Tân Thế Kỷ – Gia đình là nhân tố cơ bản để ổn định xã hội, chức năng của gia đình là truyền thừa, bồi dưỡng tín ngưỡng và giá trị quan cho thế hệ sau, khiến cho thế hệ trẻ được câu thúc bởi quan niệm truyền thống, từ đó giữ gìn được đạo đức, phẩm hạnh và các chuẩn tắc làm người.
Gia đình truyền thống Phương Đông
Trong văn hóa truyền thống phương Đông, hôn nhân là bắt nguồn từ duyên nợ hoặc do ân nghĩa từ kiếp trước và do Thần tác hợp, không thể hủy hoại.
Nam giới là dương, tượng trưng cho trời và mặt trời, không ngừng vươn lên, gánh vác trách nhiệm, dầm mưa dãi nắng, bảo vệ gia đình vượt qua khó khăn. Nữ giới là âm, tượng trưng cho đất, lấy đức dày mà chở vạn vật, phải mềm mỏng, biết chăm lo cho mọi người, có nghĩa vụ trợ giúp chồng, dạy dỗ con cái.
Nam nữ mỗi người làm tốt vai trò của mình mới có thể đạt được âm dương hòa hợp, con cái mới có thể trưởng thành một cách lành mạnh.
Gia đình truyền thống Phương Tây
Trong văn hóa truyền thống phương Tây, hôn nhân là do Thần định đoạt, do “Thiên Chúa tác hợp”, không được từ bỏ. Nam giới và phụ nữ đều do Thần tạo ra dựa theo hình tượng của bản thân mình, đều là những chúng sinh bình đẳng trước mặt của Thần. Nhưng Thần đồng thời cũng tạo nên sự khác biệt về sinh lý giữa nam và nữ, quy định ra những vai trò khác nhau của nam và nữ.
Trong văn hóa phương Tây, người phụ nữ là xương của xương người đàn ông, là thịt của thịt người đàn ông. Người chồng phải yêu thương, bảo vệ vợ mình giống như bảo vệ thân thể mình vậy. Còn người phụ nữ cũng phải phối hợp và trợ giúp chồng “để cho hai vợ chồng như một”. Nam giới vất vả làm lụng nuôi gia đình, phụ nữ thì “mang nặng đẻ đau”.
Trong Kinh Thánh có ghi lại: “Thiên Chúa phán với người nữ: “Ta sẽ gia tăng nhiều nỗi nhọc nhằn khi ngươi mang thai, và thêm nhiều đau đớn mỗi khi ngươi sinh đẻ. Tuy nhiên, ngươi vẫn ước muốn sống bên chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi”. Sau đó, Ngài phán với Adam: “…, Ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, là nơi ngươi từ đó mà ra. Vì ngươi là cát bụi, ngươi sẽ trở về với cát bụi”.” Như vậy, trách nhiệm của mỗi người đều có nguyên nhân từ các tội lỗi khác nhau.
Những giá trị của hôn nhân truyền thống
Cuộc sống hôn nhân truyền thống giúp nam giới và phụ nữ cùng phát triển lành mạnh về mặt đạo đức. Nó đòi hỏi người chồng và người vợ phải có thái độ hoàn toàn mới đối với tình cảm và dục vọng của bản thân, biết quan tâm, bao dung lẫn nhau. Điều này khác biệt rất lớn về bản chất so với việc sống chung, hai người vui vẻ thì ở với nhau, không vui vẻ thì chia tay, kiểu quan hệ này không khác gì quan hệ bạn bè thông thường, cũng không cần ràng buộc bởi hôn nhân.
Trong xã hội truyền thống phương Đông cũng như phương Tây, sự trinh tiết trong quan hệ giữa nam và nữ vốn được coi là điều đáng trân trọng. Quan hệ trước hôn nhân, quan hệ đồng tính bị cấm trong xã hội truyền thống. Ở Phương Đông có câu “vạn ác dâm vi thủ” trong vạn tội ác thì tà dâm đứng đầu, ở Phương Tây trong mười điều răn của Chúa, thì điều răn thứ sáu là “chớ làm sự dâm dục”. Sự nghiêm túc ước chế dục vọng là một tiêu chí quan trọng trong sự đánh giá đạo đức của con người.
Trong truyền thống, nam giới giữ một vị trí trụ cột trong gia đình. Quan niệm Phương Đông là do đặc tính của nam giới do khí dương sinh ra nên phải đảm nhận trọng trách là chủ gia đình, ở Phương Tây là do chỉ định của Chúa “Chồng sẽ cai trị ngươi”. Nhưng chúng ta không nên hiểu nhầm lời của Chúa, từ “cai trị” đọc lên có vẻ nặng nề, đó là do dịch thuật và sự khác nhau về ngôn ngữ nên rất khó diễn giải lời của Thần.
Ở trên cao, Thần sẽ sắp xếp những điều tốt nhất cho nhân loại, chỉ là con người không nhìn thấy mà mạo phạm Thần. Tư tưởng cấp tiến cho rằng chế độ “phụ quyền” trong gia đình truyền thống áp bức phụ nữ, cần phải “giải phóng phụ nữ”. Đối lập với “giải phóng là “áp bức”, vậy sự áp bức nào mà phải kêu gọi “giải phóng phụ nữ”? Nam giới là chủ gia đình đó là sự chỉ định của Thần. Vợ chồng cũng như đĩa âm dương, cả hai cùng trợ giúp lẫn nhau, cùng ước chế phía mặt ác trong con người cho nhau. Vậy “giải phóng phụ nữ” chẳng phải giải phóng cái mặt ác trong nhân tính ra khỏi ước thúc đạo đức con người hay sao?
Trong gia đình truyền thống phụ nữ sẽ không phải chịu quá nhiều áp lực tinh thần còn nam giới cũng thấy an tâm khi trở về ngôi nhà của mình. Nam giới đi làm nuôi gia đình, phụ nữ ở nhà chăm lo nhà cửa, nấu nướng, may vá. Nếu so sánh với hiện đại “nam nữ bình quyền” có nghĩa là phụ nữ phải đi làm như nam giới, rồi về nhà lại tiếp tục giặt giũ, nấu nướng, chăm con cái thì “giải phóng phụ nữ” lại đem lại cho họ cuộc sống áp lực hơn, và nỗi bất hạnh trong gia đình xảy ra nhiều hơn.
Những gia đình truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường giúp cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ được thực hành những lễ tiết như viếng thăm, chào hỏi, thưa gửi, v.v. Đó là những phép tắc bước đầu cơ bản để hình thành nên nhân cách con người. Người xưa có câu “tiên học lễ, hậu học văn”, trẻ nhỏ thường quý ông bà, việc thực hành lễ với ông bà sẽ trở thành một điều tự nhiên, là cơ sở cho sự hiếu thuận sau này.
Gia đình là nền tảng căn bản của xã hội
Quốc gia lấy gia đình làm nền tảng, gia đình vững mạnh thì quốc gia hưng thịnh, gia đình ly tán thì quốc gia suy vong. Nền tảng của xã hội là quốc gia, nền tảng của quốc gia là gia đình, mà nền tảng của gia đình là tại bản thân mỗi người.
Hôn lễ lấy lễ làm gốc, “hôn lễ là sự kết hợp tốt đẹp của hai họ với nhau, để trên thì thờ tông miếu, dưới thì nối truyền cho đời sau”. Cổ nhân nói: “Hôn lễ lấy lễ làm gốc”. Khổng Tử giảng: “Không học lễ, thì khó lập thân”, mà cái nghĩa của Lễ rất rộng lớn. Người xưa nói: “Trong khi động tình mà hình thành nên lời nói”. Đại sự quan trọng nhất trong đời người là việc thành gia lập nghiệp. Phu thê tình thâm, tâm đầu ý hợp, lấy ân tình làm sợi dây ràng buộc. Người con gái xuất giá lấy chồng, được gọi là hạnh phúc vu quy, lấy thân báo đáp ân tình với chồng, chồng báo đáp vợ bằng nghĩa. Tình nghĩa vợ chồng hòa thuận, tương kính như tân (kính trọng nhau như khách). Vợ chồng tựa như âm dương, nam giới là dương cương, phụ nữ là âm nhu, cả hai tương sinh tương khắc, mà cũng bổ trợ giúp đỡ thành tựu lẫn nhau.
Chồng bất nghĩa thì ắt sẽ không có người vợ trung trinh; vợ không hiền thì ắt không thể có người chồng làm nên đại sự. Nàng ấy đi lấy chồng, thì ắt hòa êm ấm cảnh gia đình (Câu thơ trong bài Đào Yêu 1 – Kinh thi); Vợ con hòa hợp với nhau, như gảy đàn cầm đàn sắt (Câu thơ trong bài Thường đệ 7 – Kinh thi); xác thực là như thế, thuận theo đạo trời mà hành. Trong Lễ Ký viết: “có phân biệt nam nữ mới có nghĩa vợ chồng; có nghĩa vợ chồng thì sau mới có tình phụ tử, có tình phụ tử thì sau mới có đạo vua tôi”.
Người con gái thời xưa thường ở trong khuê các mà ít khi ra ngoài, họ ôn nhu uyển chuyển, thông minh hiền hậu, nội tâm thuần tịnh mà không ưu sầu, cũng không lo nghĩ ưu sầu về những rối loạn của thế giới bên ngoài. Người con gái thời xưa được sự giáo dưỡng của nền văn hoá truyền thống, được lễ nghĩa giáo hóa, thưởng thức được tài văn chương cổ kim, lại có đầy đủ phong thái của người cung nữ. Khi lấy chồng (vu quy) là quy về ân, về nghĩa, về lễ để giúp đỡ phu quân và nuôi dạy con cái, phải có tam tòng tứ đức. Nam lo liệu việc bên ngoài, nữ quán xuyến tề gia nội trợ, người chồng kiến công lập nghiệp bên ngoài, người vợ ở nhà giúp chồng, dạy con.
Con gái các nhà quyền quý có kiến giải tinh thâm, họ biết rõ người sẽ ước nguyện chung thân cả đời, họ thấu hiểu đại nghĩa là phải giúp đỡ chồng kiến công lập nghiệp, đó là đức hạnh của người vợ vậy. Đặc điểm nổi bật nhất của người vợ thời xưa là xem trọng việc dạy con, họ cho rằng điều quan trọng nhất đời người, không gì bằng việc dạy con. Việc dạy con vừa phải dùng lời lẽ dạy bảo vừa lấy bản thân làm gương, dạy lễ nghĩa, dạy thành tín, dạy lập chí, phải nghiêm khắc mà dạy dỗ, thương yêu mà không nuông chiều. Dạy con từ thuở còn thơ, uốn nắn từ lúc còn nhỏ. Ở chỗ nào cũng cần suy xét, Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà, để Mạnh Tử sinh ra phẩm chất tốt, đây chính là công đức của người vợ. Ngôn từ của người vợ không cần phải lanh lợi hoạt ngôn mà phải lựa lời mà nói, lời nói ra phải có sự tin cậy, nói năng nhỏ nhẹ dẫn dắt từng bước, cẩn thận khi nói mà cẩn trọng khi làm. Dung mạo của người vợ không cần thiết phải nhan sắc mỹ lệ, mà cần trang phục sạch sẽ màu sắc tươi sáng, bản thân không được dơ bẩn cẩu thả, tướng do tâm sinh ra, tuân thủ đạo đức với nét mặt thiện lành hiền hoà. Số phận người vợ dựa vào chồng, chồng mà sang quý thì vợ được vinh, chồng bần tiện thì vợ bị khinh rẻ. Đây là nguyên nhân vì sao người vợ thời xưa xem chồng là trời, mà tôn kính, cũng là ý nghĩa của tam tòng.
Thời nay là mạt pháp loạn thế tạo nên, âm thịnh dương suy, âm dương đổi chiều. Người phụ nữ không có vẻ đẹp âm nhu, nam nhi không có nét mạnh mẽ, tất cả đều đã đảo lộn. Thậm chí còn xuất hiện trăm thứ tà thuyết, đề xướng chủ nghĩa nữ quyền, xóa bỏ truyền thống, vứt bỏ đức hạnh của người phụ nữ. Người vợ không thủ đức nghĩa, người chồng không giữ lấy đức ân. Ngày nay khi bàn luận về hôn nhân, kết hôn đều là từ tình yêu, lấy chữ tình làm chủ đạo, không nghĩ đến ân nghĩa, càng không hiểu được lễ nghĩa, thích sao làm vậy. Sự tan hợp trong đời người đều có định số, làm sao có thể thích sao làm vậy được? Chính vì điều đó mà dẫn đến vợ chồng ly tán, con trẻ không biết theo cha hay theo mẹ, tất nhiên đối với trẻ nhỏ, việc mất đi một người thân sẽ để vết thương trong tâm hồn chúng. Gia đình là sự hòa hợp của vợ chồng, là sự bổ trợ của âm dương, gia đình tan vỡ thì thiếu đi sự viên dung, như thế thì tất nhiên tâm trí của con cái sẽ không được đầy đủ, vẹn toàn. Thiếu cha sẽ thiếu chí, thiếu mẹ sẽ thiếu sự yêu thương. Người mà thiếu một trong hai thứ đó thì không thể có chỗ lập thân được. Một người không thể tự lập thân được thì không cách nào tề gia, là do con cái của họ sẽ không có hình mẫu noi theo, đời này qua đời khác cứ lặp lại như thế. Gia đình có tác dụng nuôi dưỡng giáo dục con người, giáo dục cần chiểu theo Đức, phương pháp giáo dục là cần phải tu thân, bản thân tu dưỡng rồi thì gia đình yên ấm, gia đình yên ấm thì quốc gia vì thế mà được hưng vượng. Vì vậy nền tảng của việc xây dựng đất nước là việc giáo dục con người ở trong gia đình.
Gia đình truyền thống phát huy chức năng truyền thừa tín ngưỡng, đạo đức, và duy trì ổn định xã hội. Gia đình là cái nôi, là sợi dây gắn kết, truyền thừa các giá trị. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ chính là cha mẹ. Nếu đứa trẻ qua lời nói và cử chỉ mẫu mực của cha mẹ mà học được các đức tính truyền thống tốt đẹp như vô tư, khiêm tốn, biết ơn, kiên nhẫn, như vậy nó sẽ được lợi ích suốt đời.
Chân Tâm t/h
Tham khảo: Chánh Kiến, NTDVN
Xem thêm: