spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Thấy gì qua một bức hình gây chấn động của “Phong trào giấy trắng”

Thấy gì qua một bức hình gây chấn động của “Phong trào giấy trắng”
Thấy gì qua một bức hình gây chấn động của “Phong trào giấy trắng”. (Ảnh từ Twitter)

Sự im lặng khốn cùng 

Giữa đường phố Thượng Hải có hai cha con, con gái nhỏ đang nằm phục trên lưng cha, khuôn mặt cô bé ngoảnh nhìn sang bên, hốt hoảng, bàn tay trái của em choàng qua vai nắm lấy tay cha, bàn tay phải nhỏ nhắn vươn ra bịt chặt lấy cửa miệng trên khuôn mặt người cha lúc này đang khó nhọc kìm nén, để khỏi bung ra hết thảy đau buồn và phẫn nộ.

Vây quanh họ là những cảnh sát hung hãn, đại diện cho chính quyền sẵn sàng trấn áp, bắt giam, gây thương tích, sách nhiễu thậm chí cả thủ tiêu đối với những người dám lên tiếng đòi quyền được sống… từ lâu lắm rồi đã gây phản xạ khiếp sợ thậm chí với một đứa trẻ còn chưa hiểu sự đời.

Gây ấn tượng mạnh là sự im lặng đến ngột ngạt của hai cha con họ – điểm nhấn giữa một đám đông hai tay giơ cao những biểu ngữ “vô tự” trên những tờ giấy trắng A4 – một dạng thể hiện thái độ bất phục theo kiểu cấm khẩu không đâu có trừ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đó là nội dung một bức hình trong cuộc biểu tình của người dân Thượng Hải vào ngày 27/11 vừa qua để phản đối chính sách Zero-COVID của Trung Nam Hải, nhân vụ cháy làm chết 10 người ở Tân Cương. Bức hình gây xúc động mạnh trong và ngoài nước. Nhiều người đã khóc khi chứng kiến một sự im lặng khốn cùng.

Sự im lặng rùng rợn trong suốt lịch sử “triều đại đỏ” ở Trung Quốc

Im lặng đã thành thói quen bất đắc dĩ của nhân dân Hoa lục, thói quen này được hình thành, tập dượt tái hồi bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) qua một loạt các cuộc vận động chính trị từ hơn nửa thế kỷ trước.

Năm 1950, Cải cách ruộng đất ở nông thôn buộc người dân có ruộng phải im lặng dù bị dán nhãn “địa chủ”, “phú nông”, “phản động”, “phần tử xấu”, bị cướp hết ruộng đất và tất cả các quyền công dân của mình. Gần một trăm nghìn địa chủ bị buộc phải im lặng vĩnh viễn bằng nhiều hình thức tàn sát.

Cũng trong khoảng thời gian ấy ở thành phố, cuộc Cải cách công thương tiêu diệt tư sản dân tộc, họ buộc phải im lặng dù bị ĐCSTQ trấn lột hết tài sản. Ai phàn nàn thì bị dán nhãn “phản động”, bị tra tấn, tù đày, hoặc “biến mất vĩnh viễn”. Nhiều người không chịu nổi phải tự tử, cũng là một kiểu im lặng được chính quyền rất tán thưởng.

Cuộc đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng bắt đầu từ năm 1950, 1951 cho tới nay chưa dừng lại cũng buộc các tín đồ phải im lặng dù bị đàn áp và chụp cho cái mũ “mê tín”, “phản khoa học”. Không chỉ các tín đồ phải im lặng chịu đựng sự hủy hoại đức tin, cuộc sống, thân thể… mà toàn dân cũng phải im lặng không được đề cập đến tình cảnh của họ. Cuối cùng, các tôn giáo chỉ được phép ca ngợi ĐCSTQ giống như thể Phật tổ của Phật tổ, Thiên Chúa của Thiên Chúa, Allah của Allah, ĐCSTQ cũng thay thế luôn các Phật sống Lạt Ma. Khoảng 11 nghìn tín đồ đã bị giết, nhiều người khác bị bắt giữ, tống tiền.

Mao Trạch Đông còn muốn dụ cho nhiều người phản đối ra miệng đối với Đảng và cá nhân y, để đàn áp rồi bắt nhân dân im lặng nhẫn nhục sâu hơn nữa. Y bày ra sự kiện “giúp đỡ Đảng tự chỉnh đốn” sau này còn gọi là “cuộc vận động trăm hoa”. Trong cuộc vận động này, Mao và ĐCSTQ của y hứa rằng sẽ không “túm tóc, đánh đập, chụp mũ, hay thanh toán sau mùa thu” — nghĩa là Đảng sẽ không tìm lỗi, tấn công, dán nhãn, hay tìm cách trả thù. Nhưng ngay sau khi xác định được những tiếng nói bất đồng trong nhân dân và trong Đảng, là chiến dịch thanh trừng hơn 500 nghìn người dám bày tỏ chính kiến (bị dán nhãn là “cánh hữu”). Toàn dân câm lặng chứng kiến trò lừa gạt đê tiện, lòng tự bảo lòng từ nay xin chừa, chớ có dại dột mà nói thật hay phản đối Đảng và lãnh tụ.

Đến “Đại Nhảy Vọt” năm 1958, thay vì im lặng, toàn dân phải hát & hò những khẩu hiệu hoang đường để ca tụng chính sách Đại nhảy vọt – nghĩa là toàn quốc thi nhau nói dối. Và đến Đại Cách mạng Văn hóa năm 1966 – 1976 thì là im lặng tuyệt đối của sự thật. Trong tâm khảm nhân dân chỉ được phép có lời của Mao, nghĩa là không có bất cứ một tiêu chuẩn cố định và dễ nhận biết nào cả, mọi thứ là “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”. Đảng nhấn mạnh việc “được phép làm gì và làm như thế nào. Bất cứ thứ gì nằm ngoài phạm vi này đều không được làm hoặc thậm chí không được phép nghĩ đến.” Mọi người tụng những trích dẫn của Mao như tụng kinh: “Hãy đánh tàn nhẫn mọi ý nghĩ ích kỷ thoáng qua trong đầu”. “Hãy thực hiện các chỉ thị cho dù có hiểu chúng hay không; hãy hiểu chúng sâu sắc hơn trong quá trình thực hiện”. v.v.

Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy
Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy “Cuốn sách đỏ nhỏ” của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc (1966-1976), dưới sự chỉ huy của Mao, Hồng vệ binh hoành hành khắp đất nước, làm nhục, tra tấn và giết chết những ai bị coi là kẻ thù giai cấp, và phá hoại các biểu tượng văn hóa mà không đại diện cho cách mạng cộng sản. (Jean Vincent / AFP / Getty Images)

Giữa lúc Đại Cách mạng Văn hóa đang sôi trào, khiến con dân Hoa Hạ phát mê phát cuồng tung hô Mao như Thánh như Thần và lật nhào mọi thứ nền tảng đạo đức của xứ Thần Châu đại địa vốn hàng nghìn năm đã được xưng tụng là một “lễ nghĩa chi bang”, trong thi phẩm “Trung Hoa” sáng tác năm 1974, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

“Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu
Trong chiêng trống, tiếng loa gào thét
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì
Nhân dân đi về đâu?”

Khó thống kê cho hết những trò bịt miệng toàn dân bằng những thủ đoạn độc ác và nhiều đến hoa cả mắt của ĐCSTQ. Thành thử tờ giấy trắng mà mỗi người dân giơ lên trong các cuộc biểu tình gần đây có một sức nặng biểu tượng khó diễn tả nổi. Nó đại diện cho tất cả những đau khổ của con dân đất Thần Châu đã phải gánh chịu trong câm lặng từ hơn 70 năm qua. Để viết ra trọn vẹn những điều ấy, xem ra mỗi người dân Trung Quốc phải cung cấp một tờ giấy trắng, mới đủ dùng.

Cũng như quá khứ một con người cho ta manh mối về họ trong hiện tại và tương lai, lịch sử một đất nước cung cấp đầu dây mối dợ của mọi sự việc. Đã có những kẻ làm mẫu cho Mao và ĐCSTQ trong quá khứ.

Những ông thầy xấu của Pháp gia đã “làm mẫu” cho ĐCSTQ như thế nào

Pháp gia là một trường phái tư tưởng trong “Bách gia chư tử” thời Chiến Quốc cách đây hơn 2000 năm. Thay vì giáo hóa con người bằng những tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp như của Nho gia, trường phái này nhấn mạnh dùng thủ đoạn lừa gạt, bạo lực trấn áp để trị dân, khai thác, khuếch đại hai điểm yếu vốn có của con người là lòng tham và nỗi sợ. Con người dưới quan niệm của Pháp gia bị xem như có bản chất xấu, thấp hèn và cần phải bị đối xử như nô lệ, bảo sao làm vậy, cấm được lên tiếng.

Thương Ưởng là người đầu tiên áp dụng Pháp gia cho nước Tần, gọi là “Thương Ưởng biến pháp”. Dĩ nhiên, người Tần khi đó phản đối chính sách sắt máu của y. Những người phản đối đều bị trừng phạt, thậm chí cả hoàng thân quốc thích, thầy học của thái tử cũng không thoát được.

Statue of Shang Yang.jpg
Tượng Thương Ưởng. (Wikipedia/ 2.5)

Về sau, có một số người đổi giọng, ca ngợi chính sách của y, cũng bị xung lên biên ải, ra chiến trường. Cả ca ngợi lẫn phản đối đều phải bị trừng phạt. Toàn dân cứ im lặng mà làm, cấm có suy nghĩ riêng, phát ngôn riêng, tức là không cần năng lực tư duy và biểu đạt, chỉ cần sự chấp hành.

Thương Ưởng còn muốn biến tất cả người dân thành xấu, có vậy họ mới không đoàn kết để đối kháng nhà nước, dù bị xử tệ thế nào chăng nữa. Ông ta nói: “Dùng thiện thì dân thân với nhau, dùng gian thì dân thân với chế độ”.

Thương Ưởng dùng ác pháp để giết người lập uy, từ đó bịt miệng toàn dân. Sách “Tư Trị Thông Giám” viết: “Thương quân làm Tướng quốc nước Tần, dùng hình pháp nghiêm khốc, từng đích thân đến sông Vị xử chém phạm nhân, nước sông Vị đỏ ngầu”. Có ngày chém chết đến 700 người.

Triệu Cao, một thái giám lộng hành vào thời Tần Nhị Thế cũng là một nhân vật tôn sùng tư tưởng Pháp Gia. Giữa triều đình nước Tần, Triệu Cao cho dắt ra một con hươu rồi bảo đó là ngựa, ai dám nói là hươu đều bị hại, khiến bá quan cũng phải im lặng.

Trong các triều đại, duy chỉ có ĐCSTQ áp dụng Pháp Gia triệt để hơn cả

Trừ nhà Tần, các triều đại sau này của Trung Hoa đa phần là áp dụng Nho gia để trị quốc, mặc dù đôi lúc cần thiết vẫn sử dụng Pháp gia nhưng có cân nhắc vì họ đều cảnh giác trước tấm gương sụp đổ của nhà Tần, nhất là từ thời Tần Nhị Thế.

Giả Nghị, danh sĩ đời Hán khi nghị luận về nhà Tần đã viết: 

“… Nhưng Nhị Thế không làm theo lối ấy, lại càng thêm vô đạo, hủy hoại tông miếu, tàn hại trăm họ, tái khởi công xây cung A Bàng, làm hình phạt thêm rườm rà, giết chóc thêm tàn bạo, quan lại thì xét việc hà khắc, thưởng phạt không thích đáng, thuế khóa vơ vét không có hạn độ…” (1)

Giả Nhượng thời Hán Ai đế, khi trị lý sông Hoàng Hà, tấu rằng:

“… Trên mặt đất có dòng chảy, cũng như người ta có cái miệng vậy, dùng đất ngăn lấp dòng chảy, cũng giống như việc ngăn đứa trẻ khóc mà bịt miệng nó, há chẳng phải là rất mau chóng dừng được, nhưng việc đứa trẻ chết có thể đứng mà đợi vậy. Vì thế nói: người khéo trị thủy thì khơi dòng cho sông chảy, người khéo trị dân thì cho họ được nói ra lời.” (2)

Đường Thái Tông Lý Thế Dân luôn mong chờ được nghe những lời can gián của bá quan. Đối với ông, điều quan trọng là ai ai cũng có thể bày tỏ những suy tư trung thực của mình để đóng góp cho quốc gia mà không phải e ngại bị trừng phạt. Trong sách “Trinh Quán chính yếu” đã chép lại nhiều phát ngôn của ông, như là:

“Nếu giữa quân thần mà nghi ngờ sợ hãi lẫn nhau, không thể nói ra những lời trung lương, tâm phúc thì đó chính là mối lo lớn trong việc trị nước vậy.”

“Nay trẫm mở lòng, tiếp thu ý kiến can gián trực ngôn, các khanh đừng quá lo sợ, mà không dám hết lòng khuyên can.”

“Nay trẫm đưa ra vấn đề, các khanh không được có bất kỳ kỵ húy, phải nói ra lỗi lầm của trẫm theo thứ tự.”

“Trẫm chấp pháp có chỗ sai lầm, khanh có thể uốn nắn, trẫm còn có gì phải lo lắng nữa?”

v.v.

Duy chỉ có ĐCSTQ áp dụng Pháp Gia triệt để hơn cả, mục tiêu lý tưởng nhất của nó là khiến nhân dân im lặng như đất sét, để nó tùy ý nhào nặn hay vứt bỏ.

Trong im lặng tích tụ giông bão

Giả Nhượng ví sự bịt miệng người dân giống như ngăn lấp dòng chảy Hoàng Hà, chỉ có tác dụng tức thời, về lâu dài chẳng có con đập nào chịu nổi sức nước bị quây nhốt. Trong tư duy trị thủy và trị quốc cổ đại, lòng dân cũng như dòng nước, càng chặn lại càng có hại. Sự im lặng dồn nén chính là như dòng nước bị chặn đang tích tụ năng lượng càng ngày càng lớn, đập vỡ chỉ là vấn đề thời gian..

Dân gian có câu “tức nước vỡ bờ”, sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989 là lần đầu tiên giới trí thức và người dân Trung Quốc phá vỡ sự im lặng ngột ngạt đang bao trùm đất nước để đòi hỏi tự do, dân chủ, chống tham nhũng, tệ quan liêu cửa quyền. ĐCSTQ như thường lệ, chỉ biết cách duy nhất là dùng bạo lực ngu xuẩn để ứng phó, chính là áp dụng cách làm Pháp Gia của Thương Ưởng ở mức độ tàn khốc hơn. Đặng Tiểu Bình hô hào: “sẵn sàng giết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định”. “Ổn định” theo cách nói của họ Đặng, là tiếp tục khâu miệng dân để cai trị. Kèm theo đó, là mua chuộc bằng miếng mồi kinh tế.

Giang Trạch Dân cản trở kế hoạch cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, Sự phản kháng của Giang Trạch Dân đối với cải cách khiến Đặng Tiểu Bình phẫn nộ
Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phải) và người kế nhiệm ông là Giang Trạch Dân bắt tay nhau vào tháng 10/1992. Ông Đặng phát động cuộc chuyển đổi tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc; trong khi họ Giang xây dựng mạng lưới bè phái rộng lớn được hỗ trợ bởi nạn tham nhũng của nhà nước độc tài. (Ảnh: AFP / Getty Images)

Nhưng nay không còn là năm 1989, sau 3 năm áp dụng chính sách Zero-COVID, tình hình Trung Quốc còn căng thẳng hơn nhiều: người chết la liệt, kinh tế tiêu điều, cuộc sống đảo lộn, tương lai vô vọng… điều duy nhất không thay đổi là ĐCSTQ sẵn sàng thí mạng người dân để bảo vệ quyền lợi và sự tồn tại của nó. Vì vậy, nhân dân Trung Quốc không còn muốn im lặng nữa.

Trong cuộc biểu tình phản đối phong tỏa Zero-COVID ở Thành Đô vào đêm cuối tháng 11/2022, một người phụ nữ trẻ đã dũng cảm công khai kêu gọi quyền tự do ngôn luận cho người dân Trung Quốc và chỉ ra rằng, chính quyền đã sử dụng tin tức giải trí, như vụ án Ngô Diệc Phàm, để chuyển hướng dư luận khỏi những tin tức nhạy cảm về chính trị. Chị hét lên:

“Các phương tiện truyền thông chính thống vì công lý ở đâu? Họ ở đâu? Công lý ở đâu?”

“Nếu không có dân thì làm sao có các vị? Không có sự ủng hộ của nhân dân, các ông chẳng là gì hết!” (*)

Trong cuộc biểu tình tại Bắc Kinh cuối tháng 11/2022, những thanh niên Bắc Kinh tưởng như luôn né tránh chính trị, cuối cùng đã hét lớn: “Cho tôi hỏi vụ cháy ở Tân Cương có phải do thế lực nước ngoài phóng hỏa không? Xe bus ở Quý Châu có phải do quân đội nước ngoài lật đổ không? Chúng tôi thậm chí không thể truy cập internet ở nước ngoài. Chúng tôi lấy đâu ra thế lực nước ngoài…” (*)

Người dân quá hiểu rằng, ĐCSTQ sẽ không tha cho họ, nhưng sợ hay không sợ, đằng nào cũng chết. Họ đâu còn gì để mất.

Cách đây 25 thế kỷ, đức Lão Tử chẳng từng viết: “Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi?” tạm dịch là: “dân không sợ chết, làm sao lấy cái chết để dọa được?” Ham sống, sợ chết là nhân tính, nhưng khiến dân không còn sợ cái chết là vì đã quá quen với nó, là vì sống cũng như chết rồi thì còn sợ gì cái chết nữa. Chính quyền làm sao dùng cái chết để dọa đây?

Người dân Trung Quốc đã thức tỉnh, phải chăng đại biến sắp sinh?

Khi những hình ảnh của hai cha con vô danh trong cuộc biểu tình được truyền đi khắp nơi, nhiều người dân Trung Quốc đã nghẹn ngào rơi lệ, có những người dùng Twitter viết rằng:

“Một người lo con gái sẽ bị ĐCSTQ quản giáo, không có tương lai. Một người lo lắng bố bị ĐCSTQ bắt đi, không còn đường sống. Xem mà đau lòng!”

“Mong rằng đứa trẻ sẽ không còn sợ hãi. Nguyền rủa ĐCSTQ sớm sụp đổ.”

“Đồng bào của tôi, khổ nạn của các bạn đến bao giờ mới hết?”

“Không muốn xem, tự nhủ không muốn xem, đã đau buồn đủ lâu rồi, nhưng không kìm được, lần nữa nước mắt lưng tròng.”

“Bức ảnh này là sự miêu tả chân thực về những người dân Trung Quốc, dám tức giận mà không dám lên tiếng dưới sự cai trị bạo lực và khủng bố của ĐCSTQ tà ác.”

“Xem lại bức ảnh này, tôi vẫn khóc. Đây là xã hội kiểu gì vậy? Trong tâm hồn trẻ em Trung Quốc, cảnh sát không phải là hiện thân của công lý, mà là ác quỷ, và đầy sợ hãi.” (*)

Người ta khóc cho hai cha con họ, cũng là khóc cho chính mình, cho nhân dân Trung Quốc. Họ giờ đây cũng thấy Hoa lục so với Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan… không có gì khác biệt, vì đều là nạn nhân của ĐCSTQ thì đau khổ giống nhau, nào có gì phân biệt. 

ĐCSTQ mới đây tỏ ra nới lỏng chính sách phong tỏa dịch bệnh, sợ rằng những cuộc biểu tình sẽ khiến Zero-COVID trở thành Zero-CCP (CCP là ĐCSTQ) không chừng. Hẳn là sau đó nó sẽ lùng bắt những khuôn mặt có ảnh hưởng để tiếp tục dọa nạt. Có thể những cuộc biểu tình sẽ tạm lắng xuống và vẫn chưa thực sự đến giờ phút cáo chung của ĐCSTQ. Nhưng từ khắp nơi, người ta cảm nhận được không khí đã có gì thay đổi khác thường, dường như lòng dân Trung Hoa đã thức tỉnh, như người khổng lồ mê ngủ từ lâu nay đang cựa mình thức dậy. 

“Dùng thiện thì dân thân với nhau, dùng gian thì dân thân với chế độ”. Đó là chủ trương của Pháp Gia, của ĐCSTQ. Khi con người thức tỉnh, phần thiện chiến thắng phần ác; phần can đảm chiến thắng phần sợ hãi, thì không thế lực nào có thể bắt họ phải im lặng chấp nhận điều ác, điều xấu được nữa.

“Vật cực tất phản”, ánh sáng đã được nhìn thấy ở cuối đường hầm.

(Bài viết chỉ thể hiện ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Tác giả Nguyên Vũ

Đăng theo NTDVN

Chú thích:

(1): Bài viết “Quá Tần luận” nổi tiếng của Giả Nghị được trích dẫn vào trong “Sử ký”

(2): Trích “Tư Trị Thông Giám”

(*) theo trithucvn.org

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều