Tân Thế Kỷ – Hôm thứ Hai (21/8), Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc cho biết – Trung Quốc đang điều tra một công dân Trung Quốc bị buộc tội làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc thông báo – công dân Trung Quốc 39 tuổi, họ Hao, là cán bộ nhà nước và đã đến Nhật Bản để học tập. Theo Bộ An ninh, đó là nơi diễn ra hoạt động tuyển dụng gián điệp. Giới tính của Hao không được tiết lộ.
Tuyên bố được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Bộ này cho biết họ phát hiện ra một công dân khác cũng bị tình nghi làm gián điệp cho CIA.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Trước đó vào ngày 11/8, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc thông báo rằng – một công nhân công nghiệp quân sự của họ đã bị giam giữ vì cáo buộc chuyển thông tin nhạy cảm cho CIA.
Theo tuyên bố, “Zeng”, 52 tuổi, được tuyển dụng làm gián điệp ở Ý – nơi anh ta đã theo học. Ở đó, anh ta được cho là đã gặp một nhân viên CIA đóng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Rome và được tuyển dụng.
Chính quyền Trung Quốc cáo buộc công dân Trung Quốc này đã cung cấp thông tin nhạy cảm cho CIA để đổi lấy “một số tiền bồi thường khổng lồ” và hỗ trợ nhập cư vào Hoa Kỳ.
Đài truyền hình CCTV do nhà nước Trung Quốc kiểm soát báo cáo rằng – ông Zeng đã ký một thỏa thuận gián điệp và được đào tạo trước khi trở về Trung Quốc – nơi ông thực hiện các nhiệm vụ gián điệp.
Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin – tên của đặc vụ CIA là “Seth” và ông Zeng đã được tuyển dụng trong quá trình đi du lịch.
Các báo cáo của truyền thông Trung Quốc không nêu rõ thời điểm tuyển dụng diễn ra.
Nỗ lực chống gián điệp của Bắc Kinh
Vào đầu tháng 8, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc cho biết tất cả công dân Trung Quốc nên tham gia công tác đấu tranh chống gián điệp và báo cáo lại các hoạt động đáng ngờ.
Cơ quan này đã mở một tài khoản WeChat và đưa ra thông báo trên là bài đăng đầu tiên, đồng thời cho biết hệ thống báo cáo này sẽ bình thường hóa hoạt động chống gián điệp của công dân thông qua phần thưởng.
Vào tháng 7, luật chống gián điệp mới được sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hiệu lực, theo đó luật này đã mở rộng đáng kể định nghĩa về hoạt động gián điệp, trong một động thái mà ngoại giới coi là phương tiện để nhắm mục tiêu sâu hơn vào các cá nhân và công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Định nghĩa về hoạt động “gián điệp” của ĐCSTQ không chỉ giới hạn trong việc chuyển bí mật nhà nước cho một tổ chức gián điệp hoặc tổ chức nước ngoài, mà theo định nghĩa mới; việc “các tài liệu, dữ liệu và vật phẩm khác liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia” cung cấp cho “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” cũng được coi là gián điệp.
Truyền thông Nhật Bản là một trong những bên đầu tiên nêu lên mối lo ngại, khi vài tháng trước, một giám đốc điều hành dược phẩm Nhật Bản đã bị bắt tại văn phòng Bắc Kinh của tập đoàn Astellas Pharmaceuticals, khiến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản sửng sốt.
Ông Huang, giám đốc điều hành của một công ty nước ngoài tại Hồng Kông, nói với The Epoch Times vào ngày 27/4 rằng – việc sửa đổi luật chống gián điệp của ĐCSTQ có thể sẽ tác động lớn hơn đến các công ty và nhân viên trong ba loại hình kinh doanh.
Đầu tiên, các doanh nghiệp kế toán điều tra hoặc xem xét vốn nắm giữ thông tin nhạy cảm và có nguy cơ cao. Thứ hai là các công ty báo cáo phân tích đầu tư. Thứ ba là các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác hoặc trao đổi kinh tế thương mại về công nghệ sinh học y tế và phần mềm tại Trung Quốc.
Ông Huang cho biết hầu hết các nước phương Tây đều có luật an ninh quốc gia và chống khủng bố, nhưng chính quyền Trung Quốc không tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thay vào đó, nó có một hệ thống luật pháp không tương thích với hầu hết luật pháp quốc tế “bởi vì các hoạt động hợp pháp của ĐCSTQ thường vi phạm nhân quyền, nên các công ty nước ngoài và nhân viên của họ sẽ rất lo lắng”.
Hoàng Dung (t/h)
Theo Reuters, The Epoch Times
Xem Thêm:
Thẩm phán Hoa Kỳ cho phép bang Florida cấm công dân Trung Quốc mua đất
Bác sĩ Trung Quốc liên quan đến thu hoạch nội tạng bị bắt ở Hoa Kỳ vì buôn bán ma túy
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*