Những ngày gần đây, thế giới chứng kiến 3 ngọn núi lửa khổng lồ “thức giấc” và phun trào dữ dội. Hai núi lửa Stromboli ở Ý và núi lửa Semeru ở Indonesia đã phun trào cùng ngày, chỉ một tuần sau vụ phun trào của ngọn núi lửa lớn nhất thế giới Mauna Loa ở Hawaii.
Sự nguy hiểm của chúng khiến các nhà chức trách phát đi cảnh báo quan trọng hoặc di dời cư dân quanh đó đến nơi an toàn hơn.
Núi lửa Stromboli ở Italy phun trào dữ dội, kéo theo sóng thần
Động đất và sóng thần đã được ghi nhận ở Biển Tyrrhenian, ngoài khơi Sicily sau khi một ngọn núi lửa trên đảo Stromboli của Italy phun trào dữ dội hôm 4/12. Nguyên nhân khiến ngọn núi lửa này phun trào được cho là từ một trận động đất mạnh 4,6 độ cùng ngày.
Stromboli có độ cao 924 m (3.031 ft) so với mực nước biển, và trung bình nằm ở cao độ 2.700 m (8.860 ft) so với đáy biển. Có ba miệng núi lửa hoạt động trên đỉnh núi. Một đặc điểm địa chất quan trọng của núi lửa này là sciara del fuoco được gọi là suối lửa. Đó là một trũng hình móng ngựa lớn được tạo ra đã hơn 13.000 năm qua bởi các vụ sụp đổ ở phía Tây ngọn núi.
Stromboli đã phun trào nhiều lần, đôi khi gây thương vong cho con người.
Hòn đảo Stromboli của Italia có dân số 5.000 người, theo thông tin dữ liệu được giới chức Italia thu thập năm 2016.
Núi lửa Semeru phun trào, Indonesia phát cảnh báo cao nhất
Chiều ngày 4/12, một ngọn núi lửa tại tỉnh Đông Java, Indonesia là Semeru đã phun trào, khiến giới chức nâng mức cảnh báo về hoạt động của nó lên cấp cao nhất.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) cho biết núi lửa Semeru, cách thủ đô Jakarta khoảng 640 km về phía đông, phun trào vào 2h46 hôm nay. Núi Semeru cao 3.676 m, là ngọn núi cao nhất ở đảo chính Java.
Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Địa chất và Núi lửa Indonesia (PVMBG) đã nâng cảnh báo về hoạt động của núi lửa Semeru từ cấp ba lên mức cao nhất là cấp 4.
Vụ phun trào xảy ra sau một loạt trận động đất ở phía tây đảo Java, trong đó có sự việc khiến hơn 300 người chết hồi tháng trước.
Với 142 núi lửa trải khắp cả nước, Indonesia là quốc gia có số dân sống gần núi lửa nhiều nhất thế giới, trong đó 8,6 triệu người sống trong phạm vi khoảng 10 km gần núi lửa.
Siêu núi lửa Hawaii thức dậy sau gần 40 năm yên ngủ
Mauna Loa, núi lửa lớn nhất còn hoạt động trên thế giới, bắt đầu phun trào và khiến giới chức Mỹ phát cảnh báo.
Theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), núi lửa Mauna Loa trên quần đảo Hawaii phun trào trở lại đêm 27/11 theo giờ địa phương. Đây là lần phun trào đầu tiên của nó sau 38 năm.
Hơn 10 trận động đất mạnh trên 2,5 độ đã xảy ra tại khu vực trong vòng hai giờ, trong đó một trận mạnh 4,2 độ. Cơ quan Giám sát Núi lửa Hawaii thông báo sẽ tiến hành thăm dò bằng máy bay trong thời gian sớm nhất để đánh giá mức độ nguy hiểm.
Núi lửa Mauna Loa cao 4.169 m, là núi lửa lớn nhất còn hoạt động trên thế giới. Nó đã phun trào 33 lần kể từ sự kiện đầu tiên được ghi nhận năm 1843. Lần gần nhất núi lửa phun trào là tháng 4/1984, tạo ra dòng dung nham di chuyển cách thành phố Hilo khoảng 8 km.
T.M (t/h)