spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

“Thanh niên 4 không” ngày càng bùng nổ ở Trung Quốc

Tân Thế Kỷ – Gần đây, một thuật ngữ mới “tứ bất thanh niên” (thanh niên bốn không) đã trở nên phổ biến trên Internet Trung Quốc, chỉ những người trẻ tuổi “không yêu đương, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con”.

Lựa chọn “4 không” vì sao?

Lệnh Hồ Y quê ở Quý Châu, rời quê năm 14 tuổi khi chưa học xong phổ thông cơ sở, từng làm việc ở Ôn Châu, Thanh Đảo và Vân Nam để kiếm sống. Lệnh nói rằng, không phải anh không muốn tìm bạn đời, mua nhà, kết hôn hay sinh con, mà đơn giản là vì không có khả năng đạt được những mục tiêu này.

Lệnh nói: “Muốn tìm bạn gái, tôi không có thời gian vì tôi phải đi làm từ tám giờ sáng đến mười giờ đêm và đôi khi có thể làm đến 11 hoặc 12 giờ khuya. Thời gian nghỉ ngơi hàng tháng rất ít, lương thực sự không cao lắm và tôi không có khả năng tài chính để chi tiêu cho việc đi chơi với bạn bè… Không có bạn bè thì không có giao tiếp xã hội, không có giao tiếp xã hội thì không có người để theo đuổi. Còn về nhà ở, tôi hoàn toàn không dám nghĩ tới”.

Ba năm vừa qua, trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng cao kỷ lục. Cảm xúc lựa chọn “bốn không” tích tụ và bùng phát tập trung trong thời kỳ dịch bệnh, trở thành lối sống được nhiều người trẻ lựa chọn.

Giang X, lớn hơn Lệnh Y một chút, đến từ Cam Túc. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tới sống ở Thành Đô và làm việc trong ngành xây dựng. Anh cho biết, chính trong thời gian dịch bệnh, anh càng thấy rõ và quyết tâm thực hiện “bốn không”.

Ty le that nghiep o nguoi tre Trung Quoc van o muc cao du chinh phu da trien khai cac bien phap thcus dảy thi truong viec lam. Anh Tan Hoa Xa
Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc vẫn ở mức cao dù chính phủ đã triển khai các biện pháp thúc đẩy thị trường việc làm. (Ảnh Tân Hoa Xã)

Vào năm 2022, với sự nâng cấp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, anh thấy trên Internet lan truyền một số bi kịch vì không đủ khả năng trả nợ thế chấp mua nhà. Ví dụ, có những việc như nhảy lầu hoặc vỡ nợ. Giang cho biết để tránh áp lực nặng nề về kinh tế, anh quyết định không mua nhà.

“Có một thực tế không thể chối cãi là sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Trong tương lai, tôi không chắc liệu thu nhập của mình có liên tục tăng như những năm trước dịch hay không. Vì vậy, không mua nhà, không kết hôn, không sinh con, giảm chi tiêu là lựa chọn tốt nhất cho tôi lúc này”.

Các nguồn tin chỉ ra rằng “tứ bất thanh niên” ở Trung Quốc thực ra đến từ mọi thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau. Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt về mọi mặt, họ đều không hẹn mà nên chọn lối sống “bốn không” này và nhiều người trong số họ là “hải quy” (người từ nước ngoài trở về).

Dù họ có nền tảng giáo dục xuất sắc nhưng tình hình kinh tế Trung Quốc suy thoái hiện nay, thất nghiệp cao, khiến họ khó tìm được vị trí của mình. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên đến 20% thì nhiều sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc thậm chí đã hình thành hình thức ‘chào hàng’ sức lao động mới là bán dạo kiến thức.

Theo số liệu thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc năm 2022, số lượng người kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong 8 năm liên tiếp. Năm 2021, số lượng người kết hôn chỉ dưới 8 triệu, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê liên quan 36 năm qua; trong số đó, gần một nửa số người kết hôn tuổi ngoài 30 tuổi cũng đạt mức cao mới. “Hôn nhân không đồng nghĩa với hạnh phúc” đang là suy nghĩ của khá nhiều người…

Ngoài ra, kết hôn và mua nhà ở các đô thị như Quảng Châu và Thâm Quyến cũng là một khoản chi tiêu lớn. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp trên cũng cần phải cân đo đong đếm cẩn thận. Một nhà kinh doanh vàng bạc nói: “Những người xung quanh tôi, cho dù có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 10.000 đến 20.000 tệ (35 đến 70 triệu VND), vẫn chỉ dám ngắm hoa. Trừ khi gia đình có thể hỗ trợ rất lớn, nếu không họ không dám có ý định kết hôn”.

Sự bất lực và phản kháng thầm lặng của thế hệ trẻ Trung Quốc

Sau các cụm từ như “vật lộn trong vòng xoáy”, “nằm thẳng / nằm ngửa” thì cụm từ “thanh niên 4 không” lại dần trở thành một từ thông dụng mới trên Internet Trung Quốc. Chính quyền đang chú ý tới việc làm sao để biến hiện tượng “4 không” thành “4 muốn” (muốn yêu đương, muốn kết hôn, muốn mua nhà, muốn sinh con).

Có cư dân mạng chế giễu rằng, trước tiên chính phủ phải tìm ra nguyên nhân khiến những người trẻ “nằm thẳng” rồi hãng tùy bệnh mà bốc thuốc, cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với những khẩu hiệu sáo rỗng. Cũng có cư dân mạng nói rằng, khi nào chính phủ giải quyết các vấn đề về việc làm, nhà ở, lương hưu và chi phí chăm sóc trẻ em thì những người trẻ tuổi mới dám “sôi nổi hoạt bát”.

Trước tình hình suy thoái kinh tế tại Trung Quốc, áp lực sinh tồn của tầng lớp đáy ngày càng tăng, việc “nằm thẳng” càng trở nên phổ biến ở nước này. Điều đó phản ánh sự bất lực, tuyệt vọng và sự phản kháng thầm lặng của những người trẻ tuổi. “Thanh niên 4 không” là một trong những biểu hiện của tâm lý “nằm thẳng”.

Họ tìm đến nơi thanh tịnh với mong muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu bình an, may mắn. Các ngôi đền, chùa trước đây chỉ đông người trong dịp lễ hội hay ngày lễ lớn, nhưng điều này đang thay đổi. Đi chùa đang dần trở thành xu thế đối với những người trẻ tuổi không muốn đi tu nhưng muốn tìm đến cửa Phật để giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống.

Hang nghin nguoi xep hang thap huong tai Chua Lat Ma o Bac Kinh Trung Quoc hoi thang hai. Anh Global Times
Hàng nghìn người xếp hàng thắp hương tại Chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng hai. Ảnh Global Times.

Nhiều người chọn đi chùa vào cuối tuần như một chuyến tham quan, vãn cảnh. Số khác, như Lu, làm tình nguyện viên tại chùa trong nhiều tháng, phụ giúp các công việc và tụng kinh, nghe Phật pháp mỗi ngày để cảm thấy được an ủi về tinh thần và cảm xúc.

Tinh thần của phong trào “thanh niên 4 không” là tiết chế dục vọng và nhu cầu, nên là khắc tinh của “lòng tham”. Không tham không cầu, thì giống như Thánh nhân cổ Hy Lạp Socrates từng nói: “Bí mật của hạnh phúc, bạn thấy đó, không phải nằm ở việc nỗ lực có được nhiều hơn, mà nằm ở việc phát triển khả năng hưởng thụ ít hơn”.

Ngoài “thanh niên 4 không”, trên Internet Trung Quốc còn có một cụm từ thông dụng khác để mô tả trạng thái sinh tồn của những người trẻ tuổi ngày nay, đó là “xoáy – thẳng – trườn – trút”. “Xoáy” là vật lộn, canh tranh kịch liệt với nhau trong vòng xoáy xã hội; “thẳng” là nằm thẳng, chỉ duy trì những nhu cầu sinh tồn tối thiểu; “trườn” là chạy ra khỏi Trung Quốc; và “trút” là công kích người khác một cách bừa bãi để trút giận.

Cũng giống như phong trào “nằm ngửa”, “thanh niên 4 không” là một tư tưởng không phải một con người cụ thể, đó chỉ là một trạng thái trong tâm, vì ẩn sâu nên rất khó nắm bắt, rất khó khống chế. Nói cách khác, nó là một phong trào vô hình. Khi những người trẻ tuổi ở Trung Quốc không thể nhìn thấy hi vọng hay tương lai.

Tịnh Yên (t/h)

BN 1 jpeg 1

Cô giáo ở Bến Tre bị buộc thôi việc sau khi tố cáo tiêu cực

Vì sao phụ nữ bây giờ chán chồng và muốn sống độc thân ngày càng nhiều?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều