Thời gian qua, các thông tin về công cụ phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã và đang nên cơn sốt trên toàn cầu, trong đó có cả người dùng Việt Nam. Việc ứng dụng phần mềm này vào giáo dục đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Có ý kiến cho rằng, ChatGPT với những tính năng vượt trội dấy lên lời cảnh báo cho một tương lai đầy bất ổn. Và cũng chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào gây áp lực cho hệ thống giáo dục quốc gia như triết lý giáo dục một cách toàn diện như trí tuệ nhân tạo (AI).
ChatGPT là gì?
ChatGPT là một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) tương tác với con người. Nó có thể giao tiếp với con người qua dạng văn bản, thậm chí viết văn, làm thơ hay sáng tác nhạc. ChatGPT sử dụng thuật toán chọn từ, ghép chữ thành câu dựa trên bài học rút ra từ việc quét hàng tỷ đoạn văn bản trên Internet. Nó có thể tương tác bằng 95 ngôn ngữ. Tuy nhiên, chất lượng văn bản tạo ra giữa các ngôn ngữ rất khác nhau, tùy thuộc vào số lượng dữ liệu mà công cụ này được huấn luyện.
Các nhà sáng tạo cho biết đã có hơn 1 triệu người sử dụng ChatGPT trong tuần đầu tiên.
ChatGPT sử dụng điều gọi là công nghệ AI tạo sinh, với khả năng học từ kho dữ liệu để biết cách tạo ra hầu như mọi loại nội dung chỉ từ một cụm từ ban đầu.
“Đây là mô hình trí tuệ nhân tạo được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu văn bản cực lớn. Bạn có thể cung cấp đầu vào cho nó và nó thì cho bạn sản phẩm đầu ra. Cơ bản những gì nó làm là viết tiếp điều mà bạn cho nó. Nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó viết tiếp thứ bạn đang viết, nó sẽ làm vậy”, Andrew Patel, nhà nghiên cứu AI tại WithSecure, giải thích.
Sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học tăng cường từ phản hồi con người (RLHF), ChatGPT có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, nhận lỗi, thách thức các tiền đề sai và bác bỏ các yêu cầu không phù hợp.
Khi ChatGPT thay thế con người viết văn, làm thơ và sáng tạo
Theo giáo sư Trương Nguyện Thành, giảng viên Đại học Utah, để phát triển kinh tế và xã hội, con người cần phải giải quyết các vấn đề trong công việc, cuộc sống và đưa ra giải pháp. Các vấn đề này được phân loại theo ngành nghề để dễ đào tạo. Năng lực lao động của một người là khả năng đề xuất và triển khai giải pháp cho các vấn đề trong ngành nghề đó một cách chính xác và hiệu quả. Để làm được việc đó thì người lao động cần có kiến thức (nhớ, truy cập, tích hợp, phân tích và sử dụng) để giải quyết vấn đề.
Nếu vấn đề đủ lớn thì cần sự phối hợp của nhiều người. Nếu đứng ở góc độ cá nhân thì xưa nay các hệ thống giáo dục quốc gia đặt nặng vấn đề nhớ và truy cập kiến thức vì nó là điều kiện cần cho giải quyết vấn đề. Do đó, nhiều hệ thống giáo dục đặt nặng việc học thuộc lòng và trả bài trong các kỳ thi cử. Với sự xuất hiện của internet, việc lưu trữ và truy cập kiến thức không còn quá quan trọng cho con người trong việc giải quyết vấn đề.
Với công cụ tìm kiếm như Google thì con người cần khả năng tích hợp, phân tích và sử dụng kiến thức nhiều hơn khi cần giải quyết vấn đề. Nói một cách khác, khả năng giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn và nhanh hơn khi con người có thể truy cập và tích hợp kiến thức phong phú từ trên mạng hơn là dựa vào trí nhớ của mình. Do đó việc học thuộc lòng và nhớ không còn cần thiết.
Giờ đây công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần. Ngoài ra, nó còn có khả năng đánh giá tính phù hợp và sáng tạo trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề.
Giáo sư Trương Nguyện Thành đưa ra ví dụ: “nếu yêu cầu ChatGPT viết một bài luận để làm hồ sơ xin học ngành công nghệ thông tin AI ở đại học Mỹ dựa trên một số yếu tố cá nhân tôi nêu qua những gạch đầu dòng. ChatGPT viết một bài luận hay hơn khả năng tôi có thể viết. Điều ngạc nhiên qua kiến thức về những bài tự luận mà nó đã học, nó đánh giá thông tin về việc tôi giỏi toán không đủ mạnh. Nó tự chế ra một yếu tố hoàn toàn giả tạo nhưng có khả năng tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xin vào đại học cho tôi“.
Như thế việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì trách nhiệm của con người giờ chỉ còn đánh giá các giải pháp mà AI đề xuất, yêu cầu AI thay đổi và hoàn chỉnh sau đó quyết định sử dụng hay triển khai. Còn các vấn đề khác thì AI có thể hoàn tất hiệu quả và nhanh chóng hơn con người nhiều.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng – Sáng lập Công ty công nghệ Got It – cho rằng: “Mọi người đang lo lắng rằng chatGPT có thể bị sử dụng để tạo ra tin giả. Ngày trước, những người viết tin giả phải viết từng bài một thì giờ viết bằng máy, có thể viết hàng trăm nghìn bài một lúc. Nó phân phối khắp nơi. Mọi người đọc tin giả nhiều quá và nghĩ là thật. Đó là một nguy cơ hữu hình, có thể thấy ngay lập tức”.
Chuyên gia cảnh báo rằng con người sắp bắt đầu bị tấn công và điều khiển
Ngày nay, AI còn được đầu tư nghiên cứu và phát triển bởi các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, và các trường đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới như Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts.
Harari tin rằng mức độ phức tạp ngày càng tăng nhanh chóng của AI có thể dẫn đến một quần thể “người bị tấn công”, theo một báo cáo từ “60 Minutes” của CBSnews. Để giải quyết vấn đề này, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới bắt đầu xem xét và kiểm soát các nỗ lực thu thập dữ liệu của các tập đoàn lớn.
Ông nói với chương trình “60 Minutes”, “Để ‘hack’ (có thể hiểu là tấn công hoặc điều khiển) một con người, thì cần hiểu về người đó rõ ràng và chi tiết”. “Và dựa trên những thông tin đó, để ngày càng thao túng họ”. Ông nói “Netflix cho chúng ta biết những gì để xem và Amazon cho chúng ta biết những gì để mua”. “Cuối cùng thì trong vòng 10 hoặc 20 hoặc 30 năm nữa, các thuật toán như vậy cũng có thể cho bạn biết những gì cần học ở trường đại học, làm việc ở đâu, kết hôn với ai và thậm chí bỏ phiếu cho ai”.
Netflix và Amazon (cũng như Youtube) đã thông qua 1 hệ thống gọi là hệ thống gợi ý sản phẩm (Recommender System) để đưa ra các gợi ý cho người dùng. Hệ thống có thể đưa ra các gợi ý chính xác là nhờ vào việc họ đã thu thập các dữ liệu cá nhân của bạn thông qua những lần tương tác của bạn với hệ thống trong quá khứ.
Harari kêu gọi các quốc gia cần nghiêm túc xem xét các mối đe dọa từ AI, đồng thời đề xuất rằng cần đặt ra các hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm ngặt để đảm bảo dữ liệu không bị sử dụng để thao túng công chúng.
Harari nói trong chương trình “60 Minutes” rằng, “Chắc chắn, bây giờ chúng ta đang ở thời điểm cần hợp tác toàn cầu. Bạn không thể kiểm soát sức mạnh bùng nổ của trí tuệ nhân tạo ở cấp độ quốc gia”. Ông nói thêm rằng, đừng bao giờ để dữ liệu tập trung chỉ ở một nơi. “Đó là công thức cho một chế độ độc tài”.
Đó là một triển vọng lạnh lùng nhưng hợp lý – đặc biệt là hiện nay một số công ty công nghệ đang tìm cách thuyết phục người dùng từ chối hoàn toàn ‘môi trường thực tế’ trong cuộc sống và chấp nhận ‘môi trường ảo’ trên Internet do chính họ tạo ra.
Vân Nghi (t/h)