spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

 Lật lại lịch sử: Tần Thuỷ Hoàng có thực sự là một “bạo chúa”?

Tần Thuỷ Hoàng được hầu hết con người ngày nay biết đến là một “bạo chúa” với câu chuyện “đốt sách, diệt nho”, hay câu chuyện Mạnh Khương Nữ khóc đổ Trường Thành…. Người đời sau coi ông như kẻ thù muôn thuở. Tuy nhiên, trong lịch sử thật sự là một Tần Thuỷ Hoàng rất khác, thậm chí trái ngược với những điều chúng ta biết về ông. Cùng lật lại lịch sử, tìm về sự thật để “minh oan” cho Tần Thuỷ Hoàng và Vương triều Tần.

Tần Thủy Hoàng xứng đáng được gọi là “Thiên cổ nhất đế”. Những cống hiến của ông đối với lịch sử Trung Hoa cũng được lưu danh trong sử sách, công lao to lớn ấy là không thể xóa nhòa.

Công lao to lớn bị quên lãng?

Tần Thuỷ Hoàng lúc sinh ra có những dấu hiệu của một vị Đế Vương anh minh. Vào tháng đầu tiên của năm 259 TCN, Tần Thủy Hoàng được sinh ra ở Hàm Đan của nước Triệu, “khi được sinh ra, đặt tên là Chính, lấy họ Triệu” (trích trong Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Đông Chu liệt quốc chí cũng đã mô tả như thế này: “Khi sinh ra có ánh sáng đỏ rực trong nhà, trăm thứ chim bay đến lượn múa. Đứa bé mũi to, mắt dài, trán rộng, mỗi mắt có hai con ngươi, trong miệng đã có vài cái răng, trên lưng có vảy rồng, khóc rất to, đi ngoài đường cũng nghe tiếng”.

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (1): Tổ Long xuất thế
“Thiên cổ nhất đế” Tần Thủy Hoàng (Ảnh. Epochtimes)

Trong mấy chục năm chinh chiến bình định sáu nước, hoàn thành bá nghiệp nhất thống thiên hạ, hoàn toàn không thấy có bất cứ ghi chép nào về việc Tần Thủy Hoàng chôn sống binh lính hay tàn sát dân lành. Điều này cho thấy ông quả thật là một trong những vị Vua nhân từ trong lịch sử Trung Quốc. Các nhà viết sử và văn nhân đời sau nhiều người mang việc Tần Thủy Hoàng quét sạch sáu nước miêu tả thành “bạo”; những hậu duệ của sáu nước vì ôm mối hận vong quốc, không nhớ tới ơn Tần Thủy Hoàng nhân từ tha cho mạng sống, mà ngược lại đã chụp lên cái mũ “tàn bạo” cho Tần Thủy Hoàng. Đó hoàn toàn không phải là những điều chân thực về Tần Thủy Hoàng! Nếu đúng Tần Thủy Hoàng “tàn bạo” như thế, thì chắc hẳn hậu duệ của sáu nước sớm đã bị đuổi tận giết tuyệt rồi.

Tần Thủy Hoàng bắt đầu từ khi tự mình chấp chính năm 22 tuổi, đến năm 39 tuổi xuất binh đánh bại nước Tề ở Sơn Đông, hoàn thành đại nghiệp lịch sử thống nhất Trung Quốc. Trong đoạn thời gian ngắn ngủi 17 năm này, Tần Thủy Hoàng đã nhanh chóng kết thúc cục diện chư hầu hỗn chiến kéo dài mấy trăm năm của thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc; đồng thời đã nắm bắt thời cơ chế định, ban bố một loạt pháp lệnh và thi hành những điều có lợi cho thống nhất thiên hạ, xây dựng và hoàn thiện hoàng triều thống nhất đầu tiên của lịch sử Trung Quốc. Khí phách của ông không có Đế Vương nào so sánh được. Bằng sự quyết đoán và đảm lược mà tiền nhân chưa từng có, với sự táo bạo dứt khoát, hợp thiên thời, thuận lòng người, ông đã tạo ra nền thái bình cho bách tính. Hoàn toàn không phải là những điều lịch sử hay phim ảnh hiện nay nói về ông. 

Tần Thuỷ Hoàng để lại cho hậu thế những thành tựu đồ sộ. Rất nhiều thành tựu còn có giá trị đến hiện tại. Ông đã xây dựng cao tốc, thống nhất văn tự (Thư đồng văn – 書同文 ); thống nhất tiền tệ (Tiền đồng tệ – 錢同幣); thống nhất đo lường (Độ đồng chế – 度同制), phế phân phong, trí quận huyện.

Công trình vĩ đại nhất Ông để lại cho hậu thế chính là Vạn Lý Trường Thành, một trong những kỳ quan thế giới. Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, trường thành là công trình phòng ngự của sáu nước. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, năm 214 TCN ông phái đại tướng Mông Điềm đi đến phía Bắc đánh đuổi Hung Nô, chiếm được Hà Sáo, đồng thời nối liền các tường thành cũ của ba nước Tần, Triệu, Yên thành một bức tường thành dài hơn một vạn dặm kéo dài từ Lâm Thao, Cam Túc ở phía tây cho đến Liêu Đông của phía đông, bức tường thành này được gọi là “Vạn Lý Trường Thành”. Trường thành chủ yếu dùng để phòng ngự Hung Nô mang quân tấn công vào miền Nam. Lịch sử gọi là Tần Trường Thành.

1646660606
Vạn Lý Trường Thành – một trong những công trình vĩ đại nhất của lịch sử vẫn trường tồn tận đến hôm nay

Thực hư về việc “Đốt sách”

Hậu thế có rất nhiều người hễ nói đến Tần Thủy Hoàng liền nghĩ đến việc “Đốt sách chôn Nho”, đồng thời coi đó là chứng cứ buộc tội Tần Vương tàn bạo hủy hoại văn hóa lịch sử, mà không biết được ngọn nguồn của sự kiện lịch sử này. Để có góc nhìn đúng đắn, trả lại diện mạo chân thực cho lịch sử, chúng ta cùng đến với chi tiết sự thật lịch sử “Đốt sách chôn Nho”, cũng như đưa ra nguyên do và ý nghĩa của sự việc này.

Tan Thuy Hoang 2
Tần Thuỷ Hoàng và nỗi oan thiên cổ “Đốt sách” – Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp

Thực sự, việc “Đốt sách chôn Nho” này hoàn toàn không phải như những điều chúng ta vẫn thường biết. Tần Thủy Hoàng tuy dùng vũ lực chinh phục sáu nước, nhưng vì lòng nhân từ nên ông đã không đuổi cùng, giết tận. Bởi thế trong sáu nước vẫn có người mưu đồ khôi phục lại thế lực đã mất. Họ lợi dụng nhầm lẫn về tư tưởng, văn hóa để lừa dối, phỉ báng nền chính trị mới, làm ảnh hưởng chính Đạo, ôm mộng khôi phục lại chư hầu sáu nước. Đó thực sự là những thách thức nghiêm trọng mà Tần Thủy Hoàng phải đối mặt. Bởi vậy, bảo vệ văn hóa chính thống và thống nhất quy phạm văn hóa cho dân chúng sáu nước là xu thế tất yếu.

Trong tám năm, kể từ năm Tần Thủy Hoàng thứ 26 (tức 211 TCN) bắt đầu kiến lập chính quyền thống nhất đến năm Tần Thủy Hoàng thứ 34 (tức 213 TCN) khi Hoàng đế thực thi cái gọi là đốt sách, Tần Thủy Hoàng đã thu thập từ cung đình và dân gian sáu nước một lượng văn hiến cổ điển rất lớn. Đồng thời, Thủy Hoàng cũng tuyển chọn hơn 70 vị học giả, trao cho chức quan Bác sĩ. Ông lại triệu tập hơn 2000 học sinh đặt dưới các quan Bác sĩ, gọi là Chư sinh. Những người này có nhiệm vụ thanh lý, đánh giá các văn hóa cổ điển, bỏ cái ngụy, giữ cái chân, bảo vệ văn hóa chính thống.

Tần Thủy Hoàng nói: “Ta trước đây thu thập sách thiên hạ, cái gì không được sử dụng thì bỏ hết đi, tận lực mời rất nhiều kẻ sĩ văn học thuật phương, muốn để chấn hưng nền thái bình”. Tần Thủy Hoàng đặc biệt lễ độ đối đãi các quan Bác sĩ, “Hoàng đế ban cho lễ rất hậu” (Theo Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Tần Thủy Hoàng năm thứ 34 (năm 213 TCN), trong một lần yến tiệc ở cung Hàm Dương, quan Bác sĩ Thuần Vu Việt đề xuất phế bỏ quận huyện, lập lại phân phong, cho rằng “việc không học người xưa mà có thể lâu dài, chưa từng nghe vậy”. Đây chính là muốn Tần Thủy Hoàng khôi phục lại cái xưa kia của sáu nước, mượn xưa để chế giễu nay, phỉ báng nền chính trị mới.

Tần Thủy Hoàng cho quần thần thương nghị. Thừa tướng Lý Tư cho rằng đó là nói năng sai lầm, từ ngữ vụng về, dâng thư lên Hoàng đế rằng: “Xưa thiên hạ phân tán hỗn loạn, không ai có thể thống nhất, vì thế các chư hầu mới thôn tính lẫn nhau, những lời nói ra đều là đạo pháp cổ đại, phê bình đương thời, giả vờ khiêm tốn nhiễu loạn danh thực, mỗi một người đều tán thưởng học vấn đã học được, không nghị luận chính lệnh triều đình ban bố. Như nay Hoàng đế thống nhất thiên hạ, phân biệt rõ trắng đen mà định ra ngôi chí tôn duy nhất. Nhưng kẻ đọc sách vẫn theo lệ cũ tư học, đám đông tụ tập không nghị luận pháp lệnh của triều đình, vừa nghe thấy lệnh ban ra, liền dựa vào những thứ bản thân học được mà phê bình chính triều một phen, khi vào triều thì trong lòng phản đối, khi thoái triều thì lại nghị luận như mưa trong ngõ xóm. Bọn họ dùng những lời khoa trương hòng át đi đức tính khiêm tốn tốt đẹp của Hoàng đế, làm ra những hành động kỳ quái lại lừa gạt bằng thanh danh cao, dẫn dắt đại thần và bách tính ở dưới nói điều nhạo báng. Nếu những việc như thế không cấm được, thì quyền uy của Hoàng đế sẽ bị hạ thấp, nơi triều đình sẽ hình thành bè đảng. Vì thế, nên ngăn cấm họ. Thần thỉnh cầu Hoàng thượng hạ lệnh cho sử quan, cho đốt tất cả các điển tịch không phải do Tần triều biên soạn. Trừ khi do các quan Bác sĩ nắm giữ, còn lại những sách Kinh Thi, Kinh Thư và các điển tịch bách gia chư tử do tư nhân thu giữ nhất loạt đều phải giao cho quan địa phương đốt sạch. Kẻ nào dám tụ tập đàm luận “Thi”, “Thư” đều xử chết tại chợ. Kẻ nào lấy cổ mà nhạo báng đương thế thì tru diệt toàn tộc. Quan lại biết mà không xử thì xử cùng tội. Mệnh lệnh ban ra 30 ngày mà vẫn không đốt, thì thích chữ lên mặt, xung quân chốn biên cương, xây dựng Trường Thành. Những sách không phải đốt là những sách y dược, bốc phệ, trồng trọt. Nếu ai muốn học pháp lệnh văn tự, phải tới quan phủ, học theo quan lại” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Tần Thủy Hoàng đã tiếp thu kiến nghị này.

Từ bức thư Lý Tư dâng lên có thể thấy, lúc đó tất cả các thư tịch ở nước Tần, bao gồm cả những thư tịch có lệnh thông báo rõ phải tiêu hủy, thì ở trong triều đình vẫn giữ những bộ sách hoàn chỉnh. Chu Hy đời Tống cũng nói: “Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, chỉ là lệnh cho người trong thiên hạ đốt, triều đình ông vẫn lưu trữ. Như đã nói “Không phải thư tịch nước Tần biên soạn và các thư tịch mà các quan Bác sĩ giữ thì tất cả đều phải đốt sạch”, thế thì những thư tịch như lục kinh, ông vẫn lưu giữ như xưa, nhưng người trong thiên hạ thì không có. Nếu như có ai muốn tra tìm, nghiên cứu, học tập, ở chỗ các quan lại và các quan Bác sĩ đều có giữ những bộ hoàn chỉnh”.

Những thư tịch bị đốt thuộc vào hai trường hợp: hoặc là sử ký các nước trước khi thống nhất hoặc là các sách “Thi”, “Thư” và điển tịch của bách gia chư tử mà tư nhân lưu giữ. Về sử sách nước Tần, thư tịch các quan Bác sĩ lưu giữ và các sách bách tính lưu giữ về y dược, chiêm tinh toán quẻ, trồng trọt, nghệ thuật, thì không nằm trong danh sách đốt này. Các sách bị cấm trong vòng 30 ngày phải giao nộp cho quan phủ sở tại thiêu hủy. Về việc này còn đặt ra một loạt các pháp luật, như: kẻ nào dám tụ tập đàm luận “Thi”, “Thư” đều xử chết tại chợ; kẻ nào lấy cổ mà nhạo báng đương thế thì tru diệt toàn tộc; quan lại biết mà không xử thì xử cùng tội; mệnh lệnh ban ra 30 ngày mà vẫn không đốt, thì thích chữ lên mặt, xung quân chốn biên cương, xây dựng Trường Thành…

Vũ đài Trung Hoa là một triều Thiên tử, một triều văn hóa, một triều nhân dân. Tần Thủy Hoàng xây dựng hoàng triều Đại Tần, thay Trời, đổi Đất, thì tất nhiên sẽ mang đến văn hóa hoàn toàn mới. Những thứ tạp loại trong “bách gia chư tử” lại bị một số phương sĩ, thuật sĩ và các cựu thần, quý tộc sáu nước có dụng ý riêng sử dụng làm công cụ nhằm khôi phục sáu nước, nhiễu loạn nền chính trị mới, can nhiễu chính niệm của con người. Tần Thủy Hoàng chính là thiêu hủy tạp loại của bách gia chư tử, bảo hộ văn hóa chính thống.

Sự thật về việc “chôn Nho”

Một năm sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, lại phát sinh sự việc mà hậu thế gọi là “chôn Nho”. Hai sự kiện này, nhìn như khác nhau, nhưng lại có liên hệ với nhau, vẫn cần phải quy kết cho những người gọi là “Nho sinh” lúc đó.

Các “thuật sĩ, phương sĩ, hủ Nho” không chỉ còn là tuyên truyền một loại tư tưởng nữa, những điều họ làm là đòi hỏi quyền lực, nhằm khôi phục lại thế lực của các nước cũ của mình. Họ “khi vào triều thì trong lòng phản đối, khi thoái triều thì lại nghị luận như mưa trong ngõ xóm”, đã là có tội nhưng vẫn chưa có chuyện chôn giết. Có thể thấy Tần Thủy Hoàng lúc đó chỉ là cấm ngôn luận mà chưa áp dụng hình phạt. Mãi cho đến khi những thuật sĩ, phương sĩ và hủ Nho này bị phát hiện dùng phương thuật lừa bịp, phỉ báng nền chính trị, mới làm cho Tần Thủy Hoàng nổi giận, đem 467 tên “thuật sĩ, phương sĩ và hủ Nho” chôn tại Hàm Dương.

Tan Thuy Hoang 3
Người bị chôn thật ra là bọn thuật sĩ, hủ Nho dùng phương thuật lừa bịp người – Ảnh: Sohu

Sự kiện khởi nguồn từ hai tên phương sĩ sợ tội chạy lưu vong. Tần Thủy Hoàng bản thân vốn tu luyện, dưỡng sinh, cho nên đối với phương thuật và thuật sĩ thì đều rất tôn trọng, thường cùng với họ thảo luận về đạo lý Thần Tiên, Chân Nhân, tu luyện trường sinh. Một số phương sĩ, thuật sĩ như Hầu Sinh, Lô Sinh lấy danh nghĩa Tần Thủy Hoàng thái dược luyện đan, tìm phép Tiên, đã phung phí tiền tài, nhiều lần lừa dối. Tần Thủy Hoàng quy định: “Không đắc được phương pháp, không linh nghiệm, thì phải chết”. Hầu Sinh, Lô Sinh thấy thuật lừa bịp bị bại lộ, bí mật sửa soạn bỏ chạy lưu vong. Trước khi bỏ trốn, trong Sử ký có chép, bọn Hầu Sinh, Lô Sinh đã phỉ báng Tần Thủy Hoàng như sau: “Thủy Hoàng là người chuyên dùng bọn quan ngục, bọn quan ngục được ân sủng. Quan Bác sĩ tuy có 70 người, chỉ là cho có mà thôi”, “Hoàng thượng thích dùng hình và giết chóc để tạo uy”.

Tần Thủy Hoàng biết chuyện nổi giận: “Ta đối với đám Lô Sinh vô cùng tôn kính, ban thưởng hậu hĩnh, nay lại dám phỉ báng ta, vu cáo ta không có đức. Phương sĩ ở Hàm Dương rất nhiều, ta cho người đi tra xét, xem có kẻ nào dùng lời gian xảo mê hoặc làm loạn dân đen”. Thế là sai ngự sử xét hỏi các phương sĩ này, họ tố giác lẫn nhau, đích thân Thủy Hoàng phán quyết những người phạm pháp, tất cả đều bị chôn ở Hàm Dương, để cho thiên hạ đều biết, để răn đe người sau. (Theo Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Tu luyện quy chân là mục đích của đời người. Dùng phương thuật lừa người, khiến cho con người mất niềm tin vào tu luyện trở về Trời là gây hại độc ác nhất đối với con người, Thiên lý không tha. Tần Thủy Hoàng nghiêm khắc trừng trị bọn thuật sĩ, hủ Nho dùng phương thuật lừa bịp người là “để răn đe người sau”, nhắc nhở họ chớ phạm phải cái sai này, cũng là việc làm bảo hộ cái gốc gác của con người. Rất có thể, đây là an bài của Thiên thượng.

Người đời sau luôn luôn ghép sự kiện này cùng với “đốt sách”, gọi là “Đốt sách chôn Nho”. Vậy nên nhìn lại cội nguồn, “chôn Nho” chính là một lần thanh trừ bọn thuật sĩ, phương sĩ, hủ Nho lừa người, lừa tiền của, làm loạn nền chính trị mới: “Chôn Nho sĩ, khởi nguồn từ việc các chư sinh xảo ngôn mê hoặc nhân dân”. Tần Thủy Hoàng “Đốt sách chôn Nho” đã thanh lý tạp loạn văn hóa tư tưởng do bách gia làm rối loạn gây ra, thanh trừ hủ Nho và thuật sĩ lừa đảo bịp bợm, khiến cho nền văn hóa chính thống được lưu truyền cho hậu thế mãi không đứt đoạn, công lao vĩ đại ấy không thể xóa nhòa.

Thần sáng tạo ra nhân loại, rồi Thần lại hạ thế giảng Đạo, truyền Pháp, độ nhân, truyền cấp cho nhân loại các loại văn hóa như quân sự, binh pháp, âm nhạc, y học, nghệ thuật, các loại kỹ thuật, công nghệ… thì Thần tất cũng sẽ an bài phương cách bảo hộ nền văn hóa ấy như thế nào. Không chỉ Tần Thủy Hoàng quyết đoán thanh lý rác rưởi, mà các minh quân, hiền vương các đời sau cũng đều như thế. Đây là tính tất yếu của lịch sử.

Ghi chép cổ minh chứng nỗi oan của Tần Thuỷ Hoàng

Một phát hiện gần đây chứng minh một cách xác đáng về nỗi oan suốt 2.000 năm của Tần Thuỷ Hoàng.

Năm 1975, một khu mộ thời nhà Tần tên là Thụy Hổ Địa ngẫu nhiên được phát hiện tại huyện Vân Mộng tỉnh Hồ Bắc. Trong đó có ngôi mộ mà chủ nhân tên là “Hỉ”, là một quan lại của nhà Tần. Chức nghiệp của người này có quan hệ rất nhiều đến hình pháp. Điểm mấu chốt là ông sinh sống vào đúng thời Chiến Quốc đang có những thay đổi mạnh mẽ. Ông cũng chứng kiến toàn bộ quá trình từ khi Doanh Chính chấp chính cho đến lúc thống nhất 6 nước. Có thể nói, ông đã nhìn thấy quá trình 6 nước bị diệt vong như thế nào.

Trong lăng mộ của người tên là Hỉ này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số thẻ tre ghi lại sự việc diễn ra vào cuối thời Chiến Quốc và thời kỳ Tần Thủy Hoàng trị vì, cuốn sách được gọi là “Thụy Hổ Địa Tần Giản” hoặc “Vân Mộng Tần Giản”. Cuốn sách này kết bằng những chiếc thẻ tre dài khoảng 23-27cm, rộng 0,5-0,8cm, hiện tại đã hư hỏng không ít do bị mục nát theo thời gian.

The tre Tan Thuy Hoang
Những thẻ tre được khai quật từ lăng mộ nhà Tần ở Thụy Hổ Địa (ảnh: Internet)

Theo dữ liệu thống kê chưa đầy đủ, có hơn 200 ngàn chữ ghi chép trên thẻ tre, nội dung của nó đã phá vỡ những thông tin lịch sử mà chúng ta từng biết. Trên thẻ tre ghi lại chế độ pháp luật nước Tần, công văn hành chính, trước tác y học… có giá trị học thuật rất cao. Tuy nhiên, những nội dung này lại không trùng khớp với nhiều thông tin lịch sử mà chúng ta đã biết, nhất là những nội dung được ghi chép trong “Sử ký”.

Ví dụ, theo sách sử ghi lại về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của Trần Thắng và Ngô Quảng. Trần Thắng và Ngô Quảng dẫn đội quân phu dịch tiến lên, nhưng bởi vì trời mưa to nên thời gian hành quân bị kéo dài, chiếu theo luật nhà Tần phải xử chém, cho nên hai người bị bức ép đến mức phải nổi dậy khởi nghĩa vũ trang. Tuy nhiên, trên thẻ tre lại ghi chép rằng Luật nhà Tần khá nhân đạo: Nếu xuất hiện trễ thời hạn thì cần xem xét nguyên nhân trước rồi mới tiến hành xử phạt, không quy định cứng nhắc. Ví như, kéo dài thời hạn trong ba ngày thì sẽ không xử phạt, ba ngày đến năm ngày thì sẽ bị cảnh cáo một lần, năm ngày đến mười ngày thì tăng thêm lao dịch, nhưng là nếu như gặp phải mưa to, nước lũ dẫn đến kéo dài thời gian thì sẽ không bị xử phạt.

Ngoài ra, trên thẻ tre còn ghi lại luật pháp nhà Tần đối đãi với phạm nhân không dùng nhục hình bức cung, nếu không lời khai sẽ bị vô hiệu. Cho dù đã bị định tội, nhưng chỉ cần không phải là tội ác tày trời, ngày mùa hàng năm phạm nhân vẫn có thể về nhà hỗ trợ gia đình cày cấy trồng trọt. Hình thức xử phạt có tình có lý như thế này không thể gọi bằng danh từ “chính sách tàn bạo” được.

Trong dòng chảy lịch sử, trải qua thời gian dài đằng đẵng, rất nhiều điều đã không còn chuẩn xác nữa. Một “Anh hùng thiên cổ” lại bị gán tội danh bạo tàn, lịch sử và người đời nợ ông một lời xin lỗi. Và đâu đó, có thể vẫn còn những nhân vật anh hùng bị thế nhân hiểu lầm. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục tìm hiểu qua những bài viết tiếp theo. 

Chân Tâm

Tài liệu tham khảo:

https://chanhkien.org/2022/12/nhan-vat-anh-hung-thien-co-trung-quoc-tan-thuy-hoang-7-chan-tuong-su-kien-dot-sach-chon-nho.html

https://www.dkn.tv/van-hoa/sach-co-dao-nguoc-lich-su-nuoc-tan-minh-oan-cho-tan-thuy-hoang-sau-ngan-nam.html

Untitled 3 01 5

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều