Tân Thế Kỷ – Sáng 17/7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu chuyển sang phần tranh tụng, viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án với 54 bị cáo. Tuy nhiên, khi phiên tòa bắt đầu được ít phút thì chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa để luật sư các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả.
Theo hội đồng xét xử, việc “cập nhật” số tiền khắc phục hậu quả để cơ quan công tố có căn cứ đề xuất mức đề nghị phù hợp.
Theo dự kiến, sáng nay (17-7), hội đồng xét xử sẽ kết thúc phần thẩm vấn chuyển sang tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo.
Trong 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, trong đó 18 người bị truy tố khung hình phạt tử hình. 21 người bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu, những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo bị cáo buộc đưa, nhận hối lộ 515 lần với 165 tỉ đồng liên quan cấp phép chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.
Suốt bốn ngày thẩm vấn, các bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh… đều thừa nhận được các doanh nghiệp “lót tay” từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng để cấp phép chuyến bay giải cứu.
Tuy nhiên, hầu hết những người này đều phủ nhận lời khai của các doanh nghiệp về việc gây khó dễ, ép buộc và ngã giá “chung chi”. Họ lý giải khoản tiền nhận từ các doanh nghiệp là được cảm ơn sau khi tổ chức các chuyến bay giải cứu.
Doanh nghiệp họ đến gặp bị cáo để cảm ơn
Cựu quan chức cao nhất bị ra tòa trong vụ án này là ông Tô Anh Dũng – cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng nhiều lần khẳng định “không gây khó khăn”, “không ép buộc” doanh nghiệp phải đưa tiền để được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Giải thích cho hành vi nhận tiền của mình, ông Dũng nói: “Sau khi các doanh nghiệp tổ chức bay xong thì họ chủ động liên hệ bị cáo. Bị cáo không có mưu đồ, không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp họ đến tiếp xúc bị cáo để cảm ơn”.
Mặc dù nhiều lần khai “không đòi hỏi” nhưng cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp “lót tay” số tiền lên đến 21,5 tỉ. Nhận số tiền hối lộ lớn như vậy nhưng cựu thứ trưởng nói rằng ở thời điểm ấy không nhận thức được đây là sai phạm.
Một trong những bị cáo nhận được nhiều lượt xét hỏi nhất là Phạm Trung Kiên – cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Kiên dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay, nhưng lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền trong vụ chuyến bay giải cứu. Kiên bị cáo buộc nhận tiền 253 lần, tương đương 42,6 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu.
Hội đồng xét xử nhiều lần thẩm vấn làm rõ Kiên có đưa số tiền nhận hối lộ cho ai khác và sử dụng số tiền này như thế nào.
Tại tòa, Kiên một mực phủ nhận cáo buộc ra giá 150 – 200 triệu để được cấp phép một chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.
Kiên khẳng định không yêu cầu doanh nghiệp phải “lót tay”, các mức chi, hình thức chi đều do “doanh nghiệp chủ động đề xuất”.
Khi chủ tọa dồn dập đưa ra các câu hỏi về việc “có đưa tiền cho ai khác” thì Kiên một mực khẳng định “không đưa cho ai”. Cựu thư ký cũng khẳng định “không bị ai tác động để khai khác đi”.
Ở chiều ngược lại, các bị cáo là chủ các doanh nghiệp thì khai bị các cựu quan chức yêu cầu phải chi tiền, ngã giá cả trăm triệu một chuyến bay giải cứu hoặc gây khó dễ ép họ phải chung chi. Một số ít bị cáo khai “tự nguyện cảm ơn”.
Doanh nghiệp: Phải chung chi mới được cấp phép
Bị cáo Vũ Minh Thắng (giám đốc Công ty Thuận An) khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó đánh trượt hồ sơ, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Việc này suôn sẻ do ông Thắng đã “chi” 600 triệu đồng cho cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.
Thậm chí, sau lần “bôi trơn” trên, ông Thắng nhận được điện thoại từ Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu “lên gặp nói chuyện”.
Thực chất, cuộc nói chuyện này là để ra giá yêu cầu ông Thắng phải “chi” 150-200 triệu một chuyến bay, “nộp cho Kiên hay cho Tuấn thì cũng giá vậy”.
Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) khi trả lời xét hỏi hay khi đối chất với Kiên đều khẳng định tại phòng họp của Bộ Y tế chứng kiến Kiên quát tháo các đại diện doanh nghiệp và yêu cầu chung chi giá 150 triệu một chuyến bay.
Thậm chí, Dương còn khai có thời điểm cứ 8h30 hằng ngày là Kiên gọi điện giục chuyển tiền. “Kiên gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói thứ trưởng đã ký rồi, anh chuyển tiền thì mới có dấu”, Dương khai.
Một bị cáo khác còn khai, khi Kiên ra giá 150 triệu, có đề nghị giảm giá xuống 100 triệu một chuyến bay thì Kiên nói không được vì “có barem rồi”.
Ngoài ra phiên toà này còn chứng kiến những tình huống bất ngờ, khi các bị cáo là cựu cán bộ công an liên tục đưa ra những lời khai trái ngược nhau về cáo buộc chạy án hơn 2 triệu USD vụ chuyến bay giải cứu.
Thậm chí, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), còn khẳng định “chỉ cần viện kiểm sát đưa ra một chứng cứ thì tôi sẽ nhận tội ngay”.
Trong khi đó bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, cả khi trả lời xét hỏi và khi đối chất đều khai rất rõ từng lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng giúp “chạy án”.
Vũ Nam tổng hợp.
Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội: chạy án “vì rất thương” em gái kết nghĩa
Cựu thư ký Thứ trưởng, lấy tiền hối lộ đầu tư đất và cảm thấy ám ảnh tội lỗi
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*