spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Overthinking có phải là “căn bệnh” của xã hội hiện đại đang phổ biến ở người trẻ?

Tân Thế Kỷ – Nghĩ quá nhiều về tương lai hoặc tự dằn vặt bản thân về chuyện xảy ra trong quá khứ là những biểu hiện thường thấy đối với những người trẻ mắc hội chứng overthinking.

Overthinking hay còn được gọi là hội chứng rối loạn lo âu hoặc chứng suy nghĩ quá mức đang thực sự trở thành một vấn đề nghiêm trọng với nhiều người trẻ. Hội chứng này khiến cho không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, kiệt sức và ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống.

Không thể thoát khỏi dù biết trước

Đi cùng sự phát triển của xã hội, người trẻ càng gặp nhiều những vấn đề khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là những áp lực về tâm lý. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như mong muốn, nhiều người trẻ có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó tới mức mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống.

Tuy nhiên, những suy nghĩ này lại không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề đang gặp phải, thậm chí làm cho những vấn đề này ngày càng trở nên rối và khó giải quyết hơn.

dsc2050 7227
Khi đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, người trẻ thường mắc phải “căn bệnh” overthinking. – Ảnh: NGỌC SƠN

Các vấn đề này ngày một khó giải quyết hơn là bởi những người này có xu hướng nghĩ nhiều về những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng cho những điều chưa xảy ra trong tương lai. Không chỉ đối với những vấn đề lớn và chỉ một “tiểu tiết” hay một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến những người này lâm vào tình trạng “mắc kẹt” trong suy nghĩ của chính mình. Đó chính là những biểu hiện của một hội chứng có tên overthinking.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này có thể kể đến như: Trải qua một sự kiện đau buồn hoặc khó khăn trong cuộc sống; Có tính cách cầu toàn hoặc ám ảnh; Trải qua căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân; Có tiền sử gia đình mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần…

Lê Nguyễn Thảo Phương (24 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội là một trường hợp điển hình. Cô gái trẻ cho biết, chỉ một câu nói đùa của bạn bè cũng làm Phương suy nghĩ rất nhiều dù họ đã giải thích rằng họ không hề có ác ý và câu đùa đó là một câu đùa phổ biến họ vẫn thường dùng nhưng Phương vẫn không thể ngừng nghĩ về nó.

“Có một lần, các bạn trêu mình là “đồ yếu đuối, ẻo lả” khi thấy mình khóc. Điều này làm mình suy nghĩ rất nhiều: ”Mình có thực sự yếu đuối hay không?, Hay là họ chỉ đùa thôi, Mình có nên chơi tiếp cùng họ không?, Mình nghĩ oan cho họ rồi chăng?…”, Phương kể lại.

Từ đó, mối quan hệ của Phương và các bạn ngày càng tồi tệ hơn. Cô gái 24 tuổi dần trở nên ngại giao tiếp với mọi người vì sợ lại trở thành tâm điểm bị mọi người nhắm đến. Không chỉ vậy, với những vấn đề nghiêm trọng hơn khi chuẩn bị đi ngủ, Phương lại nhớ lại và dằn vặt bản thân. Điều này khiến cho cô gái trẻ liên tục suy nghĩ và không thể “vào giấc”, làm ảnh hưởng đến giờ ngủ cũng như là chất lượng của giấc ngủ.

Đây cũng là nguyên nhân khiến Phương thường xuyên mệt mỏi, buồn bã và trở dễ trở nên cáu gắt với những người xung quanh, thậm chí là với chính những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, dù đã thử rất nhiều cách khác nhau từ chuyển nơi sống, ít sử dụng mạng xã hội, đi du lịch nhiều hơn… nhưng cô gái trẻ vẫn không thể thoát khỏi tình trạng này.

Tương Tự, Hải Long (21 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cũng nhận ra mình là một người bị overthinking khi phát hiện bản thân thường lo lắng lo âu về mọi thứ, suy nghĩ liên tục về một điều gì đó, thậm chí có xu hướng suy nghĩ một cách tiêu cực, nghi ngờ bản thân, nghi ngờ những người xung quanh.

Hải Long chia sẻ: “Thời gian trước mình từng có một mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau một thời gian hẹn hò, mình nhận ra mối quan hệ đó ngày càng có nhiều vấn đề. Điều đó khiến mình suy nghĩ rất nhiều, lúc thì suy nghĩ tích cực, lúc thì tự nghĩ sai về bản thân, nghĩ rằng mình luôn là người có lỗi, sau đó tự trách bản thân không tốt, không xứng đáng được yêu…”.

Giống như Phương, Long cũng nhận ra rằng bản thân mình đang mắc chứng overthinking nhưng không dễ để có thể thoát khỏi những suy nghĩ đó. Long đã thử nhiều cách để tự mình thoát khỏi những suy nghĩ của bản thân. Để vượt qua được overthinking, Long lập kế hoạch sẽ đọc sách, chơi game, nghe nhạc… nhiều hơn vì nghĩ là tay chân hoạt động thì não sẽ không nghĩ nữa.

Tuy nhiên, những việc này chỉ mang tính ngắn hạn. Ngay sau khi kết thúc những hoạt động này, Long lại bị cuốn vào luồng suy nghĩ của bản thân. Những suy nghĩ này chỉ dừng lại khi Long đã trở nên kiệt sức, không đủ sức để suy nghĩ. Điều này khiến cho cô gái trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung.

Làm thế nào để thoát khỏi “căn bệnh” overthinking?

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên, nếu “căn bệnh” overthinking này kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

“Overthinking thường bắt nguồn từ các kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống và khả năng chấp nhận rủi ro. Bản thân mỗi người đều hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống mà các nhu cầu quan trọng của chúng ta như sinh tồn, an toàn, được yêu thương, thấu hiểu được bản thân, chứng tỏ bản thân… được đáp ứng.

Những người đặt kỳ vọng cao hơn, có xu hướng tìm kiếm sự hoàn hảo hoặc có khả năng chấp nhận rủi ro thấp hơn sẽ dễ overthinking. Tâm trí họ lựa chọn việc suy nghĩ thật nhiều, đào thật sâu như là một cách thức để giúp họ tìm ra các câu trả lời thuyết phục được chính bản thân cho vấn đề gặp phải.

Các lỗi nhận thức giống như tác nhân khiến việc suy nghĩ quá nhiều này trở nên trầm trọng hơn. Thông qua lăng kính sai lệch, người mắc có thể diễn giải vấn đề theo hướng không đúng với bản chất và khiến vấn đề phức tạp hơn rất nhiều”, chuyên gia Phạm Thị Thảo Nguyên cho biết.

Cũng theo chuyên gia tâm lý, hội chứng này có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm thần khác, làm cho chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm: Rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn stress sau chấn thương.

Untitled 7 6
Ảnh: muctim.tuoitre.vn

Để thoát khỏi “căn bệnh” này, theo chuyên gia Phạm Thị Thảo Nguyên, điều quan trọng nhất là mọi người phải học cách thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mỗi người đều cần học cách tự cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời, chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực, quan sát đa chiều, đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác về bản thân.

Ngoài ra, nên dành thời gian cho bản thân để thư giãn, tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga, thiền định…) mỗi ngày. Hoạt động thể dục rất cần thiết và hiệu quả đối với những người bị overthinking. Nên chăm sóc giấc ngủ, tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích, tập luyện hít thở sâu…

Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn thoát khỏi việc overthinking:

Hãy tập nhận thức vấn đề của chính mình

Cảm xúc và hành động của bạn như thế nào sau mỗi lần suy nghĩ quá nhiều? Hầu hết những thứ mang lại đều tiêu cực: tâm trạng cáu kỉnh, lo lắng, cảm thấy căng thẳng nhiều hơn,… Bạn hãy để ý tới những phản ứng này và cố gắng thay đổi suy nghĩ của chính mình, bởi nhận thức chính là chìa khóa để thay đổi mọi suy nghĩ.

“Đánh lạc hướng” suy nghĩ

Một câu trả lời rất hiệu quả cho làm thế nào để ngừng suy nghĩ quá nhiều đó chính là chuyển dòng suy nghĩ, hãy đứng dậy và thực hiện một công việc mà bạn yêu thích. Có thể là nấu một món ăn mà bạn thích, vẽ một bức tranh hay đọc một cuốn sách, tập yoga, chơi thể thao,…

Việc này sẽ giúp tâm trạng bạn cảm thấy tốt hơn, thoải mái hơn, khi đó các suy nghĩ sẽ chỉ tập trung vào việc bạn đang làm khiến hạn chế suy nghĩ lan man. Tuy nhiên việc mất tập trung sẽ có thể xảy ra do những suy nghĩ trước đó quay trở lại khiến tâm trạng bạn bất ổn.

Khi đó hãy tạm dừng việc “đánh lạc hướng” suy nghĩ và đối diện với chúng. Bạn nên dành ra một khoảng thời gian để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến bản thân suy nghĩ không ngừng và giải quyết chúng triệt để.

Thư giãn và hít thở sâu

Thư giãn cơ thể và điều chỉnh nhịp thở là một cách rất tốt để ngừng việc suy nghĩ quá nhiều. Việc này sẽ giúp cải thiện tâm trạng của bạn, khiến tâm trí thư thái và thoát khỏi những suy nghĩ không ngừng. Mức độ cao hơn của hành động này đó chính là thiền định, bạn có thể tham khảo các video hướng dẫn hoặc tham gia các lớp học thiền để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Untitled 6 3
Ảnh: muctim.tuoitre.vn

Cách hít thở sâu đơn giản mà bạn dễ dàng thực hiện như sau: trước tiên bạn hãy tìm một không gian thoải mái và nhiều ánh sáng để ngồi, sau đó hãy thư giãn cổ và vai, hai tay thả lỏng và bắt đầu hít thở sâu. Hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng mồm, thực hiện liên tục sẽ giúp cải thiện tâm trạng và khiến bạn thoát khỏi những suy nghĩ.

Nhìn nhận mọi việc một cách tổng quát hơn

Suy nghĩ sâu sắc và suy nghĩ quá nhiều chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Suy nghĩ sâu sắc là rất tốt, nó sẽ giúp bạn nhìn nhận và thấu hiểu vấn đề. Suy nghĩ quá nhiều thì ngược lại, chúng khiến bạn rơi vào cái bẫy của tâm trí và khiến bản thân tự hủy hoại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Chính vì vậy, mỗi khi lo lắng và suy nghĩ về một vấn đề gì đó, hãy tự vấn chính mình: vấn đề này còn ảnh hưởng đến mình trong 1 tuần tới, 1 tháng tới hay 1 năm tới nữa không?

Hãy sử dụng câu hỏi đơn giản này để nhìn nhận mọi việc một cách tổng quát hơn. Hãy mở rộng góc nhìn của mình để nhanh chóng thoát khỏi những suy nghĩ quá nhiều. Để dành tâm trí của mình cho những vấn đề có ích cho bản thân và những điều thực sự có ý nghĩa.

Tập đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian giới hạn

Nhiều người thường rất khó đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Trước mỗi vấn đề trong cuộc sống, họ luôn suy nghĩ quá nhiều trong một thời gian rất dài rồi mới đưa ra quyết định. Chính vì vậy, hãy học cách đặt ra giới hạn cho mỗi kế hoạch hay quyết định trong cuộc sống hàng ngày của bạn, cho dù nó lớn hay nhỏ.

Ví dụ đơn giản có thể kể ra như:

Với những quyết định nhỏ như: mặc quần áo gì, ăn món gì hay khi nào đi tập thể dục, nấu ăn,… hãy giới hạn suy nghĩ trong vòng 30 giây hoặc ít hơn để đưa ra quyết định.

Với những quyết định lớn hơn thì hãy giới hạn thời gian rộng hơn. Ví dụ suy nghĩ 30 phút/ một ngày, tối đa trong vòng 1 tuần hoặc ít hơn để đưa ra quyết định.

Đây là một cách khá hiệu quả trong những cách làm thế nào để ngừng suy nghĩ quá nhiều.

Đừng suy nghĩ, hãy hành động

Hãy rèn luyện cho mình thói quen hành động ngay chứ đừng suy nghĩ quá nhiều. Thói quen này sẽ giúp bạn ít trì hoãn hơn, ít có những ý nghĩ tiêu cực hơn do không phải suy nghĩ.

Chình vì vậy, mỗi khi bạn có một công việc hay nhiệm vụ gì đó, hãy đặt ra cho mình một giới hạn thời gian và thực hiện công việc đó ngay lập tức. Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, cách này sẽ giúp bạn đỡ bị ngợp và trì hoãn công việc. Bạn sẽ vẫn có thể lo lắng và suy nghĩ nhiều thứ, tuy nhiên hãy tập trung hoàn thành từng bước nhỏ. “Tích tiểu thành đại”, hãy kiên trì và bạn sẽ làm được thôi!

Mục đích sống của bạn là gì? Hãy bắt đầu thực hiện nó ngay thôi!

Và đáp án cuối cùng cho câu hỏi: Làm thế nào để ngừng suy nghĩ quá nhiều đó chính là bạn hãy xác định mục đích sống của mình và lên kế hoạch thực hiện nó.

Một thống kê cho thấy có tới hơn 50% những người suy nghĩ quá nhiều là do họ có thời gian rảnh mà không biết làm gì có ích. Thay vì biến mình thành như vậy, tại sao bạn không hành động ngay theo những gì bản thân mình mong muốn đi?

Hãy tự nhận thức chính bản thân mình để tìm ra mục đích sống, lên kế hoạch nó, chia nhỏ và giới hạn thời gian thực hiện. Sau đó hãy tạm ngừng suy nghĩ và hành động ngay từng bước nhỏ. Hãy tập trung thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra và đừng suy nghĩ quá nhiều, chắc chắn bạn sẽ thành công!

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 1

“Tôi muốn kết hôn trước 80 tuổi”: Thế hệ bài trừ hôn nhân ở Nhật hối hận

Người người chạy đua… ‘bắt trend’ để làm gì: Phải thử cho biết để không lạc hậu?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều