Tân Thế Kỷ – Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cho biết có vài sai sót, đã thu hồi thư ngỏ vận động học sinh đi xem phim điện ảnh ‘Đất rừng phương Nam’ vào ngày 24-10. Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền bức thư ngỏ từ Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.
Tranh cãi thư ngỏ vận động học sinh xem phim
Nội dung thư ngỏ là về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm xem phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” tại rạp Cinestar Quốc Thanh vào sáng 24-10 tới.
Thư ngỏ viết: “Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức đa dạng; nhằm giúp học sinh tiếp cận việc đọc sách với tác phẩm “Đất rừng phương Nam” (nhà văn Đoàn Giỏi) thông qua điện ảnh để trải nghiệm, giáo viên môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục địa phương, nghệ thuật tổ chức tiết trải nghiệm liên môn ngoài nhà trường với chủ đề “Vẻ đẹp quê hương – Cuộc sống muôn màu” nhằm khơi gợi những tình cảm tốt đẹp trong học sinh…”.
Thư ngỏ của nhà trường cũng thông báo lệ phí tham dự là 80.000 đồng/học sinh, bao gồm vé xem phim và tiền xe lượt về trường.
Sự việc gây tranh cãi trên mạng xã hội khi có phụ huynh nêu ý kiến không rõ hoạt động trải nghiệm xem phim này là tự nguyện hay bắt buộc, hay việc học sinh sẽ học như thế nào, được đánh giá ra sao sau hoạt động này.
Trong cuộc họp báo liên quan đến sự việc thư ngỏ vận động học sinh xem phim Đất rừng phương Nam của Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, bà Hồ Thị Ngọc Sương – hiệu trưởng nhà trường – thông tin:
“Về thông tin phát hành thư ngỏ: Nhà trường xác nhận trường có dự kiến phát hành thư ngỏ đến phụ huynh về việc xem phim như một cách triển khai hoạt động trải nghiệm trong hoạt động giáo dục tại nhà trường. Thư ngỏ này mới chỉ triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp.
Sau khi nhà trường nắm bắt tình hình dư luận phản hồi đa chiều về bộ phim trong quá trình công chiếu nên đã dừng lại việc phát hành thư ngỏ và thu hồi toàn bộ thư ngỏ.
Tuy nhiên, có một lớp do chưa kịp thời cập nhật thông tin từ ban giám hiệu nên giáo viên chủ nhiệm đã đưa vào nhóm Zalo chung của giáo viên và phụ huynh các em học sinh trong lớp, dẫn đến việc thư ngỏ phát tán trên các trang mạng xã hội”.
Nhà trường thừa nhận sai sót
“Hiện nay, nhà trường đã dừng hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho học sinh khối 8, 9 qua hình thức xem phim này. Ban giám hiệu nhà trường nhận toàn bộ trách nhiệm về sự sai sót này”, bà Sương nói.
Khi được hỏi những “sai sót” là sai sót gì, Hiệu trưởng Hồ Thị Ngọc Sương cho biết đây là những sai sót trong việc phát hành và câu chữ, ngày tháng trong văn bản.
Thứ hai, thư ngỏ phải có sự đồng thuận của phụ huynh, xuất phát từ nhu cầu và sự thích thú đối với tác phẩm từ học sinh.
Thứ ba, khi theo dõi những phản hồi về bộ phim trên mạng xã hội, trường cũng thấy nên tạm dừng.
Theo đó, sau khi ngừng phát hành thư ngỏ, trường đã thay thế bằng tiết đọc sách Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.
Theo bà Sương, mục đích của việc đưa hoạt động trải nghiệm này đến cho học sinh không phải là giải trí, mà quan trọng là muốn học sinh trải nghiệm phim ảnh để học sinh có sự so sánh giữa bản gốc và những bản chuyển thể đa dạng hóa trải nghiệm.
Ý kiến này xuất phát từ đâu?
Về việc ý kiến hoạt động trải nghiệm này xuất phát từ đâu, nhà trường cho biết đây là hoạt động nằm trong chương trình giáo dục của nhà trường, do các tổ trưởng bộ môn đề xuất.
Do tổ văn thực hiện tiết đọc sách nên tổ văn thực hiện chính hoạt động trải nghiệm này.
Hoạt động này đã được tổ chức từ đầu năm học, đã được phê duyệt trong chương trình giáo dục của nhà trường.
“Việc tích hợp trải nghiệm với các bộ môn là hoạt động rất bình thường.
Trước đây, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm các hoạt động múa rối, hát bội, các công trình kiến trúc… Khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, từ nhà trường ra ngoài xã hội, học sinh đều rất hứng thú, thích thú” – bà Hồ Thị Ngọc Sương nói.
Trường cho biết lý do tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm này xuất phát từ chính lợi ích của học sinh, để các em có trải nghiệm đa dạng hơn nhằm mang lại hứng thú trong học tập.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết họ có kế hoạch đi xem bộ phim Đất rừng phương Nam trong tuần sau. Vì bộ phim truyền hình 11 tập Đất phương Nam đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ. Nhân vật chính cũng là các em nhỏ cùng lứa tuổi với các học sinh.
“Nội dung phim Cục Điện ảnh đã có duyệt. Qua thông tin báo chí, chúng tôi biết Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã thẩm định lại nội dung bộ phim theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã quyết định nội dung bộ phim không vi phạm Luật Điện ảnh.
Đó là lý do chúng tôi mạnh dạn, tin tưởng vào quyết định của Cục Điện ảnh. Nếu phụ huynh đồng thuận và học sinh hứng thú, trường sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động trải nghiệm phim Đất rừng phương Nam” – bà Sương nói.
Về thời gian ngày 20-2-2023 ghi trên thư ngỏ, trường cho biết đây là lỗi sai đánh máy nên đã quyết định thu hồi thư ngỏ.
Không bắt buộc học sinh xem phim
Do hoạt động trải nghiệm thu lệ phí 80.000 đồng, nhiều phụ huynh thắc mắc đây có phải hoạt động bắt buộc.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Hồ Thị Ngọc Sương cho biết đây không phải hoạt động bắt buộc, cần có sự đồng thuận từ phụ huynh và mong muốn tham gia từ phía học sinh.
Với những học sinh có tham dự, trường sẽ tổ chức và có cơ chế đánh giá riêng. Còn với những học sinh không tham dự, trường sẽ tổ chức hoạt động khác và cũng có cơ chế đánh giá riêng.
Từ những nội dung thư ngỏ và tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm, một phụ huynh học sinh bày tỏ ý kiến: “Chúng tôi ủng hộ hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường để giúp học sinh gắn việc học với thực tiễn cuộc sống. Và có nhiều hình thức trải nghiệm, trong đó có hoạt động xem phim. Tuy nhiên riêng với việc cho học sinh trải nghiệm tích hợp liên môn ngữ văn, lịch sử, giáo dục địa phương, địa lý… bằng bộ phim Đất rừng phương Nam đang gây tranh cãi về các yếu tố, sự kiện lịch sử thì không phù hợp”.
Phụ huynh này đặt câu hỏi: “Khi lên kế hoạch cho học sinh xem phim thì ban giám hiệu đã xem phim chưa, thấy có phù hợp cho hoạt động giáo dục hay không?”.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Tuổi trẻ
Phụ huynh bức xúc vì suất cơm bán trú 32k “lèo tèo” ba miếng thịt, vài cọng giá
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực