Tân Thế Kỷ – Người xưa có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”, bản tính con người khi sinh ra ai cũng lương thiện. Nhưng càng lớn, con người càng bị vật chất, sự trượt dốc của đạo đức cuốn theo, từ đó mất đi bản tính lương thiện ban đầu. Bởi vậy chỉ có Thiện mới có thể đánh thức bản tính bị lãng quên ấy.
Cổ nhân dùng thiện giáo hoá con người
Đức hạnh là bản chất tự nhiên của lương tri, được Chư Thần ban tặng cho con người, và đó là bản tính tốt đẹp nhất của loài người. Do vậy, mục đích quan trọng của việc làm người là duy trì được thiện tính và không ngừng thăng hoa về đạo đức. Một bậc quân tử luôn đọc những cuốn sách chân chính và hành xử đúng đắn. Anh ta cũng khuyến khích người khác làm như vậy, không ngừng cảm hóa người khác và giúp họ giác ngộ ra rằng con người sẽ sống trong sự bình an và thịnh vượng nếu họ tuân theo thiên lý và chính Đạo. Đó là tại sao cổ nhân thuyết rằng: “Bậc quân tử luôn lấy thiện đãi người.” Những ví dụ về cổ nhân khuyến thiện có rất nhiều, tuy nhiên dưới đây chỉ xin đưa ra vài tấm gương minh họa.
Vào thời Xuân Thu (770 TCN-476 SCN), khi Tử Lộ của nước Lỗ đến bái kiến đức Khổng Tử lần đầu tiên, ông ta phục sức sang trọng, trên đầu gài một chiếc lông chim và có phong thái ngạo mạn. Sau khi nghe Khổng Tử thuyết giảng với ông ta về đức tính khiêm nhường, ông ta nhận ra ngay lỗi lầm, đi thay trang phục của người học trò bình thường và cùng mọi người học tập lễ nhạc. Khổng Tử đã thuyết giảng về đạo làm quân tử và phép trị nước như sau: “Bậc quân tử coi trọng nhất là chữ ‘nghĩa’. Với bậc quân tử, có dũng mà không có nghĩa thì là làm loạn; với bậc tiểu nhân, có dũng mà không có nghĩa thì là kẻ đạo tặc. Bậc quân tử mưu cầu đạo chứ không mưu cầu miếng ăn, lo cho đạo chứ không lo lắng cảnh bần cùng. Làm quan phải gương mẫu, yêu thương dân chúng và không được lười nhác trễ nải.”
Nhờ Tử Lộ đi theo phò tá Khổng Tử chu du liệt quốc và hoằng dương đạo đức, cảnh giới tư tưởng của ông không ngừng thăng tiến. Ông nhất mực tin tưởng vào người thầy của mình và tận sức phục vụ quốc gia. Khổng Tử khen ngợi ông: “Tử Lộ thích nghe lời khiển trách, không ngừng sửa chữa lỗi lầm, đó gọi là tiến bộ!” Sau này khi Tử Lộ được bổ nhiệm làm quan huyện Bồ Ấp, ông thực hành việc giáo hóa dân chúng bằng lễ nhạc. Quả nhiên ba năm sau, huyện Bồ Ấp trở nên an cư lạc nghiệp, dân chúng sống thuần hậu, được Khổng Tử nhiều lần ca ngợi.
Vào thời nhà Minh (1368-1644), có một người đàn ông ở tỉnh Sơn Tây tên là Ngũ Thiên Cân, là người học võ nên rất dũng mãnh và khá hung dữ. Mỗi khi anh ta nghe thấy ai đó nói câu nào không hợp ý mình liền lao vào đánh người. Anh ta thường lấy đồ hoặc vay tiền người khác mà không hoàn trả, mọi người ai cũng sợ anh ta. Một ngày trời rất nóng bức, anh ta leo lên lầu thượng của một tòa nhà để hóng mát. Mọi người ở đó thấy anh ta sợ quá đều bỏ chạy cả, chỉ duy có một ông lão vẫn đứng đó không động đậy. Anh ta thấy vậy bèn nổi cơn thịnh nộ: “Bọn chúng chạy cả rồi, chỉ còn ông vẫn đứng đó, có phải ông vẫn chưa biết quyền cước của ta lợi hại thế nào?” Ông lão đáp: “Anh chấp mê bất ngộ. Cha mẹ anh dưỡng dục anh trưởng thành, hy vọng anh trở thành người có ích cho đất nước. Anh thân đầy võ nghệ, đã không báo đáp cho quốc gia, lại còn hành xử như kẻ vô lại. Quốc gia đã thiếu mất một nhân tài hữu dụng, đáng tiếc thay, đáng tiếc thay!”.
Ngũ Thiên Cân sau khi nghe lời dạy bảo của ông lão, cảm thấy rất hổ thẹn, nói trong nước mắt: “Mọi người đều nói tôi là kẻ xấu, tôi cũng thấy mình là kẻ xấu. Hôm nay nghe lời dạy bảo của lão nhân gia như tiếng ‘thần chung mộ cổ’ đánh thức tôi khỏi giấc ngủ mê. Nhưng tôi hành ác đã lâu, giống như trăng khuyết đến bao giờ mới tròn đầy trở lại. Tôi tự hỏi tôi còn có thể trở thành chính nhân quân tử được hay không?” Ông lão đáp: “Nếu anh kiên quyết hồi tâm chuyển ý, tu thân hướng thiện thì lẽ nào lại không thể tu thành chính nhân quân tử được?” Ngũ Thiên Cân từ đó xa lánh điều ác, chú trọng làm việc thiện, tận sức báo đáp quốc gia. Về sau ông được phong làm Phó Nguyên Soái, trị quân nghiêm minh, thương dân như con, được dân chúng khắp nơi khen ngợi.
Cổ nhân thuyết rằng: “Con người ai cũng có lỗi lầm, nhưng biết sửa lỗi ấy thì thật sự là một hành động thiện từ.” Giáo dục con người bằng “đức” giúp con người khởi phát thiện tính trong tâm linh, nâng cao đạo đức con người bằng cách giúp họ từ bỏ đi sự ích kỷ và vụ lợi. Phương pháp giáo hóa bằng “thiện” mang một sức mạnh vĩ đại vì nó cải biến nhân tâm từ căn bản. Nó hướng dẫn con người đi tìm chân lý, phục hồi bản tính và lương tri, khuyến khích hành thiện, giải thể hết thảy những nhân tố bất chính.
Người phụ nữ dùng thiện cảm hóa tù nhân
Cổ nhân để lại không ít câu chuyện dùng thiện để cảm hoá con người. Trong thời hiện đại cũng không phải không có. Ông Lewis Lawes là giám đốc một nhà tù nổi tiếng ở Mỹ. Ông sống cùng người vợ Catherine xinh đẹp, thiện lương. Họ có với nhau 3 đứa con.
Catherine là người phụ nữ rất nhân hậu, bà thường xuyên đến nhà tù thăm hỏi các tù nhân. Nhiều người khuyên can bà không nên đến đó vì đây là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm và bất trị nhưng không ai cản nổi bà.
Bà không hề sợ các tù nhân, bà thường xuất hiện với gương mặt phúc hậu, hiền hòa và dịu dàng. Bà đến thăm từng tù nhân trong nhà tù, ân cần hỏi han tình hình của họ.
Có lần nhà tù tổ chức trận đấu bóng rổ, bà không ngần ngại mà đem theo ba đứa con đến cổ vũ các tù nhân. Bà nói: “Họ đã làm sai, đi lầm đường nhưng điều đó không có nghĩa là họ không còn cơ hội sửa sai. Họ vẫn còn người thân mong ngóng, con cái của họ vẫn chờ đợi họ. Họ cần có thêm hy vọng vào cuộc sống!”.
Trong nhà tù có một người mù, Catherine đến thăm và hỏi anh rằng: Anh có muốn học chữ của người mù không?”.
Anh ấy trả lời: “Người mù sao học được chữ, tôi không hiểu điều bà nói?”.
Vậy là cứ thế hàng ngày Catherine đến dạy anh ấy học chữ nổi. Rất nhiều năm sau này, khi nhớ về bà Catherine anh ấy vẫn thường khóc.
Một tù nhân khác, anh bị câm điếc. Anh không thể giao tiếp với bất kỳ ai, cuộc sống của anh luôn cô đơn một mình trong nhà tù. Catherine không ngại khó khăn, bà đi học ngôn ngữ cử chỉ tay, sau đó về dạy lại cho người tù nhân câm điếc.
Còn rất nhiều tù nhân khác và tất cả họ đều biết ơn bà Catherine. Bà ấy là người đã gieo hy vọng vào lòng họ. Suốt 20 năm, không quản ngày nắng, ngày mưa, Catherine vẫn lặng lẽ đến thăm những tù nhân ấy, những người mà cả xã hội chê bai, từ bỏ.
Một ngày đang trên đường đến nhà tù, bà Catherine bị tai nạn giao thông, điều đáng buồn là bà không thể sống sót sau tai nạn. Ông Lewis Lawes, chồng bà rất đau khổ, ông phải tạm thời gác công việc ở nhà tù để tổ chức tang lễ cho vợ.
Ngày đưa tang bà, trước cổng nhà tù một cảnh tượng bất ngờ xảy ra. Tất cả tù nhân tập trung ở cổng lớn của nhà tù, họ không chịu giải tán. Trong số tù nhân này có rất nhiều tù nhân phạm những tội ác không thể tha thứ. Họ đứng mãi trước cổng nhà tù mà khóc.
Sau khi nghe được nguyên nhân sự việc xảy ra, người quản lý tạm thời không thể cầm được nước mắt. Ông quyết định một chuyện mà có lẽ cả đời này ông cũng không bao giờ dám nghĩ, ông nói: “Đừng khóc nữa, các anh có thể rời khỏi nhà tù và đưa tiễn Catherine, nhưng nhớ rằng là hãy quay lại nhà tù trước khi trời tối”.
Người phụ tá cật lực phản đối ông, anh cho rằng ông quá mạo hiểm, đây là sự việc vô cùng lớn, nhỡ xảy ra sai sót gì. Người quản lý tạm thời liền dơ tay ra hiệu ngừng nói: “Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm, anh an tâm!”.
Ông ra lệnh, mở rộng cổng chính nhà tù, không có một người giám sát nào đi theo họ. Dòng người xếp hàng ngay ngắn, nối đuôi nhau ra khỏi nhà tù, họ đi bộ gần một cây để đến nhà Catherine. Sau khi đưa tiễn Catherine, tất cả họ trở về nhà tù như đã ước hẹn, không thiếu một ai.
Người xưa đã giảng rằng: “Bản lai của con người là lương thiện”. Cho dù là một tử tù thì khi mới sinh ra cũng đều xinh xắn như những thiên thần. Nhưng rồi trong cám dỗ của cuộc đời này, họ lạc bước mê mờ mà không tìm được đường về, họ đã đánh mất đi bản tính thiện lương ban sơ mà thay vào đó là thù địch, oán hận và tham lam. Nhưng chính sự thiện lương trong con người Catherine đã đánh thức bản tính thiện lương trong tâm của những người tù nhân. Trên thế gian này, nếu có ai đó hỏi, điều gì có thể khiến người ta cảm động, hỏi điều gì có thể biến kẻ ác phải hoàn lương thì câu trả lời chính là sức mạnh của Thiện.
Chân Tâm t/h
Xem thêm: