spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Cảm ngộ về sự Thần kỳ của nước

Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy”, nghĩa là cái thiện cao nhất thì như là nước vậy. Nước lặng lẽ bao dung vạn vật, vô tư mà rộng lớn. Thiện cao nhất chính như nước, vậy nên hành theo đặc tính của nước chính là đang vươn tới cảnh giới của Thiện. Không những vậy, nước còn ẩn chứa rất nhiều quy luật và những điều thú vị mà con người cần học tập.

Cậu Bé, Tu Sĩ, Con Sông, Phật Thủ, Nước
Nước mang chứa trong mình bao triết lý nhân sinh – Ảnh: Pixapay

Đặc tính thần kỳ của nước

Nước có tính khiêm tốn, người ta thường nói: Con người hướng đến nơi cao, nước chảy chỗ trũng. Mọi người nghĩ xem tại sao nước lại phải chảy về chỗ trũng? Chính vì nước chảy về chỗ trũng nên mới quy tụ thành đại dương bao la; chính bởi vì nước nhỏ nhẹ, khiêm nhường, nên mới càng thể hiện ra tấm lòng bao la rộng lớn. Người biết hạ mình, không phải là thua thiệt mà chính là người có tấm lòng bao dung rộng lớn và có thể làm nên đại sự.

Nước vốn vô tư, vạn vật nhờ nước mà sinh thành, bách tính dùng nước để uống nhưng nước lại cho đi vô điều kiện. Có thể nói, không có sự vô tư của nước, không có sự khiêm nhường của nước, không có sự cống hiến của nước, thì sẽ không có nhân loại từ cổ xưa cho đến ngày nay. Nếu như chúng ta đều có thể học được phẩm chất này của nước, thì tấm lòng chúng ta sẽ trở nên cởi mở hơn, có tầm nhìn xa hơn, nhân phẩm cao thượng hơn.

Nước không bao giờ đòi hỏi danh tiếng. Trên Trái đất đại bộ phận là nước, đa số mọi thứ trong cuộc sống của con người đều không tách rời nước. Tuy nhiên, nước chưa bao giờ đòi hỏi con người bất kỳ danh tiếng, địa vị hay quyền lợi, con người cũng chưa bao giờ chủ động cho nước bất cứ lợi ích nào. Chúng ta thoải mái tận hưởng nước, nhưng mấy ai thực sự biết ơn và coi trọng món quà mà thiên nhiên ban tặng này?

Nước có tính nhu, tuy không có hình dạng nhưng có thể thay đổi để hoà hợp với vạn vật. Dòng nước gặp phải chướng ngại vật biết tự động rẽ tránh, sẽ không đối đầu mà chịu tổn thương. Con người nếu biết hoà hợp với người khác, biết đối nhân xử thế như nước, có thể lấy nhu mà thắng cương ắt được nhiều người quý mến, tôn trọng.

Nước có tính nhẫn, bất kể con người làm tổn hại đến nước bao nhiêu nước cũng không đòi hỏi con người phải bồi hoàn lại điều gì. Dù con người có lãng phí, làm ô nhiễm hay đối đãi như thế nào đi nữa nước vẫn ở đó không ngừng nghỉ phục vụ cho con người. Trong xã hội hiện thực, làm được “nhẫn” như nước quả thực rất khó.

Thế giới bí mật của những tinh thể nước tiết lộ hình hài cuộc sống
Những tinh thể nước đầy màu sắc – nước cũng có cảm xúc

Nước cũng có tình cảm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nước cảm nhận được những thông điệp mà chúng tiếp xúc. Đồng thời, các tinh thể nước cũng tạo ra hình ảnh tương ứng với thông điệp mà chúng nhận được. Nếu trao cho nước những lời cảm ơn, một lời khen, một bản nhạc hay,… tinh thể nước thể hiện ra rất đẹp mắt và ngược lại.

Nước cũng có những nguyên tắc, tựa như một vị quan thanh liêm. Bất kể bị chịu bất công, nước cũng không vì thế mà báo thù. Tuy nhiên, nếu con người phạm vào những nguyên tắc tự nhiên, nước sẽ ở vị thế của một vị quan mà phân xử. Nguyên tắc chính là: một khi đạo đức nhân loại bại hoại, xã hội suy đồi, bất kính với tự nhiên, nó sẽ thể hiện sức mạnh của mình. Nhỏ thì bão lũ, hạn hán; lớn thì lốc xoáy, sóng thần; cái gọi là nền văn minh mà nhân loại tự hào trong nháy mắt liền nhấn chìm dưới thân thể của nó. Thăm dò dưới đáy biển cũng phát hiện ra những thứ còn sót lại của nền văn minh cổ đại. 

Những bậc trí giả đều dùng đặc tính của nước để trị quốc, những bậc Chân giả dùng đặc tính của nước để tu thân. Những bậc Thiện giả dùng nước để dưỡng tính, nước đều vì nhân loại mà lưu lại ấn tượng khó có thể phai nhòa. Chỉ có dùng tâm để cảm nhận mới có thấy được chân lý, sức mạnh và sự thần kỳ của nước.

Vì sao các dòng sông chảy mãi?

Tạo hoá ban cho vạn sự vạn vật sự sống và đi kèm những quy luật tự nhiên để vạn vật tuần hoàn. Nước cũng vậy, nó cũng có những quy luật riêng của mình. Từ sông chúng ta cũng có thể thấy được rất nhiều điều thú vị. 

Một lần, Khổng Tử đang tập trung tinh thần quan sát thưởng thức dòng sông đang cuồn cuộn chảy về đông, học trò của ông là Tử Lộ có hỏi: “Người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng, vì sao vậy?”

Khổng Tử nói: “Bởi vì sông lớn có thể chảy về phía trước không ngừng nghỉ, tưới mát làm lợi cho bốn phương, nuôi dưỡng vạn vật, mà lại không tự nhận có công, nơi nào nó chảy đến đều đem lại sức sống bừng bừng cho miền đất đó, đây chính là đức. Khi nó chảy thì từ nơi cao chảy xuống thấp, chậm rãi hay gấp gáp đều tuân theo lý, đây chính là nghĩa. Nó mênh mông rộng lớn, ngàn nhánh vạn dòng đổ vào đại dương, mãi mãi vô cùng vô tận, đây chính là Đạo. Nó lao vào vực cực sâu mà không hề sợ hãi, xuyên qua vách núi, đục vách đá, dũng cảm tiến lên, đây chính là dũng. Nó luôn có xu hướng bình lặng, để yên ắt sẽ bình lặng, công bình công chính, đó chính là pháp. Bỏ vào đồ cân đó, nhất định sẽ giữ bằng phẳng, đó chính là chính. Nó chu đáo không nơi nào không đến, nơi cần đến thì nó đều chảy đến, cho dù trải qua ngàn vạn trắc trở khúc khuỷu nhưng nhất định phải chảy ra hướng đông, đó chính là chí hướng. Nó có thể ra có thể vào, bất kể là đến nơi nào, đều có thể tẩy sạch vạn vật ở đó, đó chính là giỏi giáo hóa. Đó chính là nguyên nhân người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng”.

Nước
Nước nuôi sống vạn vật – Pixapay

Sông đổ ra biển là quy luật muôn thuở, nhưng rất ít người tự hỏi tại lại như vậy? Ngẫm lại, trong mỗi giọt được đều có “cảm tình”, giống như một sinh mệnh nhỏ. Theo Phật gia giảng thì “Vạn vật đều có linh”, nghĩa là mọi vật đều có sinh mệnh, có linh tính. Vậy nên, những dòng sông cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, có những dòng sông không ngẫu nhiên được gọi là “long mạch”. 

Chúng ta đều thấy, mọi vật hoạt động quy luật tự nhiên, mặt trời mọc và lặn theo giờ định sẵn, thuỷ triều lên xuống đều có trật tự. Tuy nhiên, con người vì mục đích của mình mà cản trở quy luật tự nhiên thì ắt nhận phải báo ứng. 

Điển hình là sông Dương Tử được coi là Long mạch lớn nhất ở Trung Quốc. Một số bậc thầy phong thủy cho rằng, việc xây dựng con đập của đã cắt đứt Long mạch dân tộc Trung Hoa và phá hủy phong thủy đất nước, gây ra thảm họa liên tiếp trong lưu vực Tam Hiệp. 

Biển vì sao mà rộng lớn?

Sông nước vốn đã rất có nội hàm, nhưng nước biển lại càng có nội hàm hơn. Lâm Tắc Từ là một vị quan và vị tướng thời nhà Thanh. Ông từng nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”. Biển vì sao mà rộng lớn, là vì biển dung nạp trăm sông. 

Nước sông nghìn năm chảy mãi nhưng lại đổ về biển. Khổng Tử nói: “Khoan tắc đắc chúng” với hàm ý rằng, nếu ta đối xử với mọi người bằng tấm lòng bao dung rộng lượng thì chắc chắn sẽ được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ. Trong “Thượng thư”, Chu Thành Vương khuyên bảo quân rằng: “Hữu dung, đức nãi đại”, nếu ta có thể khoan dung với người thì đạo đức tu dưỡng mới có thể nâng cao lên được. 

Biển cho thấy được đạo lý cao thượng của lòng bao dung. Nếu nước sông kia cũng là sinh mệnh, vậy nước biển này cũng là sinh mệnh của lòng bao dung vậy. Làm người nếu có thể bao dung như nước kia ắt sinh mệnh ấy có tấm lòng bao dung rộng lớn.

Nước muôn hình vạn trạng, có những đặc điểm và quy luật riêng, đạo của nước muôn đời lặng lẽ, bao đời để lại bài học cho kiếp nhân sinh. Những ai hiểu được sự thần kỳ của nước và hành theo ắt hẳn có một cuộc đời phong phú.

Chân Tâm (t/h)

Untitled 3 01 4

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều