Bà Sarah Cook – chuyên gia về Trung Quốc – cho biết: “Ngay cả với tất cả sự tàn bạo này, thậm chí với hàng tỷ đô-la, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn không thể” thay đổi đức tin của người dân.
Bà Sarah Cook – nhà phân tích lâu năm về Trung Quốc – phát biểu tại một buổi hội thảo trực tuyến vào ngày 25/4 rằng: “Cho đến nay, điều nổi bật trong nhiều mặt là sự vô ích của nỗ lực của ĐCSTQ trong việc đàn áp những người có tín ngưỡng và tôn giáo”.
Theo bà, chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ nhằm mục đích đàn áp đức tin đã không thể đáp ứng mục tiêu của ĐCSTQ, mà thay vào đó, nó đã phản tác dụng khi biến một nhóm lớn dân thường Trung Quốc trở thành các nhà hoạt động tại cơ sở.
Một trường hợp điển hình là môn tập Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Công gồm các bài giảng đạo đức theo giá trị phổ quát “Chân Thiện Nhẫn” và các bài tập nhẹ nhàng, an định. Vào ngày 25/4/1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải, nơi làm việc của các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, để thỉnh nguyện cho quyền được thực hành tín ngưỡng của mình.
Chính quyền, mặc dù chấp nhận yêu cầu của họ vào thời điểm đó, lại bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn chỉ ba tháng sau. Chính quyền đã bắt các học viên Pháp Luân Công đến các trại lao động, nhà tù, thậm chí còn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ.
Giang Trạch Dân – cố lãnh đạo của ĐCSTQ, người khởi xướng chiến dịch đàn áp – chắc chắn đã không ngờ rằng 25 năm sau, “Pháp Luân Công vẫn sống sót”, và thậm chí còn có những người khác giúp đỡ, bảo vệ các học viên Pháp Luân Công — như là các luật sư nhân quyền, những người hàng xóm láng giềng, hoặc thậm chí cả các sĩ quan cảnh sát địa phương, bà Cook cho hay.
Bà nói: “Chiến dịch chống lại Pháp Luân Công về nhiều mặt là một thất bại của bộ máy đàn áp của Đảng”.
Bà cho biết, khi cuộc đàn áp ngày càng gia tăng, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công, những người vốn “chỉ muốn sống cuộc sống của mình”, đã trở thành những người thỉnh nguyện và sau đó là “những nhà hoạt động [cung cấp] thông tin tại địa phương”, cho dù họ là “những người trẻ am hiểu công nghệ” hay “các bậc ông bà” cần “học cách sử dụng máy tính để vượt tường lửa và in thứ gì đó ra cho hàng xóm xem”.
Phát tờ rơi, thu thập chữ ký từ hàng xóm láng giềng, nói chuyện trực tiếp với người dân ở chợ và viết thư cho các quan chức nhà tù, nhóm những người bị bức hại đã liên tục thích nghi với bộ máy đàn áp thay đổi không ngừng khi họ tìm cách khiến tiếng nói của mình được lắng nghe. Theo Minghui.org – một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi chiến dịch đàn áp, đến năm 2009, khoảng 200.000 địa điểm in ấn đã mọc lên ở Trung Quốc.
Khi ĐCSTQ xây dựng và củng cố “Vạn lý tường lửa” (Great Firewall), các học viên đã tạo ra phần mềm vượt tường lửa và chia sẻ công nghệ này với người dân Trung Quốc, từ đó giúp mọi người có thể truy cập thông tin một cách tự do. Họ sử dụng những chiếc điện thoại ẩn danh rẻ tiền (burner phone) để bảo vệ danh tính của mình; họ cũng di chuyển khắp nơi để khiến việc theo dõi vị trí của họ trở nên khó khăn hơn. Khi chính quyền dàn dựng vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 2001 và đổ tiếng xấu cho các học viên Pháp Luân Công, các học viên đã không ngừng phát đi các đĩa DVD chỉ ra những điểm đáng nghi ngờ của các cảnh quay mà các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố.
Bà Cook lưu ý, trên China Dissent Monitor – một dự án của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House ghi lại các hoạt động bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất, bên cạnh đó là những vụ việc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và thành viên của các nhóm tôn giáo hoạt động ngầm.
Bà Cook nói: “Những nỗ lực nhằm thay đổi đức tin thực sự của người dân – ngay cả với tất cả sự tàn bạo này, thậm chí với hàng tỷ đô-la, ĐCSTQ vẫn không thể làm được điều đó”.
Những nỗ lực của các học viên đã tạo ra nhiều điều tích cực. Năm 2017, khi đang làm một báo cáo nghiên cứu về Pháp Luân Công, bà Cook đã biết đến trường hợp liên quan đến một học viên tên là Pang You, người gốc Bắc Kinh. Để chuẩn bị bào chữa cho anh này, một luật sư nhân quyền đã gặp một cảnh sát, người này đã cho vị luật sư xem một xấp thư, tất cả đều từ bạn bè của người đang bị giam giữ. Người cảnh sát này cho biết điện thoại của họ liên tục đổ chuông.
“Anh có biết tất cả những người này không? Hãy bảo bạn bè của anh ấy đừng gọi cho chúng tôi nữa”, bà Cook kể lại lời mà người cảnh sát nói. Bà lưu ý rằng ông Pang đã được thả sau khi bị giam giữ phi pháp vào tháng 6/2015. Hơn 1.000 người dân ở Bắc Kinh đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho ông.
“Đảng này quá tà ác; họ không để dân thường được sống”, một người đàn ông đã nói như vậy khi ký vào đơn thỉnh nguyện, theo báo cáo.
Một người dân Bắc Kinh khác, họ Wei, nói với The Epoch Times vào năm 2015 rằng “tất cả những người tu luyện Pháp Luân Công đều là người tốt”.
Trong nỗ lực đàn áp những người bất đồng chính kiến, chính quyền Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch ra nước ngoài. Những người được cho là các đặc vụ Trung Quốc đã đột nhập vào nhà các học viên và quấy rối họ bằng nhiều cuộc điện thoại đe dọa. Cảnh sát ở Trung Quốc thì bắt giữ người nhà đang sống ở trong nước của các học viên.
Sau khi tham dự một buổi biểu diễn tại Trung tâm Kennedy, ông Larry Liu – phó giám đốc Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại Mỹ – đi ra ô tô và phát hiện chiếc xe của mình đã bị đột nhập và chiếc máy tính xách tay trong cốp xe đã bị đánh cắp.
“Đó là một khu phố khá an toàn”, ông nói tại buổi hội thảo trực tuyến.
Ông nói thêm rằng chiếc xe của ông là một chiếc Toyota Corolla rất cũ, một trong những chiếc xe rẻ tiền nhất. Điều khiến chiếc xe trở nên đặc biệt là một bông hoa sen với dòng chữ “Chân Thiện Nhẫn” treo trên gương chiếu hậu của xe.
‘Những chiến binh hòa bình’
Những chiến thuật như vậy của ĐCSTQ, còn được gọi là chiến thuật đàn áp xuyên quốc gia, đã nhận phải phản ứng dữ dội ngày càng tăng trên phạm vi quốc tế khi các nước tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã đưa ra các dự luật nhằm hình sự hóa những hành vi như vậy, đồng thời đã tổ chức các phiên điều trần nhằm nêu bật hành vi bạo lực của các tác nhân Trung Quốc.
Một số tiểu bang của Mỹ gồm Texas, Utah và Idaho gần đây đã thông qua luật chống lại nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ; các tiểu bang này muốn đảm bảo rằng người dân không vô tình đồng lõa với hành vi tàn bạo của chế độ Bắc Kinh.
Quốc hội Mỹ cũng đang nỗ lực giải quyết nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Một dự luật mang tính bước ngoặt đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 3/2023 nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những cá nhân liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Dự luật này vẫn đang chờ một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện.
Trong lần xuất hiện gần đây tại Đại học Harvard, bài phát biểu khai mạc của đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tạ Phong (Xie Feng) đã nhiều lần bị gián đoạn khi những người biểu tình đại diện cho Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong tố cáo chính quyền ĐCSTQ đàn áp cộng đồng của họ.
Trong khi đó, phong trào bất tuân dân sự đã phát triển trong cộng đồng người Trung Quốc.
Trong một cuộc mít tinh gần đây kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999 của các học viên Pháp Luân Công, những người tổ chức đã lưu ý rằng gần 430 triệu người Trung Quốc đã chọn cách cắt đứt quan hệ với các tổ chức trực thuộc ĐCSTQ mà họ từng gia nhập, tức là thoái xuất khỏi các tổ chức Đội, Đoàn, Đảng.
Bà Cecilia Crowley – một diễn giả hoạt động trong lĩnh vực đầu tư – đã gọi họ là “những chiến binh hòa bình”.
Theo The Epoch Times, NTDVN
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*