Tân Thế Kỷ – Có thành tích cao, ngoại hình đẹp, học trường xịn, chụp ảnh với người nổi tiếng, tặng tiền cho bệnh nhân ung thư,… đều có thể mang ra “flex”. Vậy “flex” là gì mà người trẻ ai cũng thể hiện?
Flex là gì?
Trong tiếng Anh, flex có nghĩa gốc là uốn cong. Trong văn hóa rap – hiphop, flex lại gắn liền với mục đích khoe khoang, khoe của. Theo đó, flex là hành động mà một người khoe khoang quá lố về vật chất hay thành tựu của bản thân, đôi khi khiến người khác thấy khó chịu. Đây cũng chính là ý nghĩa của flex khi được sử dụng trong đời thường và trên MXH gần đây.
Có thể nói màn flex “đời đầu” mà ai cũng biết là truyện ngụ ngôn “Lợn cưới áo mới” được xuất hiện trong sách giáo khoa Ngữ văn. Câu chuyện kể về hai anh chàng hay khoe của và khoe những thứ cực kỳ bình thường như con lợn, cái áo. Vì vậy mà họ trở nên lố bịch trong lời nói: “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” hay “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”.
Trên MXH, những trào lưu thể hiện văn hóa flex cũng có thời gian nở rộ. Chẳng hạn như “flex giá tiền của bộ đồ bạn đang mặc” trên YouTube, “body-check” (kiểm tra cơ thể) hay “rich boy – rich girl check” (xác thực là bạn giàu) trên TikTok. Khi khoe tiền bạc hay giàu có chưa đủ thì người ta chuyển sang khoe thành tích học tập, khoe người yêu,…
Flex vốn là trào lưu khoe mẽ vật chất, tiền tài nhưng người Việt trẻ, gồm cả sao Vbiz đã biến flex trở nên hài hước và gây tò mò.
Flex là cụm từ xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội gần đây. Từ tiếng lóng này được sử dụng rộng rãi từ năm 1990 ở Anh, các nước phương Tây nhưng mới trở nên phổ biến tại Việt Nam. Từ này dùng để chỉ hành động khoe khoang quá mức cần thiết.
Muôn kiểu “Flex” của gen Z
Từ tháng 5 tới nay, một hội nhóm có tên “Flex đến hơi thở cuối cùng” ở Facebook đã đẩy flex thành trào lưu, xu hướng mới, đang có gần 900 nghìn thành viên. Các thành viên không sử dụng những hình thức flex thông thường là khoe của cải, vật chất như nhà giàu, xe sang hay túi hiệu.
Thay vào đó, thành viên nhóm này có nhiều kiểu flex như khoe ảnh đẹp, thành tích học tập, sự nghiệp, gia đình có điểm đặc biệt. Ví dụ họ khoe đã cứu sống bao nhiêu người; từ một người bình thường cho tới thi đỗ Đại học Harvard; làm hậu kỳ cho nhiều bộ phim nổi tiếng quốc tế; có mối quan hệ rộng với nhiều người trong showbiz… Nhờ thế, flex biến thành trào lưu có ảnh hưởng tới xã hội.
Không chỉ người bình thường, sao showbiz cũng hưởng ứng trào lưu này. Ca sĩ Hoàng Dũng từng khoe tổ chức thành công các show diễn cá nhân; Lương Thùy Linh khoe thành tích lọt Top 12 Miss World 2019; diễn viên Bình An từng đạt giải cao trong các cuộc thi điền kinh, bóng chuyền ở trường…
Dưới mỗi bài viết, không chỉ có chủ nhân bài đăng khoe thành tích tốt mà cả người bình luận cũng thể hiện điểm mạnh bản thân. Có những chủ đề lên tới gần 100 nghìn lượt yêu thích cùng những bình luận, trò chuyện của thành viên trong nhóm.
“Người trong cuộc” nói gì?
Bạn Nguyễn Hoàng Phúc (sinh viên Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) – thành viên nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” – chia sẻ: “Những người flex trong nhóm thường là người đã thành công ở một mức độ nào đó, nhưng họ rất hòa đồng, vui tính. Không phải lúc nào gen Z chúng mình cũng có cơ hội trò chuyện, giao lưu với các anh chị, các bạn tài giỏi trong không khí thoải mái thế này đâu. Chính những lần tương tác qua lại trong nhóm đã giúp mình nhận ra người Việt Nam vừa bản lĩnh, vừa thân thiện, rất đáng tự hào”.
Cô bạn Trần Khánh Đan (học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) bày tỏ: “Mình thấy nhóm được xây dựng theo hướng rất tích cực. Mọi người flex vui vẻ, chủ đề đa dạng và có những bình luận độc đáo “nghệ quá nghệ” luôn”.
Khánh Chi (20 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM), thành viên nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” nói: “Khi xem các bài đăng, mình thấy những người trong nhóm đều đạt thành công ở mức độ nào đó và cách họ chia sẻ đều hài hước, dễ thương. Qua đó mình được biết các câu chuyện rất cảm động như một người mắc xương thủy tinh chinh phục nhiều quốc gia, lập công ty riêng. Một số bạn trẻ cố gắng để đạt thành tích cao quốc tế khiến mình có thêm động lực học tập, nỗ lực vì tương lai. Bởi mình nghĩ họ làm được, mình cũng có thể”.
Hải Long (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho hay: “Mình thấy các nội dung trên nhóm được xây dựng theo hướng tích cực. Mọi người khoe các chủ đề khá vui, ví dụ như mèo được đi đóng phim cùng các chủ đề đa dạng, có những bình luận độc đáo”.
Tâm Trà (31 tuổi, nhân viên văn phòng, Đà Nẵng) có ý kiến khác: “Ban đầu, mình theo dõi trào lưu này vì tò mò. Mình cũng thích các nội dung chia sẻ hài hước. Tuy nhiên, một số người thuần túy khoe của hoặc bình luận thể hiện sự sân si với thành công của người khác khiến mình không thích lắm. Mình nghĩ các bạn trẻ nên hướng tới sự văn minh, chia vui với thành tích người ta đạt được, nỗ lực để phấn đấu thay vì ganh ghét hoặc cảm thấy tự ti”.
YouTuber, nhà sáng tạo nội dung Nhật Anh Trắng (có kênh YouTube hơn 1,1 triệu lượt theo dõi) cũng thích thú với trào lưu mới này. Nhờ trend, anh được biết một cách tường tận những thành tích xuất chúng trong học tập của nhiều bạn trẻ, nhận thấy họ rất giỏi. “Còn chuyện mọi người flex về tiền bạc hay độ nổi tiếng đã xuất hiện nhiều trước cả trend rồi, nên mình cảm thấy không ấn tượng và ngạc nhiên bằng”, anh cho hay.
Lý giải cho việc trào lưu này gây sốt và được đón nhận, nam YouTuber cho rằng flex để thể hiện bản thân là một nhu cầu chính đáng của mỗi người. Điều này khác so với trước đây. Trong quá khứ, flex dễ bị hiểu thành khoe mẽ – vốn bị coi là đức tính xấu không nên có. Vậy nên nhiều bạn trẻ dù có những thành tích rất đáng nể, họ ngại thể hiện ra cho mọi người cùng biết.
“Đến khi trào lưu flex tạo sóng, việc khoe khoang bỗng nhiên không bị coi là xấu nữa. Mọi người đều cảm thấy rất hào hứng vì dường như lần đầu được trưng trổ những điều đặc biệt, thành tích vượt trội của bản thân một cách thoải mái và vui vẻ cho cộng đồng. Khoe khoang theo trend không những không bị chê cười, trái lại còn được mọi người trầm trồ và tán thưởng nên ai ai cũng muốn nhân cơ hội này để ‘flex’ một lần”, anh bổ sung.
Gen Z cho rằng có nên “Flex”?
Là một gen Z, Nguyễn Hoàng Phúc thẳng thắn trả lời câu hỏi này: “Nhiều người đang cố tình gán ý nghĩa xấu cho từ flex. Các thành viên trong nhóm chỉ khoe những điều họ đã làm, đang làm – những điều có thật 100%. Trong tháp nhu cầu Maslow, rõ ràng nhu cầu thể hiện bản thân được đặt cao nhất. Chưa kể mọi người flex với thái độ hết sức chừng mực, không tự cao, không so sánh. Đây cũng là cơ hội để gen Z hiểu ra: Mỗi người đều có một thế mạnh riêng, không có ai là hoàn hảo, cao nhân ắt có cao nhân trị”.
Mang tâm thế người đu trend, Thái Tân nhận định: “Mọi người thường có xu hướng nhìn vào điều tiêu cực nhiều hơn tích cực nên mới thấy khó chịu khi đọc những nội dung thế này. Sự tự ti bắt nguồn từ chính suy nghĩ của bạn, chứ không phải vì người khác flex khiến bạn thấy bản thân yếu kém. Hãy thay đổi suy nghĩ của chính mình”.
Gia nhập nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã được một khoảng thời gian, Khánh Đan bày tỏ ý kiến: “Nói thật, mình không hề cảm thấy bị áp lực khi tham gia nhóm. Ngược lại, mình coi đó là động lực để cố gắng hơn, kiểu người khác làm được thì mình cũng có thể. Hôm trước mình có đọc bài flex của anh lính cứu hỏa, thật sự xúc động. Nếu bản thân giúp ích được cho xã hội thì chúng ta có quyền tự hào và khoe một chút mà”.
Phải sáng suốt, tránh chạy theo một cách thiếu kiểm soát
Chưa bàn đến tính đúng – sai, nên – không nên nhưng như đã nói từ đầu, nhiều khi flex đem lại cảm giác khó chịu cho người khác. Bởi lẽ có những thứ không đáng khoe hoặc có những màn khoe mẽ tạo cảm giác kệch cỡm. Vì vậy khi ai đó flex với tần suất dày đặc thì thường không nhận được sự đồng tình, coi trọng của mọi người xung quanh.
Theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bên cạnh mặt tích cực, “flex” cũng sẽ có mặt tác động ngược lại. Nếu “cái đầu không đủ lạnh”, các bạn trẻ có thể sa lầy vào việc khoe khoang mất kiểm soát.
Thạc sĩ Hoàng An nêu ví dụ như có người khoe về độ giàu có, tiền tỉ trong tay nhưng lại chia sẻ luôn tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân, điều này mang lại những hiểm họa tiềm tàng, có thể bị người khác lợi dụng đánh cắp dữ liệu, bản thân chịu hệ lụy từ việc “flex” mà ra.
Mặt khác, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cũng cho rằng khi không kiểm soát được bản thân, khoe khoang làm cho người ta tự cao hơn, dễ “ngủ quên trong chiến thắng” và trở thành người kiêu ngạo. Chưa kể, khi “flex” sẽ có những thành phần bất hảo vào phán xét bằng những ngôn từ không hay, từ đó gây tranh cãi, thị phi không đáng có.
Ngoài ra với những bạn trẻ tiếp nhận thông tin, nội dung về “flex” có thể tự ám thị về những thành tựu từ người khác để rồi áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân, quên mất mình cũng có những điểm tốt và đáng trân trọng.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An nhắn nhủ các bạn trẻ: “Khi tiếp cận ‘flex’ các bạn phải sáng suốt và tỉnh táo, tránh chạy theo trend một cách thiếu kiểm soát. Nên ‘flex’ về hành trình bạn nỗ lực, phấn đấu đạt được điều gì đó để truyền cảm hứng, động lực cho người khác. ‘Flex’ mang tính tích cực, nhân văn là điều thiết nghĩ nên có. Ngược lại, cần kiểm soát, có thể che những thông tin cá nhân quan trọng trước khi đăng tải”.
Cũng theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, những điểm sáng cá nhân của mỗi người cần được ghi nhận, phát huy và bồi đắp, kiến tạo những giá trị bên trong mình nhiều hơn. Điều quan trọng là mỗi người cần tập cách xử lý thông tin và nhìn nhận đa chiều vấn đề, bởi đôi khi những điều bạn cảm nhận từ ‘flex’ chỉ là bề nổi về một ai đó”.
Hãy tỉnh táo để nhận định mình đang lan tỏa giá trị tích cực hay thật sự là chỉ khoe khoang. Ông bà ta có câu “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”. Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao mình trước người khác. Người khiêm tốn là người biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt…
Khi chúng ta nói đến tính khiêm tốn đi kèm với thành tích, tài năng của một cá nhân nào đó, nghĩa là cá nhân đó đang được tập thể, xã hội kính trọng, thừa nhận như một tấm gương sáng, một biểu tượng đáng học tập.
Nếu chỉ mù quáng chạy theo cái danh, mong muốn thể hiện bản thân để hơn người khác, bất chấp bằng mọi cách, và cả khi nó không phải sự thật sẽ khiến chúng ta bỏ quên phần quan trọng nhất là tu dưỡng bên trong bản thân mình.
Lan tỏa những câu chuyện tích cực là điều tốt. Nhưng ngược lại, ví dụ khi bạn làm việc thiện hay việc tốt, là vì tự bản thân bạn thấy muốn làm thế, vì trong tâm bạn muốn làm, chứ không phải chỉ chạy theo cái bề nổi bên ngoài, để lấy thành tích về khoe khoang phải không? Chỉ có hành động từ trái tim thì mới là chân thật.
Mỗi người chúng ta đều đặc biệt riêng theo cách nào đó. Chúng ta cũng không nhất thiết phải so sánh bản thân với người khác. Mỗi chúng ta đều là một mảnh ghép cần thiết của xã hội. Hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tịnh Yên (t/h)
Chạy theo vật chất muôn đời không thấy đích, ta cần hay chỉ muốn chúng?
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực