Nhật Bản sẽ chuyển cơ sở chế biến sò điệp từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh nước này bị Trung Quốc ép buộc kinh tế kể từ khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý của nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành một trong những thị trường chế biến thủy sản chính của Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Mỹ.
Vào ngày 1/12 – Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho biết, nhu cầu chế biến sò điệp của Nhật bản trước đây được thực hiện tại Trung Quốc, nay sẽ được chuyển sang Việt Nam sau cuộc thảo luận giữa Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản và một số bộ, ngành Nhật Bản.
Các cơ hội chế biến hải sản khác dự kiến sẽ phát triển thông qua hợp tác giữa ba quốc gia.
Điều này xảy ra sau khi Bắc Kinh cấm các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản vì lo ngại về “nước ô nhiễm” do nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản thải ra vào tháng 8.
Bắc Kinh đã phớt lờ đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc xử lý nước thải của Nhật Bản là an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân vốn được quốc tế công nhận.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên án chiến dịch bôi nhọ của Bắc Kinh về sự cố nước thải Fukushima, trong khi Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản – ông Rahm Emanuel cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc đối với hải sản Nhật Bản là một hình thức “ép buộc kinh tế”.
Sò điệp là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Nhật Bản. Số liệu chính thức của Nhật Bản vào năm 2022 cho thấy 30% khối lượng xuất khẩu – tức khoảng 140.000 tấn, đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong số này, khoảng 28%, tương đương 30.000-40.000 tấn, được chế biến tại Trung Quốc bằng cách lột vỏ và cấp đông, sau đó được vận chuyển đến Hoa Kỳ.
Trung Quốc là nước đứng đầu danh sách các quốc gia và khu vực xuất khẩu thực phẩm và thủy sản hàng đầu của Nhật Bản vào năm 2022.
Nhưng trong những tháng qua, sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản Nhật Bản vào tháng 8, Nhật Bản đã phải ưu tiên tìm kiếm các phương thức xuất khẩu thủy sản thay thế để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ichiro Miyashita, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã bày tỏ lòng biết ơn tới Đại sứ Mỹ Emanuel trong cuộc gặp ngày 1/12, vì đã cố gắng tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu sò điệp và các sản phẩm thủy sản khác của Nhật Bản cũng như mở rộng khối lượng xuất khẩu thủy sản Nhật Bản sang Hoa Kỳ .
Truyền thông Nhật Bản đưa tin – Đại sứ quán Mỹ đã đề xuất 19 cơ sở thích hợp để chế biến thủy sản tại Việt Nam.
Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), một tổ chức trực thuộc chính phủ, đang xem xét việc đến thăm Việt Nam để kiểm tra liệu các cơ sở của Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ hay không.
Trong khi đó, một chương trình tuyển dụng cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Nhật Bản đã lên kế hoạch cho chuyến công tác tới Việt Nam vào tháng 1 năm sau.
Những người trong ngành tin rằng Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều lợi ích lớn nếu quan hệ hợp tác Mỹ-Nhật-Việt diễn ra tốt đẹp.
Và ngược lại, Bắc Kinh sẽ không chỉ thất bại trong việc gây áp lực kinh tế lên Nhật Bản mà còn làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đang ngày càng suy thoái của nước này, thông qua động thái “ép buộc kinh tế” Nhật Bản.
Hoàng Dung lược dịch
Theo The Epoch Times
Xem Thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*