Trên thực tế, trong suốt hơn một năm qua, chuyện doanh nghiệp nhà đất buộc phải bán bớt tài sản để xoay tiền không còn là chuyện hiếm. Kết quả một cuộc thăm dò tại hơn 30 công ty có dự án bất động sản tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM, cho thấy có nhiều đơn vị đang phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất 18 – 25%/năm, kỳ hạn 6 – 9 tháng, vì không thể tiếp cận với các khoản vay ngân hàng.
Báo cáo mới đây của VARS cũng cho thấy, khoảng thời gian giữa năm 2023 là “mùa xử lý nợ” đầy khó khăn của các doanh nghiệp địa ốc, nhiều đơn vị đối mặt với lựa chọn bán bớt dự án, tài sản giá rẻ.
Để xử lý các khoản nợ, QCG dự kiến bán dự án thủy điện IaGrai 1 ở Gia Lai, một mảng vốn đang “hái ra tiền” của công ty. Việc lựa chọn bán thủy điện thay vì dự án là vì “bán dự án thì phải giảm 50%, trong khi bán thủy điện thì không lỗ”.
Trước đó, giới đầu tư địa ốc hẳn cũng chưa quên vụ việc Egroup của “shark” Thủy thông báo “cấn nợ” 75 lô đất ở Thanh Hóa vào cuối tháng 3 vừa qua, mỗi lô có diện tích từ 100 – 194m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Được biết, số lô đất này dành cho chủ nợ có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Tập đoàn Egroup và các công ty liên quan. Nhà đầu tư được gạt nợ 100 – 200 triệu đồng, còn lại phải đóng tiền mặt.
Cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, chia sẻ tại đại hội cổ đông rằng suốt thời gian qua, ông đã phải bán nhiều tài sản và chịu nhiều thiệt hại để giúp công ty vượt qua đợt cao điểm trả nợ đáo hạn.
“Một tài sản 3.000 tỷ đồng, tôi chấp nhận bán 2.000 tỷ đồng. Tài sản gia đình và cá nhân tôi cũng bán hoặc thế chấp để có tiền đưa công ty vượt qua khó khăn”, ông Đạt nói.
Không chỉ sức ép từ nợ vay, các doanh nghiệp bất động sản còn đối diện với khối nợ khổng lồ từ trái phiếu đáo hạn. Số liệu của Bộ Xây dựng vừa công bố cho thấy dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 6 là gần 860.000 tỷ đồng.
Bất động sản cũng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 3 tháng gần nhất, những tên tuổi hàng đầu như Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment… lần lượt thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp như Kita Invest, Phát Đạt… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Theo thống kê, áp lực đáo hạn trái phiếu trong nửa cuối năm 2023 là rất lớn. Chỉ riêng trong 3 tháng 7, 8, 9, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt là 26.564 tỷ đồng, 33.746 tỷ đồng và gần 41.000 tỷ đồng… Trong đó, lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Tài chính chỉ ra, năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng vọt, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Riêng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đang xuống thấp đến mức nghiêm trọng. Giới chuyên gia kỳ vọng, đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, các chính sách gỡ khó về pháp lý thẩm thấu và việc vay vốn dễ thở hơn, lãi suất cho vay giảm xuống mức trên dưới 10%, núi nợ của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, quá trình phục hồi sẽ bắt đầu.
Nghi Vân (t.h)
Nguồn tham khảo vnbusiness, doanhnghiephoinhap
Xem thêm:
Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực trong tháng 7 năm 2023
Nợ xấu bộn bề, ngân hàng đua nhau rao bán tài sản khủng nhưng vẫn… ế
Chính sách tiền tệ Việt Nam trong “bóng ma” đình lạm toàn cầu
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*