Công nghệ phát triển giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, song các quyền tự do dân sự và nhân quyền cơ bản lại bị thu hẹp. Một ví dụ điển hình là các thành phố thông minh ở Trung Quốc, với công nghệ hiện đại đến nỗi có thể cảnh báo các tài xế nếu họ rơi vào trạng thái buồn ngủ khi đang lái xe hơi, bộ máy nhà nước đã thâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống riêng tư của người dân.
Thành phố thông minh là gì?
Mặc dù thuật ngữ này đã xuất hiện từ đầu năm 2000, nhưng đến năm 2008, IBM (một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại New York, Mỹ) mới định nghĩa nó như một sáng kiến marketing, cho rằng xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng trên toàn cầu đã tạo ra nhu cầu về các giải pháp công nghệ để cải thiện cuộc sống và quản lý không gian đô thị.
Nói cách khác, thành phố thông minh ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống ở các khu vực đô thị mà mật độ dân số chắc chắn sẽ dẫn đến các vấn đề về giao thông vận tải, ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng ở mức cao.
Bằng cách ‘số hóa’ tất cả thông tin được thu thập theo cách thủ công hoặc thông qua các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân và mất hàng tháng hoặc hàng năm để xử lý, các thành phố thông minh có thể thu thập và tích hợp trong thời gian thực tất cả thông tin này trong một cơ sở dữ liệu duy nhất để tối ưu hóa hoạt động của thành phố và cung cấp các giải pháp tức thời.
>> Xem video trên kênh YouTube “China Revealed”:
Thành phố thông minh mang lại những tiện ích gì?
Theo một báo cáo do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc công bố, các thành phố thông minh ứng dụng nhiều loại công nghệ tự động trong một số lĩnh vực. Từ đèn đường thông minh có thể tự bật hoặc tắt dựa trên cường độ ánh sáng tự nhiên, đến những ngôi nhà có hệ thống năng lượng tự động giúp tiết kiệm điện và gas tiêu thụ.
Các hệ thống thông minh cũng có thể giúp người dùng trả giá linh động dựa trên mức tiêu thụ điện của họ. Chúng còn bao gồm các tòa nhà có hệ thống hoàn toàn tự động kiểm soát việc ra vào của cư dân, các cơ chế chiếu sáng và khẩn cấp như hệ thống báo cháy hoặc báo động, cũng như các hệ thống có khả năng tái chế năng lượng.
Tại một trong những khu vực có nguồn tài nguyên khan hiếm nhất trên hành tinh, người ta đã tạo ra các hệ thống đo lường mức tiêu thụ nước, phát hiện và kiểm soát rò rỉ, thực hiện tưới tiêu thông minh và có thể kiểm soát chất lượng nước hoặc phát hiện các chất gây ô nhiễm.
Trong vấn đề an ninh, các thành phố thông minh có thể tối ưu hóa phản ứng khẩn cấp, lập bản đồ tội phạm trong thời gian thực để bắt kẻ tình nghi hoặc ngăn chặn phạm tội với sự giám sát có tính dự đoán trước dựa trên hành vi của tội phạm.
Với camera nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng mẫu, hệ thống cảnh báo sớm và ‘quản lý đám đông’, bộ máy nhà nước đã sở hữu tất cả các công cụ để kiểm soát người dân một cách hiệu quả.
Công nghệ thông minh bao gồm những gì?
Các yếu tố công nghệ chính được đưa vào thành phố thông minh là camera nhận dạng khuôn mặt, các ứng dụng nhận dạng giọng nói, lưu trữ đám mây, các chương trình trí tuệ nhân tạo được nhúng trong camera và cảm biến, mạng 5G.
Tất cả các yếu tố này được kết nối với nhau thành một hệ thống chính, nơi tất cả thông tin được xử lý, dịch và diễn giải, mang lại khả năng dự báo các thay đổi hoặc cảnh báo các trường hợp khẩn cấp.
Các dịch vụ lưu trữ đám mây chủ yếu để lưu trữ dữ liệu được thu thập bởi camera, cảm biến và các ứng dụng khác cho cùng mục đích.
Mặc dù ban đầu các hệ thống được tạo ra ở cấp thành phố, song với kiểu chính phủ tập quyền của Trung Quốc, các mạng đã mở rộng đến cấp quốc gia.
Thực trạng tại Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong về thành phố thông minh, với hơn 700 thành phố thông minh hiện hữu và hàng trăm thành phố khác đang trong quá trình tích hợp công nghệ.
Một báo cáo của Bloomberg từ tháng 10 năm 2021 cho biết rằng chính quyền Trung Quốc đã phân bổ 800 tỷ USD để sản xuất xe điện tự hành, tàu cao tốc, mạng 5G và điện lưới thông minh (lưu trữ đám mây và camera nhận dạng khuôn mặt).
Có thể kể đến một vài cái tên trong số các thành phố thông minh được tích hợp công nghệ tiên tiến nhất như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu.
Nói về cuộc sống thực tế ở những thành phố này, người dân có thể mua sắm dễ dàng bằng cách nhìn vào camera nhận dạng người đó. Một số công ty đã phát triển camera trí tuệ nhân tạo có thể ‘đọc sóng não’ của nhân viên để dự đoán khi nào họ mệt mỏi và nên đứng dậy để vận động cơ thể.
Các báo cáo khác cho biết công nghệ này có thể cảnh báo khi tài xế đang bị buồn ngủ và gửi tin nhắn để nhắc nhở họ.
Những công ty Trung Quốc nào đang sản xuất công nghệ này?
Huawei, Hikvision và Dahua là những nhà sản xuất camera nhận dạng khuôn mặt hàng đầu. Trong đó, Huawei là hãng đầu tiên ra mắt mạng 5G ở Trung Quốc.
SenseTime, Megvii và Yitu là những công ty trí tuệ nhân tạo có phần mềm được đưa vào camera và cảm biến để phát hiện và nhận dạng người, sản xuất ô tô, v.v.
Còn Alibaba là một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây lớn.
Trong thời kỳ đại dịch, SenseTime đã phát triển chức năng đọc thân nhiệt người thông qua camera mà chính quyền Trung Quốc lắp đặt trong các tàu điện ngầm để theo dõi sự lây lan, chuyển người đi cách ly, v.v.
Trung Quốc có ít nhất 600 triệu camera nhận dạng khuôn mặt trên toàn lãnh thổ. Nếu tính bình quân, cứ 2-3 cư dân sẽ bị theo dõi bởi 1 camera (dân số Trung Quốc hiện khoảng 1,4 tỷ người).
Tất cả các công ty này đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt, với cáo buộc họ đã cung cấp cho ĐCSTQ công nghệ để đàn áp những người bất đồng chính kiến và người dân tộc thiểu số.
Theo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mã phần mềm trong camera Dahua dường như cho phép lập hồ sơ người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bằng trí tuệ nhân tạo.
ĐCSTQ bị cáo buộc bức hại, bỏ tù, tra tấn và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương. Vào năm 2021, chính quyền Trump đã khẳng định chính quyền Trung Cộng phạm tội ‘diệt chủng và tội ác chống lại loài người’ trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Cuộc sống hiện đại hơn hay tình trạng siêu giám sát?
Trong khi các thành phố thông minh được coi là giải pháp cho các nhu cầu gia tăng và các vấn đề chung của cuộc sống đô thị, các nhà phân tích cho rằng lý do ĐCSTQ tìm cách số hóa các thành phố là để có thể kiểm soát người dân và loại bỏ kẻ thù chính trị, các dân tộc thiểu số hoặc các nhóm tôn giáo.
Vấn đề đáng lưu tâm của việc sử dụng công nghệ này ở Trung Quốc là thiếu khung pháp lý để bảo vệ người Trung Quốc trước các công ty tư nhân và bộ máy nhà nước.
ĐCSTQ buộc các công ty thông qua luật về chia sẻ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng và các công ty thậm chí không bị yêu cầu tiết lộ [với khách hàng] sự thật rằng dữ liệu khách hàng đã được gửi cho chính phủ.
Mặc dù chính quyền Trung Cộng đã ban hành một số quy định cấm các công ty tự ý thu thập dữ liệu sinh trắc học của người Trung Quốc, chẳng có gì đảm bảo rằng những quy định này đang thực sự được thực thi, đặc biệt là khi mà bản thân chính phủ có thể truy cập vào nguồn dữ liệu cá nhân khổng lồ đã được lưu trữ của cư dân bất cứ lúc nào.
Hãy xem một số ví dụ về việc triển khai công nghệ này để hình dung rõ hơn về bức tranh tổng thể.
Một số báo cáo của các phương tiện truyền thông chỉ ra rằng camera nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để bôi nhọ những người đi bộ vượt đèn đỏ hoặc đi vào phần đường không dành cho người đi bộ, bằng cách đăng ảnh, thậm chí cả dữ liệu của họ lên màn hình công cộng trên các con đường.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn phát đi các máy bay không người lái có camera nhận dạng khuôn mặt để theo dõi những cư dân nào rời khỏi nơi cư trú.
Với mỗi vi phạm nhỏ, người Trung Quốc sẽ bị giảm điểm trong hệ thống tín dụng xã hội, do vậy họ sẽ bị hạn chế đi du lịch, mua sắm hoặc thậm chí là tiếp cận giáo dục, chưa kể nếu ai dám chỉ trích chế độ trên các mạng xã hội, người đó sẽ phải đối mặt với sự giám sát liên tục.
Một ví dụ khác gây tranh cãi là ở thành phố Đông Hoản, nơi đã lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt trong… nhà vệ sinh công cộng, với mục đích ngăn chặn hành vi ‘ăn cắp’ giấy vệ sinh.
Các camera được lắp đặt trong các máy cung cấp giấy vệ sinh. Các máy này có tiêu chuẩn cung cấp lượng giấy nhất định cho mỗi người, nên nếu đã phát đủ cho một người, nó sẽ ngừng phát thêm.
Việc này quả là rất bất tiện cho người dùng. Không ít người phàn nàn rằng nhiều khi họ không có đủ giấy để sử dụng.
Vào tháng 10 năm 2020, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng có những trang web Trung Quốc rao bán những hình ảnh được chụp bằng camera nhận dạng khuôn mặt với mức giá khó tin là 0,8 xu. Các trang web khác thậm chí còn cung cấp các tài liệu nhận dạng, hình ảnh và thông tin cá nhân. Những thông tin này có thể dễ dàng được sử dụng trong các hành vi gian lận danh tính để mua hàng hoặc thực hiện các hành vi bất hợp pháp.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát của hãng truyền thông Trung Quốc, Beijing News Think Tank, cho thấy 96% người Trung Quốc lo ngại về việc dữ liệu sinh trắc học của họ bị rò rỉ, trong khi 90% phản đối việc các công ty thu thập dữ liệu đó.
Trong cuộc khảo sát, nhiều người Trung Quốc cho biết họ không hẳn là tán thành sự thâm nhập của công nghệ vào đời tư của họ, nhưng đã sống ở những thành phố này, chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận nó.
Tuy nhiên, vì cuộc khảo sát được thực hiện bởi một tổ chức ở Trung Quốc, nên câu hỏi là “liệu người được khảo sát có đồng ý với việc Chính phủ truy cập dữ liệu sinh trắc học của họ hay không” không được phép đặt ra, bởi vì câu trả lời thật lòng có thể sẽ khiến họ phải đối mặt với một sự trừng phạt nào đó.
ĐCSTQ xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài
Thành phố thông minh không chỉ trở thành chính sách quốc gia, mà ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã tìm cách xuất khẩu công nghệ này sang các nước khác thông qua sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), nhằm tăng quy mô các công ty chuyên về lĩnh vực này.
Các nhà phân tích cho rằng bằng cách đó, ĐCSTQ đang thực hiện tham vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất và cuối cùng thay thế Hoa Kỳ để trở thành bá chủ thế giới.
Có rất ít thông tin công khai về việc các nước khác mua lại công nghệ của Trung Quốc, nhưng tính đến tháng 1 năm 2020, đã xác định được 398 trường hợp nhập khẩu công nghệ thành phố thông minh từ 34 công ty Trung Quốc khác nhau.
Các quốc gia mới nổi thường mua công nghệ của Trung Quốc, rẻ hơn và tất nhiên cũng kém hiệu quả hơn so với của Hoa Kỳ – đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc và là nhà tiên phong hiện tại trong lĩnh vực này.
Còn theo báo cáo của PBS, Huawei đang sản xuất mạng 5G với trí tuệ nhân tạo tại hơn 65 quốc gia.
Công nghệ Trung Quốc thực sự có vấn đề hay đó chỉ là sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với ĐCSTQ?
Cũng dễ hiểu rằng các đảng phái Hoa Kỳ, dù là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều muốn kìm hãm đà phát triển của một Trung Quốc do chế độ cộng sản cai trị.
Có những ví dụ cụ thể mà công nghệ Trung Quốc đã được các chính phủ độc tài sử dụng để truy lùng và trấn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa, để do thám trên mạng xã hội, ngăn cản người dân tổ chức biểu tình, v.v. Có thể kể đến Cuba, Venezuela, Ecuador và Ethiopia.
Dưới chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều công ty Trung Quốc này đã bị trừng phạt sau khi bị phát hiện thu thập dữ liệu của người dùng và lưu trữ trên máy chủ của họ ở Trung Quốc, nơi các cơ quan tình báo của ĐCSTQ có thể truy cập tùy ý.
Vào tháng 1 năm 2021, cựu giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ William Evanina – người có thâm niên làm việc với FBI, đã đưa ra những tuyên bố gây sốc về cách mà các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ tại Hoa Kỳ thu thập DNA của người Mỹ.
Ông Evanina đã tiết lộ rằng BGI, một trong những công ty công nghệ sinh học Trung Quốc lớn nhất thế giới, phụ trách xét nghiệm COVID-19 cho những người ở New York, Washington DC và California, đã lợi dụng việc xét nghiệm để thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dân.
Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ là tạo ra một cơ sở dữ liệu sinh trắc học cho phép nó biết được những phương pháp điều trị nào hay loại thuốc nào cần phát triển, để có thể thống trị lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.
Đây là một ví dụ về cách mà ĐCSTQ sử dụng công nghệ của mình để tiến tới tham vọng bá chủ thế giới, bất chất hình ảnh của mình trong mắt xã hội phương Tây.
Lời kết
Chính phủ sử dụng công nghệ thông minh sao cho vừa đảm bảo phục vụ các nhu cầu tiện nghi của người dân, vừa không làm ảnh hưởng đến các quyền và tự do của họ, mới thực sự là phục vụ cuộc sống của cư dân đô thị.
Nếu một xã hội mà nhà nước, cơ quan quản lý thành phố và các công chức, viên chức đều ý thức rằng mình là ‘người phụng sự nhân dân’, từ đó cân nhắc đến những rủi ro và tác động của công nghệ một cách có trách nhiệm, thì người dân có thể an tâm tận hưởng công nghệ hiện đại.
Mặt khác, khi các chính phủ trở nên độc đoán, không thể lắng nghe những lời chỉ trích về hiệu suất mà trái lại luôn tìm cách kiểm duyệt chặt chẽ để vĩnh viễn nắm quyền, thì công nghệ sẽ trở thành kẻ hành quyết chính những người được công nghệ phục vụ.
Tác giả: Alvaro Colombres Garmendia – The BL
Thanh Tâm (ĐKN) biên dịch