spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Tiêu chuẩn của “mỹ nhân” và câu chuyện của hai trong “tứ đại mỹ nhân” khiến nhiều người suy ngẫm

0d0021c1dbc3f2a45da2683fc9efb6c8
Có tiêu chuẩn khắc khe mới được gọi là “mỹ nhân” – Ảnh minh hoạ: Internet

Tân Thế Kỷ – Nhắc đến mỹ nhân có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những phụ nữ có vẻ ngoài đẹp rung động lòng người. Ngày nay, “mỹ nhân” thông thường được mọi người dùng để chỉ một người phụ nữ đẹp. Nhưng cái đẹp ấy thường là vẻ đẹp về dung mạo bên ngoài. Thời xưa, một người phụ nữ được xưng là “mỹ nhân” phải có đầy đủ các tiêu chuẩn rất khắt khe. Cùng tìm hiểu những tiêu chuẩn ấy là gì và câu chuyện về hai trong tứ đại mỹ nhân để có cái nhìn toàn diện hơn về định nghĩa này.

Đáp ứng được tiêu chuẩn nào mới được xưng là “mỹ nhân”?

Thay vì chỉ là vẻ đẹp bên ngoài một người được gọi là Mỹ nhân có những tiêu chuẩn rất cao. Dưới đây là 6 tiêu chuẩn để đánh giá một người phụ nữ có được gọi là “mỹ nhân” hay không.

  • Khuê phòng

Mỹ nhân nhất định phải sống ở nơi tốt, hoặc là nhà lầu, khúc phòng hoặc ở các cung điện hoặc sơn trang. Trong phòng phải rộng rãi và sạch sẽ, không chứa những vật phẩm dung tục, tầm thường, trang trí những vật phẩm, dụng cụ thanh nhã như tranh cổ, thư pháp, chữ…

62ac1c7145e901ba061221f2b63463b3
Khuê phòng phải rộng rãi và sạch sẽ, không chứa những vật phẩm dung tục…. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Bên ngoài phòng thường phải có hành lang nhỏ quanh co làm lối vào, thấp thoáng có các loại hoa ở hai bên. Phòng có thể không rộng lớn nhưng bồn cảnh thì tuyệt đối không được thiếu.

  • Cách ăn mặc

Trang sức không thể quá nhiều nhưng cũng không thể thiếu và nhất định phải trang nhã, có thể là ngọc trai, phỉ thúy hoặc vàng, ngọc.

62cc35b3f7c599362902a21198e218be
Trang sức không thể quá nhiều nhưng cũng không thể thiếu và nhất định phải trang nhã – Ảnh minh hoạ: Internet

Trang phục cũng phải thích hợp: Mùa xuân thích hợp với mặc trang phục xinh tươi, mùa hạ thích hợp với mặc trang phục dễ chịu, mùa thu thích hợp mặc trang phục tao nhã, mùa đông mặc trang phục nổi bật, khi có khách thì phải mặc trang nghiêm, đi xa thì phải mặc trang phục nhẹ nhàng, màu sắc nhạt. Ăn mặc kín đáo, phù hợp, trang nhã thì tự nhiên sẽ có khí chất.

  • Hầu nữ

Mỹ nhân không thể không có người hầu nữ cũng như cây cối tươi đẹp thì không thể không có lá. Gia cảnh tốt thì một mỹ nhân có thể có mấy người hầu gái, phụ giúp việc sinh hoạt hàng ngày.

Mỹ nhân thường ngày có thể sẽ dạy bảo hầu nữ của mình cách pha trà, tưới hoa, dâng hương, vẽ tranh, đọc sách, mài mực…Tên của các mỹ nhân cũng sẽ không chứa những từ ngữ thô tục, thông thường đều phải là những từ ngữ nhã nhặn, yêu kiều như: “Mặc Nga”, “Lục Kiều”, “Tử Ngọc”…

  • Đồ đạc trong phòng

Trong phòng của mỹ nhân sẽ có những đồ đạc riêng và khí cụ riêng như: Ghế tựa, giường mây, sạp nhỏ, ghế thiền, hương liệu, bút, nghiên mực, giấy, đồ uống rượu, đồ uống trà, lọ hoa, bàn trang điểm, đàn cổ, tiêu và cờ vây.

Nếu như có chăn gấm và nệm thúy, bức họa, màn thêu bằng vải lụa thì càng tốt hơn. Nếu như không có thì có thể làm màn trúc, màn vải mỏng cũng được.

  • Học vấn

Nữ nhân được gọi là mỹ nhân nhất định phải có học vấn, còn phải có phong thái của người có học (nhà Nho). Vì thế, họ thường xuyên phải đọc nhiều sách và học nhiều về thư họa (làm thơ, vẽ tranh).

566c8b9e7e6ffc069436d0493e3d5069
Nữ nhân được gọi là mỹ nhân nhất định phải có học vấn, còn phải có phong thái của người có học (nhà Nho) – Ảnh minh hoạ: Internet

Nữ nhân có thể đàm luận về học vấn cổ kim thì tự sẽ có người tri âm. Đây thực sự là một yêu cầu quan trọng mà không phải cô gái nào cũng có thể đạt được.

  • Phẩm chất

Mỹ nhân phải có thái (phong thái, dáng vẻ yêu kiều, nữ tính), có thần (thần khí, tháo vát, hiểu Đạo), có vị (duyên, đáng yêu), có tình (tình yêu thương, tình cảm), có tâm (tấm lòng).

Người con gái thời xưa được coi là mỹ nhân từ lời nói, hành vi cử chỉ phải nhỏ nhẹ, nhu hòa, đoan trang. Ngoài ra còn phải thông hiểu thơ họa và đề cao tố chất đạo đức làm người.

Chúng ta cùng đến với câu chuyện về hai trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng ngày xưa để thấu tỏ hơn về cái đẹp cũng như phẩm chất tốt đẹp thực sự.

Tây Thi – nhẫn nhục chịu khổ, lấy thân cứu nước

Tây Thi là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại, còn được gọi là Tây Tử.

Thi sĩ Bạch Cư Dị viết về nàng trong bài thơ “Mẫu đơn” như sau: “Tuyệt đại chỉ Tây Tử, chúng phương duy mẫu đơn” (tuyệt thế giai nhân chỉ có Tây Tử, trong muôn vàn hoa mẫu đơn là thơm nhất).

Từ đó có thể thấy vẻ đẹp của nàng nổi tiếng tới mức nào. Tuy nhiên, điều thực sự khiến Tây Thi trở nên nổi tiếng và được vinh danh trong hàng ngàn năm là nghĩa cử đại trung đại nghĩa của nàng, nhẫn nhục chịu khổ lấy thân cứu nước.

Tây Thi sinh ra cách đây 2.500 năm tại một ngôi làng dưới núi Trữ La ở nước Việt vào cuối thời Xuân Thu. Cha mẹ nàng đều là bách tính bình thường. Tương truyền tên gốc của nàng là Thi Di Quang. Dưới chân núi Trữ La có hai ngôi làng ở phía Đông và phía Tây, thôn dân hầu hết đều mang họ Thi. Tây Thi sống ở làng phía tây, vì vẻ đẹp trời sinh mỹ lệ mà cô nổi tiếng gần xa, thế nên được gọi là “Tây Thi”.

Người ta kể lại rằng, khi Tây Thi đang giặt lụa bên sông, dòng sông phản chiếu khuôn mặt xinh đẹp của nàng khiến đàn cá quên bơi mà chìm xuống đáy nước, đây là phần kể về “trầm ngư” trong thành ngữ “trầm ngư lạc nhạn” (chim sa cá lặn). Về phần “lạc nhạn”, mời quý độc giả đọc phần 1 trong loạt bài này.

ntdvn tay thi duu tu et
Tây Thi – sắc đẹp ‘cá lặn’. (Tranh Dữu Tử – Epoch Times)

Liên quan tới Tây Thi còn xuất hiện một thành ngữ khác là “Đông Thi hiệu tần” (Đông Thi bắt chước nhăn mặt). Chuyện kể rằng, Tây Thi bẩm sinh đã mắc bệnh tim, khi lên cơn đau, nàng thường lấy tay che ngực, mặt mày nhăn nhó, nhưng cũng không làm lu mờ nét đẹp trời ban, ai trông thấy cũng vẫn mến yêu. Ở thôn Đông cũng có một cô gái họ Thi, dung mạo cô không mấy ưa nhìn. Cô tưởng rằng mình cũng sẽ xinh đẹp nếu bắt chước Tây Thi, thế là cô cũng lấy tay che ngực mặt nhăn mày nhó, nhưng dáng vẻ ấy khiến cô càng xấu xí hơn.

Vì trái ngược với Tây Thi nên cô gái họ Thi ở thôn Đông được gọi là “Đông Thi”. Kỳ thực, câu chuyện thành ngữ “Đông Thi hiệu tần” muốn nói với chúng ta rằng, không nên bắt chước người khác một cách mù quáng mà phải hiểu rõ về bản thân; lòng thiện lương, sự tự tin mới là nét đẹp thực sự của chính mình.

Năm 494 trước Công nguyên, hai nước Ngô – Việt giao tranh, nước Việt bị đánh bại, Việt Vương Câu Tiễn buộc phải đầu hàng cầu hòa Ngô Vương Phù Sai. Việt Vương Câu Tiễn còn đích thân tới nước Ngô làm con tin trong ba năm. Khi ấy, các thần dân của nước Việt bại trận đã trên dưới đồng lòng quyết tâm khôi phục đất nước, rửa nỗi ô nhục. Họ quyết tâm dốc sức để chấn hưng đất nước, chuẩn bị phục Việt diệt Ngô.

Vào thời điểm quốc nạn, Tây Thi, người con gái có sắc đẹp trời ban, đã được chọn để đưa vào cung điện nước Ngô. Một cô thôn nữ vốn chỉ ở nhà giặt lụa lại chẳng chút do dự gì mà nhận sứ mệnh lịch sử này. Nàng chăm chỉ học nghi lễ cung đình, ca hát, âm nhạc và vũ đạo. Sau hơn ba năm rèn luyện, Tây Thi đã trở thành một cung nữ tài giỏi, múa hát giỏi giang, điêu luyện trong từng cử chỉ.

Bấy giờ, nàng không chỉ mang dung mạo khuynh nước khuynh thành, mà còn có kỹ thuật múa yểu điệu thướt tha, say đắm lòng người. Điệu múa nổi tiếng nhất của Tây Thi là “hưởng kịch vũ”, tức điệu múa trên đôi guốc mộc cùng tiếng chuông vang.

Tây Thi chân đi guốc mộc, váy thắt lục lạc, nhẹ nhàng sải bước trên hành lang. Tà áo bay bay, tiếng guốc và tiếng chuông nhỏ hòa vào khúc nhạc làm say lòng tất cả những người có mặt. Từ ấy, Ngô Vương Phù Sai chìm đắm vào vui chơi ca múa.

Vì đền đáp nước nhà, Tây Thi đã chịu nhục chịu khổ để có thể bước chân vào cung vua Phù Sát nước Ngô. Nàng không dám quên nhiệm vụ và sứ mệnh khi đến nước Ngô, không ham hưởng vinh hoa phú quý trong cung, điều này đã giúp nước Việt có thêm nhiều thời gian phục quốc.

Năm 482 trước Công nguyên, Ngô – Việt tái chiến, lần này nước Ngô đã bại dưới tay nước Việt. Tây Thi đã có công rất lớn trong việc giúp Việt Vương Câu Tiễn khôi phục đất nước, nàng đã diễn dịch ra một trang sử huyền thoại.

Tây Thi vốn chỉ là một thiếu nữ bình dân áo vải ở vùng sông nước Giang Nam, nhưng nàng xinh đẹp, thiện lương, thông minh, vị tha, trung thành, hào hiệp, với tấm lòng quảng đại và một tinh thần dũng cảm dám gánh vác trách nhiệm, ở thời điểm quan trọng phục hưng quốc gia, nàng đã hy sinh thân mình để báo quốc, mạo hiểm nhận sứ mệnh trọng đại để cứu nước Việt.

Tây Thi là đại diện cho sự “mỹ lệ” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Được trời ban cho dung mạo như tiên, nàng đã bị đẩy lên vũ đài lịch sử trong cuộc chiến Ngô – Việt thời Xuân Thu. Nàng để lại tiếng thơm muôn đời vì tinh thần yêu nước và cử chỉ hiệp nghĩa xả thân vì nước. Nàng là hóa thân của sự cao đẹp, được bao văn nhân mặc khách, nhà nhà người người truyền tụng suốt mấy nghìn năm qua.

Điêu Thuyền – đại nhân đại nghĩa, dùng thân báo quốc

Điêu Thuyền thời Tam Quốc không chỉ là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại mà còn là một nữ anh hùng lo cho nước cho dân, hiểu rõ chính nghĩa, dũng cảm và trí tuệ.

Vế sau của câu thành ngữ “chim sa cá lặn” là “hoa thẹn nguyệt nhường” (tu hoa bế nguyệt). “Nguyệt nhường” kể về câu chuyện khi Điêu Thuyền bái trăng, mặt trăng trông thấy dáng vẻ yêu kiều của nàng thì tự cảm thấy thẹn thùng mà trốn vào trong mây.

8c23cf4bcc1c58b62d464c8ff629da75
Điêu Thuyền có sắc đẹp hoa nhường, nguyệt thẹn – Ảnh minh hoạ: Internet

 

Tương truyền, Điêu Thuyền sinh ra vào cuối thời Đông Hán trong một gia đình thường dân ở một sơn thôn thuộc tỉnh Sơn Tây. Khi ở độ tuổi 13 – 14, Điêu Thuyền không chỉ rất xinh đẹp mà còn rất giỏi ca múa, ai thấy cũng yêu thích.

Thời ấy, đại thần Đổng Trác đã kiểm soát triều đình nhà Hán, ông ta lộng quyền bạo ngược, phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện, lập Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Đổng Trác còn làm nhục và tùy ý giết các phi tần và cung nữ của hoàng đế, đồng thời tàn sát các quan đại thần bất đồng ý kiến với mình ngay trên triều. Đổng Trác tàn sát trung lương, phá hoại lễ nghi cương thường, hắn còn hạ lệnh dời đô về Trường An, phóng hỏa thiêu hủy thành Lạc Dương, khiến lão bách tính thương vong vô số.

Vì nước nhà nhiễu nhương, Điêu Thuyền cũng lưu lạc đến kinh thành và trở thành ca nữ trong phủ của Tư đồ Vương Doãn. Vương triều nhà Hán loạn thế nguy nan, trong ngoài triều ai nấy đều căm ghét Đổng Trác, nhưng vì ông ta nắm trong tay quyền điều binh khiển tướng, lại có người con nuôi dũng mãnh hơn người là Lã Bố đi theo phò tá. Mặc cho hào kiệt tứ phương lũ lượt dấy binh thảo phạt Đổng Trác, cuối cùng đều bại dưới tay Lã Bố. Hổ lang lộng quyền, văn võ bá quan khắp triều đều vô phương kế.

Tư đồ Vương Doãn thấy cảnh nước nhà loạn lạc, dân chúng lầm than, chỉ mong nghĩ cách diệt trừ tên gian thần Đổng Trác. Vào một đêm khuya, khi ông mất ngủ vì nỗi lo nước nhà và một mình đi lại trong hoa viên, bỗng nghe thấy có người thở dài dưới ánh trăng trong đình mẫu đơn. Ông đi tới xem, hóa ra là ca nữ 16 tuổi trong phủ – Điêu Thuyền.

Khi ông hỏi tại sao lại thở dài, Điêu Thuyền đáp: “Từ khi đại nhân nhận con vào phủ, đối đãi với con ân trọng như núi, con không biết phải báo đáp ngài thế nào. Gần đây trông thấy đại nhân luôn chau mày rầu rĩ, nhất định là có đại sự khó giải quyết, nhưng cũng không dám hỏi, cho nên chỉ biết thở dài. Nếu như con có thể phân ưu cùng đại nhân thì thật tốt”.

Vương Doãn nhìn Điêu Thuyền mỹ lệ phi phàm, kiên cường mạnh mẽ, thông minh trí tuệ, trong đầu ông chợt nảy ra một ý tưởng – ông nghĩ tới việc dùng liên hoàn kế để trừ ác. Thế rồi ông nhận Điêu Thuyền làm nghĩa nữ (con gái nuôi) và bàn bạc với Điêu Thuyền để thực hiện liên hoàn kế. Trong lòng nàng hiểu rằng, khi bước vào phủ họ Đổng, đối mặt với Đổng Trác tính tình tàn bạo, chẳng khác nào cừu vào miệng hổ, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, nhưng vì nước vì dân, Điêu Thuyền vẫn dũng cảm nhận sự phó thác của Tư đồ Vương Doãn.

Vương Doãn theo kế hoạch tặng ca nữ Điêu Thuyền cho Đổng phủ. Nàng ở trong đó khiến cha con Đổng Trác và Lữ Bố mâu thuẫn vì mỹ nhân, khiến họ đố kỵ và thù hận lẫn nhau, mượn tay Lữ Bố kết liễu Đổng Trác, kết thúc sự cai trị tàn bạo của họ Đổng, trong bước ngoặt của lịch sử cứu được đất nước. Có thể nói, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, vai trò của Điêu Thuyền không thua kém gì ngàn quân vạn mã, tấm lòng nghĩa hiệp của nàng không thua kém gì các bậc hào kiệt trong triều.

Điêu Thuyền đại diện cho tư tưởng “trung nghĩa” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Là một giai nhân tuyệt thế chân yếu tay mềm, nhưng khi đất nước lâm nạn, vì nhân dân xã tắc, nàng đã lựa chọn hy sinh thân mình để diệt trừ tên phản quốc. Tấm lòng nhân nghĩa cao cả ấy lưu danh thiên cổ, khiến người ta cảm động mà rơi lệ. Hàng ngàn năm qua, dung mạo và sự tích xả thân vì nghĩa của nàng vẫn luôn được hậu thế tán dương.

Như vậy, trái với cái nhìn nhận của nhiều người ngày ngay về “Mỹ nhân” chúng ta có thể thấy: Mỹ nhân không chỉ là người có vẻ đẹp bên ngoài mà còn có nhiều tiêu chuẩn rất cao khác. Đặc biệt, là về phẩm cách đạo đức phải cao, là người lương thiện, biết hy sinh bản thân cho mục đích cao cả.

Chân Tâm biên tập

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 4

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều