Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi được du nhập vào Việt Nam đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn dân tộc và được biết đến nhiều hơn với cái tên “tết bánh trôi bánh chay”. Vậy Tết Hàn thực là ngày gì, nguồn gốc và ý nghĩa của nó như thế nào?
Tết Hàn thực là gì?
Tết Hàn thực diễn ra vào mùng 3/3 Âm lịch hàng năm. Trong năm 2024, Tết Hàn thực rơi vào thứ Năm ngày 11/4 theo lịch dương.
“Hàn thực” có nghĩa là “thức ăn lạnh”, theo đó mọi người sẽ dùng thức ăn lạnh, đồ nguội. Tết Hàn thực của người Trung Quốc bắt nguồn từ câu chuyện của hiền sỹ Giới Tử Thôi và Tấn Văn Công – vua nước Tấn thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc của Trung Quốc có đề cập đến nguồn gốc ngày Tết Hàn thực, cho biết Giới Tử Thôi là bề tôi phò tá Tấn Văn Công từ thời hàn vi, bôn tẩu khắp các nước, cùng chịu nhiều gian truân. Đến khi Tấn Văn Công giành được ngôi báu, ban thưởng cho các công thần nhưng quên mất Tử Thôi.
Giới Tử Thôi thấy thế lặng lẽ về quê cùng mẹ vào núi ở, ai khuyên cũng không đến gặp vua để nhận công lao. Khi nhớ đến ông, Tấn Văn Công cho vời đến nhưng Tử Thôi không xuất hiện. Vua cho người đến tìm, nhưng Tử Thôi kiên quyết ở ẩn. Tấn Văn Công cho đốt rừng để bức ép nhưng ông vẫn không chịu ra, cùng mẹ chết cháy.
Nhà vua thương xót lập đền thờ, đồng thời ban lệnh kiêng đốt lửa trong 3 ngày và lấy khoảng thời gian từ 3/3 đến 5/3 hằng năm để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Vào ngày đó, người dân không nổi lửa và ăn đồ lạnh.
Ý nghĩa của Tết Hàn thực ở Việt Nam
Mặc dù ngày lễ này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập về Việt Nam, nó lại mang sắc thái ý nghĩa riêng.
Tết Hàn thực là Tết truyền thống được lưu truyền theo quan niệm dân gian của người miền Bắc và là ngày lễ lớn của một số dân tộc ở tỉnh miền núi phía Bắc cũng như các tỉnh miền xuôi phía Bắc.
Tết Hàn thực còn gọi là Tết Bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt.
Tại Việt Nam, Tết Hàn thực là dịp lễ quan trọng, mang ý nghĩa kính ngưỡng Thần Phật và tưởng nhớ tổ tiên. Thế nên ngày lễ này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để lễ Thần Phật và cúng gia tiên. Ngoài ra, Tết Hàn Thực cũng là dịp mọi người gửi gắm niềm tin tín ngưỡng, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Khác với Trung Quốc, vào ngày này, người Việt sẽ không kiêng đốt lửa và vẫn nấu nướng bình thường. Món đồ nguội được dâng trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của người Việt là bánh trôi, bánh chay.
Nguyên liệu để làm ra bánh trôi, bánh chay đều là bột gạo nếp thơm, vốn là sản phẩm đặc trưng của nền văn minh lúa nước mấy nghìn năm của người Việt.
Bánh chay có vỏ trắng mang tính âm, phần nhân đậu xanh bên trong màu vàng, tươi sáng mang tính dương, tượng trưng cho âm dương giao hòa, thể hiện ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hình ảnh những chiếc bánh trôi tròn, trắng, xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn gợi nhắc đến sự tích “mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng”, nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam.
Việc hình ảnh bánh trôi, bánh chay xuất hiện trên mâm cúng Tết Hàn thực qua bao nhiêu thế hệ đã trở thành sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng, cũng như kết nối văn hoá truyền thống với đời sống hiện đại trong tiềm thức của người Việt.
Hoàng Dung (t/h)
Theo baomoi, Soha
Xem Thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*