơ, chờ phỏng vấn.
Sang năm 2023 thị trường tuyển dụng ảm đạm hơn, nhiều người mòn mỏi tìm việc. Nếu như cuối năm trước, các nơi anh ứng tuyển có xác suất phản hồi khá cao, tỉ lệ đậu vòng hai cũng hơn 60%. Năm nay rải CV từ tháng 1 mà đến tháng 3 chỉ lác đác cuộc gọi sàng lọc, chứ không chốt được phỏng vấn.
Chỉ một lần duy nhất Tùng được một công ty game gọi đến phỏng vấn. Buổi phỏng vấn suôn sẻ, nhưng Tùng không đậu vì lý do tuổi tác. Giám đốc marketing 27 tuổi nói lý do không nhận vì e ngại tuổi của Tùng “hay có ý kiến, khó tiếp nhận cái mới”.
Tùng nói mình là người luôn học hỏi, cầu tiến, hơn nữa còn có thời gian thử việc mới biết có thật sự phù hợp không. “Đây mới chỉ là phỏng vấn mà anh đã ý kiến này kia rồi, tuyển anh về em sợ nói anh không nghe”, người phỏng vấn nói.
Tùng đứng dậy đi về luôn. Lúc đó anh vẫn chưa tin có sự phân biệt tuổi tác khi tuyển dụng. “Tới khi một người bạn làm tuyển dụng lâu năm tình cờ thấy hồ sơ xin việc của tôi mới nói rằng tuổi tác đang cản trở tôi được gọi phỏng vấn”, anh kể.
Anh Trần Văn Quang, 53 tuổi, từng là quản lý kho một siêu thị lớn ở Hà Nội đi xin việc ở vị trí cũ mãi không được, buộc phải chấp nhận làm nhân viên giao hàng, lương bằng 1/3 trước.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết kỳ thị tuổi tác trong sử dụng lao động là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do cung lớn hơn cầu, dẫn đến doanh nghiệp cơ cấu lại lao động, tối ưu hóa nguồn lực nhằm đạt năng suất cao, chi phí ít nhất. Nhìn chung người có kỹ năng, trình độ chuyên môn thấp, lớn tuổi dễ bị đào thải.
“Người lao động lớn tuổi có xu hướng giảm năng suất, chi phí cao, tạo ra sản phẩm ít. Với các doanh nghiệp nghĩ đến lợi ích kinh tế, thường có xu hướng đào thải những người lao động này, dù cho họ đã đóng góp cả thời kỳ sung sức nhất”, ông Huân nói.
Nhìn chung tuyển nhân sự lớn tuổi có thể mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm những thách thức nhất định. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, tận dụng kinh nghiệm của những nhân sự này để giải quyết những vấn đề từ thực thi đến chiến lược.
Bên cạnh đó, những thách thức thường khiến các nhà tuyển dụng cân nhắc bao gồm: Họ thường ỷ lại vào kinh nghiệm nên thiếu sáng tạo, thiếu linh hoạt, mức độ tiếp cận công nghệ mới không cao, khó làm việc với gen Y, Z, và chi phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn tăng.
Người lao động cần phải làm gì để không bị “bỏ lại”?
“Tiên trách kỷ hậu trách nhân” hiểu một cách đơn giản đó là khi chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là xem lại bản thân mình trước, không nên than thân trách phận hay tìm cách đổ lỗi cho cuộc sống.
Doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển được nhân sự làm việc hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro. Chính vì vậy, bản thân người lao động hãy biến mình thành những ứng cử viên “sáng giá” khiến họ cần mình.
Lao động trẻ
Thay vì suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”, cứ ung dung đi hết đoạn đường đại học năm nhất, năm hai, năm ba mà không hề có cho mình một công việc nào dù là bán thời gian vì đơn giản là thấy không cần thiết. Để những năm tháng đại học trôi qua lãng phí. Những người năng nổ, nhiệt huyết thường làm hết công việc này đến công việc khác, mục đích không hoàn toàn là vì tiền, mà là vì “kinh nghiệm”, vì tự lập.
Thực tế, đây lại là cách hay nhất để là một người trẻ, dám nghĩ dám làm, không phụ thuộc bất cứ ai, làm chủ tương lai của mình và hoàn toàn biết mình muốn gì! Đây mới chính là thứ “kinh nghiệm” mà nhà tuyển dụng cần.
Khoảng thời gian đó không chỉ giúp ta xác định được ước mơ của mình mà nó còn là dịp để mình chiến thắng bản thân. Giảm hẳn đi những suy nghĩ “việc đó cứ để ngày mai”, ta biết những việc gì cần làm và phải làm ngay bây giờ.
Biến mình trở thành một người năng động, hiểu bản thân, biết mục tiêu, và có thêm rất nhiều kinh nghiệm sống và các mối quan hệ mới. Ngoài ra, học thêm những kĩ năng mới theo kịp thời đại cũng không tồi, tùy theo sở thích bản thân, cảm thấy mình phù hợp với lĩnh vực nào.
Chắc chắn, không một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên thụ động, chây ì, và không biết gì cho công ty của mình phải không?
Lao động tuổi trung niên
Để không bị đào thải, ứng viên luôn phải học hỏi, rèn luyện bất kể tuổi tác, sẵn sàng cho mọi tình huống. Khi trở thành người có năng lực tạo giá trị cho doanh nghiệp, lao động sẽ luôn nắm bắt được cơ hội, dù ở độ tuổi nào.
Tham gia một phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội cuối tháng 6, chị Trà My, 45 tuổi, kỹ sư xây dựng mất việc hơn nửa năm cho biết đang phải học thêm ngoại ngữ và phần mềm để dễ đậu việc hơn.
Tuổi trung niên khó bắt đầu lại sự nghiệp nhưng không có nghĩa không có. Doanh nghiệp này đẩy ra sẽ có nơi khác muốn nhận vào. Việc của người lao động là cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm
Khi được người bạn làm tuyển dụng nhân sự chỉ cho một số điểm cần chỉnh trong CV, anh Thanh Tùng đã bỏ thông tin về bằng cấp không liên quan (trừ ngoại ngữ), chú trọng ghi về kỹ năng và công cụ, hạn chế khoe thành tựu, tham gia dự án khủng hay startup. Đặc biệt khi được hỏi về định hướng tương lai, anh nói không muốn làm lãnh đạo hay quản lý mà viết yêu nghề, muốn ổn định “làm nhân viên tốt tới khi về hưu”.
“Tôi cố gắng thể hiện là một nhân viên năng nổ hơn là một cao nhân sáng giá”, anh Tùng chia sẻ.
Xác xuất được gọi phỏng vấn cao hơn rõ rệt. Anh gửi CV cho 5 công ty đều được mời cả và đã đậu vào một công ty từ tháng 5. Tuy nhiên mức lương không đủ trang trải tài chính gia đình, nên anh vẫn làm và âm thầm tìm môi trường khác. Hiện anh Tùng làm cho một công ty startup của Singapore.
Thái độ làm việc bao gồm nhiều yếu tố như nhận thức, cách thức hành xử trong môi trường làm việc. Nhiều người có thể nhầm lẫn thái độ làm việc với tính cách của một người, tuy nhiên vẫn có những người có thể vượt qua ranh giới trong “cái tôi” của mình để hoà nhập và đặt giá trị công việc lên hàng đầu.
Hiểu được sự e ngại của doanh nghiệp khi tuyển lao động lớn tuổi, ta có thể đáp ứng các yêu cầu cho phù hợp hơn.
Một người “biết mình biết ta” và có chí tiến thủ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho công ty, tập thể và cả cá nhân bản thân họ. Còn nếu bạn không biết cố gắng và ứng xử vụng về, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ bị đào thải.
Tịnh Yên (t/h)
Mới ra trường, nhiều người trẻ đã có thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng bằng cách nào?
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực