Tân Thế Kỷ – Các chuyên gia cho rằng giai tầng trung lưu và thượng lưu ở Trung Quốc đang đào thoát khỏi Trung Quốc cùng với tiền của họ khi quốc gia này rơi vào tình trạng bần cùng hóa trên diện rộng.
Sự sụp đổ liên tục của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã khiến vô số nhà đầu tư thông thường của Trung Quốc đại lục chịu thiệt hại nặng nề.
Các chuyên gia nói rằng ngay cả những người Trung Quốc giàu có cũng đang dần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tước đoạt tài sản theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể chọn đào thoát khỏi đất nước này hoặc chống trả.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc kể từ đầu năm mới, với chỉ số Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đạt 2,635 điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt đầu hôm 09/02, mức thấp nhất trong nhiều năm, trong khi hàng ngàn cổ phiếu chạm sàn.
Giờ đây 200 triệu nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đang than phiền trên mạng xã hội về khoản lỗ nặng của họ và đã tìm đến các tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán Hoa Kỳ và Ấn Độ để cầu xin sự giúp đỡ nhằm vãn hồi giá trị khoản đầu tư của họ.
Nhà đầu tư gặp khó khăn
Hôm 07/02, hãng truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc Tài Tân (Caixin) đưa tin cho biết, anh Tào Hân (Cao Xin), thành viên sáng lập của Công ty TNHH Quản lý Tài sản Thiên Lý Thượng Hải (Tianli Shanghai Asset Management Co. Ltd.), “đã qua đời vì lý do sức khỏe tâm thần cá nhân” vào ngày 31/01 khi chỉ mới 34 tuổi. Tin tức này đã thu hút sự chú ý rộng rãi vì công ty của anh là nhà đầu tư lớn vào chứng khoán Trung Quốc.
Theo thông tin từ giới đầu tư đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, vụ tự sát của Tào Hân là do thị trường chứng khoán sụp đổ. Chuỗi cung cấp tài chính của anh đã bị ngắt do những cổ phiếu mà anh nắm giữ giảm mạnh. Người ta cũng nói rằng anh đã vay số tiền rất lớn từ những kẻ cho vay nặng lãi để cố gắng cân bằng tài chính do bị cắt giảm nguồn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục lao dốc, dẫn đến việc anh thua lỗ và không còn khả năng trả nợ.
Anh Xiao Yu, pháp nhân của Công ty TNHH Công nghệ Mạng Thiên Mỹ Thượng Hải (Shanghai Tianmei Network Technology Co. Ltd.), tiết lộ trong một video trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng anh đã lỗ hơn 5 triệu nhân dân tệ (703,000 USD) vì giao dịch chứng khoán trong 10 năm qua. Anh hiện không có nhà, không xe, chưa lập gia đình, và mắc khoản nợ 3.5 triệu nhân dân tệ (492,000 USD). Anh nói rằng anh đã tuyệt vọng đến mức từng lên kế hoạch đến Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải để có hành động trả thù. Anh cũng đã nhiều lần có ý định tự tử vì thị trường chứng khoán Trung Quốc thua lỗ.
Anh nói trong video: “Thị trường cổ phiếu hạng A ngày nay đang trong một thời kỳ giảm giá dài. Thị trường đang thử thách mọi người, thậm chí cả tổng tài sản của mỗi gia đình.”
Thống kê cho thấy trong số 1.4 tỷ dân của Trung Quốc, 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ 1,000 nhân dân tệ, và 900 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 2,000 nhân dân tệ.
Ước tính có 200 triệu người Trung Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Ông Tạ Điền (Frank Xie), giáo sư phụ tá marketing tại Đại học South Carolina Aiken và là một ký giả chuyên mục của The Epoch Times, viết hôm 09/02: “Những người có thu nhập khả dụng có thể mua và đầu tư vào cổ phiếu đều thuộc giai tầng trung lưu và thượng lưu trong xã hội Trung Quốc. Họ là trụ cột thực sự của nền kinh tế Trung Quốc và là bộ phận tiêu dùng chính. Ngoại trừ giới tinh hoa hàng đầu và các nhóm đứng đầu ĐCSTQ, những người Trung Quốc giàu có nhất này đang là mục tiêu chính để ĐCSTQ khai thác.”
Ông viết, “Các nhà đầu tư thông thường ở Trung Quốc ít tiếp cận được thông tin chân thực. ĐCSTQ và giới quyền lực kiểm soát truyền thông cũng như quyền phát ngôn, đồng thời lừa dối người dân ngày này qua ngày khác để thu hút hàng loạt nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đầu tư vào.”
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy thoái, cơ quan quản lý chứng khoán của ĐCSTQ đã đưa ra những hạn chế mới hôm 07/02, cấm bán khống, chỉ cho phép mua cổ phiếu.
Đào thoát
Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông (Huang Shicong) nói với The Epoch Times hôm 12/02 rằng hiện tại, địa ốc, thị trường chứng khoán, và các sản phẩm tài chính của Trung Quốc đều sụt giảm giá, thậm chí cả đồng nhân dân tệ cũng mất giá. “Ngoài ra, các chính sách của chính quyền đang đàn áp người giàu, và giai tầng giàu có hơn đã có trải nghiệm trực tiếp về điều này.”
“Những vụ việc đại lý hoặc giám đốc điều hành công ty nhảy lầu hoặc vô tình tử vong liên tục xảy ra ở Trung Quốc, điều này cho thấy việc làm người giàu ở Trung Quốc khá khó khăn dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.”
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả ở Úc, nói với The Epoch Times hôm 12/02 rằng theo quan điểm của giới lãnh đạo ĐCSTQ, thị trường chứng khoán chỉ có một vai trò duy nhất là tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ. “Dù cho giới nhà giàu hay giai tầng trung lưu Trung Quốc có muốn duy trì được sự giàu có của mình theo mô hình tư duy trước đây hay không, thì điều đó vẫn hoàn toàn là không thể. Do sự suy thoái nhanh chóng của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, nên xu hướng bần cùng hóa chung của người dân Trung Quốc đã bắt đầu.”
Ông Hoàng lưu ý rằng ĐCSTQ tiếp tục củng cố hệ thống đảng-nhà nước bằng cách thu hoạch từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau và đẩy những người giàu sang phe đối lập. Trong khi đó, họ kiểm soát chặt chẽ đảng, chính phủ, quân đội, mật vụ, và truyền thông. Mọi người không có cách nào hiệu quả để chống trả ngoại trừ việc trốn thoát. “Chỉ khi mọi người rời khỏi Trung Quốc với tiền của mình thì họ mới được an toàn.”
Tuy nhiên, ông Viên chỉ ra rằng không phải ai cũng có thể trốn thoát được, và những hành động đồi bại của ĐCSTQ cuối cùng sẽ gây ra sự phản kháng trong nước. “Mọi chính sách do ông Tập Cận Bình thực hiện hiện đang đẩy nền chính trị trong nước của Trung Quốc vào con đường phản kháng toàn quốc và nổi dậy của quần chúng.”
——-
(Bài viết do Vân Du biên dịch từ bản gốc trên The Epoch Times và thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nó không nhất thiết là quan điểm của Tân Thế Kỷ. Quý vị có thể tham khảo bản gốc trên The Epoch Times )