spot_img
17 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Ông Tập đang tích lũy quyền lực để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba

Phân tích: Ông Tập đang tích lũy quyền lực để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/09/2022. (Sergei Bobylyov / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Các chuyên gia cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tích lũy quyền lực, thậm chí có thể dập tắt sự hỗn loạn trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 vào ngày 16/10 tới đây. Tất cả nhằm củng cố sự hồi sinh của ĐCSTQ trên tất cả các phương diện.

Một trong những động thái đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi giành được vị trí tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012 là khôi phục “các phiên họp dân chủ” thường xuyên với các nhà lãnh đạo đồng cấp trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Đây là “hoạt động” chủ yếu dưới thời Mao Trạch Đông.

Việc khôi phục lại tập quán đòi hỏi tự phê bình trước tổng bí thư, đã đánh dấu một ví dụ nhỏ nhưng mang tính biểu tượng về việc ông Tập đã rời bỏ vai trò lãnh đạo tập thể của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây và thể hiện nỗ lực tích lũy quyền lực chưa từng có kể từ thời Mao.

Mặc dù kết quả chính xác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tiếp theo sẽ cung cấp manh mối về mức độ mà ông Tập đã vô hiệu hóa những gì còn sót lại của các phe phái đối lập, nhưng một số người ủng hộ ĐCSTQ mong đợi sự thay đổi đáng kể trong phương hướng hoặc cách tiếp cận của ông Tập.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Tập sẽ tiếp tục duy trì và thắt chặt quyền kiểm soát của mình. Quyền lực tập trung đã chứng kiến ​​việc thực thi chính sách ngày càng giáo điều, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả không mong muốn khi các quan điểm và phản hồi mang tính cạnh tranh không được khuyến khích hoặc bị chính phủ dập tắt.

Các nhà phê bình chỉ ra rằng, việc Trung Quốc kiên trì với các chính sách bất chấp sự phản đối, cho dù là các chính sách phòng chống dịch COVID-19, chính sách ngoại giao sói chiến hay chính sách kìm hãm nền kinh tế sôi động một thời, tất cả là những bằng chứng cho thấy các rủi ro của một chế độ cai trị ngày càng độc đoán.

Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Stanford của California, nhận định rằng, khi một nhà lãnh đạo đã giành được quyền lực đàn áp phe đối lập, chắc chắn ông ta sẽ có cảm giác không an toàn cho nên không muốn chia sẻ quyền lực hoặc thay đổi đường lối.

Ông Ngô Quốc Quang cho biết: “Ông Tập lo sợ rằng bất kỳ sự sửa chữa nào đều có thể bị đối thủ tiềm năng sử dụng để lật đổ ông ấy”.

Trong khi một số người ủng hộ ĐCSTQ cho biết, Trung Quốc có thể điều chỉnh một số chính sách sau Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng họ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ duy trì hướng đi rộng mở của mình trong những năm tới dưới thời ông Tập.

Ông Ashley Esarey, một chuyên gia về truyền thông Trung Quốc tại Đại học Albertta, cho biết: “Ông Tập đã trải qua một thời gian rất khó khăn để thay đổi đường lối. Đây là một điểm yếu”.

Sự vắng mặt ​​của người kế nhiệm trước mắt cũng sẽ cho phép ông Tập không vấp phải thách thức. Tuy nhiên, nó lại tăng nguy cơ rủi ro khi ông Tập nắm quyền trong thời gian dài.

Ông Esarey nói: “Có thể nói rằng, việc ông Tập miễn cưỡng trao quyền cho người kế nhiệm trẻ hơn và các động thái phá vỡ các quy tắc lãnh đạo tập thể ít nhiều khiến Trung Quốc trở nên kém kiên cường hơn, đặc biệt là khi đất nước này đang đi trên con đường bất định”.

Chiến lược trẻ hóa đất nước

Sự củng cố quyền lực của ông Tập dường như không bị cản trở bởi tổ hợp những thách thức trong một năm đầy biến động, từ nền kinh tế gặp khó khăn cho đến chính sách zero COVID ngày càng lạc lõng và sự ủng hộ đối với Nga Putin.

Trong thập kỷ cầm quyền, ông Tập đã ưu tiên an ninh, mở rộng vai trò kinh tế của nhà nước, củng cố quân đội, chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và tăng cường gây sức ép để chiếm Đài Loan.

Khi những người lớn tuổi chọn ông Tập làm lãnh đạo, con trai của một nhà cách mạng ĐCSTQ, đây được coi là lựa chọn an toàn để đặt Đảng lên hàng đầu và làm mới một thể chế vốn đã trở nên xơ cứng, khi bị bao trùm bởi tham nhũng và ít phù hợp trong nền kinh tế tự do.

Việc ông Tập được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2007 đã làm dấy lên hy vọng giữa những người theo chủ nghĩa tự do và các chính phủ phương Tây, rằng ông có thể là một nhà cải cách. Cha của ông đã giúp nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách mở cửa mang tính bước ngoặt của Trung Quốc khi ông còn là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.

Sự thăng tiến của ông Tập

Nhưng ông Tập đã quá coi trọng nhiệm vụ cứu vãn ĐCSTQ của mình, đưa Đảng trở lại trung tâm cuộc sống ở Trung Quốc, và bản thân ông lại chính là trọng tâm của Đảng.

Với danh nghĩa chống tham nhũng và khôi phục lòng tin của công chúng đối với Đảng, 4,7 triệu quan chức đã bị điều tra dưới thời ông Tập tính đến tháng 4/2022. Nhiều người đã bị thanh trừng, bao gồm cả những đối thủ tranh giành quyền lực như cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Những động thái như vậy có lợi trong việc loại bỏ những phe cánh đối lập và đưa người của ông Tập vào những vị trí còn trống – đồng thời giành được sự ủng hộ của công chúng.

Ông Tập cũng giám sát việc dập tắt các nhà bất đồng chính kiến ​​và cấm các đảng viên thảo luận một cách “thiếu tôn trọng” về Đảng. Tất cả các bình luận chỉ trích ông Tập đều bị xóa sổ trên internet.

Năm 2016, ông trở thành “cốt lõi” của Đảng và năm 2018, ông từ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, mở đường cho quyền cai trị suốt đời.

Nhiều học giả cho rằng một quốc gia lớn và đa dạng như Trung Quốc đòi hỏi phải có một cơ quan quyền lực trung ương mạnh mẽ và nhà lãnh đạo cũng cần phải đủ mạnh để đưa đất nước đạt được những mục tiêu to lớn, đồng thời dập tắt sự hỗn loạn.

Các học giả chỉ ra thành công của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo,  xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các sự kiện như Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay, cũng như những thành công trong việc dập tắt bùng phát đại dịch COVID.

“Khi ông Tập lên nắm quyền, nhiều người trong ĐCSTQ đã hy vọng ông sẽ có phản ứng mạnh tay trước những thách thức ngày càng gay gắt mà ĐCSTQ phải đối mặt”, ông Joseph Torigian, trợ lý giáo sư tại Trường Dịch vụ Quốc tế của Đại học Hoa Kỳ, học giả về các chế độ độc tài và chuyên gia về chính trị độc tài, cho hay.

Ông cho biết trong khi tất nhiên ĐCSTQ không phải là không có khả năng sửa sai, song những người đứng đầu cũng là sản phẩm của cùng hệ thống với ông Tập và có khả năng là họ có cùng quan điểm.

Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết trong khi ông Tập có xu hướng sử dụng quyền lực chuyên quyền, ông cũng có thể sẽ buộc phải thỏa hiệp nhiều hơn trong nhiệm kỳ thứ ba, đặc biệt là trước phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với các chính sách zero COVID-19

“Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 gần đây nhất, ngay cả khi các chính sách của ông Tập gây ra không ít tổn thương, song người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách này. Ngày nay, với nền kinh tế đang ở trong tình trạng ảm đạm và đất nước bị mắc kẹt trước chính sách zero COVID, ông Tập có thể sẽ phải cởi mở hơn”, ông nói.

Theo NTDVN


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều