Người dân tộc Ê Đê nước ta cổ xưa có phải sống theo chế độ mẫu hệ? Người đàn ông bị ép cưới vợ cho dù anh ta không có tình yêu? Sự thật ra sao?
Chế độ mẫu hệ là gì?
Theo từ điển bách khoa mở, chế độ mẫu hệ là dấu vết của mối quan hệ họ hàng qua dòng nữ. Nó cũng có thể tương quan với một hệ thống xã hội trong đó mỗi người được xác định (danh tính, huyết thống) qua người mẹ của họ, dòng dõi của bên mẹ; và có thể liên quan đến việc thừa kế tài sản hoặc quyền sở hữu.
Mẫu hệ là dòng dõi từ tổ tiên người nữ đến hậu duệ, trong đó các cá nhân trong tất cả các thế hệ can thiệp đều là người mẹ. Trong một hệ thống dòng dõi mẫu hệ, một cá nhân được coi là thuộc cùng một nhóm gốc với mẹ của họ.
Mẫu hệ trong lịch sử tồn tại ở một số bộ lạc sống quần hôn, họ không có quan hệ một vợ một chồng mà sống theo một nhóm người. Trong đó những đứa trẻ sinh ra từ một người mẹ nhưng có thể khác cha.
Ở Việt Nam, chế độ mẫu hệ có ở cộng đồng người Chăm và một số dân tộc vùng cao thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên. Các dân tộc này dù là chế độ mẫu hệ nhưng là mẫu hệ phụ quyền chứ không phải là chế độ mẫu hệ mẫu quyền (nữ quyền). Tức là những đứa con được xác định danh tính và huyết thống theo người mẹ; nhưng mọi hoạt động trong gia đình và xã hội, quyền quyết định là ở những người đàn ông.
Sử thi Đăm San
Trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 có đề cập đến bộ “sử thi Đăm San“, nhưng học sinh chỉ được học một đoạn trích ngắn mang tên“Chiến thắng Mtao Mxây”. Bởi vậy, thông thường, nội dung của cuốn sử thi được biết đến qua phần văn bản tóm tắt.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu và đọc toàn bộ cuốn sử thi, tôi phát hiện ra, một số văn bản tóm tắt bộ sử thi này không phản ánh đầy đủ nội dung của nó; thậm chí có những phần tóm tắt vì tối nghĩa nên có thể gây hiểu nhầm cho độc giả, khiến họ hiểu sai lệch ý nghĩa của sử thi.
Cảm nhận của tôi khi đọc bộ sử thi Đăm San nguyên bản hoàn toàn khác so với đọc các văn bản tóm tắt. Có thể vì bộ sử thi này tương đối dài nên việc tóm tắt vừa sơ lược lại vừa phản ánh được toàn diện là điều khó.
Đây là phần đầu bản tóm tắt sử thi Đăm San trong từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia:“Theo tục nối dây trong chế độ mẫu hệ, Đăm San phải lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị làm vợ. Đăm San cưỡng lại, Trời “đã chống gậy hèo đến thu xếp việc cưới hỏi”. Đăm Săn phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục. Nhưng khi về đến nhà vợ, chàng vẫn tiếp tục chống lại cuộc hôn nhân đó. Chàng trễ nải công việc nhà vợ, không chăm sóc vợ và bỏ về nhà chị ruột.”
Lý do tôi ghi khái niệm về chế độ mẫu hệ bởi vì trong phần tóm tắt của Wikipedia có nhắc đến nó. Đôi khi, chúng ta sẽ hiểu chế độ mẫu hệ với ý nghĩa là người phụ nữ có quyền hành lớn nhất. Trên thực tế không hẳn là như vậy.
Chế độ mẫu hệ của người Ê-đê có liên quan gì đến tục cuê nuê?
Khi được anh trai ruột hỏi: “em thương ai?”. Hơ Nhị đã trả lời rất rõ ràng (nguyên văn trong sử thi Đăm San):
“Tôi thì tôi còn biết ưng ai, thương ai khác nữa. Chồng tôi, đã được bà của chúng ta tìm giùm, ông của chúng ta đã kiếm giúp. Khi bà Hơ Bia Klu của chúng ta qua đời, tôi là người được họ hàng đem chắp nối với ông Mtao Kla của chúng ta, làm nuê (vợ) dành sẵn cho ông. Khi giết trâu làm lễ cầu phúc, ông bế tôi trên đùi, còn Đăm San thì cõng trên lưng, ông bảo tôi rằng:
‘Nay ông đã đầu bạc mắt mờ, như điếu thuốc đã tàn, không mong gì rồi đây ông còn lấy cháu ông được nữa. Khi nương đã cằn, rẫy đã cỗi, cây đã đổ, gỗ đã mục, ông đã già mà hai cháu đã lớn khôn, thì hai cháu phải lấy nhau. Nếu Đăm San lấy vợ làng đông, xóm tây, Đăm San sẽ trở thành đứa giữ ngựa, tháo ching (cồng chiêng), xiềng voi cho Hơ Nhị. Chỉ lấy Hơ Nhị, Đăm San mới trở thành một tù trưởng giàu có, ching lắm, char (chiêng lớn nhất) nhiều’.
Còn với tôi thì ông đã dặn: Nếu tôi lấy chồng làng đông xóm tây, tôi sẽ trở thành con nô lệ nuôi lợn, nhốt gà cho Đăm San. Chỉ lấy Đăm San tôi mới trở nên một tù trưởng giàu có ching lắm, char nhiều. Vì bà tôi đã dạy phải, ông tôi đã bảo đúng, các anh hãy đi hỏi Đăm San xem phải chăng chàng còn thuận lấy tôi hay đã bỏ?“
Đăm San là con trai của một tù trưởng giàu mạnh bậc nhất: khi chàng bước đi đằng trước có 100 người hầu dọn đường và 1.000 người hầu theo sau. Hơ Nhị Và Hơ Bhị cũng như vậy, ngựa và voi của hai nhà đi tới đâu thì nơi đó rúng động, uy danh của các tù trưởng khác khó bề sánh nổi.
Hai gia tộc này rất môn đăng hộ đối, nếu họ lấy nhau khắp buôn làng cùng hòa thành một, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất giữa hai gia tộc giàu mạnh, uy quyền bậc nhất Ê-đê. Sự kiện này, đối với buôn làng trăm phần có lợi. Còn Đăm San chàng cũng lấy được hai cô gái xinh đẹp nhất; trở thành vị tù trưởng giàu có nhất.
Như vậy, việc Hơ Nhị và Hơ Bhị sang hỏi cưới Đăm San mặc dù là theo tục cuê nuê nối dây của người Ê-đê. Nhưng hai cô gái này cũng chỉ là tuân theo di nguyện của ông bà để lại. Không có chi tiết nào nói rằng họ yêu thích Đăm San nên ép anh ta phải cưới. Sự kiện nối dây cũng không liên quan gì đến chế độ mẫu hệ.
Trong sử thi Đăm San con người tín Thần sống thuận theo ý Trời
Trong sử thi Đăm San, người phụ nữ không có quyền hành lớn hơn người đàn ông. Xuyên suốt bộ sử thi, chúng ta có thể nhận thấy tất cả những tù trưởng của người dân tộc Tây Nguyên đều là những người đàn ông, thậm chí họ còn được phép cưới nhiều vợ.
Hơ Nhị và Hơ Bhị là con gái của một tù trưởng hùng mạnh, cho nên hai cô được sống trong cảnh giàu sang; về phần hôn nhân, các cô cũng như chàng trai Đăm San, đều ở thế bị động. cuộc hôn nhân của họ được sắp đặt từ thế hệ trước và người chủ hôn chính là Ông Trời.
Trong văn hoá truyền thống Trung Hoa và Việt Nam, người nam và người nữ kết duyên là do cha mẹ hai bên sắp đặt và nhờ người mai mối. Người mai mối cũng không tuỳ tiện quyết định ai đó phải lấy ai đó. Họ cũng là dựa trên trên kinh dịch, lý số, tử vi của cổ nhân truyền lại; qua kinh sách mà xem xét đôi trai gái kết hợp với nhau có thuận đạo trời hay không.
Vào thuở sơ khai, con người chưa sở hữu phương tiện giao thông, chưa có sự giao lưu giữa các nền văn hoá, vậy mà từ miền đồng bằng cho đến những vùng dân tộc thiểu số miền núi, họ đều kính ngưỡng Thần Phật ông Trời.
Điều này quả thực khiến người hiện đại chúng ta không khỏi thắc mắc: Thần Phật chỉ là thực thể vô hình vô tình xuất hiện trong tín ngưỡng của các nền văn minh nhân loại quá khứ, hay quả thật Thần Phật thực sự hiện hữu?
Trong các sử thi trải rộng trên khắp thế giới, con người và thần linh đều có thể giao tiếp với nhau. Các cuộc giao tiếp cũng rất sống động, và sử thi Đăm San của chúng ta cũng tồn tại hiện tượng đó.
Hồn Đăm San ly thể bay lên nói chuyện với Ông Trời
Có một đoạn trong sử thi ghi lại như sau:
“Đăm San trèo lên cây đa khoèo hoa. Đăm San khoèo cành dưới, hoa vọt lên cành trên. Chàng khoèo cành trên, hoa vọt lên ngọn cây. Chàng mệt nhoài ngồi ngủ gật ngay trên cành cây. Hồn chàng tức thì bay lên gặp ông Trời.
Ông Trời: “Ơ cháu, có việc gì mà nửa đêm gà gáy, khi mọi người đang ngủ, cháu phải lên đây vậy?“
Đăm San:“Vâng, cháu đã lên đến đây, ông ạ. Cháu đi bắt voi. Voi đưa cháu đến một gốc đa, gốc sung và dừng lại đó. Cháu thúc nó đi về phía tây, nó không đi. Cháu thúc nó đi về phía đông, nó cũng không đi. Ngước nhìn lên cháu thấy một chùm hoa đa hai đóa, một chùm hoa sung ba đóa. Cháu liền lên khoèo. Khoèo cành dưới hoa vọt lên cành trên. Khoèo cành trên hoa lại vọt lên ngọn cây. Cháu khoèo mãi không được, nên lên tìm ông đây, ông ạ.“
Ông Trời: “Ô hay, làm sao cháu khoèo được? Hoa đâu phải của cháu. Hoa của Hơ Nhị và Hơ Bhị chứ! Cháu chịu lấy họ ông mới cho.”
Đăm San: “Có chết cháu cũng không lấy Hơ Nhị và Hơ Bhị“.
Ông Trời: “Sao cháu không lấy Hơ Nhị và Hơ Bhị? Thế mà cháu lại muốn chân không phải xuống đất mà nô lệ vẫn có, chân không phải chạy mà voi vẫn có ư?“
Vì Đăm San vẫn không chịu, Ông Trời đã ấy ống điếu cốc cho Đăm San một cốc vào đầu, chết giấc ngay tức khắc. Ông Trời làm phép cho Dam San sống lại. Đăm San tỉnh dậy vẫn không chịu lấy. Ông Trời lại cốc đi cốc lại vào đầu Đăm San làm chàng chết đi sống lại bảy lần. Hết lần thứ bảy, lúc này Đăm San mới chịu.”
Đến đây Đăm San bừng tỉnh, thấy mình vẫn ngồi vắt vẻo trên cành cây. Và chàng thực sự đã hái được bông hoa mình muốn; đồng thời chàng đã thuận ý Ông Trời cưới hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị.
Một chi tiết khác, chiếc áo đẹp nhất mà Đăm San mặc cũng là áo Ông Trời thả xuống cho. Chàng chỉ mặc nó vào những dịp đặc biệt trang trọng nhất. Chiếc váy chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị mặc cũng là váy Ông Trời ban cho.
Khi Đăm San chuẩn bị đi giải cứu Hơ Nhị khỏi tay tên tù trưởng hách dịch ác bá Mtao Mxây, chàng ra lệnh “giết con trâu mà thần đã cho từ trước từ xưa, để làm lễ tế thần”; “các ban hãy nổi lên tiếng trống thần Dam Bhu có chũm chọe và xích sắt kêu rền vang. Chiếc trống mà từ trên cao Ông Trời đã ban cho, từ trên cao Ông Trời đã ầm ầm thả xuống. Chiếc trống mà vừa vọng đến vùng Bih, người Bih phải lùa trâu lên. Vọng đến vùng Lào, người Lào phải đánh voi xuống. Vọng đến người blô, người ÊPan, người Blô, người ÊPan cũng khiêng lợn, khiêng rượu lên.“
Những thứ tốt đẹp nhất chàng trai Đăm San có đều là Ông Trời ban cho, vẻ đẹp hình thể, sức mạnh và sự giàu có của chàng và cả cuộc hôn nhân với hai người vợ xinh đẹp, nhân hậu, giàu có nhất Ê-đê cũng là Ông Trời đã định.
Sinh ý niệm xấu với thần bị chết trong vũng lầy
Về sau này, khi Đăm San đã tiêu diệt được hết những gã tù trưởng chuyên đi cướp vợ và“chuyên đi giày xéo đất đai của các tù trưởng nhà giàu” phá hoại đời sống của người dân và trở thành vị tù trưởng giàu có nhất, quyền lực nhất; lúc này chàng lại phạm phải một tội tày đình.
Đăm San nghĩ chàng đã là người tù trưởng hùng mạnh nhất; xứng đáng làm vợ chàng lúc này phải là nữ Thần Mặt Trời nổi tiếng xinh đẹp, diễm lệ. Bởi vậy, Đăm San bất chấp mọi lời khuyên can, chàng băng qua những cánh rừng nguy hiển nhất, giết chết những con thú hung hăng nhất, tiến về phía cung điện Mặt Trời.
Tất nhiên, với con người, chàng là kẻ mạnh; nhưng hành vi hỏi cưới con gái của thần Trời là tội ngạo mạn không thể dung thứ. Kết cục chẳng những không lấy được nữ thần, Đăm San đã chết trong vũng bùn lầy trong khi quay trở lại nhân gian.
Vậy nên hai nàng Hơ Nhị và Hơ Bhị trong sử thi Đăm San sang nhà hỏi cưới con trai vị tù trưởng giàu có vốn là thuận theo sự sắp đặt của ông cha và cũng là sự an bài của Thần. Do đó, tôn kính Thần Phật vẫn là nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Trong mọi sự việc và mọi mối nhân duyên, người ta đều tin vào định số và sự sắp đặt của Thần.
Theo Nguyện Ước
VIDEO CHỌN LỌC: