Tân Thế Kỷ – Nhiều giáo viên ở Hàn Quốc bị hành hung, quấy rối nhưng luôn ở thế bất lợi nếu đối đầu với phụ huynh và học sinh, một số không được nhà trường bảo vệ. Vậy ở Việt Nam thì sao? Tại sao bây giờ học sinh đáng sợ như vậy?
Những nỗi sợ của giáo viên Hàn Quốc
Koh, 23 tuổi, giáo viên một trường học ở Busan, năm ngoái bị một nam sinh lớp 6 hành hung. Em này còn tự làm hại bản thân trước mặt các bạn, nôn mửa mỗi buổi sáng. Thế nhưng, Koh không thể tự bảo vệ mình hay các học sinh khác vì nhà trường từ chối chuyển nam sinh này khỏi lớp.
Năm nay, Koh nhận một lớp khác nhưng tình trạng không khá hơn. Ở học kỳ đầu tiên, cô bị một số phụ huynh khiếu nại đến ban giám hiệu. Họ gọi và nhắn tin cho cô mỗi ngày, thúc giục cô phải quan tâm đặc biệt đến con họ như nhận xét tích cực về kết quả học tập hay đảm bảo bọn trẻ ăn uống đầy đủ ở trường.
Koh không phải là giáo viên duy nhất áp lực vì yêu cầu của phụ huynh và nỗi sợ bị học sinh hành hung. Hôm 18/7, một giáo viên tiểu học 23 tuổi ở Seoul đã tự sát ngay tại trường. Vụ việc được cho là liên quan đến một học sinh có hành vi bắt nạt ở lớp cô phụ trách. Học sinh này đã dùng bút chì cào vào trán bạn. Phụ huynh của học sinh bị hại đến gặp nhà trường và quyết liệt phản đối, cho rằng cô “không có tư cách làm giáo viên”.
Trước đó, một giáo viên tiểu học khác được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng khi bị học sinh hành hung nhiều lần trên lớp. Trong khi đó, phụ huynh của học sinh này còn cáo buộc cô phân biệt đối xử vì con mình bị trầm cảm lâm sàng. Thậm chí, họ còn có ý định tố cáo cô giáo với cơ quan quản lý giáo dục.
Những vụ việc tương tự xảy ra liên tiếp, nhưng không nhiều giáo viên dám lên tiếng, vì họ được cảnh báo sẽ ở thế bất lợi nếu đối đầu với phụ huynh và học sinh.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong giai đoạn 2018-2022, hơn 1.000 giáo viên bị học sinh và phụ huynh hành hung hoặc công kích. Ngoài ra, số trường hợp học sinh xâm phạm quyền của giáo viên trong lớp học được báo cáo đã vượt quá 2.000 vào năm ngoái.
Giáo viên ở Hàn Quốc đang bị bỏ mặc
“Giáo viên vẫn đang bị bỏ mặc. Chúng ta nên có ý thức về sự kiểm soát trong lớp học, vì sau cùng, cả giáo viên và phụ huynh đều muốn những gì tốt nhất cho học sinh và con cái họ”, Koh nói.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng xâm phạm quyền giáo viên. Điều này cũng được nhắc lại vào tháng 6 vừa qua, khi chính phủ cho biết sẽ tìm cách để củng cố giáo dục công.
Tuy vậy, Koh chưa nhận thấy có sự thay đổi. Cô kêu gọi ban hành luật nhằm cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên, bao gồm tuyển dụng giáo viên dành riêng cho học sinh đặc biệt và thành lập cơ quan chuyên trách xử lý khiếu nại của phụ huynh.
Theo Koh, gần đây, mỗi lớp học trung bình 24-25 học sinh có ít nhất 1 hoặc 2 học sinh đặc biệt và hầu như hôm nào việc học cũng bị cản trở do thầy cô phải chăm sóc các em.
“Các trường có thể thuê giáo viên ngoài cho các trường hợp như vậy, nhưng hệ thống giáo dục yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm sát sao cả lớp. Giáo viên không muốn dạy nhũng học sinh đó vì rất mệt mỏi và căng thẳng”, Koh chia sẻ. Trong khi đó, một số phụ huynh cho rằng thuê giáo viên bán thời gian cho đứa con gặp khó khăn của họ là “vi phạm quyền được giáo dục”.
Lee, một giáo viên tiểu học ở Seoul, nhấn mạnh rằng giáo viên phải có quyền ghi âm hoặc quay video trong các trường hợp phụ huynh khiếu nại để tự bảo vệ mình. Cô cũng yêu cầu chính phủ cho giáo viên quyền được nhận bồi thường thích đáng nếu phụ huynh và học sinh làm sai.
“Một phụ huynh từng đến văn phòng chĩa súng điện vào giáo viên và gửi hình ảnh con dao nhằm đe dọa tính mạng giáo viên đó. Chúng tôi đang cố gắng khôi phục các quyền cơ bản của mình để giáo dục học sinh”, cô chia sẻ.
Một giáo viên khác ở Seoul cho rằng các nhà trường nên cấm việc chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại hay địa chỉ của giáo viên cho phụ huynh. “Một phụ huynh đã ly hôn thường xuyên gọi điện cho tôi, kể cả vào ngày nghỉ, quấy rối bằng những lời lẽ như tôi muốn cô làm mẹ của con tôi hay tôi muốn cô làm bạn gái tôi”, cô chia sẻ.
Nhưng điều khiến cô tức giận nhất là thái độ của nhà trường. “Cấp trên muốn che đậy việc này khi tôi báo cáo chỉ vì tôi là giáo viên trẻ ít kinh nghiệm. Họ cũng nói rằng thông tin cá nhân được chia sẻ vì mục đích an toàn cho học sinh”, cô nói thêm.
Trong cuộc họp với Liên đoàn Giáo viên hồi đầu tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju Ho cho biết các chính sách liên quan sẽ sớm được điều chỉnh, khi ngày càng có nhiều hành vi gây rối lớp học.
Park Nam Gi, giáo sư Đại học Sư phạm Gwangju, cho rằng chính phủ cần bổ sung luật và biện pháp bảo vệ giáo viên. Nhưng ông nhấn mạnh rằng các trường nên có cách tiếp cận cứng rắn khi đối phó với những phụ huynh và học sinh đi quá giới hạn, có hành vi tấn công, bắt nạt giáo viên.
“Hơn hết, các trường đang che đậy hành vi sai trái của học sinh hay phụ huynh thay vì bảo vệ giáo viên. Điều này khiến phụ huynh lớn tiếng hơn trong các vấn đề ở trường”, ông cho biết.
Ở Việt Nam thì sao?
Chúng ta đang có cơ chế rất tốt để bảo vệ học sinh khỏi bị bạo lực học đường nhưng đội ngũ giáo viên lại không được bảo vệ. Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều trường hợp giáo viên bị bạo hành ngay trên lớp. Có giáo viên bị phụ huynh đánh, mắng chửi. Có người thậm chí bị bắt quỳ xin lỗi, lại đến chuyện học sinh tát giáo viên trước lớp.
Phải nhìn nhận vấn đề mang tính xã hội hiện nay đó là vị thế của người giáo viên đang bị hạ thấp. Cậu học sinh kia dù có nóng giận thế nào thì cùng lắm chỉ lên giằng lấy điện thoại, nhưng lại tát cả giáo viên. Điều này chỉ ra rằng bản thân cậu ta không sợ và không coi giáo viên ra gì, thậm chí là coi như người có thể bắt nạt được.
Hay một giáo viên dạy một trường đại học có tiếng ở Đồng bằng Sông Cửu Long từng bị chính sinh viên “bóc phốt” trên trang confession của thành phố.
Nhiều giảng viên chấp nhận thỏa hiệp với sinh viên nhằm yên tâm kiếm tiền, hoặc vì họ tặc lưỡi cho rằng học được hay không là chuyện của sinh viên. Càng dễ dãi, càng được sinh viên đánh giá, phản hồi tốt thông qua các khảo sát. Lợi cả đôi đường.
Nhiều giáo viên phải chịu đựng. Thậm chí, để trụ được với nghề, có những người phải đi điều trị tâm lý, bởi sự hỗn hào, bởi những chiếc camera có thể quay lén mọi cử chỉ, lời nói của thầy cô, sau đó, được tung lên cho phụ huynh và cả xã hội phán xét.
Đến lúc này, giáo viên có lẽ không còn được coi là nghề ổn định như quan niệm trước. Giáo viên ngày nay không có được sự bảo vệ của những đồng nghiệp, bởi ai cũng sợ liên lụy, sợ áp lực thành tích, cắt thi đua.
Ai sẽ bảo vệ nhà giáo, để hằng ngày lên lớp, thầy cô không phải lo bị học trò đánh, phụ huynh chửi?
Lỗi có phải do trẻ con?
Có thể bạn cho rằng, xã hội dùng đồng tiền làm thước đo sự sang – giàu, nghèo – hèn, thắng – thua đã khiến con người cư xử lạnh lùng, ngay cả trong quan hệ thầy – trò.
Chúng tôi, thỉnh thoảng ngồi với nhau, vẫn chia sẻ câu chuyện, rằng ở thế hệ của mình, học sinh thỉnh thoảng bị thầy cô đánh mắng là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ, chưa nói đến chuyện “động tay chân”, vài câu phê bình đến tai phụ huynh cũng có thể “bé xé ra to”, đẩy thành chuyện lớn.
Tôi nghĩ không nên trách con trẻ, vấn đề nằm ở hành xử của người tiếp nhận thông tin. Trẻ con là tấm gương phản chiếu những người lớn gần gũi chúng. Chúng sẽ nhìn vào cách người lớn sống, cách người lớn ứng xử với nhau để học theo.
Với tác động mặt trái của cơ chế thị trường,mối quan hệ giữa thầy và trò cũng nảy sinh những tiêu cực. Trong thực tế đã nảy sinh những hiện tượng không mong muốn nơi học đường như: tiêu cực trong đánh giá người học vì vật chất; các hình thức trách phạt phản giáo dục; dạy thêm tràn lan để tăng thu nhập; chạy theo thành tích; sự thiếu tôn trọng của người học đối với người thầy…Quan hệ thầy- trò đôi khi còn bị “vật chất hoá”. Vì xã hội bây giờ không con quan trọng giáo dục đạo đức nữa như xưa nữa.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
“Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Từ truyền thống hiếu học, ông cha ta đã đúc rút thành đạo lý từ ngàn đời “Lương Sư hưng Quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học.
Trong mọi giai đoạn, quan hệ thầy- trò luôn là một mối quan hệ đặc biệt. Trong xã hội xưa, mối quan hệ thầy và trò đã được nhắc đến và được cụ thể hóa qua những bài học, lời dạy bảo của thầy đối với trò; trong cử chỉ, hành động của trò đối với thầy.
Trong nền giáo dục truyền thống, Thầy và trò luôn có một khoảng cách nhất định. Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”, mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vai vị trí của mình. Người thầy luôn có thái độ nghiêm khắc trước học trò. Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính “mô phạm” để giáo dục học trò. Thầy luôn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò để mỗi người khi thành đạt trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài.
Chính vì lẽ đó, trong quan hệ thầy- trò, thầy luôn đặt ra yêu cầu đối với học trò: hiểu biết lễ nghĩa, thưa gửi khi giao tiếp với thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, nhận và sửa chữa khi mắc lỗi…
Đối với học trò trong xã hội xưa, người thầy luôn là bậc bề trên.. Họ vừa kính trọng thầy dạy, vừa có những hành động để thể hiện lòng biết ơn thầy như câu nói dân gian: : “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết chú, mùng 3 tết thầy”. Mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục.
Nhưng cũng có một thực tế là ở nơi nào người thầy còn có tâm huyết, yêu thương và tôn trọng học trò, mang hết khả năng để giảng dạy và giáo dục học sinh, bản thân họ còn giữ được nhân cách trong sáng, lại có chuyên môn cao thì nhất định vẫn được mọi tầng lớp học trò kính trọng.
Dù sao đây cũng là vấn đề của xã hội, bậc phụ huynh cũng nên nhìn nhận lại cách dạy con và cách mình phản ứng với giáo viên, những người cũng đang rất cố gắng để dạy dỗ con nên người. Nếu vấn đề xảy ra, thay vì nhìn vào lỗi lầm của người khác. Chính chúng ta nên nhìn nhận lại bản thân mình.
Đây không phải chỉ là vấn đề riêng ở Hàn Quốc mà là vấn đề chung của xã hội hiện nay. Thiết nghĩ cũng cần có quy định bảo vệ quyền lợi, danh dự giáo viên trong luật Nhà giáo. Bởi giáo viên không thể yên tâm giảng dạy khi trong lòng luôn nơm nớp lo sợ được.
Tịnh Yên (t/h)
Hơn 9.000 giáo viên công lập bỏ việc năm học 2022-2023 vì đâu?
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực