Tân Thế Kỷ – Sau 14 năm bị quy hoạch treo bởi dự án điện hạt nhân, hơn nghìn hộ dân ở Ninh Thuận như được giải phóng vì lại được tự do làm ăn, xây dựng nhà cửa trên chính mảnh đất quê hương mình.
Một tháng sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo hủy thu hồi 820 ha đất tại vùng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 1 và 2, người dân sống ở khu vực dự án bắt đầu khởi động lại việc làm ăn, xây nhà sau nhiều năm các quyền lợi này bỗng dưng bị “treo”.
Ông Nguyễn Văn Luận, 54 tuổi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh đang sửa soạn lại hồ tôm để nuôi lứa mới. Các dụng cụ nuôi tôm được tập kết sẵn bên 5 ao (mỗi ao rộng 1.000 m2) đã làm vệ sinh sạch sẽ.
Nông dân này cho hay, gia đình có 8.000 m2 đất ven biển thuận lợi để nuôi tôm. Nhưng từ khi có chủ trương làm nhà máy vào năm 2009, đến nay ông chưa thể làm sổ đỏ. Do vướng quy hoạch, gia đình chỉ nuôi tôm cầm chừng trên diện tích nhỏ (ba ao), vì chưa biết lúc nào phải dời đi.
Dự án điện hạt nhân
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, tổng công suất 4.000 MW, được Quốc hội thông qua năm 2009. Nhà máy 1 được quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) rộng 440 ha (250 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng). Nhà máy 2 cách nhà máy 1 khoảng 35 km, dự tính xây tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) rộng 380 ha (823 hộ với hơn 2.800 nhân khẩu bị ảnh hưởng).
Trong các năm 2010 và 2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có các thông báo thu hồi đất tại hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải để xây dựng hai nhà máy này.
Sau nhiều lần trì hoãn khởi công, cuối năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7 năm nay, tỉnh Ninh Thuận mới có quyết định hủy thu hồi đất.
Vui vì được xây nhà, trồng cây trên đất của mình
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Quang Trung ở thôn Thái An đã đổ vật liệu xây dựng, thuê thợ xây căn nhà mới 50 m2 bên cạnh nhà cũ xập xệ và ẩm thấp. Gia đình ông có 5 người, các con đã trưởng thành, cần có không gian sinh hoạt rộng hơn.
Tuy nhiên, do đất ở nằm trong vùng quy hoạch, nên ông không được phép cơi nới, xây dựng mới. “Bây giờ được trả lại quyền sử dụng đất, được phép làm nhà mới, có nơi sinh sống ổn định nên gia đình rất vui”, ông Trung nói.
Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Trung Kỳ, 66 tuổi ở cùng thôn Thái An, nói rằng “vui không thể diễn tả hết thành lời” vì đã được xóa quy hoạch “treo”. Gia đình ông có hơn 5.000 m2 đất, trong đó 3.000 m2 đã có sổ đỏ từ trước, còn lại chưa được cấp do vướng quy hoạch điện hạt nhân.
Theo ông Kỳ, Thái An là vùng đất mạnh về nghề trồng nho. Thời gian qua, dù vẫn được trồng trọt, nhưng do chưa biết bị giải tỏa lúc nào nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư lớn.
Nay, với việc hủy bỏ thu hồi đất, ông và bà con trong vùng đã có thể yên tâm hoạch định tương lai. “Khi có sổ đỏ, tôi sẽ đầu tư thêm để làm 5.000 m2 nho quy mô với hệ thống tưới bài bản, hy vọng mang lại nguồn thu kha khá để hưởng tuổi già”, ông Kỳ nói.
Theo giới chức xã Vĩnh Hải, việc hủy thu hồi đất làm dự án điện hạt nhân đã tạo điều kiện để địa phương thực hiện quy hoạch sử dụng đất 2021-2030. Đây cũng là cơ sở để triển khai các dự án đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, ổn định cuộc sống người dân.
Sau khi có thông báo của UBND tỉnh Ninh Thuận, chính quyền địa phương vùng quy hoạch đã thông tin đến các hộ dân, hướng dẫn họ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai như: kê khai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất…
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, dù chủ trương đầu tư dự án đã dừng, nhưng quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa phương vẫn chưa bỏ. Do đó, chính quyền tỉnh đã nhiều lần làm việc và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giải quyết phương án xử lý.
Theo quy định, sau ba năm chưa thu hồi đất, địa phương phải điều chỉnh hủy bỏ việc thu hồi với phần diện tích ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Nhưng do đây là công trình trọng điểm quốc gia, cần lấy ý kiến các bộ ngành trung ương nên thời gian kéo dài hơn.
“Việc hủy bỏ thu hồi đất là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo cơ sở pháp lý”, ông Cảnh nói và cho biết trước mắt người dân vùng dự án được trả lại quyền sử dụng đất. Các vấn đề còn lại Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho hay địa phương đã kiến nghị Thủ tướng giải quyết phương án xử lý quy hoạch cũ để tỉnh có cơ sở duyệt đề án ổn định sản xuất, đời sống người dân trong khu vực quy hoạch trước đây; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mặt bằng và hỗ nhu cầu cấp thiết của người dân vùng dự án.
Hoàng Nam tổng hợp.
Lúc nhận tiền, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng có nói “Anh cám ơn, sao nhiều thế?”
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*