spot_img
20 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Người chết đi sống lại kể về nhân quả

 

Một số trường hợp được ghi trong sách cổ còn cho chúng ta biết: Con người chết đi sống lại là có nguyên nhân.

Trong bài viết “Người chết sau trăm năm bất ngờ sống lại một cách ly kỳ“, tác giả đã trích dẫn một số ví dụ về những người dường như mới chết vài ngày đã sống lại, hay thậm chí sống lại sau khi đã qua đời vài chục năm, hàng trăm năm. Mặc dù đối với nhiều người, điều này giống như chuyện tưởng tượng, khó tin, nhưng đó lại là sự thật. Một số trường hợp được ghi trong sách cổ còn cho chúng ta biết: Con người chết đi sống lại là có nguyên nhân.

Người phụ nữ thời Đường chết gần một thế kỷ sống lại, thi thể không thối rữa

Vào thời Võ Đức của Hoàng đế Đường Cao Tổ, ở Nhữ Dĩnh (nay thuộc khu vực Hà Nam) trong một gia đình giàu có tên là Vi Phúng. Vi Phúng tính cách lặng lẽ, không thích giao tiếp bạn bè, lúc nhàn rỗi hay đọc thơ văn, sửa sang hoa viên, trồng hoa cỏ cây cối.

Một ngày nọ, người hầu của Vi Phúng khi đang cắt cỏ phát hiện ra tóc người, tò mò tiếp tục đào sâu hơn thì thấy tóc ngày càng nhiều và không vương vãi, như thể vừa được chải xong. Anh ta lập tức báo lại cho Vi Phúng. Vi Phúng cũng thấy kỳ quái nên đào sâu hơn một thước, không ngờ lại đào được đầu của một người phụ nữ, sắc mặt của cô gái trông giống như còn sống. Tiếp tục đào, thì thấy toàn thân người phụ nữ.

Vi Phúng vô cùng kinh ngạc đặt người phụ nữ được đào lên trên mặt đất, một lúc sau, người phụ nữ tỉnh lại, nhanh chóng đứng dậy, bước tới bái tạ Vi Phúng. Cô ấy nói rằng cô ấy là nô bộc của ông nội Vi Phúng, tên là Lệ Dung, đã từng phạm sai lầm nhỏ. Vì phu nhân trong nhà ghen tuông nên đã nhân lúc lang quân không có nhà chôn Lệ Dung, sau đó thoái thác là Lệ Dung đã trốn, dù sao người ngoài cũng không biết chuyện.

Lệ Dung kể: “Lúc mới chết, tôi bị hai người mặc đồ đen đưa đến một nơi, có cổng cao, đại sảnh rộng lớn, võ sĩ rất oai phong. Tôi nhìn thấy Diêm Vương, Ngài hỏi tôi tại sao lại đến nơi này. Tôi cũng kể lại câu chuyện, vì sợ nên không dám kiện phu nhân. Một lúc sau, tôi được đưa đến nha môn Âm Phủ, thấy hồ sơ vụ án chất thành đống khắp trong phòng, các quan âm phủ xúm nhau tìm hồ sơ vụ án, rất ồn ào. Khi tới hồ sơ của tôi, một quan âm phủ sau khi xem xong và nói rằng mệnh của tôi không phải chết, còn phu nhân thì có dã tâm giết người vì ghen tuông nên đã kết án giảm 11 năm thọ lộc của bà chuyển sang cho tôi. Sau đó, một thẩm phán đã xét xử trường hợp của tôi, toàn bộ sự việc đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, trước khi có kết quả, thẩm phán bất ngờ bị cách chức và vụ án của tôi bị tạm gác lại”.

“Sau khi vụ án gác lại hơn 90 năm, ngày hôm qua, một vị quan trên trời đã đến để giải quyết các vụ tồn đọng của Âm tào. Tất cả những oan hồn đều được cho về nhân gian, và tôi mới ở đây. Tại cõi âm, có không ít trường hợp như tôi, đại khái là vì địa vị thấp, lại có rất nhiều sự vụ, nên các quan âm phủ không vội xử lý. Các quan ở đó giống như đạo sĩ ở nhân gian, họ mặc lễ phục đỏ, đội mũ đỏ và cưỡi kỵ binh. Ông cho phép tôi được sống lại và cũng không lấy đi 11 năm thọ lộc mới thêm vào”.

Sau khi nghe câu chuyện, Vi Phúng đã hiểu, nhưng vẫn hỏi: “Linh hồn đã đến nơi khác, tại sao thể xác không bị hủy hoại?”

Lệ Dung trả lời: “Với các vụ án chưa được giải quyết, quan âm phủ sẽ bôi thuốc lên cơ thể để nó không bị thối rữa”.

Vi Phúng cảm thấy rất kỳ lạ và yêu cầu Lệ Dung đi tắm và thay quần áo. Sau khi cô ấy đi ra, thấy dung mạo của cô ấy vẫn chỉ khoảng 20 tuổi. Sau đó, cô ấy đã bí mật kể về một số chuyện nơi âm phủ với những người khác, và sau đó ngay cả chuyện cũng đến tai Vi Phúng. Vì lẽ đó, Vi Phúng thường nói: “Tu thân tích đức, Trời cho phúc báo. Đạo Thần Tiên, nên chăm chỉ cầu tìm”.

Vài năm sau, Vi Phúng và Lệ Dung biến mất, người thân trong gia tộc chỉ tìm thấy trong nhà anh những dòng chữ ghi lại câu chuyện hồi sinh, có thể họ đã đi đâu đó tu hành.

Cung nữ thời Ngụy Văn Đế hồi sinh sau 300 năm 

Đậu Kiến Đức là một thủ lĩnh nghĩa quân vào những năm cuối của triều đại nhà Tùy, từng đào một ngôi mộ ở Nghiệp Trung, trong quan tài không có gì ngoài một người phụ nữ, sắc mặt như còn sống, dung nhan tuyệt đẹp, khoảng 20 tuổi. Tuy nhiên, nhìn vào bộ quần áo cô ấy mặc, có vẻ như cô ấy không phải người thời nhà Tùy.

Đợi một lúc, người phụ nữ có vẻ như đang thở, Đậu Kiến Đức ra lệnh cho người đưa cô ta về quân đội. Ba ngày sau, người phụ nữ tỉnh dậy và có thể nói chuyện. Cô nói với Đậu Kiến Đức rằng cô là cung nữ của Ngụy Văn Đế, theo tùy tùng Chân Hoàng hậu của Ngụy Văn Đế ở Nghiệp thành. Sau khi chết, cô được chôn cất tại đây. “Mệnh của tôi được sống lại, nhưng bởi vì không có người nhà thỉnh cầu, nên trường hợp của tôi đã bị trì hoãn ở âm phủ”. Rồi người phụ nữ hỏi hiện tại thuộc triều đại nào, lúc đó cô mới biết đã 300 năm trôi qua.

Người phụ nữ cũng kể cho Đậu Kiến Đức biết Chân Hoàng hậu đã chết như thế nào và cô còn nhớ rất rõ quá trình này. Theo sử sách, Chân Hoàng hậu là vợ của Ngụy Văn Đế Tào Phi và là mẹ ruột của Ngụy Minh Đế Cao Đích. Tuy nhiên, bà vốn là vợ của con trai thứ của Viên Thiệu là Viên Hi. Sau này, Tào Tháo dẫn quân đánh chiếm Nghiệp Thành, vì có dung mạo tuyệt trần nên Chân thị được Tào Phi thu nhận và rất được sủng ái. Sau khi Tào Phi lên làm hoàng đế, sủng ái các hậu cung khác, Chân thị bực bội nói mấy lời oán hận và được ban cho cái chết Sau khi con trai bà là Tào Duệ lên ngôi, bà mới được truy phong làm Hoàng hậu Văn Chiêu.

Kể từ đó, Đậu Kiến Đức rất sủng ái cung nữ này. Sau đó, Đậu Kiến Đức bị quân Đường tiêu diệt, cung nữ vì tình yêu với ông cũng chết theo. Thân thể cung nữ này suốt 300 năm không bị thối rữa, có lẽ vì đã được người cai trị âm phủ bảo quản bằng thuốc.

Huyện lệnh hồi sinh nhờ có công ở âm phủ

Vào năm Trịnh Quán thứ hai, nhà Đường, mẹ của Lưu Toàn Tố, huyện úy Trần Lưu qua đời, quê hương của ông ở Tống Châu, Hà Nam. Ông mặc đồ tang và hộ tống quan tài của mẹ về quê, chôn cất cùng cha mình. Cha của ông, Lưu Khải, từng làm Huyện lệnh huyện Vệ và qua đời hơn 30 năm trước.

Khi mở quan tài của cha mình, Lưu Toàn Tố thấy thi thể của cha mình như còn sống, và còn có hơi thở chậm, có thể ngồi dậy khi con trai đỡ, tới gần tối ông còn có thể nói: “Đã lâu không gặp, con có khỏe không?”. Lưu Toàn Tố khóc vì vui mừng, và kể cho cha nghe những chuyện xảy ra trong gia đình mấy năm nay. Nhưng người cha nói: “Con không cần nói, ta đều biết hết”.

Huyện lệnh hồi sinh nhờ có công tại âm phủKhi mở quan tài của cha mình, Lưu Toàn Tố phát hiện ra rằng thi thể của cha mình như còn sống, và ông thở chậm. (Ảnh miền công cộng)

Lưu Toàn Tố sắp xếp cho cha tắm rửa thay quần áo, uống cháo. Lưu Khải dần dần hồi phục sắc khí và nói với con trai: “Ta ở âm phủ, được bổ nhiệm cai quản âm ti trong 30 năm. Ta đã kiểm tra, cai quản âm ti và xử lý những vụ án tồn đọng, nhờ có công lao nên ta được sống lại. Ta lo lắng con không tin, nên chỉ nói đơn giản vậy”. Ông cấm con trai tiết lộ chuyện này ra với người ngoài. Vì thế Lưu Toàn Tố gọi ông là chú.

Nửa năm sau, Lưu Khải đi tới vùng đất Thục (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên) và không bao giờ trở lại.

Đầu lìa khỏi xác, mệnh không tuyệt

Vào thời nhà Đường, Quận thú quận Ngũ Nguyên phái một võ quan đến Dương Châu để thỉnh cầu hỗ trợ một số quần áo, lý do cử người này đi là vì ông ta có người quen ở Dương Châu, và quận trưởng tin rằng ông có thể làm tốt việc này.

Khi đến Dương Châu, người phụ trách địa phương tiếp đón viên võ quan ân cần, thấy trên cổ võ quan trường có một vòng thịt, vết sẹo rất rõ ràng và trông thật đáng sợ. Vì họ quen thân nhau nên người phụ trách liền hỏi xảy ra chuyện gì. Viên sĩ quan kể lại sự tình.

Năm đó khi viên võ quan đi tuần tra biên giới, anh ta dẫn 500-600 người đi sâu vào khu vực biên tái, nhưng không ngờ bị người Hồ đột kích. Người Hồ có hàng ngàn người, và đều là kỵ binh. Kết quả là cả năm, sáu trăm người bọn họ đã bị tiêu diệt hết, xác chết chất thành đống như một ngọn đồi, và bản thân anh ta cũng đầu lìa khỏi xác.

Sau khi mặt trời lặn, linh hồn viên võ quan chợt nghe thấy tiếng quát mắng, giống như quan tuần thị của âm phủ. Khi đến bên cạnh anh, viên quan tuần thị tức giận nói: “Người này không nên chết, tại sao lại bị giết?”

Có một viên quan nhỏ đang khóc, quỳ lạy bên cạnh. Sau đó quan tuần thị nói: “Nếu không để cho anh ta sống lại, ngươi sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình”. Vị quan nhỏ hứa sẽ làm cho anh ta sống lại. Quan tuần thị gật đầu, một lúc sau quát lên: “Cần phải làm cho anh ta sống lại càng sớm càng tốt, không được trì hoãn”. Viên quan nhỏ cuống quýt vâng dạ.

Chẳng mấy chốc, viên quan nhỏ đã để đầu người sĩ quan lên cổ trong khi xác anh ta nằm trên đám lá rậm rạp. Bên cạnh đầu anh ta, có một nửa bát cháo với một chiếc thìa gãy chuôi được cắm trong bát. Khi viên võ quan thức dậy, anh ta tìm được cái thìa và ăn cháo. Ăn xong anh lại lăn ra ngủ mê mệt. Khi anh mở mắt ra lần nữa, anh thấy một nửa bát cháo vẫn còn thìa trong đó. Sau 6-7 ngày, viên võ quan có thể đi lại được nên chống gậy trở về trại. Đó là nguyên nhân hình thành vết sẹo trên cổ anh ta.

Từ đó có thể thấy, việc người chết sống lại đều có lý do. Người xưa nói rằng “sinh tử hữu mệnh” quả không sai. 

Theo Epoch Times

NTDVN biên dịch

Tài liệu tham khảo:
– Thái Bình Quảng Ký
– Thần Dị Lục

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều