Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc công nghiệp văn hóa chưa tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Ông nói: “Nhiều lúc cũng xót ruột, bởi mở truyền hình ra chỉ thấy phim nước ngoài. Các kênh truyền hình của chúng ta, từ kênh địa phương đến trung ương, cảm giác đói sản phẩm”.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào sáng 22/12 là hội nghị đầu tiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, theo nhận định của Thủ tướng Chính Phủ.
Nhiều nghệ sĩ, doanh nghiệp làm công nghiệp sáng tạo được mời cho ý kiến. Đại diện các bộ, ban, ngành giải đáp ngay tại hội nghị. Nhiều người cho rằng đây là hội nghị mà giới làm công nghiệp sáng tạo mong chờ từ lâu.
Quay một cảnh phim phải xin nhiều giấy phép từ Phường đến Sở
Bà Ngô Thị Bích Hạnh – tổng giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD – đại diện giới làm phim khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp điện ảnh qua doanh thu phòng vé những năm qua.
Bà Hạnh cũng nêu ra nhiều khó khăn mà giới làm phim đang gặp phải. Bà kể ra một số “bất công” với những đơn vị sản xuất phim, đó là không thể mang tài sản trí tuệ là những sản phẩm văn hóa ra để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Bà này cũng ví dụ chuyện ai đó ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù, nhưng ăn trộm một bộ phim 30 – 40 tỉ đồng, phát hành trái phép gây thiệt hại lớn, thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo bà Hạnh, luật pháp phải coi trọng sản phẩm văn hóa hơn để sản phẩm văn hóa có thể mang thế chấp vay ngân hàng được và sở hữu trí tuệ được bảo vệ tốt hơn.
Cũng theo ý kiến của Bà Hạnh, việc quay một cảnh phim phải xin nhiều giấy phép như của sở văn hóa, phường, công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên, phim có cảnh hành động cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy chữa cháy…
Phải xin chừng đó giấy phép cho một địa điểm quay thì thật khó nói tới công nghiệp văn hóa. Hay như sự bất cập trong chính sách thuế với các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới khi xuất khẩu nội dung sang Mỹ, ngoài nộp 35% thuế ở Mỹ, khi về Việt Nam vẫn phải nộp 10% thuế VAT.
Bà Trương Uyên Ly – giám đốc không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine – kiến nghị miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập với các dự án hợp tác công – tư.
Hiện các không gian sáng tạo đang thực hiện nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác nên rất khó khăn.
Bà Tô Nam Phương – đại diện FPT Play – nêu kiến nghị các doanh nghiệp làm dịch vụ OTT (dịch vụ truyền hình trả tiền) nên được ưu đãi tốt hơn để có thể cạnh tranh được với các OTT xuyên biên giới. Hiện các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify…
Trả lời các kiến nghị về vốn, thuế và các ưu đãi khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những chính sách thuế và một số chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Một số kiến nghị tại hội nghị vượt quá những chính sách và quy định hiện hành, Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu khi cần chỉnh sửa liên quan đến thuế và tài chính trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định lĩnh vực văn hóa là một trong những ngành được xã hội hóa và theo như chính sách hiện nay thì đang được hưởng mức ưu đãi cao nhất, tuy có thể chưa như kỳ vọng.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.
Tổng kết hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp và bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.
Nhiều lúc cũng xót ruột
Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc công nghiệp văn hóa chưa tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
Thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, sự phát triển của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện “lệch chuẩn”… nên phim nước ngoài chiếm trên 70% phim chiếu rạp, truyền hình cũng chủ yếu là phim nước ngoài.
“Nhiều lúc cũng xót ruột, bởi mở truyền hình ra chỉ thấy phim nước ngoài. Các kênh truyền hình của chúng ta, từ kênh địa phương đến trung ương, cảm giác đói sản phẩm.
Tất nhiên để sản phẩm sống được thì phải đáp ứng được thị hiếu của người dùng. Như thế thì phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ, doanh nghiệp.
Nhân tài của chúng ta không thiếu, nhưng chính sách để phát huy tối đa tài năng thì còn có hạn”, Thủ tướng chia sẻ.
Về câu chuyện phim Việt lép vế trên truyền hình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm gọi đó là thực trạng “xâm lăng văn hóa”.
Ông Lâm khẳng định sự xâm lăng này đã vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, trên điện thoại di động, khiến người Việt xem YouTube và các kênh nước ngoài dễ hơn xem truyền hình Việt Nam.
Ông Lâm cho biết từ năm 2024, Bộ TT-TT đề nghị tất cả các nền tảng tivi thông minh lưu hành ở thị trường Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng xem báo chí và truyền hình Việt.
Hoàng Nam theo TTO.