spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Không chỉ có siêu đập Tam Hiệp, Trung Quốc đang bí mật xây ‘vua đập’ mới: Ở đâu?

Siêu đập mới này được xây ở nơi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển. Đây là dự án thủy điện lớn nhất, sâu nhất, dài nhất và nằm ở độ cao cao nhất thế giới của Trung Quốc — nhưng lại bất chấp hậu quả đối với cộng đồng và hệ sinh thái.

“Nước: Chiến trường mới của châu Á?” là tựa đề cuốn sách của Giáo sư Brahma Chellaney – thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi (Ấn Độ).

Trong cuốn sách xuất bản năm 2011, cựu cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ cho biết, nhu cầu về nước tăng vọt của châu Á khiến châu Á trở thành châu lục khan hiếm nước nhất thế giới tính theo đầu người. Nhiều nguồn nước của châu lục này vượt qua biên giới quốc gia và khi nguồn nước ngày càng khan hiếm, căng thẳng quốc tế có thể gia tăng.

Asia Society (trụ sở chính tại New York, Mỹ) thì bình luận, khoảng cách cung-cầu về nước có thể tạo ra những trở ngại cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng liên tục, gây căng thẳng giữa các quốc gia về các nguồn tài nguyên được chia sẻ, làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ lâu đời và gây thêm khó khăn cho người nghèo.

Tầm nhìn của Giáo sư Brahma Chellaney phần nào đúng trong bối cảnh Trung Quốc hiện được cho là đang âm thầm bí mật xây dựng ‘vua đập’ mới trên dòng sông Yarlung Tsangpo hùng vĩ, với tổng công suất lên tới 60.000 Megawatts – gấp gần 3 lần tổng công suất của siêu đập Tam Hiệp – vốn vẫn là con đập lớn nhất thế giới tính cho đến nay.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2021. Khi đó, Trung Quốc lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng ‘vua đập’ khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc phê duyệt ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 14’ về phát triển kinh tế, xã hội và mục tiêu dài hạn đến năm 2035 của nước này.

Hãng thông tin quốc tế Pressenza thông tin hồi tháng 2/2024 rằng, ‘vua đập’ của Trung Quốc tiêu tốn số vốn khổng lồ lên đến rất nhiều tỷ USD.

Vậy tại sao Trung Quốc bí mật xây dựng ‘vua đập’? Dự án khổng lồ này vấp phải tranh cãi ra sao?

‘Vua đập’ của Trung Quốc vì sao gây tranh cãi?

Trên thế giới, Trung Quốc ‘không có đối’ trong lĩnh vực thủy điện. Quốc gia này sở hữu nhiều đập lớn đang hoạt động hơn mọi quốc gia khác cộng lại. Chưa kể, họ sở hữu đập Tam Hiệp – con đập giữ kỷ lớn nhất thế giới trong nhiều năm. Nhưng sớm muộn sẽ bị siêu đập mới soán ngôi.

Vậy, con đập này nằm ở đâu và vì sao các quốc gia như Ấn Độ lại phản đối?

1/ Xây dựng trong bí mật

Siêu dự án này, với tổng công suất dự kiến là 60.000 Megawatts, sẽ tạo ra lượng điện gấp ba lần so với đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc đưa ra rất ít thông tin cập nhật về tình hình của dự án kể từ khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc phê duyệt vào tháng 3/2021.

Khi theo đuổi dự án lớn này, Trung Quốc phải che giấu hoạt động xây dựng của mình để làm dịu phản ứng của quốc tế liên quan đến môi trường và sự an toàn của cộng đồng.

Bắc Kinh chỉ trình dự án siêu đập lên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc để phê duyệt sau khi đã xây dựng đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc xây dựng siêu đập.

Hai tháng sau khi Quốc hội phê duyệt (năm 2021), Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã hoàn thành kỳ tích “đường cao tốc xuyên qua hẻm núi sâu nhất thế giới”. Đường cao tốc kết thúc gần làng Bishing của Ấn Độ trên biên giới Tây Tạng.

Tháng sau, Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên của Tây Tạng dài 435km, trị giá 5,7 tỷ USD, chạy từ thủ phủ khu vực Lhasa đến Nyingchi (đông nam Tây Tạng), bên cạnh hẻm núi Brahmaputra.

tuyen duong sat ty do phuc vu xay sieu dap
Tuyến đường sắt tỷ đô nối Lhasa với Nyingchi. Ảnh: Railwaygazette

Thực chất, bộ đôi đường sắt và đường cao tốc này được sử dụng nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng siêu đập, như vận chuyển vật liệu, công nhân, kỹ sư cùng thiết bị nặng đến địa điểm xa xôi nơi siêu đập tọa lạc, nơi lâu nay được coi là không thể tiếp cận được vì địa hình nguy hiểm.

Như vậy, công việc xây dựng siêu đập đã và đang diễn ra một cách âm thầm, bí mật. Tất nhiên, được Trung Quốc chuẩn bị rất bài bản. Đường cao tốc và đường sắt là hai ví dụ điển hình.

2/ Siêu công trình chứa nhiều rủi ro

Trước tiên, cần phải hiểu rằng, siêu công trình mà Trung Quốc đang theo đuổi là một kỳ quan kỹ thuật chứa nhiều rủi ro.

Đầu tiên, siêu đập này nằm ở một trong những địa hình hiểm trở nhất thế giới, tại một khu vực vốn từ lâu đã khó tiếp cận nhất thế giới. Nó được xây dựng trên con sông Yarlung Tsangpo (người Ấn Độ gọi là Brahmaputra, nghĩa là ‘Con trai của thần Brahma’) có độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển.

thung lung sọng yarlung
Thung lũng sông Yarlung Tsangpo.

Sông Yarlung Tsangpo uốn khúc qua dãy Himalaya giống chữ U ở đông nam Tây Tạng. Tại nơi nó rẽ ngoặt ở núi Namcha Barwa (cao 7.782 mét), nó tạo thành hẻm núi dốc nhất thế giới và lớn nhất thế giới. Hẻm núi này dài 504,6 km, có độ sâu 6.008 mét, chứa nguồn nước chưa được khai thác lớn nhất châu Á.

Theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, sông Brahmaputra khi hợp lưu với sông Hằng (để đổ ra Vịnh Bengal) có tổng lưu lượng xả trung bình lớn thứ ba trong số các con sông trên thế giới—khoảng 30.770 mét khối mỗi giây; trong đó sông Brahmaputra có lưu lượng xả khoảng 19.800 mét khối mỗi giây. Đây chính là tiềm năng mà Trung Quốc đang rất muốn khai thác.

Thứ hai, con đập khổng lồ này là dự án nguy hiểm nhất thế giới vì nó được xây dựng ở khu vực có hoạt động địa chấn mạnh mẽ. Vị trí này có khả năng sẽ khiến con đập trở thành quả “bom nước” trong tích tắc cho các cộng đồng ở hạ lưu.

Vùng Tây Nam Trung Quốc dễ bị động đất vì nằm trên đường đứt gãy địa chất, nơi xảy ra va chạm giữa các mảng địa chất lục địa Ấn Độ và Á-Âu.

Trận động đất năm 2008 xảy ra ở vành đai phía đông của cao nguyên Tây Tạng, khiến 87.000 người thiệt mạng, bị một số nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đổ lỗi cho đập Tử Bình Phô (lớn nhất ở Tứ Xuyên), cao 156 mét, trọng lượng của hồ chứa nước đập lên đến 315 triệu tấn. Các nhà khoa học cho rằng chính trọng lượng khổng lồ này đã gây ra trận động đất.

3/ Vấp phải tranh cãi lớn

– Đối với Tây Tạng

Sông Brahmaputra trải dài 2.900 km được người Tây Tạng gọi là Yarlung Tsangpo. Cái tên này bắt nguồn từ Thung lũng Yarlung, được cho là cái nôi của nền văn minh Tây Tạng. Thung lũng nhỏ nhưng có vị trí chiến lược này kiểm soát các tuyến thương mại cổ xưa đến Bhutan và Ấn Độ.

Trong văn hóa Tây Tạng, dòng sông Yarlung Tsangpo tượng trưng cho xương sống của nữ thần Dorje Phagmo, một trong những hóa thân cao nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Với siêu dự án này, Trung Quốc đang làm mất đi sự yên bình, thanh tịnh tại nơi linh thiêng nhất của người Tây Tạng.

Chưa kể, thiệt hại về môi trường và đa dạng sinh học từ siêu đập này có thể sẽ ảnh hưởng đến Tây Tạng, nơi được xem là một trong những vùng đa dạng sinh học nhất thế giới.

– Đối với Ấn Độ và Bangladesh

Brahmaputra là một con sông xuyên biên giới khi nó chảy qua Tây Tạng, Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh. Lưu vực sông Brahmaputra trong lịch sử đã xác định biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng ở phía đông dãy Himalaya.

Trước khi chảy vào Đông Bắc Ấn Độ, Brahmaputra đổ xuống từ độ cao hơn 2.700 mét. Nhờ độ dốc hiếm có này, các nhà xây dựng đập Trung Quốc đang lên ý tưởng khai thác thủy điện bằng cách lợi dụng dòng chảy mạnh, dốc này cho đi qua một đường hầm dài 16km xuyên qua ngọn núi cao ở thung lũng con sông.

dong song Brahmaputra
Dòng sông Brahmaputra là nguồn nước ngọt lớn của Bangladesh.

Sông Brahmaputra vốn là nguồn nước ngọt lớn nhất đối với người dân Bangladesh. Nhưng gánh nặng của sự tàn phá môi trường mà siêu dự án này có thể gây ra sẽ do Bangladesh gánh chịu, ở vùng hạ lưu.

Bangladesh vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nếu siêu dự án của Trung Quốc hoàn thành, vấn đề này có thể còn tồi tệ hơn nữa.

Đối với Ấn Độ, dĩ nhiên siêu đập của Trung Quốc có thể khiến môi trường tại khu vực Đông Bắc của quốc gia này (nơi con sông chảy qua) bị tàn phá nặng nề.

Không những thế, những khó khăn về đời sống của Bangladesh có thể tạo nên cuộc di cứ lớn của người tị nạn đến Ấn Độ, nơi đã có vô số người Bangladesh định cư bất hợp pháp.

Dự án siêu đập mới này là biểu tượng cho nỗ lực xây dựng các dự án thủy điện lớn nhất, sâu nhất, dài nhất và nằm ở độ cao cao nhất thế giới của Trung Quốc — nhưng lại bất chấp hậu quả đối với cộng đồng và hệ sinh thái.

Một nguyên tắc cốt lõi của hòa bình về nước là tính minh bạch. Những tác động sâu rộng về mặt chiến lược, môi trường và liên vùng ven sông của con đập lớn nhất từng được hình thành khiến Trung Quốc phải minh bạch.

Theo ĐS&PL
Tham khảo: Asia.Nikkei, Asia Society, IP Defense Forum, Pressenza

Vi sao co nhan loai 4

Xem thêm:

Trung Quốc: Hơn 7.000 người gặp nạn vì đập Tam Hiệp mở 4 cửa xả lũ

Nhân chứng đầu tiên sống sót sau nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc lên tiếng

Hồ sơ: Sự kiện “người bay” chấn động Trung Quốc năm 1977

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều