spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Nhân chuyện “quản lý tiền công đức”, hiểu đúng hơn việc “cúng dường, lễ Phật”

Mới đây, Bộ Tài chính ra Thông tư quy định về việc quản lý đối với tiền công đức, cúng dường,… Nhân việc này, xin luận bàn về ý nghĩa chân chính của việc cúng dường và Lễ Phật như thế nào mới đúng. 

Bộ Tài chính: Tiếp nhận tiền công đức, cúng dường,… phải mở tài khoản hoặc sổ ghi chép

Theo Thông tư mới nhất của Bộ Tài chính, người tiếp nhận tiền cúng dường, công đức phải mở tài khoản ngân hàng hoặc ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

hom cong duc
Tiền công đức và cúng dường được đưa vào quản lý (Ảnh Facebook)

Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được Bộ Tài chính ban hành ngày 19/1. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định cụ thể về quản lý, thu chi tiền công đức, có hiệu lực từ 19/3.

Theo Thông tư, nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng.

Với công đức tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định tại di tích cũng được thu gom, kiểm đếm.

Bộ Tài chính quy định, tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.

Du khách nhét tiền lẻ khắp nơi trong đền Nưa - Am Tiên, Thanh Hóa, ngày 30/1. Ảnh: Lê Hoàng

Du khách nhét tiền lẻ khắp nơi trong đền Nưa – Am Tiên, Thanh Hóa, ngày 30/1. Ảnh: VnExpress
Ngày nay, cúng dường, làm công đức, cầu an,… đã trở nên phổ biến tại các chùa, am, đình, đạo viện,… Người ta có quan niệm rằng, càng bỏ vật chất, tiền tài,… để làm công đức, cúng dường thì ngược lại sẽ được Thần Phật bảo hộ bình an, làm ăn phát tài, cầu gì được nấy. Vậy nên cứ đến độ xuân về, hay nhân dịp các ngày Lễ Phật,… người người, nhà nhà đều đến chùa mang tiền làm công quả, cúng dường,…

Quan niệm này có đúng không? Chúng ta vốn trong vô minh. Ở cõi mê, những vấn đề mà con người cho rằng thuộc về tâm linh, nếu không hiểu đúng sẽ vô tình thực hành không đúng. Từ đó tạo nên tội nghiệp to lớn mà không biết.

Cúng dường là gì và cúng dường như thế nào?

Cúng dường vốn là thuật ngữ Phật giáo, tiếng Phạn là Pūjā, hoặc Pūjanā, được dịch qua tiếng Hán là Pháp cúng, cúng dưỡng, cúng phụng, là chỉ việc dâng cúng đối với Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng. Từ “cúng dường” là âm đọc chệch từ “cúng dưỡng” mà ra.

Cúng dường gồm có các hình thức sau:

1. Lợi cúng dường: là cúng dường hương, hoa, đèn, nến, trái cây, thức ăn, cờ phướn, áo cà sa, thuốc men và đồ dùng sinh hoạt để biểu đạt cự kính phụng đối với Tam Bảo.

Thời Đức Phật tại thế, mỗi lần Ngài giảng Pháp đều có Tiên Nữ tán hoa, nên sau khi Ngài nhập Niết bàn, các đệ tử và tín chúng cũng thường dâng hoa trước tượng Phật. Thời Đức Phật tại thế và một thời gian dài về sau, đều không có việc cúng dường tiền tài, Đức Phật yêu cầu đệ tử xuất gia không được tồn tiền, không tồn vật. Phật giáo Tiểu thừa đến nay vẫn giữ truyền thống đó, tiền tài cúng dường do các cư sĩ gọi là Tịnh thân quản lý. Phật giáo Đại thừa bắt đầu vào thời nhà Đường thay đổi giới luật, bắt đầu có hiện tượng tăng nhân tồn trữ tiền tài.

2. Kính cúng dường: kính lễ đối với Phật (tượng Phật) và tăng nhân như chắp tay hợp thập kính lễ, khom mình kính lễ, quỳ kính lễ, dập đầu kính lễ.

3. Hành cúng dường: Thực hành Thập thiện, Ngũ giới, tuân theo những lời dạy của Đức Phật. Các tín đồ Phật giáo hàng ngày tụng Kinh niệm Phật, hành thiền, lễ Phật.

4. Pháp cúng lễ: truyền bá diệu nghĩa của Phật Pháp đến chúng sinh, giúp chúng sinh ly khổ đắc lạc.

Nhiều người đi chùa cầu tiêu tai giải hạn, phát tài tấn lộc, thăng quan tiến chức... thế nên ngoài những đồ cúng dường đúng nghĩa ban đầu của "lợi cúng dường" thì ít nhiều đều cúng dường tiền bạc.
Nhiều người đi chùa cầu tiêu tai giải hạn, phát tài tấn lộc, thăng quan tiến chức… thế nên ngoài những đồ cúng dường đúng nghĩa ban đầu của “lợi cúng dường” thì ít nhiều đều cúng dường tiền bạc. (HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Hiện nay rất nhiều người đi chùa với nhiều mục đích khác nhau, người cầu tiêu tai giải hạn, người cầu phát tài tấn lộc, người cầu thăng quan tiến chức, người cầu sinh con trai, người cầu sức khỏe, bình an… thế nên ngoài những đồ cúng dường đúng nghĩa ban đầu của “lợi cúng dường” thì ít nhiều hiện nay đều cúng dường bằng tiền bạc. Có những người giàu có, làm ăn lớn còn cúng dường với số tiền không nhỏ. Theo đó nhiều chùa sẽ tiến hành các dịch vụ làm lễ riêng nhằm “cầu may” cho họ. Theo đó nhiều người ngày nay có quan niệm rằng, càng cúng nhiều tiền thì càng được Thần “chiếu cố”, làm ăn càng phát đạt, cầu gì được nấy,…

Như vậy việc “cúng dường” tiền tài như ngày nay đã không còn là “cúng dường” chân chính nữa, không phải kính Phật, mà là “cầu Phật”, không phải để bày tỏ thành tâm kính ngưỡng đối với Tam Bảo, mà là “cầu Tam Bảo” ban phúc lộc, bảo hộ, phù hộ cho kiếm được nhiều tiền hơn, hết bệnh, hết nạn, hết khổ. Thế nên khi hiểu sai, làm trái những điều Phật dạy thì không những không được phúc báo mà có khi còn chịu tội rất lớn.

Thần Phật ở cảnh giới cao thâm, thế giới thánh khiết, luôn công bằng, làm sao có thể nhận “hối lộ” như con người suy nghĩ. Ở cảnh giới của Thần Phật cũng không có thất tình lục dục, mà con người thiếu hiểu biết, không biết hướng nội tu tâm, mà liên tục hướng ra ngoài mà cầu. Lấy suy nghĩ của con người, để áp đặt lên thế giới của Phật thì quả là sai lầm và bất kính đối với Thần Phật. Thế nhưng hiện tượng buôn Thần bán Thánh cứ luôn xảy ra, nhiều người đi theo phong trào mà không hiểu được bản chất của việc thành kính lễ Phật. Xã hội kim tiền đã khiến nhiều người bị mờ mắt, và mất đi sự tôn nghiêm nơi Phật đường.

Cư sĩ nhiều năm ăn chay niệm Phật, cúng dường, tại sao vẫn đọa địa ngục

Một cư sĩ nhiều năm ăn chay niệm Phật và bố thí, nhưng đến khi chết không được lên thế giới Cực Lạc mà lại xuống địa ngục.

Người này hỏi Diêm Vương: “Khi còn sống con đã quy y Tam Bảo, nhiều năm liền ăn chay niệm Phật, cũng thường xuyên bố thí, sao lại bị xuống đây?”.

Diêm Vương trả lời: “Ngươi tụng kinh là để cầu phúc báo chứ không phải chân chính tu hành”.

Người này lại hỏi: “Nhưng con cũng thường xuyên bố thí”.

Diêm Vương trả lời: “Ngươi bố thí là để cầu được tích đức chứ không phải vì lòng thương xót chúng sinh, phúc báo của sự bố thí đó cũng đã dùng hết rồi”.

Người này lại hỏi: “Con đã quy y Tam Bảo rồi”.

Diêm Vương trả lời: “Ngươi quy y Tam Bảo, nhưng lại không thật tâm tu hành, trong lòng vẫn chất chứa đầy tính toán tranh giành được mất với người ta, vì vậy nhân quả và nghiệp chướng cũng như người thường mà thôi”.

Một cư sĩ nhiều năm ăn chay niệm Phật và bố thí, nhưng đến khi chết không được lên thế giới Cực Lạc mà lại xuống địa ngục.
Một cư sĩ nhiều năm ăn chay niệm Phật và bố thí, nhưng đến khi chết không được lên thế giới Cực Lạc mà lại xuống địa ngục. (Miền công cộng)

Người này lại hỏi: “Con ăn chay trường và không sát sinh”.

Diêm Vương trả lời: “Ngươi ăn chay, miệng nói Phật nhưng lòng dạ nhỏ nhen, hay mắng mỏ nhục mạ và nói xấu người khác, khẩu nghiệp chất chồng như núi”.

Người này lại hỏi: “Con thường hoằng dương Phật Pháp”.

Diêm Vương trả lời: “Ngươi thường xuyên tới đạo tràng giảng Pháp, nhưng thực chất là giảng loạn kinh Phật, thêm thắt suy diễn của mình, làm loạn Pháp hoại Pháp, chứ không phải lấy những lời nguyên gốc của Phật mà truyền bá, tội làm loạn Pháp này còn nghiêm trọng hơn những tội trên nhiều”.

***

Người xuất gia, là đi theo con đường của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài vốn là Thái tử Tất Đạt Đa, vì thấy chúng sinh đều khổ, kiếp người vô thường ngắn ngủi nên quyết định từ bỏ cung điện, từ ngôi báu và từ bỏ cả vợ đẹp con khôn cùng vàng bạc châu báu ra đi tìm con đường tu luyện. Sau khi đắc Đạo, Ngài truyền Pháp và đích thân dạy mọi người xuất gia, từ bỏ hết thảy danh lợi tình, chỉ mang theo bình bát và vài bộ cà sa, ngày ngày khất thực, tọa thiền, đôi khi nghe Ngài giảng Pháp. Người xuất gia mà vẫn để tâm vào những việc tiền bạc, dùng dưới danh nghĩa xây chùa, đúc tượng, ấn tống kinh sách thì cũng là những việc hữu vi, là trái với lời dạy của Đức Phật, và nguy hiểm hơn là những quả báo đang chờ họ sau khi hết dương thọ.

Lợi dụng Phật Pháp kiếm tiền bất chính bị ác báo

Nước Bắc Tề thời Nam Bắc triều có một nhà sư tên là Yến Thông, dù đã xuất gia nhưng lại không chân chính tu hành, tìm mọi cách để tích cóp tài sản, đặc biệt là lợi dụng tín ngưỡng của mọi người đối với Thần Phật để phát tài.

Sư Yến Thông đi khắp nơi khuyên bảo mọi người quyên tiền, cúng dường đúc tượng Phật, rằng cúng dường càng nhiều tiền thì tích được công đức càng lớn. Những người tín Thần kính Phật thấy vậy đều tấp nập đến chùa cúng dường. Đến khi tiền tích cóp được nhiều rồi, sư lấy ra một phần để đúc bức tượng Phật lớn bằng đồng.

Đến khi tiền tích cóp được nhiều rồi, sư Yến Thông lấy ra một phần để đúc bức tượng Phật lớn bằng đồng. 
Đến khi tiền tích cóp được nhiều rồi, sư Yến Thông lấy ra một phần để đúc bức tượng Phật lớn bằng đồng. (Pixnio)

Sư lại khuyến khích mọi người đến thắp hương bái Phật, cúng dường bằng tiền tài, và nói rằng đây là tích công đức cho bản thân, nhiều Phật tử nhịn ăn bớt tiều để dàng tiền cúng dường, bái Phật.

Gặp những người gặp tai họa, bệnh tật ốm đau, làm ăn thất bại, muộn mằn con cái, tình duyên trắc trở… thì sư Yến Thông đều nói cúng dường tiền tài để sư tụng kinh cầu nguyện giúp họ, để được Thần Phật phù hộ, muốn gì được nấy. Tuy nhiên sư lấy toàn bộ số tiền làm của riêng, coi đó là công sức của sư, nên sư không chỉ tiêu xài phung phí ra, mà còn nhiều lần gửi tiền về cho gia đình.

Dần dà, mọi người cũng biết chuyện, người đến cúng dường tiền bạc càng ngày càng ít. Đến khi không có ai đến chùa lễ bái nữa thì sư Yến Thông, rất tức giận, một lần không nén nổi cơn giận dữ đang sục sôi, sư giơ cây gậy lên đánh tượng Phật, và buông lời oán hận nguyền rủa, rằng vì sao tượng Phật không còn mang đến tiền tài cho ông như trước nữa.

Đúng lúc cây gậy sắp giáng xuống thì một vị Thần mặc áo giáp hiện ra sừng sững trước mặt Yến Thông. Thần cao hai trượng, mũ vàng áo bạc lấp lánh ánh quang, trên tay cầm cây giáo dài, giận dữ nhìn Yến Thông mà lớn tiếng mắng rằng: “Kẻ bại hoại nhà ngươi, sao dám khinh nhờn tượng Phật?”

Vừa dứt lời, vị Thần liền nhấc Yến Thông lên, lấy cây thiết trượng đánh xuống tới tấp, khiến ông ta thương tích đầy mình, máu không ngừng chảy. Yến Thông cầu khẩn vị Thần tha tội, tiếng kêu thét lớn đến mức trong ngoài đều nghe thấy được. Mọi người vội vàng chạy đến, chỉ thấy sư thâm tím mình mẩy đau đớn nằm đó.

Đến khi không có ai đến chùa lễ bái nữa thì sư Yến Thông, rất tức giận, một lần không nén nổi cơn giận dữ đang sục sôi, sư giơ cây gậy lên đánh tượng Phật, và buông lời oán hận nguyền rủa.
Đến khi không có ai đến chùa lễ bái nữa thì sư Yến Thông, rất tức giận, một lần không nén nổi cơn giận dữ đang sục sôi, sư giơ cây gậy lên đánh tượng Phật, và buông lời oán hận nguyền rủa. (Minh họa: Miền công cộng)

Nhiều ngày sau đó, vết thương trên người sư Yến Thông không những không lành lại, mà còn lở loét ngày càng lớn, máu chảy đầm đìa, khắp mình sưng đỏ, giống như bị lửa đốt vậy. Sư kêu rên ngày đêm, máu vẫn không ngừng chảy, sau trăm ngày chịu đủ mọi thống khổ rồi mới qua đời. Có người khai thiên nhãn thấy sư Yến Thông bị chịu hình phạt dưới địa ngục.

Hòa thượng, tăng nhân, sư là những người xuất gia theo Phật, tức là đệ tử của Phật. Còn cư sĩ là không xuất gia nhưng vẫn tu tập theo giới luật và Pháp tu mà Phật truyền dạy. Phật tử là tín chúng có thiện tâm hướng Phật, hướng thiện. Đối với mỗi loại đệ tử, tín chúng Đức Phật Thích Ca đã đặt ra giới luật riêng, có yêu cầu nghiêm khắc. Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật có căn dặn các đệ tử và tín chúng là “Dĩ giới vi sư” (Lấy giới luật làm thầy), cần nghiêm túc tuân thủ giới luật, trì giới mới đạt tiêu chuẩn của người đệ tử của Phật. Người tu Phật, hướng Phật trong tâm có Phật, trong đời sống hàng ngày chú ý tu thân khẩu ý, giữ giới và tuân theo lời Đức Phật dạy, thì được Phật bảo hộ gia trì, để họ sớm trả hết nợ nghiệp qua bao đời bao kiếp tích tụ, để sớm ngày thoát vòng sinh tử, hưởng phúc thực sự ở Tịnh thổ Phật quốc.

Còn xây chùa dựng tượng, tụng kinh lễ chùa cũng chỉ là hình thức. Việc cúng dường cũng là để biểu hiện cái tâm thành kính với Tam Bảo, và để những người xuất gia có thể duy trì được cuộc sống đơn giản, chuyên tâm vào tu tâm dưỡng tính, thực hành Phật Pháp, có thể khai huệ khai ngộ lợi lạc chúng sinh. Người xuất gia mà còn để tâm vào thế gian tục sự, vẫn say mê với tiền tài và danh vọng, thì đó không phải đệ tử chân chính của Phật, sẽ chẳng có vị Phật nào chấp nhận người đệ tử luôn làm trái lời dạy của Ngài.

Tín chúng, Phật tử có tâm kính ngưỡng Phật, tôn kính Tam Bảo, cúng dường đúng cho những người chân tu, giữ giới, khổ tu, hành Đạo, thì mới có công đức chân chính. Ngược lại, nếu lầm tưởng “cúng dường” tiền bạc cho chùa, mà số tiền bạc đó lại để những người giả tu tiêu dùng hưởng thụ cá nhân, gửi cho gia đình, kinh doanh, xây chùa giả để mưu cầu tiền “công đức” của tín chúng, thì không những không có công đức mà còn tạo nghiệp, vì số tiền gọi là “cúng dường” đó bị dùng sai mục đích, cũng khiến một số tăng nhân vì thế mà hưởng lạc, sa ngã.

Trong Phật giáo cũng có câu rằng “Phật vô xứ bất tại”, Phật không nơi nào là không có. Đức Phật Thích Ca cũng nói “Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng”. Thế nên, chỉ cần trong tâm có Phật, ghi nhớ và làm theo lời Phật thì Phật đều biết, đều ghi nhận và gia trì, chứ đâu cần xem những việc hữu vi thắp hương bái lạy hình thức.

Con người luôn cầu một sức khoẻ dồi dào, một tâm thân an lạc, nhưng lại không chịu tu tâm dưỡng tính như Phật Pháp giảng nói, mà luôn đi cầu xin bên ngoài. Chữa bệnh phải chữa từ tâm, nếu có một trái tim hoà ái, từ bi, tâm luôn nghĩ tốt, làm việc thiện thì cuộc sống hoàn toàn là vui vẻ, ung dung tự tại, mà không cần phải hướng ra ngoài để cầu xin. Thần Phật nơi cao thánh khiết, vốn xem tâm truy cầu của con người là dơ bẩn. Dùng tài vật để cầu xin thì tâm ấy càng dơ bẩn hơn.

Thần Phật chỉ nhìn Tâm con người. Ai đúng ai sai, ai ác ai thiện đều đo lường qua ba nguyên lý của Phật Pháp là Chân – Thiện – Nhẫn. Tức là dạy con người sống phải chân thật, không gian dối, có gì nói ấy, luôn từ bi, bao dung với người khác, biết nghĩ cho người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên mình, gặp khó khăn vẫn luôn kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhịn trong cuộc sống. Người biết tu tâm, trọng đức hành thiện, bao dung nhẫn nại… mới được Thần Phật từ bi bảo hộ, gia trì.

> Đi chùa đầu năm như thế nào cho đúng?

Nghi Vân tổng hợp (NTDVN, VnExpress, KVCS)

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều