Tân Thế Kỷ – Một bộ phận người trẻ hiện nay tự tin không sợ thất nghiệp, bởi họ cho rằng nếu thất nghiệp thì đi làm mạng xã hội, trở thành những “nhà sáng tạo nội dung”. Nhưng thành công không đến, những YouTuber, TikToker… gặm nhấm thất bại, trở lại tình cảnh thất nghiệp. Bao nhiêu công sức thành… công dã tràng xe cát.
Không sợ thất nghiệp…
Thời gian trước, chuyện tìm việc làm khi ra trường là vấn đề đáng lưu tâm nhất của sinh viên. Thế nhưng giờ đây, khi khái niệm nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội trở nên quá quen thuộc, một bộ phận người trẻ cho biết không sợ… thất nghiệp.
Trần Thị Thùy Ngân, sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), dù đang theo học ngành giáo dục tiểu học nhưng cho rằng: “Không loại trừ khả năng khi ra trường mình không làm giáo viên mà làm YouTuber”.
Để chuẩn bị hành trang cho việc trở thành một YouTuber chuyên nghiệp, từ đầu năm 2022, nữ sinh viên này lập kênh YouTube đăng tải những video về cuộc sống làng quê. Ngân nói: “Nếu ra trường được tuyển dụng thì mình sẽ theo đuổi nghề giáo. Ngược lại, nếu khó khăn trong xin việc sẽ làm YouTuber”.
Phạm Hồng Xuyến, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho hay đã từng xem việc nhận tấm bằng cử nhân tâm lý học là kế hoạch ưu tiên, còn trở thành TikToker chỉ là phương án dự phòng. Thế nhưng sau đó cô nữ sinh này tự cảm thấy việc trở thành TikToker dễ thành công, không lo thiếu nội dung để sáng tạo, còn cơ hội việc làm của ngành tâm lý eo hẹp, dễ rơi vào cảnh thất nghiệp nên dành nhiều thời gian cho việc quay clip đăng TikTok.
Sau đó Xuyến chán học, quyết định dừng việc học ngay sau năm nhất để chuyên tâm theo đuổi làm TikToker. Dù thừa nhận chưa có được thành công như hoạch định nhưng nữ sinh này vẫn tin là thành công sẽ đến.
Nguyễn Phú Vinh, sinh viên ngành Đông phương học, Trường ĐH Gia Định, cũng cho biết từng lo ngại về nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, nhưng giờ đây đã không còn suy nghĩ nhiều đến vấn đề này. Theo Vinh, cơ hội việc làm luôn rộng mở bởi hiện nay bất kỳ ai cũng có thể làm nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Vinh cho rằng: “Nếu chẳng may thất nghiệp, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề được học thì trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội bùng nổ, không riêng mình mà nhiều bạn khác cũng có chỗ để nhìn vào”. “Chỗ để nhìn vào” mà nam sinh này nói là trở thành TikToker, YouTuber, Facebooker.
Bàn về vấn đề này, thạc sĩ Đỗ Trọng Hậu, giảng viên một trường ĐH tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ: “Không thể phủ nhận thực tế có những sinh viên lơ là, chểnh mảng trong việc học, cũng như chẳng bận tâm liệu có đủ điều kiện tốt nghiệp hay được ra trường đúng tiến độ. Hiển nhiên, họ cũng không quan trọng chuyện tìm được việc hay thất nghiệp sau khi ra trường. Một trong những nguyên nhân là họ chủ quan nghĩ rằng nếu bị đình chỉ học tập, không được ra trường, ra trường không có việc làm… thì có thể theo đuổi nghề sáng tạo nội dung mạng xã hội để kiếm thu nhập”.
Ông Hậu nhấn mạnh: “Sinh viên phải gạt bỏ tâm lý chủ quan ấy. Cần phải chú tâm vào việc học tập. Nếu cứ cho rằng không sợ thất nghiệp, mặc định nếu thất nghiệp thì chuyển sang làm TikToker, YouTuber thì khả năng rất cao là việc học đứt gánh giữa đường”.
Một vòng luẩn quẩn của thất nghiệp
Không ít người trẻ từng là những TikToker, Facebooker, YouTuber đã thú thật một trong những sai lầm lớn nhất của họ là theo đuổi làm mạng xã hội.
“Cùng tốt nghiệp ra trường, sau đó cùng xin việc ở một công ty kiểm toán lớn. Nhưng hai người bạn cùng lớp đang có những chức vụ khá cao tại công ty ấy thì mình còn phải tìm việc ở tuổi 35”, Lê Thanh Bảo, quê ở Đồng Nai, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bày tỏ.
Bảo kể vì chán nản công việc ở công ty kiểm toán nên nộp đơn nghỉ. Dù bạn bè động viên hãy cố gắng, nhẫn nại để theo đuổi công việc đã học trên giảng đường suốt 4 năm nhưng Bảo bỏ ngoài tai. Bảo quyết định làm YouTuber. Chàng trai này tạo gần… 20 kênh YouTube với nhiều định hướng để phát triển, tự “vẽ” về một tương lai sáng sủa.
Nhưng hơn 8 năm, những kênh YouTube mà Bảo sở hữu chỉ lèo tèo người theo dõi, những video mà chàng cựu sinh viên ngành kế toán – kiểm toán này dày công thực hiện chỉ vài trăm lượt xem, ngày kênh YouTube có thể kiếm được tiền những tưởng gần mà cứ xa đã khiến Bảo nản và quyết định dừng lại.
Bảo nói: “Thất nghiệp, đi làm mạng xã hội, và giờ lại thất nghiệp. Mình đang nộp đơn xin việc để được làm đúng chuyên ngành. Nhưng ở tuổi 35, mình khó xin việc. Rải hồ sơ ở nhiều nơi nhưng chưa thấy các công ty hồi âm mời phỏng vấn”.
Bảo cũng hối tiếc: “Giá như ngày đó chuyên tâm tập trung làm cái nghề mà mình có kiến thức, được học từ trường lớp đàng hoàng thì có thể thành công sẽ đến muộn nhưng không phải thất bại như bây giờ”.
Tự chuốc lấy… thất nghiệp?
Nguyễn Quốc Dũng (34 tuổi), từng là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh, Q.Bình Tân, TP.HCM. Và như Dũng nói: “Chẳng hiểu trời đất xui khiến thế nào mà tôi nghỉ việc vào năm 2021”. 3 tháng thất nghiệp, Dũng có ý định sẽ xin việc ở một bệnh viện tuyến trên, nhưng cuộc đời đưa đẩy chàng trai này trở thành… TikToker.
“Trong thời gian nộp hồ sơ xin việc, tôi lướt mạng xã hội và xem TikTok. Thấy trên đó có nhiều bác sĩ cũng đăng tải những clip về sức khỏe, giải thích về nguyên nhân các loại bệnh, cách phòng chữa bệnh… nên tôi nảy ra ý tưởng làm TikToker”, Dũng nhớ lại.
Dũng quyết định bước chân vào công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok. Đến tháng 3.2023, Dũng xóa tài khoản TikTok, gỡ bỏ cả ứng dụng này ra khỏi điện thoại. Dũng nói: “Không dám nghĩ đến, không dám nhắc tới quá khứ ấy”.
Hóa ra công việc làm TikToker không dễ như Dũng từng nghĩ. Trớ trêu hơn, dù bỏ thời gian, công sức và cả chất xám để sản xuất cả ngàn clip trên TikTok nhưng công việc này chẳng đem lại giá trị gì khi kênh không thu hút người xem.
“Buồn nhất là khi tôi bị một số đồng nghiệp và bạn bè cũ xem thường, trêu chọc là bác sĩ TikToker”, Dũng nói đầy chua chát.
Cẩn thận kẻo… công dã tràng
Sau chuỗi ngày thất nghiệp hay “có việc làm mà như không có” trong vai trò nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, từ tháng 5.2023 đến nay, Dũng đi tìm việc. Giờ Dũng không còn quan trọng bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới, chỉ cần có công việc mà Dũng được mặc áo blouse.
Vương Minh Hoàng (31 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, từng làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Nhân Đạt, Q.Tân Phú với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng “dòng đời đưa đẩy” đã “dắt” anh chàng này vào con đường làm YouTuber, Facebooker, TikToker.
“Mình thấy kênh YouTube Lộc Fuho TV vô cùng nổi tiếng, dù bạn ấy chỉ là người phụ hồ nhưng lại làm YouTube thành công nên mình nghĩ với kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm thì sẽ thành công hơn. Ngoài ra, mình thấy nhiều bạn sáng tạo nội dung trên YouTube rất hay, sở hữu những nút bạc, nút vàng, có những video triệu lượt xem… Họ cũng hay nói về thu nhập rất cao làm mình bị dao động trong suy nghĩ”, Hoàng cho biết.
Nhưng Hoàng nhận cái kết phũ phàng. Hoàng thất bại dù tập trung tối đa thời gian cũng như đầu tư nhiều tiền để mua thiết bị quay hình, dựng phim, chi phí để đi lại trong quá trình sáng tạo nội dung. Thất bại ở YouTube, Hoàng chuyển sang đăng video trên Facebook và tiếp tục thất bại. Thử sức ở lĩnh vực TikTok, tình hình cũng không khả quan.
Thế là từ một người có công việc ổn định, thu nhập đủ trang trải cuộc sống ở thành phố, thậm chí còn dư tiền để tiết kiệm hàng tháng, Hoàng tự “đẩy” bản thân vào tình cảnh thất nghiệp.
“Tất cả thất bại là do bản thân mình mà ra. Mình đã tự chuốc lấy thất nghiệp”, Hoàng thở dài rồi cho biết đang tìm công việc mới liên quan đến xây dựng, lĩnh vực mà Hoàng biết có thể làm tốt nhất.
“Từ câu chuyện của mình, cũng mong rằng người trẻ nên chín chắn trong suy nghĩ, nhất là những quyết định về công việc. Đừng vì thoáng thấy người này, người kia thành công mà bắt chước làm theo. Nếu có việc làm ổn định, hãy cố gắng làm để kiếm tiền giúp cho cuộc sống tốt hơn, thay vì hoài phí thời gian theo đuổi làm TikToker, YouTuber bởi rất dễ… công dã tràng”, Hoàng chia sẻ.
Cái bẫy cám dỗ
Bạn trẻ dễ dàng thấy những TikToker, YouTuber thành công, nhiều hợp đồng quảng cáo, với hình ảnh lộng lẫy như một ngôi sao. Người ta rỉ tai nhau làm người nổi tiếng rất sung sướng, được nhiều người nhận ra mình, có tiền nhiều, có quyền, công việc nghe qua có vẻ rất nhàn hạ… Tất cả trở thành một cái bẫy cám dỗ.
Hiện nay, không ít người trẻ cho rằng làm TikToker, YouTuber… sẽ có thu nhập cao, được nổi tiếng; nhưng thực tế đằng sau những hào nhoáng là sự đánh đổi. Có thể là sức khỏe khi phải liên tục đi và quay clip, ảnh hưởng tâm lý khi gặp những bình luận tiêu cực, hay áp lực lượt xem, chi phí cơ hội,… Việc làm người sáng tạo nội dung nếu bạn không xây dựng được kênh thành công, nhiều người theo dõi thì tất cả sẽ là uổng phí.
Trước đây, Spicy Kim làm nhiều nghề, không có công việc ổn định. Sau đó, Kim tìm đến mạng xã hội và sau 2 năm đã sở hữu kênh TikTok có hơn 3 triệu lượt theo dõi nhờ những nội dung mukbang với các món độc lạ, chế biến theo công thức siêu cay.
Kim cho hay làm TikToker thu nhập bấp bênh, tháng có tháng không, bởi không phải lúc nào các nhãn hàng cũng mời quảng cáo, vì còn tùy theo chiến lược của họ.
“Muốn kênh phát triển và clip nhiều lượt xem, mình phải chi tiền ra mua nguyên liệu, nhưng đâu phải clip nào mình cũng được tài trợ. Do đó, mình phải đi làm thêm bán hàng online để có kinh phí đầu tư nội dung.
Đến thời điểm hiện tại, mình có lượng theo dõi cao, nhiều người biết đến, nhưng ngày nào mình cũng phải đối mặt với áp lực khi các kênh mới về nội dung tương tự mọc lên như nấm”, Kim nói.
Tất nhiên không phải là ngăn cấm bạn trở thành một nhà sáng tạo nội dung, nhưng trước hết cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố trên. Đừng vì miếng pho mát hấp dẫn trong cái bẫy mà mù quáng lao vào, để tự tay đánh mất những cơ hội nghề nghiệp của chính mình.
Tịnh Yên (t/h)
Nghịch lý khi đi xin việc: “Trẻ đòi kinh nghiệm, già chê hết thời”
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực