Cuốn sách của Giáo sư LaFrance không đơn giản là tập hợp các câu chuyện. Ông áp dụng các phương pháp khoa học để giúp độc giả thấy được cảnh Thiên Đàng mỹ lệ. Ông cảm thán: Thiên Đàng giống như trời mới đất mới miêu tả trong “Kinh Thánh – Khải Huyền”!
Trải nghiệm cận tử
Hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quý độc giả một cuốn sách rất đáng suy ngẫm – “Heaven is Beyond Imagination” (Thiên Đường ngoài tưởng tượng) của tác giả Jacques LaFrance.
LaFrance là giáo sư khoa học máy tính giảng dạy tại các trường đại học ở Oklahoma và Illinois (Mỹ). Vào những năm 1970, LaFrance có cơ hội đọc hai cuốn sách về siêu tâm linh, kể từ đó ông có hứng thú mãnh liệt đối với trải nghiệm cận tử. Sau khi nghỉ hưu, ông dành toàn bộ thời gian và tâm huyết để nghiên cứu các trường hợp cận tử và trải nghiệm tại Thiên Đàng.
LaFrance chia sẻ trên The Epoch Times rằng, ông sinh ra trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo, từ nhỏ ông đã có niềm tin mãnh liệt vào Thần và thế giới Thiên Đàng. Hoa Kỳ, nơi ông sinh ra và lớn lên đã từng là ngọn hải đăng ánh sáng của Thiên Chúa tại nhân gian, là đất nước của tự do tín ngưỡng và tôn kính Thần. Nhưng 60 năm trở lại đây, niềm tin ấy đã không còn là cốt lõi trong cuộc sống thường ngày, người ta cũng không coi trọng Thượng Đế nữa. Thật đáng buồn khi đức tin bị khinh bỉ và thay thế bằng cái gọi là ‘thức tỉnh’…
Cuốn sách “Heaven is Beyond Imagination” của LaFrance miêu tả sống động về 50 trường hợp trải nghiệm cận tử, những trường hợp ấy được tác giả tuyển chọn từ 14 cuốn sách tâm linh khác nhau. Cả 50 nhân chứng đều đích thân đến cõi Thiên Đường, nhưng không ai nhìn thấy hoàn toàn giống như nhau. Giáo sư LaFrance cho rằng, chính sự đa dạng này đã chứng thực sự tồn tại của Thiên Đàng từ các khía cạnh khác nhau, bởi vì “họ cùng nhau miêu tả hoàn chỉnh về hình dáng của Thiên Đường”.
Ví dụ như khi nói về mùa thu, có người thấy sắc thu là núi non đẹp như tranh vẽ, là rừng phong nhuộm đỏ rực trời. Có người thấy mùa thu là đàn chim bay về phương nam tránh rét, là côn trùng ca hát râm ran. Lại có người thấy mùa thu là giọt sương trên hoa, tiết trời se se lạnh. Cũng có người thấy cảnh thu là nho chín đầy vườn, lòng háo hức đợi chờ chén rượu ngon năm tới. Còn có người thấy mùa thu là trăng tròn vành vạnh, cảnh múa lân, chú Cuội, chị Hằng… Mỗi chúng ta đều có một mùa thu trong lòng, và chúng ta sẽ thể hiện theo những cách khác nhau.
Thiên Đàng cũng vậy, nếu Thiên Đàng có thật, thì hẳn những ai may mắn được đặt chân tới nơi ấy cũng sẽ có thể nghiệm của riêng mình. Mỗi trải nghiệm như một miếng ghép trong bức tranh rộng lớn, chắp nối tất cả lại ta sẽ có được quang cảnh tổng thể hơn, hoàn chỉnh hơn. Và đó chính là điều mà LaFrance muốn gửi gắm qua cuốn sách “Heaven is Beyond Imagination” của mình.
Tân thiên tân địa
Cuốn sách của Giáo sư LaFrance không đơn giản là tập hợp các câu chuyện. Ông áp dụng các phương pháp khoa học như phân loại và quy nạp để giúp độc giả qua đó thấy được cảnh Thiên Đàng mỹ lệ. Ông cảm thán: Thiên Đàng giống như trời mới đất mới miêu tả trong “Kinh Thánh – Khải Huyền”!
“Khải Huyền” là cuốn sách dự ngôn quan trọng nhất trong “Kinh Thánh”, nội dung tiên tri về ngày mạt thế, cuộc thẩm phán cuối cùng, và về Cứu Thế Chủ Messiah lần nữa trở lại cõi nhân gian. Sau khi cuộc thẩm phán kết thúc, thế giới sẽ bước vào khung cảnh huy hoàng của “trời mới đất mới”, và thành phố “tân Jerusalem” huy hoàng tráng lệ sẽ từ trời giáng xuống. Cũng từ đây, nhân gian sẽ không còn bóng đêm, những người được Thần cứu sẽ trị vì đời đời.
“Khải Huyền” viết:
Vị thiên sứ ấy đưa tôi đi trong Ðức Thánh Linh đến một ngọn núi lớn và cao, rồi chỉ cho tôi thành thánh, là Giê-ru-sa-lem từ Ðức Chúa Trời, từ trời hạ xuống, có vinh quang của Ðức Chúa Trời. Thành rạng ngời như một khối bửu thạch, như một khối ngọc thạch anh, trong suốt như pha lê. (Khải Huyền 21:10-11)
Tường thành được xây bằng lục bửu ngọc, còn thành thì bằng vàng ròng, như thủy tinh trong suốt. Các nền của tường thành được trang trí bằng các loại bửu ngọc. Nền thứ nhất bằng lục bửu ngọc, nền thứ nhì lam bảo ngọc, nền thứ ba bạch lục ngọc, nền thứ tư lam bích ngọc, nền thứ năm bạch bảo ngọc, nền thứ sáu hồng bửu ngọc, nền thứ bảy hoàng bích ngọc, nền thứ tám lục bích ngọc, nền thứ chín hoàng bửu ngọc, nền thứ mười phỉ thúy ngọc, nền thứ mười một hoàng hồng ngọc, nền thứ mười hai tử bửu ngọc. Mười hai cổng thành làm bằng mười hai khối trân châu; mỗi cổng là một khối trân châu. Ðường trong thành làm bằng vàng tinh ròng, như thủy tinh trong suốt. (Khải Huyền 21:18-21)
Không ai ô uế hoặc làm những việc ghê tởm hoặc gian dối có thể vào trong thành, nhưng chỉ những ai có tên được ghi trong sách sự sống của Chiên Con mà thôi. (Khải Huyền 21:27)
Bấy giờ vị thiên sứ ấy chỉ cho tôi một sông nước sự sống; dòng sông trong suốt như pha lê, chảy ra từ ngai của Ðức Chúa Trời và của Chiên Con. Giữa quảng trường của thành, nơi tẻ ra của hai nhánh sông, có cây sự sống sinh trái mười hai đợt, mỗi tháng một đợt, và lá của cây ấy được dùng để chữa lành các dân. (Khải Huyền 22:1-2)
Những trải nghiệm cận tử được LaFrance nhắc đến tương tự với cảnh tượng “tân Jerusalem” mà “Khải Huyền” mô tả. Điều ấy cũng khiến người ta liên tưởng tới “thiên vũ mới là tuyệt đối thuần tịnh và tốt đẹp” trong bài viết “Vì sao có nhân loại” của Đại sư Lý Hồng Chí.
Trong 50 trường hợp cận tử, có người nhìn thấy con đường lớn bằng vàng, có người lại thấy con đường nhỏ màu vàng, cũng có người nhìn thấy lòng sông bằng vàng, đá sỏi bằng vàng nằm dưới nước, dòng suối róc rách bên trên tấu lên khúc nhạc mỹ lệ. Có người thấy cánh cổng Thiên Đàng làm bằng vàng và trân châu, có người thấy những căn nhà được điêu khắc từ một viên ngọc trai, có người thấy tường thành cấu thành từ bảy tầng bảo thạch khác nhau, mỗi tầng đều là những viên đá quý lấp lánh, tỏa ra ánh sáng mỹ lệ. Cũng có người nhìn thấy tường thành xây từ kim cương, mỗi viên kim cương đều lớn như trái bóng.
Giữa những con đường và bức tường thành là dòng sông quanh co chạy qua. Nước sông trong suốt như pha lê, nhưng không hề giống như nước trên địa cầu. Nước trên Thiên Đàng không làm ướt bất cứ thứ gì, người ta có thể thở ở dưới nước, cũng có thể đi bộ trên mặt nước. Các Thiên sứ gọi đó là “nước Sự Sống”.
Nước Sự Sống nuôi dưỡng muôn loài cây cối, giúp cây cối hai bên bờ sum sê tươi tốt. Lá cây tỏa ra hương thơm kỳ lạ, trên cây kết đầy hoa trái, mỗi trái đều ngọt và thơm. Trái cây vừa hái xuống thì trên cây lại tự động mọc ra trái mới, do đó cây nào cây ấy đều ra quả trĩu cành. Hoa trái trên cây, có quả là đồ ăn ngon để mọi người thưởng thức, lại có quả đại biểu cho món quà. Nếu món quà là tri thức, thì người ăn trái ấy sẽ làm chủ được những tri thức vô giá này.
Người trên Thiên Đàng sinh sống trong một đại gia đình, họ vẫn thường tham gia tụ hội. Nhưng trong bữa tiệc hội tụ bạn sẽ không thấy thịt gà, vịt, cá, mà chỉ thấy các Thiên nhân cùng khiêu vũ hát ca và thưởng thức các loại hoa thơm trái ngọt thuần khiết. Những người trải nghiệm tin rằng, cảnh họ nhìn thấy chính là dòng sông Sự Sống và cây Sự Sống trong “Khải Huyền”.
Bảo tọa của Thần
Nước Sự Sống đến từ đâu? Chính là chảy ra từ bảo tọa của Thần. “Bảo tọa” cũng là danh từ được nhắc đến nhiều nhất trong 50 trường hợp trải nghiệm cận tử, trong đó điển hình nhất là cảnh tượng mà Richard Sigmund nhìn thấy.
Richard thiệt mạng trong vụ tai nạn xe hơi và hồi sinh 8 giờ đồng hồ sau đó. Richard nói rằng, trong 8 tiếng ấy anh đã được du lịch Thiên Đàng, hết thảy mọi thứ trên Thiên Đàng đều di chuyển hướng về phía bảo tọa. Cho dù bạn dùng phương thức nào để được lên Thiên Đàng, bạn đều sẽ hướng về phía bảo tọa.
Bảo tọa là kiến trúc đồ sộ nhất trên Thiên thượng, tòa kiến trúc có hình tròn, cao ít nhất 50 dặm Anh và rộng vài trăm dặm Anh. Bảo tọa trang nghiêm thần thánh trông như được chế tạo từ vàng, ngà voi và những loại đá quý khác nhau, những viên đá quý này phát sáng lấp lánh trông như một ngọn lửa đang cháy hừng hực. Trung tâm bảo tọa có ngai vàng, Đấng ngự trên ngai là một vị Thần vĩ đại. Không ai nhìn thấy hình dáng của Ngài, bởi vì thân Ngài tỏa ra những đám mây vinh diệu che phủ toàn thân. Richard nói đây chính là “vinh diệu của Thần”.
Richard cũng kể rằng, có đến hàng trăm vạn người đang kính bái trước mặt Đấng ngự trên bảo tọa. Vậy những người kính bái ấy là ai, và làm sao họ có thể tiến nhập vào Thiên Đàng? Bí mật ấy được ghi chép trong sách Sự Sống.
Sách Sự Sống
Mỗi người khác nhau nhìn thấy sách Sự Sống cũng khác nhau. Có người nhìn thấy cuốn sách ấy rộng một dặm Anh, lại có người nhìn thấy cuốn sách chỉ nhỏ khoảng 10 inch. Có người thấy sách treo trên cột cửa, lại có người thấy được đặt trên giá. Nhưng cho dù hình dáng thế nào, các cuốn sách Sự Sống đều giống nhau ở một điểm chung: Chỉ những ai được đề tên trong sách mới có thể bước vào Thiên Đàng. Không ít nhân chứng trải nghiệm cận tử nhìn thấy vị Thiên sứ đứng bên ngoài cổng lớn của Thiên Đàng, tay cầm cuốn sách Sự Sống. Chỉ khi các Thiên sứ tìm thấy tên trong sách Sự Sống, người ấy mới có thể tiến vào.
Vậy làm thế nào để được ghi tên vào sách Sự Sống? Điều này cần xem những ghi chép trong hồ sơ của Thiên Đàng. Richard nhìn thấy hồ sơ Thiên Đàng được đặt trong một tòa kiến trúc cự đại có cánh cổng vòm rất lớn, xung quanh có hàng trăm Thiên sứ đang cẩn thận canh giữ. Mỗi trang trong cuốn hồ sơ có một màn hình ba chiều, triển hiện những hình ảnh về toàn bộ tiến trình sinh mệnh của một người. Trước khi một người sinh ra, thì cuộc đời của họ đã được ghi chép trong sách rồi. Vị Thiên sứ cao lớn một tay cầm sách, một tay đang ghi chép với cây bút lông bằng vàng dài khoảng 5 thước Anh. Hết thảy những hành vi, thậm chí từng ý từng niệm của mỗi người trong đời đều được ghi chép tường tận trong sách.
Tuy nhiên, những ghi chép này không vĩnh viễn bất biến. Một người bình thường biết thừa nhận lỗi sai, khi họ biểu thị sự hối cải trước mặt Thần thì đoạn ghi chép về những hành vi không tốt trước kia sẽ được xóa bỏ, giống như chưa từng xảy ra.
Không một ai biết tiêu chuẩn phán xét là gì, nhưng những người có tên trong sách Sự Sống nói rằng họ nhìn thấy bên cạnh tên của họ có ghi chú hai ngày: một là ngày sinh, và một là ngày tái sinh hoặc ngày tín Thần, cũng chính là ngày họ thành kính dâng hiến tâm hồn mình lên Thần.
Vậy những người không có tên trong sách Sự Sống thì sao? Nếu không thể đến Thiên Đàng, phải chăng họ sẽ phải xuống địa ngục? Dưới đây là một số trường hợp du hành nơi địa ngục.
Địa ngục du ký
Ron DeVera là một người đàn ông biết quan tâm và chăm sóc gia đình, nhưng ông không có tín ngưỡng. Ron DeVera chết lâm sàng khi đang phẫu thuật tim, lúc ấy linh hồn ông bị kéo đến một hang động tối đen, xung quanh là ma quỷ bủa vây. Ông nói: “Tôi không nên ở đây, tôi là người tốt cơ mà”, nhưng bầy ma quỷ vẫn bám riết không buông tha cho ông.
Ron DeVera chợt nghĩ đến Thượng Đế và bắt đầu cầu nguyện. Khi tiếng cầu nguyện vang lên, lũ ma quỷ bị đuổi đi một tốp, nhưng rất nhanh lại một tốp nữa đến. Ông không ngừng cầu nguyện, không ngừng cầu nguyện, dần dần ma quỷ cũng càng lúc càng thưa dần. Không rõ trải qua thời gian bao lâu, cuối cùng một đạo hào quang chiếu vào hang động, Ron DeVera bỗng nghe thấy tiếng bác sĩ và y tá nói chuyện, ông nhận ra mình đã được hồi sinh.
BW Melvin là người vô Thần, ông từng nhập viện vì nhiễm dịch tả. Trong lúc hôn mê, Melvin thấy mình đang đi dọc theo một con đường hầm đến nơi có “ánh sáng chói lòa”. Một vị Thần trông giống như Chúa Jesus xuất hiện, nhưng vị Thần ấy không dẫn ông lên Thiên Đàng mà lại đưa ông đi tham quan địa ngục.
Địa ngục có mùi hôi thối và tanh tưởi, bầu không khí nóng bỏng như thiêu như đốt. Tại đây, Melvin thấy các tội hồn phải chịu đựng đủ mọi loại tra tấn, tiếng kêu thét vang lên vô cùng thảm khốc. Trong lúc sợ hãi ông cảm thấy bị bao trùm trong nỗi tuyệt vọng vô tận. Đúng lúc ấy, một Thần kịp thời xuất hiện và dẫn ông rời đi. Sau khi hồi phục, Melvin không còn tin vào thuyết vô Thần nữa.
Giống như Melvin, Ian McCormack là một người vô Thần, và câu chuyện của anh cũng vô cùng ấn tượng. McCormack bị sứa biển cắn đến thương tích, vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời anh đã cầu nguyện mong được Thần khoan thứ. Nhưng anh vẫn chết. Trong màn đêm đen tối, McCormack cảm thấy một linh thể tà ác tiến đến và chằm chằm nhìn anh. Linh thể ấy nói: “Ngươi nên ở đây”. McCormack hỏi: Đây là đâu? Linh thể đáp lại: “Ngươi đang ở địa ngục, và giờ thì câm miệng đi!”. McCormack lập tức ý thức rằng địa ngục không phải là bữa tiệc hoan ca mà người vô Thần vẫn nghĩ. Đột nhiên từ chỗ sâu nhất trong bóng tối, một luồng ánh sáng chói lòa đã kéo McCormack ra khỏi địa ngục, đưa anh tiến vào một thế giới thánh khiết như Thiên Đàng.
McCormack nhìn thấy vị Thần trông giống như Chúa Jesus. Theo bản năng anh quay người rời đi, vì anh cảm thấy bản thân không xứng đáng được ở Thiên Đàng. Nhưng rồi một sức mạnh từ bi mãnh liệt bao bọc lấy anh, khiến anh bất giác bật khóc: Anh đã làm bao nhiêu điều sai trái, vì sao Thần vẫn từ bi với anh? Vị Thần nói với McCormack rằng, thế giới như Thiên Đàng mà anh thấy chính là trái đất mới. Ngài khuyên anh cần phải lấy nhãn quang mới để nhìn nhận sự vật. Và chỉ 15 phút sau, McCormack cũng bất ngờ tỉnh dậy.
Sau này McCormack thường đi khắp nơi diễn thuyết và chia sẻ về trải nghiệm cận tử của mình. McCormack nói, tuy rằng anh đã kiên tín niềm tin vào Thần trong phút chót, nhờ đó anh mới được hồi sinh và có cuộc đời mới, nhưng anh chân thành mong mọi người đừng như anh trì hoãn đến giây phút cuối cùng. Nếu bạn ý thức được rằng nên thay đổi, vậy thì hãy hành động ngay hôm nay.
Con trai của McCormack là Michael, từ nhỏ cậu bé đã có thể câu thông với Linh giới. Michael kể rằng, Thần từng dẫn cậu tham quan tân địa cầu, đồng thời cũng hiển thị cho cậu thấy trái đất cũ trong tương lai như thế nào.
Trái đất cũ tối tăm u ám, bị bao phủ trong màn sương đen kịt. Thần nói đó là tội nghiệp do con người gây ra. Michael cảm thụ trong câu nói ấy là nỗi thương xót vô tận của Ngài. Nhìn kỹ hơn, cậu phát hiện các kiến trúc đồ sộ trước kia nay đã trở thành một đống đổ nát, không có sự sống tồn tại, cảnh vật hoang tàn xơ xác. Thần nói với cậu: “Đây chính là địa cầu mà con người phá hoại… Đây chính là sự việc sắp phát sinh, con không cách nào ngăn chặn được… Nhưng con có thể cứu giúp nhiều người hơn nữa”.
Có người hỏi Michael rằng, khi nhìn thấy địa cầu sắp bị hủy diệt cậu có suy nghĩ gì? Michael đáp: “Tôi biết mình sẽ không ở đó, bởi tôi sẽ đến một nơi tuyệt đẹp, do đó không có gì phải sợ hãi”.
Là người truyền cảm hứng qua cuốn sách kể về trải nghiệm cận tử, giáo sư LaFrance nói rằng ông tin Thần sẽ sớm giáng lâm. “Lúc ấy, toàn bộ thế giới (trừ những con dân của Ngài) đều cảm thấy bi ai, bởi vì họ đột nhiên nhận ra rằng họ không nên chối bỏ Thượng Đế, và giờ họ đã không còn nhiều thời gian và cơ hội nữa rồi”…
Theo Lý Mai – Epoch Times
Minh Tâm (NTDVN) biên dịch