spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Từ 2026, trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước xe ô tô

Từ 1/1/2026, trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35 m không được ngồi ghế cạnh tài xế, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

tu 2026 tre em duoi 10 tuoi khong duoc ngoi ghe truoc xe o to 1
Từ 1/1/2026, trẻ em dưới 10 tuổi và dưới 1,35 m không được ngồi ghế cạnh tài xế. Ảnh minh hoạ: healthline

Một trong những quy định mới trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua là trẻ em dưới 10 tuổi, chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi ở ghế khoang lái cùng với tài xế, trừ ôtô chỉ có một hàng ghế.

Bên cạnh đó, lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ em.

Trước đây, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định vị trí ngồi của trẻ trên ôtô cũng như ghế chuyên dụng kèm theo.

Việc luật hóa vị trí ngồi và dùng ghế chuyên dụng giúp trẻ em được bảo vệ tốt hơn khi tham gia giao thông. Ở các quốc gia như Mỹ, châu Âu, quy định liên quan vấn đề này đã có từ lâu.

Tại Mỹ, Luật về ghế ngồi ôtô do các tiểu bang tự quy định. Ví dụ, New York buộc trẻ em phải ngồi trong ghế an toàn đến khi đủ 8 tuổi. Ghế trẻ em phải quay mặt về phía sau ở ghế sau của xe.

Một số bang như California không cho phép trẻ dưới 8 tuổi ngồi cạnh ghế lái, bang Delaware là 12 tuổi.

Tại Anh, quy định về ghế ngồi cho trẻ em còn khắt khe hơn. Chính phủ nước này quy định độ tuổi bắt buộc sử dụng ghế an toàn cho trẻ lên đến 12 tuổi hoặc cao 1,35 m, tùy theo điều kiện nào đến trước. Cha mẹ có thể sử dụng ghế an toàn cho trẻ em dựa trên chiều cao, hoặc trọng lượng, nhưng phải là loại ghế được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận và được cấp phép sử dụng ở Vương quốc Anh.

Ở Việt Nam, theo các chuyên gia lái xe an toàn, ý thức sử dụng ôtô của người dân dần trở nên văn minh hơn. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ trẻ em khi sử dụng ôtô như ngồi ở đâu, có dùng ghế chuyên dụng hay không hiện tùy thuộc vào ý thức mỗi người.

Nhiều chủ xe để trẻ di chuyển tự do trong ôtô khi đang lăn bánh trên đường, không dùng ghế chuyên dụng lẫn thắt dây an toàn cho trẻ. Những điều này làm tăng nguy cơ chấn thương cho trẻ em nếu có tình huống phanh khẩn cấp hay xảy ra va chạm.

Trong các vụ tai nạn, trẻ em là nhóm hành khách dễ bị tổn thương nhất. Túi khí cho hàng ghế trước chủ yếu thiết kế cho người trưởng thành. Bộ phận này có thể không phát huy hết tác dụng với trẻ em với chiều cao hạn chế (dưới 1,35 m). Trẻ ngồi ở ghế sau, nguy cơ va đập khi tai nạn xảy ra được giảm thiểu, đặc biệt trong những tình huống xe tông trực diện.

Dây đai an toàn trên xe cũng vậy, cũng được thiết kế cho người lớn. Tác dụng giữ chặt cơ thể hành khách có thể không phát huy hiệu quả tối đa nếu người dùng là trẻ em. Ghế chuyên dụng có dây đai an toàn vừa vặn hơn, giúp bảo vệ trẻ tốt hơn trong các tình huống xảy ra va chạm.

Với trường hợp ghế trẻ em đặt ở ghế phụ phía trước, các chuyên gia khuyến cáo không được đặt trẻ quay mặt về phía sau (tức ngược hướng xe chạy). Bởi khi đó, phần đầu của trẻ rất gần với túi khí và khi túi khí bung có thể gây thương tích hay thậm chí chết người.

Tại phần lớn các quốc gia, trẻ ngồi trên ghế riêng khi đi ôtô được khuyến nghị đặt ở ghế giữa của hàng ghế sau. Bởi vị trí trung tâm ở hàng ghế sau giúp trẻ tránh xa các túi khí, và cũng tránh khỏi những tác động tiềm ẩn khác nếu xảy ra va chạm.

Uyên Huỳnh (Theo VNE)

ắc quy xe diện diện năng 1
Xem thêm:

Thanh hộ lan xuyên dọc ô tô ở Hà Nam, tài xế may mắn thoát chết

Hi hữu lái nhầm ô tô người khác do trời tối

Đà Lạt: Cảnh báo hơn 60 điểm có nguy cơ sạt trượt

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều