Từ năm 1966 đến năm 1976, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động phong trào “Cách mạng Văn hóa” tàn khốc, dẫn đến sự suy tàn của văn hóa và đạo đức truyền thống Trung Quốc. Trong hoàn cảnh éo le ấy, ông trời từ bi đã mở ra một con đường mới, dành cho những người có lòng cầu đạo một khung trời riêng biệt.
Vào thời điểm đó, có một nhà sư ở Phúc Kiến, pháp hiệu là Khoan Tịnh, vào ngày 25/10/1967 Âm lịch, khi ông đang ở trong động Di Lặc ở núi Cửu Tiên, nguyên thần (linh hồn) của ông đã rời bỏ thân xác và đến thế giới Cực Lạc, lúc trở về ông đã mang theo rất nhiều câu chuyện lạ để thức tỉnh thế nhân. Sự tích về ông đã khiến cho những người có tấm lòng thiện lương được an ủi rất nhiều.
Lão tăng thần kỳ, “nhìn thấu” kiếp trước kiếp này của Khoan Tịnh
Theo lời kể của Khoan Tịnh, lúc đầu ông đang ngồi thiền trong tự viện, đột nhiên nghe thấy tiếng ai đó gọi mình và đẩy ông đi về phía trước. Ông giống như có chút men rượu trong người, ngẩn ngẩn ngơ ngơ bước ra khỏi tự viện. Cứ như vậy, đi liền một mạch hơn 200 dặm đến núi Cửu Tiên huyện Đức Hóa.
Vào thời điểm đó, đang trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa.” Dưới sự xúi giục của ĐCSTQ, bạo loạn đã nổ ra ở nhiều nơi, đám lưu manh du đảng thi nhau đánh đập và cướp bóc của dân chúng. Mọi người lúc đó đều vô cùng sợ hãi, nên nếu có việc phải ra ngoài, đều lén lút đi vào ban đêm để tránh bị cướp phá. Tuy nhiên, Khoan Tịnh đi trên đường, lại không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Trên đường đi, ông gặp một lão tăng (vị sư già) pháp hiệu là Viên Quan, vốn dĩ Khoan Tịnh không quen biết ông ấy, nhưng lão tăng đó dường như có thể nhìn thấu mọi thứ về Khoan Tịnh, giống như kể câu chuyện về một vài bảo vật, hay những câu chuyện thần thoại, lão tăng kể tỉ mỉ chi tiết về kiếp trước của Khoan Tịnh, cũng như thời gian và địa điểm ông được sinh ra… Sau đó, Khoan Tịnh đã đi kiểm chứng lời của lão tăng, tất cả đều là thật. Sau khi Khoan Tịnh du hành đến Phật quốc, ông mới nhận ra rằng vị lão tăng đó là do Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân.
Vào ngày 25/10, ông đến núi Cửu Tiên, ngọn núi cao nhất ở Phúc Kiến, nơi có động Di Lặc. Nhưng tại đây Khoan Tịnh lại nhìn thấy một khung cảnh hoàn toàn khác so với trước kia, lúc này nguyên thần của ông đã đi đến một không gian khác.
Đi vào cung trời Đâu Suất, gặp Hư Vân
Khoan Tịnh nói rằng ông được Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ dẫn, đi một mạch đến cung trời Đâu Suất (Cung trời thứ tư trong cõi dục giới. Dục giới là một giới ở trong tam giới, hai giới còn lại là sắc giới và vô sắc giới). Có rất nhiều điện vàng, tháp ngọc nguy nga tráng lệ dọc đường đến Thiên cung, các công trình kiến trúc cao vời vợi, và tỏa ra ánh sáng lấp lánh. Thế giới Thiên quốc rực rỡ sắc màu, khiến người ta choáng ngợp. Ông niệm chú, bước lên đài sen, cưỡi mây mù đi thẳng về phía trước.
Trong đó có một tầng trời và một thành phố bạc. Bước vào cổng thành, sẽ nhìn thấy một tấm gương lớn, có khả năng phản chiếu nguyên thần của con người và phân biệt thiện ác.
Đến cung trời Đâu Suất, ông thấy thiên nhân (người trời) ai nấy đều rất cao lớn, mặc y phục giống thời nhà Minh, cao chừng ba trượng (1 trượng = 3,33m). Ông cũng nhìn thấy sư phụ của mình – lão hòa thượng Hư Vân.
Theo “Hư Vân hòa thượng tự thuật niên phổ” giới thiệu, Hư Vân sinh năm Đạo Quang thứ 20 (1840) và mất năm 1959, thọ 120 tuổi. Khi Hư Vân còn sống, ông là một cao tăng đắc đạo đã trải qua bốn triều đại là Mãn Thanh, Thái Bình Thiên quốc, Trung Hoa Dân Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi Khoan Tịnh 15 tuổi, bái ông làm thầy, vì vậy trên thế gian mối quan hệ giữa hai người là thầy và trò.
Hư Vân nói với Khoan Tịnh: “Trong thời kỳ mạt pháp, con nên kiên trì ở trong môi trường khắc nghiệt nhất để cứu độ chúng sinh, đừng tham cầu thuận cảnh hưởng lạc, đừng trốn tránh nghịch cảnh…”.
Hư Vân giải thích, Khoan Tịnh mới biết rằng có những kẻ dùng tà pháp để lừa gạt lòng người, giải thích kinh sách bừa bãi, lừa gạt cúng dường, đó “đều là quỷ xuống trần gian”, nhân danh đạo Phật để phá hoại lòng tốt của con người, trắng trợn ngang ngược hại người.
Du ngoạn thế giới Cực Lạc, chứng kiến tượng Phật trang nghiêm
Trong vũ trụ bao la vô biên, thế giới Cực Lạc chỉ là một trong rất nhiều thế giới của Phật quốc, ngoài thế giới Cực Lạc còn có các thế giới do các vị Phật khác làm chủ tể như thế giới Lưu Ly của Phật Dược Sư, thế giới Ta Bà của Phật Thích Ca… Những gì Khoan Tịnh mắt thấy tai nghe, chỉ là cảnh giới trong cõi tâm của ông, được Phật pháp khai mở một phần nhỏ, chứ không phải toàn bộ chân tướng.
Bồ Tát dẫn ông đến thế giới Cực Lạc, nơi đó đâu đâu cũng có vàng, cát vàng lát dưới tòa sen, những hàng cây đại thụ cao đến hàng chục mét đều là cành vàng, lá ngọc. Trước một ngọn núi lớn bằng vàng, Khoan Tịnh nhìn thấy một vách núi lớn, qua lời giới thiệu của Bồ tát, ông mới biết đó là đầu ngón chân của Phật A Di Đà.
Sau khi nguyên thần của Khoan Tịnh rời khỏi cơ thể, không bị thể xác ràng buộc, tại không gian khác cũng có thể phóng lớn hơn. Sau khi được ban phước, cơ thể của ông nhanh chóng lớn lên, nhưng nó chỉ chạm đến rốn của Phật Đà. Thế giới Phật quốc thật hùng vĩ. Xét theo những gì ông mô tả, tòa sen mà Phật Đà đứng, “trên những cánh hoa, là vô số thắng cảnh tháp ngọc, tỏa ra muôn ngàn sắc màu, có một vị Phật ngồi đó, được bao quanh bởi quầng sáng vàng.”
Người đời rất ít khi nhìn thấy Phật Đà chân chính, nên không biết được mắt Phật lớn cỡ nào. Ông nói: “Đôi mắt (của Phật) giống như một đại dương bao la, nói ra sẽ có người không tin, nhưng quả thực, đôi mắt của ngài lớn như đại dương trên trái đất.”
Trong Phật quốc, ông có thể tự do sử dụng ý niệm (tâm trí) của mình để điều khiển hoặc lên xuống, hoặc phiêu dạt. Ông có thể bước lên đài sen, bay lên không trung, đài sen giống như một viên pha lê, tỏa ra ánh sáng tuyệt đẹp. Cơ thể ông cũng trở nên trong suốt như pha lê.
Khoan Tịnh thấy Phật quốc thiêng liêng như vậy, đã đảnh lễ Phật Đà, mong được ở lại Thiên cung, và không muốn trở lại trần gian, vì nhân gian quá cay đắng khổ đau. Qua cuộc đối thoại giữa Phật Đà và ông thì được biết, Khoan Tịnh vốn dĩ ở thế giới Cực Lạc, và chính ông đã phát nguyện xuống trần gian, cứu độ thế nhân.
Vì vậy, ông phải thực hiện lời thề trước kia thì mới có thể trở về Thiên quốc. Phật Đà cũng dặn dò ông, phải truyền tải lại những cảnh tượng trên Thiên quốc mà ông đã nhìn thấy cho nhân gian, để cảm hóa lòng người.
Được Phật Đà chỉ dạy, Bồ tát đưa ông tiếp tục du ngoạn khắp Thiên quốc. Ông thấy rằng tất cả các cổng lớn của Thiên quốc đều được làm bằng vàng bạc châu báu, tỏa ra ánh sáng chói mắt. Trên Thiên quốc cũng có những chữ, nhưng ông hoàn toàn không đọc được. Ví dụ, các biểu đạt của bốn chữ “Đại hùng bảo điện” trên Thiên quốc hoàn toàn khác với nhân gian, cách viết cũng không giống. Ông ở Thiên quốc cũng thấy có Kinh văn, tuy cùng là một cuốn Kinh thư giống như ở nhân gian, nhưng phát âm và hàm nghĩa là không có giống nhau.
“Tịnh quan tháp” giống như một đài quan sát vũ trụ
Ở tầng trời thấp nhất của thế giới Cực Lạc, ông đã nhìn thấy những thiên nhân mang nghiệp vãng sinh (đi đầu thai). Trên thế giới Cực Lạc không có đau khổ, vì vậy phải trải qua một quá trình lâu dài, thậm chí hàng trăm triệu năm, thiên nhân mới có thể thăng cấp.
Nếu tu hành ở nhân gian, vì nhân gian đầy nguy hiểm và khổ nạn trùng trùng, thì chỉ cần ba đến năm năm tương ứng, hoặc ít hơn. Vì vậy, tu luyện ở nhân gian có thể tiêu trừ nghiệp chướng nhiều đời, nhanh chóng thăng hoa. Từ những cuộc trò chuyện của thiên nhân, Khoan Tịnh đã học được rằng “nhân thân nan đắc” (Thân người khó được).
Ở Thiên cung, Khoan Tịnh còn nhìn thấy một tòa “Tịnh quan tháp”. Các chúng sinh trên tầng trời này đi qua đi lại trên đỉnh tháp, chỉ cần tâm niệm nhất động, là có thể đạt được. Cơ thể của thiên nhân trong suốt và có thể tự do đi xuyên qua các bức tường, chỉ cần dùng suy nghĩ là đi qua được. Vì họ không có thân xác của con người nên có thể nhẹ nhàng phiêu dạt bay bổng, dù nhiều người tập trung trong cùng một không gian, thì cũng không va chạm hay phải chen chúc, vì họ không có thể xác, và cơ thể trong suốt không bị cản trở.
“Tịnh quan tháp” có một chức năng kỳ diệu. có thể phản chiếu tất cả các cảnh giới của Thế giới Thập Phương. Trong Tịnh quan tháp, có thể nhìn thấy mọi thứ. Đối với các tinh cầu và thế giới xa hơn, Tịnh quan tháp đều có thể phóng đại vô tận, để tất cả chúng sinh ở đó có thể nhìn thấy rõ ràng các thế giới khác. Khoan Tịnh nói: “Trong ‘Tịnh quan tháp’, không gì là không thấy, giống như một đài quan sát của vũ trụ.”
Trong tiểu thuyết thần thoại của các triều đại xưa, có câu: “Một ngày trên trời, nghìn năm mặt đất”. Vũ trụ bao la, không gian khác biệt, thời gian cũng khác biệt. Khoan Tịnh cảm thấy mình đã ở thế giới Cực Lạc khoảng hai mươi giờ, nhưng khi nguyên thần của ông trở lại thân xác, ông tỉnh dậy ngay lập tức và thấy mình đang ngồi thiền trong một hang động, xung quanh ông tối đen như mực. Sau khi xuống núi, thấy ở trần gian hơn 5 năm 5 tháng đã trôi qua, đó là ngày 8/4/1973 Âm lịch.
Vào tháng 4 năm 1987, Khoan Tịnh đã có một bài phát biểu tại Singapore, kể lại chi tiết những gì ông mắt thấy tai nghe ở Thiên cung. Mọi người đã sắp xếp chỉnh lý lời kể của ông để viết nên cuốn “Tây phương cực lạc thế giới du ký” và truyền bá ra khắp nơi.
(Theo “Tây phương cực lạc thế giới du ký”)
Chân Chân (Theo Epoch Times, Tinhhoa biên dịch)