spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

‘Thần Tài’ là ai? 18 bí quyết kinh doanh Tài Thần để lại cho hậu thế

Đến ngày mùng 10 Âm lịch, người Việt lại đổ xô đi mua vàng, cúng Thần Tài cầu mong kinh doanh phát đạt nhưng ít người biết Thần Tài có nguồn gốc từ đâu, là ai. Nếu biết câu chuyện về vị được tôn xưng là “Ông Tổ nghề buôn”, hẳn thương nhân thời nay sẽ biết tài phú đến từ đâu?

Cổ nhân thờ Thần Tài là thờ một vị danh thần nổi tiếng tên là Phạm Lãi, tự Thiếu Bá, hay Đào Chu Công là chính trị gia, nhà quân sự, nhà kinh tế và học giả Đạo gia nổi tiếng vào cuối thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc.

Phạm Lãi xuất thân bần hàn nhưng tài học hơn người, nổi tiếng thông tuệ từ kinh sử, văn học, đến kinh tế lẫn chính trị. Ông có công lớn giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, khiến một quốc gia bên bờ diệt vong trở thành một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu.

undefined
Danh thần Phạm Lãi

Nàng Tây Thi nghiêng sắc nghiêng thành trong lịch sử từng kế sách của Phạm Lãi, từ nước Việt đến nước Ngô để mê hoặc Ngô vương Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, khiến nước Ngô hùng mạnh bị diệt vong.

Theo Sử ký, sau khi Việt Vương trở thành bá chủ thời hậu Xuân Thu, Phạm Lãi đến nước Tề, khai hoang buôn bán. Nhờ sự trí tuệ hơn người mà ông trở thành đại phú.

Trong 19 năm kinh doanh, ông đã 3 lần giàu nhất thiên hạ, tài sản hàng ngàn lượng vàng. Bởi vì Phạm Lãi giàu mà có đức, khi xã tắc nguy nan, bách tính lưu lạc chia ly, Phạm Lãi đã 3 lần bỏ hết gia tài ra cứu tế bách tính lê dân. Phạm Lãi 3 lần giàu nhất thiên hạ, lại 3 lần phân chia hết tài sản. Người xưa gọi ông là “tam tụ, tam tán”, nghĩa là ba lần đại phát tài, ba lần phân chia hết tài sản. Vì thế, người Trung Quốc xem ông là Tài Thần, trong quá khứ thờ Tài Thần là thờ Phạm Lãi.

Tư Mã Thiên đã ca ngợi rằng: “Giàu lại thích hành đức”, có thể “Trung thành báo quốc, trí tuệ giữ mình, kinh doanh làm giàu, thành danh khắp thiên hạ”.

Thờ Tài Thần không phải vì tiền

Sự tôn thờ Thần Tài của cổ nhân là để vinh danh một người giàu mà có Đức, có tâm đại Thiện, rộng lượng, làm giàu mà không lấy sự giàu có làm mục đích, sẵn lòng xả bỏ của cải để cứu giúp người khác.

Như vậy cổ nhân thờ Thần Tài là để nhắc nhở thương nhân ý nghĩa đích thực của việc kinh doanh, mục đích của việc làm giàu là để có thể hành thiện giúp đời. Lịch sử ghi nhận có rất nhiều đại phú cổ đại có rất phân tán tài sản của mình trao tặng lại cho bách tính.

Phạm Lãi trị quốc thì quốc gia hưng thịnh, trị gia thì gia đình giàu có, kinh doanh thì chú trọng nhân nghĩa, đạo nghĩa, tín nghĩa, vì vậy danh hiệu “Đạo thương tị tổ” (Ông tổ nghề buôn) đã được lưu truyền thiên cổ, sử xanh lưu giữ tiếng thơm muôn đời.

18 nguyên tắc kinh doanh Tài Thần để lại cho hậu thế

Trong suốt quãng đời ẩn danh, mưu sinh bằng nghề buôn, Phạm Lãi đã đúc kết được 18 nguyên tắc kinh doanh hết sức quý giá, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Sách cổ Trung Hoa sau này ghi lại với tựa là “Đào Chu công sinh ý kinh” còn gọi là “Đào Chu Công kinh thương thập bát tắc”, “Đào Chu công thương huấn” hay “Đào Chu công thương kinh”

Mười tám quy tắc kinh doanh được phân chia thành ba mục cụ thể rõ ràng.

Sinh ý yếu cần khẩn: Kinh doanh cần phải cần cù siêng năng, công việc phải luôn luôn khẩn trương thực hiện mới đạt hiệu quả cao.

Dụng độ yếu tiết kiệm: Chi dụng hàng ngày và mọi phí tổn phải chú ý tiết kiệm và có lợi nhất. Người làm thương mại dịch vụ chủ yếu lấy công làm lời nên việc tích tiểu thành đại, góp gió thành bão bao giờ cũng ưu tiên.

Tiếp nạp yếu khiêm hoà: Khi giao tiếp, thương lượng cần phải khiêm tốn, cung kính, hoà nhã. Người làm kinh doanh bao giờ cũng quan trọng thể diện và uy tín, tránh lệ thuộc đua chen hoặc mang tiếng là phô trương thái quá, thiếu khiêm tốn và hách dịch, thất lễ.

Mãi mại yếu tuỳ thời: Làm kinh doanh, mua bán phải tùy theo thời điểm mà dự đoán nhu cầu thị trường.

Vượng khiếm yếu thức nhân: Phải biết rõ nhân viên và đối tác giàu hay nghèo, tránh tình trạng thâm lạm công quỹ, dây dưa công nợ, gây ra nợ khó đòi hoặc thất thoát do hoàn cảnh túng bần họ làm liều.

Trương mục yếu kê tra: Tài khoản, sổ sách, hàng hoá, nguồn nguyên liệu, vật liệu phải thường xuyên kê khai, số liệu minh bạch, đảm bảo tra xét chu đáo rõ ràng tránh bê bối sổ sách, thâm hụt ngân quỹ, thất thoát tài sản, hư hao lãng phí…

Ưu liệt yếu phân biệt: Phàm làm chủ phải có cặp mắt xét đoán, biết nhìn người và phân biệt thị phi, trắng đen rõ ràng; trọng dụng người tốt, tránh xa kẻ xấu, biết nhìn người để lựa chọn đối tác làm ăn uy tín, tránh chọn nhầm đối tác xấu có thể gây tác hại lớn khi giao dịch; phải biết ưu điểm và khuyết điểm của nhân sự nhằm tránh giao sai người thiếu năng lực, sai việc, sai địa điểm, sai trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Dụng nhân yếu phương chính: Dùng người tâm phúc hoặc thuộc cấp trong tổ chức phải là những người phương cương chính trực,có tài đức, ngay thẳng để vừa giúp mình giữ gìn kỷ luật, giúp làm gương cho người xung quanh tránh tiêu cực, bè lũ, phe phái gây mất đoàn kết, gây thiệt hại trong quản lý điều hành.

Xuất nhập yếu cẩn thận: Hàng hoá, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải cẩn thận, ghi chép, lưu trữ phải chính xác. Phải có công cụ và phương tiện lưu trữ, bảo quản tránh cháy, nổ, hư hỏng. công tác xuất nhập phải được đối chiếu thường xuyên, cần chính xác tránh gây sai lệch, thất thoát hoặc tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.

Hoá sắc yếu diện nghiệm: Hàng hoá muốn mua, nhập kho phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay. Phải đạt tiêu chuẩn tra xét, kiểm soát, kiểm nghiệm nhằm tránh mua trâu vẽ bóng hoặc mua hàng kém chất lượng.

Có đức mặc sức mà ăn
Ảnh phim Tam Tự Kinh

Kỳ hạn yếu ước định: Làm ăn phải coi trọng chữ tín, đúng kỳ hạn tránh tình trạng bị phạt hay bồi thường vì trễ hẹn.

Tồn lưu yếu kiểm soát: Hàng hoá trong kho bãi phải được kiểm soát, bảo vệ che đậy, tránh thất thoát, mất trộm, hư hỏng vì mưa nắng, thời tiết nóng ẩm, lũ lụt…

Nha môn yếu thông giám: Làm ăn bất kỳ nơi đâu phải hiểu biết luật pháp, thuế suất, kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật mới lâu dài.

Thịnh vượng yếu tích đức: Càng phát đạt thì phải càng tích đức hành thiện.

Dụng vốn yếu tương hỗ: Buôn có bạn, bán có phường. Đối với đối tác kinh doanh cùng ngành nghề nên có sự hợp tác mật thiết.

Xử thế yếu độ lượng: Đối xử với nhân viên, khách hàng, đối tác trọng ở sưj độ lượng, xử sự thấu tình đạt lý để họ tâm phục khẩu phục.

Giàu vì có Đức

Trong “Sử ký” đã liệt kê bảng xếp hạng đại phú cổ đại, cũng đã nói rõ nguồn gốc của tài lộc là đến từ “Đức”: “Giàu lại thích hành đức”.

Khổng Tử giảng “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi.” Những thương nhân thời xưa tin vào nguyên tắc “Người quân tử muốn của cải sẽ kiếm nó bằng con đường ngay chính.”

Đạo lý kinh doanh cốt lõi người xưa, hiểu được ắt thành công
Người xưa giảng: Giàu mà có đức. Đạo lý kinh doanh và đạo lý làm người, quý ở chỗ có đức. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vì hoàn cảnh chỉnh thể là coi trọng đức, thế nên đã hình thành thể hệ đạo đức tốt, phong khí người dân chất phác, tín nghĩa thịnh hành, mọi người làm ăn buôn bán tự nhiên cũng đã có một phần đảm bảo, đó là sự đảm bảo đến từ đạo đức kinh doanh, trọng sự chính trực, ngay thẳng, uy tín, sự đảm bảo này thậm chí còn vượt xa sự bảo vệ bằng pháp luật hiện nay.

Ngày nay, lòng tham và sự tôn sùng vật chất đã khiến người ta tin rằng Thần Tài thành một ông thần có thể ban phát tiền vàng của cải, thế nên người ta đổ xô đi mua vàng để xin ‘vía’ may mắn tiền bạc. Mấy người nhớ đến câu chuyện đạo hạnh của người xưa để biết nguồn gốc của ông Thần Tài không phải là mưu cầu mà là xả bỏ và đạo lý kinh doanh cao nhất không phải vì mình mà là vì người?

Cổ nhân giảng “có Đức mặc sức mà ăn” chính là để nhắc nhở hậu thế rằng Đức là ngọn nguồn của hết thảy tài phú. Giả như một vị Thần có thể ban phước tài lộc cho nhân gian, thì chắc chắc ông cũng dựa vào “Đức” của họ mà thưởng phạt công minh. Thế nên thay vì đi mua vàng để cầu tiền, có lẽ một cách khôn ngoan hơn, là hướng vào bên trong, xét xem việc kinh doanh của mình có dựa trên Đức hay không? Tiền bạc dẫu có được, cũng chỉ là phù du, khi tử chẳng đem theo được, nhưng Đức kia thì vĩnh viễn theo bên mình, đời này kiếp sau, đó là thứ “của cải ở trên Trời” (Kinh Thánh).

Theo Quế An, NTDVN

Banner 1

Xem thêm:

Ngày Vía Thần Tài Vàng miếng giảm gần triệu đồng 1 lượng

“Vàng ăn được” hút khách trước ngày vía Thần Tài

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều